Sứ mệnh của Đại học Quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

10/12/2024 15:38
GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang

GDVN -Tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW là dịp hai Đại học Quốc gia ra soát lại chặng đường đã qua đã tìm ra những mặt tích cực để phát huy và những nút thắt cần tháo gỡ.

Nhân kỷ niệm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội (10/12/1993 - 10/12/2024), Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về những định hướng lớn, quan trọng của Đảng với sự phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội trong giai đoạn mới. Là một Giáo sư lịch sử, ông đã đưa ra những ý kiến về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam với quan điểm rõ ràng, cụ thể và gắn với thực tiễn, với xu hướng phát triển của thời đại.

1.jpg
Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đón nhận lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Trong tiến trình hàng ngàn năm, lịch sử Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm. Không khó để nhận ra một quy luật là cứ sau mỗi lần vượt qua thử thách hiểm nghèo dân tộc Việt Nam lại bước vào một thời kỳ phát triển rực rỡ. Các bậc tiền nhân đã tổng kết “phi trí bất hưng” (Lê Quý Đôn). Sự hưng thịnh của quốc gia tưởng chừng là một quy luật khách quan nhưng thực ra lại chứa đựng hai nguyên nhân được quyết định bởi con người. Đó là khát vọng vươn lên của nhân dân và đóng góp trí tuệ của tầng lớp tinh hoa. Đấu nối, phát huy hai nguồn sức mạnh vô địch và vô tận ấy chính là các bậc minh quân (lãnh đạo), những người coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao" (1).

2.jpg
GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang phân tích vị thế của hai ĐHQG trong tình hình mới tại Hội nghị giao ban hai Đại học Quốc gia, ngày 7/12/2024

Trong thời đại Hồ Chí Minh, để làm nên những kỳ tích trong suốt gần một thế kỷ qua, Đảng và các thế hệ hệ lãnh đạo đã có những quyết sách có tầm trí tuệ xuyên thế kỷ nhằm phát huy cao nhất nguồn lực của đội ngũ tinh hoa, khai mạch nguyên khí quốc gia trong thời đại mới.

Một trong những quyết định lịch sử là việc thành lập hai Đại học Quốc gia vào năm 1993 và 1995 với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

5.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu với Tổng Bí thư Tô Lâm về các ảnh tư liệu của Đại học Quốc gia Hà Nội

Sau gần 40 năm đổi mới và phát triển, đất nước ta đang có một cơ đồ chưa từng có trong lịch sử và đứng trước một vận hội mới, thời cơ mới để thực hiện khát vọng xây dựng một quốc gia hùng cường, một dân tộc phồn vinh. Hơn bao giờ hết, hai Đại học Quốc gia nhận thấy trách nhiệm lớn lao của mình trước kỷ nguyên vươn mình của cả dân tộc.

3.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về sản phẩm chip bán dẫn của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trong chuyến thăm và làm việc ngày 14/4/2023

Từ kinh nghiệm một số nước châu Á đã có những bước tiến thần kỳ đưa đất nước từ trình độ đang phát triển trở thành những quốc gia hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Chính phủ đều đầu tư vun cao cho Đại học Quốc gia về cả nguồn lực vật chất và cơ chế đặc biệt. Với Đề án 985, Trung Quốc đã đưa Đại học Bắc Kinh lên thứ 23, Đại học Thành Hoa xếp thứ 39 trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) luôn tự hào rằng chỉ số đánh giá nhà trường nằm ở sự phát triển của nước Cộng hoà Singapore. Năm 2023 NUS xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới.

4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Lễ khai giảng đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc

Nghị quyết 45 đã khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để chúng ta có thể vươn lên ngang tầm các nước tiên tiến và có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức.

Tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW là dịp hai Đại học Quốc gia ra soát lại chặng đường đã qua đã tìm ra những mặt tích cực để phát huy và những nút thắt cần tháo gỡ để từ đó thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ vô cùng lớn lao của hai cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của Đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

(1) Bài văn bia Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa tiến sĩ đề danh ký do Tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn theo ý chỉ của Hoàng đế Lê Thánh Tông nên có thể hiểu đây là tư tưởng trọng hiền tài của triều đình.

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang