Đối với giáo dục vùng cao, học sinh vẫn còn khó tiếp cận công nghệ thông tin cũng như mạng internet, máy tính... Tuy nhiên, cô giáo Đỗ Thùy Quyên, giáo viên dạy Tin học của Trường Trung học cơ sở Đồng Khê (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã có nhiều sáng kiến trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, giúp trẻ em nơi đây tiếp cận gần hơn với công nghệ thông tin qua những giờ học đậm chất 4.0.
Nỗ lực đưa công nghệ thông tin đến vùng cao
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Đỗ Thùy Quyên chia sẻ, trước đây, khi còn làm giáo viên mầm non, gắn bó với những đứa trẻ người Mông ở Trường Mầm non Suối Giàng, với tư duy sáng tạo, cô đã áp dụng công nghệ thông tin vào từng giờ học để giúp các em hứng thú đến trường, say mê từng tiết học.
Nhờ công nghệ thông tin mà cô biết đến và tiếp cận với giáo dục STEM, thời điểm cuối năm 2017, hành trình tìm hiểu, áp dụng và thúc đẩy giáo dục STEM của cô giáo Đỗ Thùy Quyên cũng bắt đầu từ đó.
Khi mới biết đến và tiếp cận với giáo dục STEM, cô Quyên xây dựng những hoạt động STEM nhỏ phù hợp với lứa tuổi học sinh của mình. Khi nhận thức rõ hơn về lợi ích giáo dục STEM mang lại cho học sinh, cô vừa học tập tích lũy kiến thức về giáo dục STEM, vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh từ các hoạt động STEM thực tế tổ chức tại lớp.
Từ những việc đó, cô được Sở, Phòng Giáo dục, các đơn vị trường từ trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non mời đến để chia sẻ, tập huấn cho giáo viên về tổ chức hoạt động giáo dục STEM cho giáo viên.
Bên cạnh đó, cô Quyên cũng tham mưu, tư vấn cho một số Phòng Giáo dục, các đơn vị trường trung học cơ sở tổ chức “Ngày hội STEM”.
“Có thể nói điểm sáng trong hành trình thúc đẩy giáo dục STEM của tôi là thúc đẩy STEM 4.0. Khi biết đến robot, lập trình…tôi nhận thức rõ về STEM 4.0 đối với giáo dục và đặc biệt đối với công tác chuyển đổi số trường học, từ những bộ robot đầu tiên cho học sinh mầm non, nhận thấy sự hào hứng của học sinh khi được tiếp cận với robot, tôi bắt đầu tìm hiểu về các bộ Robot dành cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, các cấp học lớn hơn.
Tôi đã liên lạc với đội ngũ Liên minh STEM để xin tài trợ Robot (KCbot) cho 3 huyện gồm Văn Chấn, Mù Cang Chải và Than Uyên (Lai Châu). Đây là cơ sở để các huyện triển khai mô hình robot 4.0. Đó cũng chính là hành trình thúc đẩy giáo dục STEM, đặc biệt STEM 4.0 của tôi”, cô Quyên chia sẻ.
Không ngừng sáng tạo, Đỗ Thùy Quyên tiếp tục nghiên cứu và thực hiện dạy học theo phương thức giáo dục STEM cho học sinh Mầm non Suối Giàng. Cô cũng xây dựng nhiều hoạt động dạy học STEM và được học sinh hưởng ứng như làm giá đỗ sạch hay dự án STEM bảo tồn và phát triển chè cổ thụ Suối Giàng...
Từ đam mê ấy, cô tiếp tục theo học đại học, sau khi học xong, cô được lãnh đạo huyện, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn quan tâm và tạo điều kiện để chuyển lên dạy trung học cơ sở từ đầu năm học này.
Từng là người có nhiều năm gắn bó với trẻ mầm non tại xã Suối Giàng, cô Thùy Quyên nhớ lại: “Học sinh đều là người Mông, hơn nữa các em cũng còn rất nhút nhát.
Năm học 2013-2014, tôi tình nguyện đi vào dạy tại một điểm trường lẻ rất xa. Tôi đi xin sữa tài trợ cho các con uống. Thế nhưng, điều khiến tôi nghẹn ngào là các con không biết cắm ống hút như thế nào để uống, vì có lẽ các con chưa được uống bao giờ. Hình ảnh đó đã trở thành một kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi, và khiến tôi muốn gắn bó, muốn làm cái gì đó nhiều hơn cho các con, hơn là việc chỉ chăm sóc, dạy dỗ các con như bình thường”.
Giảng dạy trong môi trường nhiều khó khăn nhưng cô Quyên đã và đang nỗ lực hết mình để mang lại những phương pháp, điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Những kết quả tích cực từ các dự án như sách 3D, dạy học STEM, dạy học robot thông minh... là động lực để cô Quyên tiếp tục cố gắng.
Từ năm 2018, cô Quyên tham gia Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam của Microsoft. Với việc tham gia này, cô Quyên đã ứng dụng công cụ Skype mở lớp học "Không biên giới". Thông qua Skype, cô Quyên kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo khác tại Việt Nam và nước ngoài.
