Đề xuất các ngành khó tuyển được linh hoạt chỉ tiêu xét tuyển sớm lớn hơn 20%

11/12/2024 06:13
Mai Anh

GDVN - Việc giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm nhận được sự ủng hộ nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại về tính phù hợp với đặc thù từng trường và ngành đào tạo.

Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm còn 20%.

Nội dung này được nhiều cơ sở giáo dục ủng hộ vì có thể đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng nên linh hoạt quy định hơn để phù hợp với quy mô đào tạo cũng như đặc thù của từng trường, từng ngành.

Siết chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ đảm bảo sự công bằng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Mở Hà Nội nhận định, việc giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm không ảnh hưởng quá nhiều tới công tác tuyển sinh của nhà trường, bởi những năm gần đây Trường Đại học Mở Hà Nội thường dành dưới 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm. Bên cạnh đó, nhu cầu đăng ký xét tuyển vào trường khá lớn, đủ để nhà trường có các phương án tuyển sinh phù hợp, hiệu quả cũng như thu hút thí sinh có chất lượng.

“Nếu quy định mới này được ban hành, kế hoạch tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ có sự thay đổi. Riêng Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ có những điều chỉnh phù hợp thông qua việc phân tích số liệu cụ thể trong công tác tuyển sinh, đào tạo và nhu cầu của các thí sinh. Các chỉ tiêu về xét tuyển sớm của trường cũng sẽ đảm bảo theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, thầy Ngọc Anh cho biết.

thay-ngoc-anh-8044.jpg
Thầy Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Hà Văn Đổng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình cho hay, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo chủ yếu ảnh hưởng đến các trường có quy mô đào tạo lớn. Hiện tại, Trường Đại học Thái Bình đang áp dụng các hình thức xét tuyển theo đề án của trường và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, với dự thảo mới, nhà trường sẽ nghiên cứu thêm để điều chỉnh cho phù hợp.

Năm 2024, Trường Đại học Thái Bình chỉ dành khoảng 15% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, nên sự thay đổi của dự thảo không quá ảnh hưởng đối với nhà trường. Thầy Đổng cũng cho biết, nhìn chung, giới hạn tỷ lệ xét tuyển sớm giúp đảm bảo sự công bằng giữa các trường, tránh gây khó khăn cho các trường đại học địa phương trong công tác tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự tham vấn và nghiên cứu kỹ lưỡng khi đưa ra quy định này.

Việc giới hạn tỷ lệ xét tuyển sớm không vượt quá 20% cũng nhằm hạn chế tình trạng các trường lớn “hút hết” thí sinh trong đợt xét tuyển sớm, đồng thời tránh việc học sinh chỉ tập trung vào xét tuyển sớm mà lơ là việc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nếu chỉ tiêu xét tuyển sớm quá cao, có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

469091584_557980476986223_4056417431531646540_n.jpg
Tiến sĩ Hà Văn Đổng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình. (Ảnh: Website nhà trường)

Cũng theo thầy Đổng, đối với các trường đại học địa phương, việc xét tuyển sớm gặp khó khăn hơn so với các trường lớn, bởi vì những học sinh có năng lực học tập tốt thường ưu tiên lựa chọn những trường lớn. Do đó, các trường đại học địa phương ít bị ảnh hưởng bởi giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm, trong khi các trường top đầu có thể gặp khó khăn khi không được quyết định chỉ tiêu xét tuyển sớm theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển chính thức. Tiến sĩ Hà Văn Đổng nhận định, đây là một quyết định hợp lý giúp đảm bảo chất lượng đầu vào và tránh tình trạng xét tuyển sớm với tiêu chuẩn thấp hơn, làm ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh. Quá trình xét tuyển sớm vẫn phải đảm bảo tính nghiêm túc và không được coi là một đợt xét tuyển dễ dàng.

457384528_489890630461875_6380084391371166347_n.jpg
Sinh viên Trường Đại học Thái Bình làm thủ tục nhập học năm 2024. (Ảnh: Website nhà trường)

Đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh cho hay, quy định điểm trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển chính thức là phù hợp, nhất là đối với hình thức xét tuyển sớm bằng học bạ. Chính vì thế, các trường cần tính toán kỹ lưỡng để chọn được những phương thức phù hợp nhất, từ đó có thể nâng cao chất lượng thí sinh.

