Thầy Đàm Thanh Lạc (sinh năm 1978) - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang là 1 trong 251 Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.
Thầy Lạc bắt đầu sự nghiệp giáo dục từ năm 1999. Thầy có 3 năm là giáo viên trực tiếp đứng lớp, sau đó được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý cho đến nay. Tính đến năm 2024, thầy đã công tác qua 7 đơn vị trường học và giữ chức vụ hiệu trưởng trong suốt 21 năm qua. Thầy được bổ nhiệm làm hiệu trưởng tại Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng từ năm 2018, đây cũng là ngôi trường mà thầy Lạc từng theo học.
Người khởi xướng cuộc thi “Hùng biện dưới cờ” giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Trong quá trình công tác, thầy Đàm Thanh Lạc đã có 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2020 và 2023; 5 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2020 đến năm 2024; 4 lần được tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Thầy được biểu dương là điển hình tiên tiến của cụm thi đua số 8, gồm 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, thầy cũng là cán bộ quản lý, hướng dẫn tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các cán bộ quản lý cấp trung học phổ thông của tỉnh Kiên Giang.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng sở hữu 5 sáng kiến cấp cơ sở được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang công nhận có hiệu quả áp dụng trong quản lý; 2 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh công nhận năm 2020 và 2022. Thầy từng đạt giải Ba cuộc thi tìm hiểu 65 năm truyền thống Bộ đội biên phòng năm 2023; giải Nhất cuộc thi viết và phóng sự truyền hình về phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đàm Thanh Lạc cho biết, tất cả những sáng kiến bản thân từng viết đều là những tâm huyết, những trải nghiệm, tìm tòi và sáng tạo trong quá trình làm công tác quản lý, giảng dạy và giáo dục học sinh.
“Đối với tôi, sáng kiến mà bản thân tâm đắc nhất có lẽ là sáng kiến tổ chức cuộc thi “Hùng biện dưới cờ” giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đây là mô hình được áp dụng tại Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng trong suốt 6 năm qua. Mỗi buổi sáng thứ hai đầu tuần, trong giờ sinh hoạt dưới cờ, đại diện học sinh tham gia hùng biện trước toàn trường các vấn đề mang tính thời sự về học đường như: phòng, chống bạo lực học đường; học sinh với an toàn giao thông; tác hại của thuốc lá điện tử; ứng xử văn minh trên không gian mạng,...
Qua các phần hùng biện được thực hiện bởi chính học sinh, các em được nói lên quan điểm của mình, phân tích thực trạng, nguyên nhân và hậu quả của vấn đề, qua đó, rút ra những bài học cho bản thân và gửi những thông điệp đến bạn bè xung quanh.
Với sáng kiến này, học sinh Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng không chỉ tuyên truyền các vấn đề bức thiết đến bạn bè mà còn có cơ hội rèn luyện kỹ năng thuyết trình, kỹ năng nói trước đám đông và sự tự tin của bản thân. Công tác tuyên truyền, giáo dục không còn cứng nhắc, một chiều từ thầy sang trò mà còn có sự tương tác lẫn nhau giữa học sinh với học sinh.
Các vấn đề giáo dục trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn khi các em học sinh có cùng góc nhìn, cùng quan điểm. Đặc biệt, sáng kiến này đã được báo cáo trong khối thi đua các trường trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang và được một số trường nhân rộng thực hiện”, thầy Lạc cho biết.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sáng kiến sáng tạo trong công tác dạy và học, thầy Đàm Thanh Lạc cũng gặp không ít những khó khăn. Đối với sáng kiến cuộc thi "Hùng biện dưới cờ", khi triển khai ở năm đầu tiên, học sinh rất ngại ngùng khi đứng trước nơi đông người và các em bị lệ thuộc quá nhiều vào văn bản, trình bày dưới dạng học thuộc lòng. Việc triển khai chưa hiệu quả nên đã mất khá nhiều thời gian của buổi sinh hoạt dưới cờ mà kết quả không như mong đợi.
Để khắc phục hạn chế này, thầy Lạc đã phối hợp cùng đoàn trường tổ chức hướng dẫn những kỹ năng cần có khi hùng biện cho các em học sinh, cách để bài thuyết trình của mình thu hút, hấp dẫn và chạm tới trái tim người nghe. Tính đến nay đã có hơn 120 phần thi hùng biện dưới cờ được thực hiện trong suốt 6 năm qua. Hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh nhờ đó mà được nâng lên đáng kể.
Theo thầy Lạc, nhà giáo không chỉ là “người lái đò” truyền đạt cho học sinh tri thức mà còn là người thắp sáng niềm đam mê, khơi gợi cảm hứng học hỏi và rèn luyện phẩm chất, đạo đức cho thế hệ tương lai.