Khi thực hiện kết nối thành công với những lớp học ở các tỉnh thành khác, nhờ nền tảng công nghệ thông tin, lớp học không biên giới đã đưa các con đi tham quan nhiều nơi. Nhờ nỗ lực của cô, mà các học trò vùng cao của cô tự tin hơn, nhiều em trước kia không giao tiếp thì giờ cởi mở hơn.
Dù ở cấp học nào cũng sẽ cố gắng dành những gì tốt nhất cho học sinh
Trước đây, mọi người ở Cộng đồng Giáo viên sáng tạo gọi cô Đỗ Thùy Quyên là "Cô giáo 4.0", cô Quyên chia sẻ: “Chính biệt danh này cũng vô hình tạo cho tôi một áp lực. Khi chuyển lên dạy ở trường trung học cơ sở, tôi cũng có rất nhiều băn khoăn và lo lắng, lo lắng bởi không biết mình có phát huy tốt như mình đã từng thực hiện không”.
Chia sẻ về cách để học sinh ở vùng cao tiếp cận, làm quen với công nghệ thông tin, cô Quyên cho biết, có thể nói khoảng thời gian công tác tại cấp học mầm non là hành trình rất ý nghĩa, giúp cô hiểu sâu hơn về nhu cầu tiếp cận công nghệ thông tin của giáo viên và học sinh, đặc biệt khi chuyển sang dạy học sinh trung học cơ sở, cô nhận thấy rõ ràng hơn về sự khác biệt giữa 2 cấp học này.
Với cấp mầm non việc khai thác công nghệ thông tin là giáo viên khai thác để thiết kế vào các bài giảng như thiết kế các hình ảnh minh họa cho nội dung bài, video, các trò chơi sinh động, hấp dẫn để thu hút trẻ.
Với cấp trung học cơ sở thì ngoài việc giáo viên cần xây dựng các bài giảng sinh động hấp dẫn còn phải tạo môi trường để học sinh được sử dụng công nghệ thông tin, cô thường sử dụng các ứng dụng đơn giản để tạo quiz trực tuyến, sử dụng các nền tảng học tập kết nối để giúp các em vừa học vừa làm quen với công nghệ, vừa nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin của các em.
Bên cạnh đó cô tổ chức các hoạt động học theo các dự án nhóm, khuyến khích các em sử dụng công nghệ thông tin để báo cáo như là video thuyết trình…
Từ mang “lớp học 4.0” với các trẻ em ở mầm non đến cấp trung học cơ sở, theo cô Thùy Quyên, 2 cấp học là 2 nhóm độ tuổi khác nhau, sự khác biệt chủ yếu nằm ở mục tiêu giáo dục, phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận của học sinh.
Đối với trẻ mầm non hoạt động chủ đạo của các con là vui chơi, việc học ở trẻ mầm non là học thông qua chơi, việc áp dụng công nghệ thông tin không nhằm vào việc để các con thành thạo công nghệ mà tập trung vào việc tạo ra môi trường học tập đa giác quan và tương tác, sinh động và hấp dẫn để thu hút được các con.
Đối với học sinh trung học cơ sở, ở độ tuổi này, các em đã phát triển về khả năng tư duy trừu tượng và khả năng sử dụng công nghệ để phục vụ học tập, sáng tạo, vì vậy mục tiêu ở cấp học này là giúp các em sử dụng công nghệ thông tin để chủ động học tập và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.
Đặc biệt, cô Quyên luôn quan tâm và chú trọng đến việc dậy các em biết cách khai thác mạng Internet đúng cách, biết bảo vệ thông tin của bản thân, cũng như những người xung quanh.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của cô Quyên cộng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ mọi người xung quanh đã giúp những đứa trẻ vùng cao trở nên tự tin và mở lòng hơn với cô giáo. Để giờ đây, từ một giáo viên người Kinh lên xã Suối Giàng công tác, cô Quyên đã trở thành "người mẹ thứ 2” của những đứa trẻ người Mông.
“Có đến 12 năm công tác tại xã Suối Giàng, 98% các em đều là người Mông, vì có sự gắn bó nên tôi rất yêu văn hóa và con người nơi đây. Khi thấy các con thiếu thốn, khó khăn, bất kì cô giáo mầm non nào cũng có thể trở thành người mẹ thứ 2. Có thể tôi khác với mọi người vì tôi hướng đến sự thay đổi, giúp các con có nhận thức tốt hơn để tự tin, giao tiếp, biết đến bảo tồn văn hóa và đặc biệt là bảo tồn văn hóa dân tộc người Mông.
Tôi luôn tự nhủ rằng mình sẽ cố gắng hết sức để mang lại những điều mới mẻ cho học sinh dù là ở bất cứ cấp học nào. Đồng thời cũng cố gắng để có thể làm được những gì tốt nhất dành cho các con và người dân Suối Giàng, Đồng Khê nói riêng, Văn Chấn nói chung", cô Quyên chia sẻ.