Để nâng cao hiệu quả tuyển sinh, nhất là việc tuyển sinh theo hình thức xét tuyển sớm, theo thầy Hà Văn Đổng, các trường cần cải tiến chất lượng đội ngũ giảng viên, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất hiện đại để thu hút sinh viên. Ngoài ra, có thể quảng bá trường qua các phương tiện truyền thông cũng là một yếu tố quan trọng giúp trường thu hút thêm thí sinh nhưng cần đảm bảo tính chân thực và chất lượng thông tin.

Đề xuất linh hoạt tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển sớm phù hợp với đặc thù từng ngành đào tạo

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định giới hạn tỷ lệ xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành đào tạo nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình tuyển sinh. Quy định này cũng nhằm hạn chế tình trạng xét tuyển sớm tràn lan, gây rối loạn thông tin và khiến thí sinh gặp khó khăn trong việc theo dõi, lựa chọn ngành học phù hợp.

Tuy nhiên, quy định này cũng bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt trong việc đáp ứng yêu cầu linh hoạt của các trường đại học và đặc thù của từng ngành đào tạo.

“Trước hết, đối với các trường có yêu cầu xét tuyển cao nhằm tuyển chọn sinh viên xuất sắc hoặc có năng lực vượt trội, giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm gây trở ngại trong việc chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Quy định này có thể làm giảm khả năng thu hút thí sinh chất lượng cao, đặc biệt ở những ngành khó tuyển sinh hoặc có tính cạnh tranh quốc tế.

Ngoài ra, việc dồn phần lớn chỉ tiêu vào kỳ xét tuyển chính tạo áp lực lớn cả cho nhà trường lẫn thí sinh trong thời gian ngắn. Các trường khó dự đoán chính xác số lượng thí sinh nhập học, dẫn đến nguy cơ thiếu hoặc thừa chỉ tiêu, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tuyển sinh”, thầy Quỳnh nhận định.

z5779147527441-e133f2ff1a63e682ae51d8558595d539-8325.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. (Ảnh: NVCC)

Không ít ý kiến cho rằng quy định giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm cần linh hoạt hơn để phù hợp với đặc thù từng trường và từng ngành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh cho rằng điều này là đúng đắn. Bởi theo thầy Quỳnh, các ngành đặc thù hoặc nông nghiệp thường phụ thuộc vào xét tuyển sớm để đảm bảo đủ số lượng sinh viên nhập học. Việc giới hạn tỷ lệ xét tuyển sớm ở mức 20% có thể khiến các ngành này khó đạt đủ chỉ tiêu, gây mất cân đối ngành nghề trong xã hội.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng còn cho rằng, điều này có thể dẫn đến các hệ lụy như ngành cần lao động thì không có đủ nhân lực, trong khi các ngành thừa nhân lực lại không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Sự mất cân đối này còn có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế địa phương, làm giảm động lực thu hút đầu tư và thậm chí làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh cho hay, nhiều cơ sở giáo dục mong muốn quy định giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm được linh hoạt và phù hợp với đặc thù của từng trường. Tuy nhiên, để có thể phù hợp với đặc thù thì cần có sự phân tích kỹ lưỡng bằng các phương pháp khoa học. Nếu không, việc linh hoạt có thể trở thành “tùy tiện”. Như vậy, các quy định sẽ không còn hiệu quả và hiệu lực như mong muốn.

Để đảm bảo hiệu quả và tính thực tế, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, cần điều chỉnh quy định linh hoạt hơn. Cụ thể, đối với các ngành khó tuyển sinh hoặc ít được ưa chuộng, nên cho phép xét tuyển sớm lên đến 30-40% chỉ tiêu để tăng khả năng thu hút thí sinh.

Đồng thời, các trường có cơ sở vật chất tốt, đã được kiểm định chất lượng hoặc có uy tín cao nên được phép xét tuyển sớm với tỷ lệ lớn hơn, nhằm phát huy thế mạnh và đáp ứng nhu cầu đào tạo gắn với thực tiễn. Sự điều chỉnh này không chỉ đảm bảo cân đối giữa các ngành nghề mà còn góp phần tạo động lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong dài hạn.

Mai Anh