Xét khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 27 có bất cập, GV kiến nghị

23/11/2024 06:50
Phan Tuyết

GDVN - Kết quả đánh giá môn học, hoạt động giáo dục mức Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt đều được xếp là (T) đã làm khó GV khi xét chọn danh hiệu cho học sinh.

Năm học 2024-2025 tất cả học sinh bậc tiểu học (từ khối 1 đến khối 5) đều được đánh giá theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT.

Thông tư đã áp dụng được 4 năm. Trong quá trình thực hiện, người viết là giáo viên tiểu học nhận thấy một số bất cập. Qua trao đổi với đồng nghiệp ở nhiều địa phương, thầy cô mong muốn điều chỉnh để việc xét danh hiệu thi đua cho học sinh đi vào thực chất hơn.

gdvn-lop-1-8155.jpg
Ảnh minh họa.

Môn năng khiếu yêu cầu đạt mức tốt, nhiều học sinh có lực học xuất sắc cũng khó được khen thưởng

Bậc tiểu học hiện nay, có môn học Nghệ thuật gồm Âm nhạc và Mỹ thuật. Đây là tên gọi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng thực chất, học sinh vẫn đang được đánh giá một cách độc lập.

Đây được xem là môn học năng khiếu. Theo chia sẻ của một số giáo viên giảng dạy môn học này, học sinh đạt được mức Hoàn thành tốt là vô cùng khó. Để đánh giá đúng thực chất, một lớp chỉ khoảng vài ba em.

Có những học sinh học rất tốt các môn học khác, có năng lực phẩm chất nổi trội nhưng học Âm nhạc hoặc Mỹ thuật chỉ ở dạng bình thường. Vì thế, không đạt được một danh hiệu thi đua nào.

Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt đều xếp T

Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 9, Thông tư 27 thì học sinh tiểu học hiện được đánh giá theo 4 mức:

- Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;

- Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;

- Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;

- Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.

Có thể thấy, Hoàn thành xuất sắc hay Hoàn thành tốt thì các môn học và năng lực phẩm chất cũng đều được xếp Tốt (T) như nhau.

Cụ thể, khối 1,2 là 7 môn học bắt buộc (quy định là môn Nghệ thuật nhưng hiện tại Âm nhạc và Mỹ thuật vẫn đang đánh giá riêng). Khối lớp 3 là 8 môn, khối lớp 4 và 5 là 9 môn học cùng với 13 năng lực phẩm chất đều phải xếp Tốt.

Bối rối khi xét 2 danh hiệu Học sinh Xuất sắc và Học sinh Tiêu biểu

Từ việc xếp loại đánh giá như trên, học sinh sẽ có 2 danh hiệu được khen thưởng là Học sinh Xuất sắc và Học sinh Tiêu biểu.

Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 13, Thông tư 27 quy định về 2 danh hiệu được khen thưởng:

- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;

- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

Rõ ràng, dù học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc hay Hoàn thành tốt đều xếp được xếp là (T) (chỉ khác nhau ở điểm bài kiểm tra cuối kỳ). Điều này, đã làm khó giáo viên khi xét chọn danh hiệu cho học sinh.

Học sinh khó đạt Học sinh Tiêu biểu nhưng nguy cơ lại “loạn” Học sinh Xuất sắc

Danh hiệu Học sinh Tiêu biểu như Thông tư 27 là xếp sau danh hiệu Học sinh Xuất sắc nhưng theo quy định ở Điểm a, Khoản 2, Điều 9 thì học sinh rất khó đạt được danh hiệu Học sinh Tiêu biểu trong khi ở nhiều trường danh hiệu học sinh Xuất sắc lại nhiều.

Mặc dù, Điểm a, Khoản 2, Điều 9, Thông tư 27 có quy định, mức Hoàn thành xuất sắc thì bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên, còn mức Hoàn thành tốt thì bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên.

Trong thực tế, không ít học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt lại có bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên nhưng giáo viên vẫn phải xét đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc.

Ví như lớp chủ nhiệm của tôi trong năm học vừa qua, có 4 học sinh có cả 8 môn học cùng với 13 năng lực phẩm chất đều xếp (T). Điểm bài kiểm tra cuối kỳ của cả 4 em đều đạt điểm 9, 10. Nếu theo quy định của Thông tư 27 thì cả 4 em đều đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc.