Tâm huyết với nghề giáo, nỗ lực “gieo mầm xanh” tới thế hệ học trò
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề giáo, thầy Đàm Thanh Lạc cho biết, bản thân sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con; cha là giáo viên, mẹ bán hàng rong để nuôi 7 người con ăn học. Ngay từ nhỏ, hình ảnh người cha – một nhà giáo giản dị được nhiều đồng nghiệp và học trò yêu mến đã "gieo mầm" tình yêu với nghề giáo trong lòng thầy Lạc.
“Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi đã quyết định theo học ngành sư phạm dù bấy giờ mức lương nghề giáo rất thấp, cuộc sống chật vật, nhiều người xin thôi việc vì lương không đủ sống. Dẫu vậy, tôi luôn tin vào giá trị sâu sắc mà nghề giáo mang lại. Cha tôi đã truyền cho tôi động lực để theo đuổi con đường này. Nhìn vào tấm gương của cha, tôi thấy rõ rằng nghề giáo không chỉ là công việc mà là sứ mệnh, cơ hội để tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội.
Cha tôi không chỉ là người thầy mà còn là người bạn, người đồng hành tận tụy, luôn chia sẻ những câu chuyện, những bài học quý giá trong suốt hành trình làm nghề. Mỗi khi tôi gặp khó khăn, cha luôn khích lệ tôi kiên trì và giữ vững niềm tin vào nghề nghiệp mình đã chọn. Chính sự yêu nghề và tấm lòng tâm huyết của cha đã thắp sáng trong tôi niềm đam mê với ngành giáo dục.
Không chỉ tôi, trong gia đình còn có ba anh em, mỗi người đều đã và đang công tác trong ngành giáo dục. Chúng tôi nối tiếp nhau theo bước chân của cha, cống hiến sức lực và trí tuệ để góp phần vào sự nghiệp trồng người”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng cho biết.
Từ khi trở thành giáo viên và sau đó là cán bộ quản lý, mối bận tâm lớn nhất luôn day dứt trong lòng thầy Lạc là những học trò nghèo, không có đủ điều kiện để đến trường và có nguy cơ bỏ dở con đường học vấn.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của thầy Lạc là năm đầu tiên bắt đầu sự nghiệp dạy học (năm 1999), với tâm huyết của thầy giáo trẻ, thầy đã cùng tập thể lớp đạt hạng Nhất trong phong trào thi đua của trường nhiều tuần liên tục.
Tuy nhiên, trong lớp có một học sinh thường xuyên đi học muộn, bỏ học và không thuộc bài, mặc dù thầy đã sử dụng nhiều biện pháp động viên và nhắc nhở. Đây là một học sinh trầm tính, ít nói và ngay cả khi bị khiển trách, em cũng không nói lời nào. Sau nhiều lần giáo dục không hiệu quả, thầy Lạc quyết định đến tận nhà em để tìm hiểu nguyên nhân.
Nhà của học sinh đó cách trường gần 5km và để đến lớp, mỗi ngày em phải dậy từ 4 giờ sáng để đón xuồng, ghe “quá giang”. Khi đến nơi, thầy Lạc không khỏi xúc động trước hoàn cảnh của em với một căn nhà lá xơ xác, rách nát, gia đình chật vật mưu sinh, cha mẹ phải tha hương cầu thực. Còn em học sinh ngoài giờ học phải tất bật phụ giúp bà lo toan công việc gia đình.
Câu chuyện ấy đã để lại trong thầy một bài học sâu sắc, nhắc nhở thầy cần dành sự quan tâm nhiều hơn đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, thầy Lạc luôn nỗ lực hết mình để san sẻ những khó khăn, động viên các em học sinh kiên trì trên con đường học vấn. Thầy không ngần ngại liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp hay cựu học sinh để vận động quỹ khuyến học cho Hội Khuyến học của trường, nhằm hỗ trợ kịp thời và không để học trò nghèo bị bỏ lại phía sau.
Để cân bằng giữa công việc trường lớp, gia đình và các trách nhiệm cá nhân, theo thầy Lạc, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một phương pháp làm việc khoa học, có kế hoạch cụ thể. Đồng thời, sự nhiệt huyết và tình yêu với nghề giáo chính là nguồn động viên to lớn để mỗi thầy, cô giáo không ngừng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Nhìn lại hành trình đã qua, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng tâm niệm rằng, nghề giáo tuy không mang lại sự giàu có về vật chất nhưng lại giúp người thầy giàu có về tình cảm, lòng vị tha và đặc biệt là nhận được sự yêu thương, kính trọng từ bao thế hệ học trò.
Để gắn bó lâu dài với nghề giáo, không gì quan trọng hơn tình yêu thương chân thành dành cho thế hệ học sinh. Theo thầy Đàm Thanh Lạc, ở lứa tuổi học trò với những sự bồng bột, suy nghĩ chưa chín chắn hay mắc phải những khuyết điểm nhỏ là điều không thể tránh khỏi. Một nhà giáo biết thấu hiểu, bao dung sẽ không chỉ vun đắp nên những tâm hồn đẹp mà còn gieo mầm thành công cho nhiều thế hệ, giúp các em học sinh trưởng thành cả về đạo đức lẫn trí tuệ.