Lá chắn tên lửa đe dọa quan hệ Mỹ - Nga

04/12/2011 19:15
Theo Tuổi trẻ
Liệu chính sách “tái lập” quan hệ Mỹ - Nga sẽ đổ vỡ và hai nước quay trở lại thế đối đầu như thời chiến tranh lạnh?
 Liệu chính sách “tái lập” quan hệ Mỹ - Nga sẽ đổ vỡ và hai nước quay trở lại thế đối đầu như thời chiến tranh lạnh? Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra sau những tuyên bố từ cả hai phía về kế hoạch lá chắn tên lửa châu Âu.
Các hệ thống phóng tên lửa Iskander của Nga trong một cuộc diễu binh ở Matxcơva - Ảnh: Reuters
Các hệ thống phóng tên lửa Iskander của Nga trong một cuộc diễu binh ở Matxcơva - Ảnh: Reuters
Theo Hãng tin Reuters, hôm 3-12 đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder tuyên bố chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thiết lập hệ thống lá chắn ở châu Âu để ngăn chặn tên lửa Iran, bất chấp phản ứng của Nga.

 “Dù Nga có thích hay không thì chúng tôi vẫn muốn bảo vệ NATO - châu Âu trước nguy cơ tên lửa đạn đạo” - đại sứ Daalder khẳng định. Theo ông, mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Iran “đang trở nên nghiêm trọng hơn so với hai năm trước đây”.

Ông Daalder cũng cho biết sẽ gặp gỡ các quan chức Nga tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) vào tuần tới để một lần nữa trấn an Matxcơva. “Mỹ hiểu rằng có một số thế lực ở Nga cho rằng lá chắn tên lửa châu Âu sẽ đe dọa năng lực hạt nhân Nga - đại sứ Daalder cho biết - Nhưng nếu Mỹ muốn đối phó với tên lửa hạt nhân Nga, chúng tôi sẽ không triển khai lá chắn ở châu Âu mà là ở Mỹ”.

Giọng điệu chiến tranh lạnh

Tuyên bố của đại sứ Daalder càng khiến giới quan sát lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga. Theo RIA Novosti, tuần trước Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đe dọa nếu Mỹ và NATO thực hiện kế hoạch lá chắn tên lửa, Matxcơva sẽ triển khai tên lửa Iskander ở vùng Kaliningrad và Krasnodar cũng như Belarus để nhắm vào Ba Lan và Romania, nơi tiếp nhận các hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ. Matxcơva cũng đã triển khai hệ thống rađa cảnh báo tên lửa ở Kaliningrad.

Ông Medvedev đe dọa Matxcơva sẽ rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) Mỹ và Nga đã ký hồi tháng 4-2010, một cột mốc trong việc thực hiện chính sách “tái lập” quan hệ giữa hai nước mà Tổng thống Obama theo đuổi.

Báo New York Times cho biết Nga đã rất thất vọng khi phía Mỹ từ chối đưa ra đảm bảo rằng hệ thống của Mỹ và NATO sẽ không đe dọa tên lửa đạn đạo Nga tại hội nghị ở Honolulu (Hawaii) hồi tháng 11.

Giới quan sát nhận định bế tắc này và phản ứng của Nga xuất phát từ nguyên nhân chính trị trong nước. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ không mấy thiện cảm với Nga. Một số nghị sĩ Cộng hòa cho rằng ông Obama đã quá “nhường nhịn” Nga.

Do đó, Nhà Trắng rất khó thuyết phục quốc hội thông qua một đảm bảo như trên trước khi Washington và Matxcơva thật sự hợp tác. “Nhà Trắng đàm phán với Đảng Cộng hòa còn khó hơn là đàm phán với Nga” - New York Times dẫn lời chuyên gia Dmitri Trenin thuộc Trung tâm Carnegie tại Matxcơva nhận định.

Về phía Nga, giới chuyên môn cho rằng giọng điệu cứng rắn của Tổng thống Medvedev là nhằm hướng tới chính trường nội địa, khi cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga chuẩn bị bắt đầu.

Nhưng theo chuyên gia Trenin, tại Matxcơva cũng có không ít quan chức thật sự tin rằng “mối đe dọa Iran” chỉ là vỏ bọc để Mỹ và NATO tìm cách kiềm chế năng lực hạt nhân Nga, nhất là khi các tàu chiến Nga được trang bị hệ thống tên lửa Aegis và Patriot đang hoạt động trên biển Đen gần Nga.

Còn cơ hội đối thoại

Chính sách “tái lập” quan hệ Mỹ - Nga đang bị ngưng trệ. Một số chính trị gia cánh hữu Mỹ cho rằng chính sách này đã đổ vỡ. Dù vậy nhiều nhà quan sát khẳng định sẽ không có chuyện Mỹ và Nga quay trở lại thời chiến tranh lạnh.

Báo Moskovskie Novosti dẫn lời chuyên gia Alexei Arbatov thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga cho biết trên thực tế những đe dọa của ông Medvedev không mới. Hệ thống rađa Voronezh-DM của Nga hiện đã được xây ở Kaliningrad.

Ý tưởng triển khai tên lửa Iskander tại đây từng được đưa ra từ trước. Các chuyên gia cho rằng khó có khả năng Nga rút ra khỏi New START. Chuyên gia Arbatov cho biết lực lượng chiến lược của Nga trở nên cũ kỹ và đang được loại bỏ dần.

Báo Daily Mail dẫn lời tướng Vladimir Dvorkin thuộc Viện Quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới (Imemo) nhận định tuyên bố mạnh mẽ của ông Medvedev là dấu hiệu của sự giận dữ, nhưng cũng đồng thời là một lời mời Mỹ tiếp tục đối thoại.

Nhiều nhà quan sát dự báo bất chấp phản ứng cứng rắn từ cả phía Nga và Mỹ, nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận sau khi bầu cử Quốc hội Nga và bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc trong năm 2012.
\
Chuyên gia Trenin cho rằng lãnh đạo hai nước cần tiếp tục đối thoại hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác để xây dựng lòng tin, từ không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố cho đến các vấn đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

Theo Tuổi trẻ