Tuy nhiên, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của 4 học sinh ấy theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông, thông qua cả một quá trình học tập thì chỉ có 2 em xứng đáng với danh hiệu Học sinh Xuất sắc, còn 2 em chỉ ở mức đạt danh hiệu Học sinh Tiêu biểu.

Thế nhưng do điểm 2 bài thi của cả 4 em đều là điểm 9 và 10 nên theo quy định của Thông tư 27, tôi buộc phải xét cho cả 4 em đạt Học sinh Xuất sắc.

Một đồng nghiệp khác của tôi cũng cho biết, lớp của bạn có tới 15 học sinh được xếp (T) ở các môn học và năng lực phẩm chất. Điểm bài thi của 13 em đạt 9, 10 chỉ có 2 em đạt điểm 8 ở môn đánh giá bằng điểm số.

Theo đánh giá trực tiếp của giáo viên trong suốt quá trình học tập, rèn luyện thì chỉ có 5 em xứng đáng nhận danh hiệu Học sinh Xuất sắc còn 10 em còn lại chỉ đạt mức Học sinh Tiêu biểu.

Tuy nhiên, 10 học sinh theo đánh giá của giáo viên chỉ ở mức Học sinh Tiêu biểu lại có điểm bài thi ở môn đánh giá bằng điểm số là 9 và 10. Còn 2 học sinh được giáo viên đánh giá có lực học xuất sắc nhất ở lớp thì điểm bài thi chỉ đạt 8.

Giáo viên đã rơi vào thế khó khi xét danh hiệu. Em xứng đáng là Học sinh Xuất sắc chỉ còn là Học sinh tiêu biểu còn em xứng đáng là Học sinh tiêu biểu lại được xếp thành Học sinh Xuất sắc.

Cuối cùng lớp của cô giáo đồng nghiệp của người viết đã có tới 10 Học sinh Xuất sắc và 5 Học sinh Tiêu biểu.

Cô không thấy vui mà khá buồn và nuối tiếc cho 2 học sinh lẽ ra phải đạt xuất sắc lại rơi xuống nhóm tiêu biểu còn 10 học sinh lẽ ra chỉ đạt tiêu biểu lại được vựợt lên nhóm xuất sắc chỉ nhờ vào điểm bài kiểm tra cuối kỳ.

Giáo viên đã không thể đánh giá học sinh theo cả một quá trình học tập (trên tinh thần Thông tư 27 quy định) mà phải xét danh hiệu học sinh dựa theo điểm số (cũng do quy định trong Thông tư 27). Đây chính là mâu thuẫn của Thông tư 27/2020 về đánh giá học sinh tiểu học.

Đôi điều kiến nghị

Từ những bất cập nêu trên, nhiều giáo viên mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh Điểm a, Khoản 2, Điều 9 quy định về mức Hoàn thành tốt.

Thứ nhất, bỏ quy định về bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên. Bởi, học sinh đã được giáo viên đánh giá là học sinh có lực học tốt mà điểm kiểm tra cuối kỳ đạt 7 điểm sẽ là bất thường và luôn được giáo viên, nhà trường cho kiểm tra lại theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 7:

“…Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh”.

Thứ hai, quy định ở Điểm a, Khoản 1, Điều 13 về khen thưởng Học sinh Tiêu biểu. Thông tư 27/2020 quy định: Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận

Nên được điều chỉnh lại là "Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục có từ 6 môn học và 10 năng lực phẩm chất đạt mức Hoàn thành tốt trở lên".

Thứ ba, các môn học và năng lực phẩm chất đạt mức tốt (riêng môn Nghệ thuật) đạt mức Hoàn thành là đủ yêu cầu tham gia xét danh hiệu cho học sinh.

Điều chỉnh những điểm này vừa hạn chế được tình trạng Học sinh Xuất sắc nhiều hơn Học sinh Tiêu biểu như hiện nay cũng như không bỏ sót những học sinh có lực học các môn thật sự nổi bật nhưng không có năng khiếu về nghệ thuật.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết