Người Mỹ sẽ từ bỏ siêu tiêm kích tàng hình hệ thứ năm F-35?

03/12/2011 10:43
Trịnh Xuân Tuân (Theo RIA, AFP)
(GDVN) - Mỹ sẽ hạn chế sản xuất các các siêu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35 vì những "khuyết tật" trong quá trình bay thử nghiệm.

Theo giám đốc chương trình F-35, ông David Venlet,  Mỹ sẽ hạn chế sản xuất các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 vì các các siêu tiêm kích tàng hình hiện đại này đã bộc lộ nhiều khuyết tật trong quá trình bay thử nghiệm.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin RIA hôm 2/12, David Venlet cho biết: “Khi phân tích các khuyết tật trong quá trình bay thử nghiệm của F-35 trong suốt 12 tháng qua, chúng tôi đã rất ngạc nhiên bởi sự hạn chế của nó cũng như chi phí sản xuất và vận hành” .

Venlet cho rằng, việc hạn chế sản xuất F-35 sẽ làm giảm chi phí các bộ phận thay thế của F-35 được chế tạo trước khi hoàn tất của các đợt kiểm tra định kỳ theo yêu cầu. Theo Venlet, chi phí để nâng cấp, thay thế các chi tiết của F-35 sau những lần thử nghiệm thất bại gần đây lên đến  3 – 5 triệu đô la.

Từ đầu năm đến nay, Hoa Kỳ đã chi tới 56 tỉ đôla cho việc phát triển “Tia chớp” F-35. Không quân Hoa Kỳ  hiện đang sỡ hữu 21 chiếc siêu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm này.

F-35 có tên gọi chính thức là “Lightning II” (Tia chớp II) được thiết kế và xây dựng bởi một tổ hợp công nghiệp hàng không do Lockheed Martin dẫn đầu và các thành viên khác là BAE Systems và Northrop Grumman.

Trước đây, Lightning là tên gọi của chiếc P-38 của không lực Mỹ trong Thế chiến II và cũng là tên gọi của một loại máy bay thuộc không lực Anh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. 3 mẫu F-35 được sản xuất dựa trên nguyên mẫu X-35, với khả năng tấn công trên mặt đất cũng như thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên không.

Theo đó, F-35A được thiết kế để thay thế F-16 và A-20 của Không quân Mỹ, trong khi F-35C được phát triển để biên chế trên hàng không mẫu hạm, hất cẳng chiếc F-18. Còn mẫu F-35B được chế tạo với khả năng cất cánh thẳng đứng, nhằm thay thế cho chiếc Harrier.

F-35 vẫn còn những hạn chế
F-35 vẫn còn những hạn chế

Nằm trong chương trình JSF (Joint Strike Fighter) nhằm xây dựng, hiện đại hóa máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5, chiếc F-35 được giới quân sự Mỹ đặt nhiều kỳ vọng. Thế nhưng những nỗ lực trong nhiều năm qua khiến Mỹ tiêu tốn không ít tiền của và thời gian mà vẫn không đạt được như mong muốn.

Tính đến cuối năm 2007, sau những  trục trặc và trì hoãn, dự án nói trên đã tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ trị giá 382 tỉ USD cho khoảng 2.440 chiếc F-35.

Có lẽ, Mỹ buộc phải từ bỏ chương trình thiết kế, sản xuất chiếc máy bay tiêm kích đa năng thế hệ thứ năm F-35 Lightning II khi mà mới đây, vào tháng 8/2011, Tổng thống Mỹ Barak Obama và đảng Dân chủ được thông báo về kế hoạch cắt giảm chi ngân sách liên bang 2,5 nghìn tỉ USD trong vòng 10 năm tới.

Ngoài chi phí “siêu đắt đỏ”, F-35 cũng còn nhiều những hạn chế nhất định về mặt công nghệ. Robert Gates, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, động cơ thứ hai cho máy bay chiến đấu do General Electric và Rolls Royce cung cấp trong trường hợp động cơ của Pratt & Whitney không đạt chuẩn là không thực sự cần thiết.

Còn Tom Burbidge, lãnh đạo nhóm thiết kế F-22 thuộc Lockheed Martin, đánh giá: “Chúng tôi đảm bảo cho máy bay tiêm kích F-22 những động tác siêu việt khi cận chiến ở góc 60 độ với vận tốc 150 km/giờ. Còn F-35A và F-35C khi cận chiến như thế có một số tính năng còn thua kém những máy bay tiêm kích hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc F-35 chưa thể được xem là máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5”.

Tuy ngốn nhiều tiền của, và vẫn còn những hạn chế, nhưng giờ đây khó mà thay đổi được việc sản xuất F-35, bởi ngoài Mỹ, Anh còn có 7 quốc gia khác bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy và Australia đã lún sâu vào dự án này.

Trịnh Xuân Tuân (Theo RIA, AFP)