Vụ tung lưới đánh cá bắt quái xế: Tôi ủng hộ CSGT Thanh Hóa

05/12/2011 18:05
Tiến Nguyễn
(GDVN) - Một số người lo ngại việc CSGT dùng lưới bắt “quái xế” sẽ gây nguy hiểm cho các đối tượng, phải chăng chúng ta đang lo thái quá cho những kẻ "sát nhân?

Những ngày gần đây dư luận cả nước đang xôn xao với cách làm của CSGT Thanh Hóa, dùng lưới đánh cá bắt “quái xế”. Việc dùng lưới bắt “quái xế” dường như là một biện pháp bất đắc dĩ sau khi hàng loạt các biện pháp khác của công an Thanh Hóa đưa ra vẫn không đem lại hiệu quả. Những kẻ cố tình đua xe, lạnh lách đánh võng gây nguy hiểm cho người đi đường giờ đây chỉ còn nước “chui vào lưới” của lực lược CSGT.

Hình ảnh SCGT dùng lưới bắt "quái xế"
Hình ảnh SCGT dùng lưới bắt "quái xế"

Những vụ tai nạn kinh hoàng do “quái xế” gây ra.

Tuy nhiên việc sử dụng lưới đánh bắt cá của CSGT Thanh Hóa phải tạm dừng lại sau một thời gian vì có những thông tin trái chiều về vấn đề này. Một số người ủng hộ việc làm này của CSGT Thanh Hóa, một số khác thì phản đối cho rằng: Phản cảm và sẽ gây nguy hiểm cho “quái xế”.

Thế nhưng chúng ta thử nhìn nhận lại những vụ tai nạn khủng khiếp do “quái xế” gây ra sẽ thấy được vấn đề: Ai mới là người gặp nguy hiểm?

Một vụ tai nạn do "quái xế" gây ra
Một vụ tai nạn do "quái xế" gây ra

Vào lúc 21h30 phút ngày 13/10/2011, trên đường Nguyễn Văn Linh (đoạn qua ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - TPHCM) đã xảy ra một vụ tai nạn kinh hoàng do “quái xế” gây ra cướp đi sinh mạng của một người vô tội. Điều khiến người dân vô cùng phẫn uất là bọn “quái xế” ngang nhiên coi thường pháp luật, xem mạng người như cỏ rác… 

 Nhiều người dân cho biết trước đó đã nghe thấy tiếng gầm rú rất lớn của các loại xe máy, sau đó là những tiêng ầm ầm cực lớn phát ra trên đường. Sau khi tai nạn xảy ra, một nhóm thanh niên đã vác xác một thanh niên rời khỏi hiện trường.

Một nhân chứng cho biết chiếc xe do “quái xế” điều khiển đã chạy ngược chiều với tốc độ kinh hoàng rồi đâm vào nạn nhân Võ Hữu Phát (SN 1994, ngụ ấp Hòa Thanh, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), người điều khiển xe máy biển số 60X4 - 5508.

Sau đó, qua biển số chiếc xe 52K7 - 8329 còn nằm tại hiện trường, cơ quan công an xác định người điều khiển xe này (sau khi chết đã được chuyển xác đi) là Trương Thanh Hải (SN 1993, ngụ số 792/852B Ba Đình, phường 10, quận 8-TPHCM).

 Trước đó, rạng sáng 30/4/2010 tại Vũng Tàu đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông do các “quái xế” gây ra làm 4 người chết tại chỗ. Cụ thể, lúc 1 giờ ngày 30.4, trước nhà số 86 Hạ Long (P.2) xe máy 60X3-0150 (chưa rõ người điều khiển) va chạm với xe Wave (tháo biển số, chưa rõ người điều khiển) chở phía sau Đặng Phước Quang Tuyến (19 tuổi, quê Đà Lạt) làm Tuyến chết tại chỗ.  Hơn nửa giờ sau, trên đường 3 Tháng 2 (Phường 12), xe 72H4-9358 va chạm với xe Suzuki sport (tháo biển số) khiến một người thiệt mạng. Tiếp đến, lúc 4 giờ cùng ngày, tại khu vực dốc Nghinh Phong xảy ra tai nạn giữa 3 xe máy khiến Lâm Trung Thắng (19 tuổi) và Ngô Thành Long (21 tuổi, cùng ngụ TP.HCM) chết tại chỗ....

Chấp nhận "phản cảm" hay chấp nhận thêm người chết vì “quái xế”?

Trên đây chỉ là hai vụ tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của những người vô tội do quái xế gây ra. Nếu CSGT Thanh Hóa không dùng lưới đánh bắt cá để trấn áp các “quái xế” liệu rằng sẽ có bao nhiêu vụ tai nạn nghiêm trọng nữa do bọn chúng gây ra? Xin thông tin với bạn đọc thêm rằng, phần lớn những chiếc xe đua của các “quái xế” đã được làm lại máy để có thể chạy nhanh hơn, phần phanh xe được tháo bỏ toàn bộ để khẳng định đẳng cấp “dân chơi”.

Thử hỏi một người bình thường nếu điều khiến những chiếc xe không phanh đó ra đường sẽ thế nào? Hơn nữa những chiếc xe đó được chạy với tốc độ kinh hoàng, lạng lách, đánh võng trên đường thì liệu rằng các bạn có được an toàn khi gặp phải bọn chúng không?

Hơn nữa từ khi triển khai phương pháp dùng lưới đánh bắt cá đến khi tạm dừng việc này chưa xảy ra một vụ tai nạn đáng tiếc nào cho “quái xế”. Lãnh đạo công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã lên tiếng cho rằng: Việc dùng lưới đánh bắt cá làm cho những xe của quái xế dừng lại một cách từ từ không gây nguy hiểm cho người điều khiển. Nếu chúng ta chỉ quá quan tâm tới việc an toàn cho những kẻ có thể gây ra cái chết cho người khác thì liệu rằng có công bằng không?

Một số người khác cho rằng việc làm của SCGT Thanh Hóa là phản cảm. Thế nhưng cho dù hình ảnh đó có phản cảm đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng của lực lượng CSGT là xóa bỏ việc đua xe trái phép. Nếu làm được việc này sẽ có nhiều gia đình không phải mất người thân do tai nạn mà quái xế gây ra.

Theo tôi, một số TP lớn trong cả nước đang đau đầu với nạn đua xe trái phép thì sáng kiến trên đáng để các địa phương khác học hỏi. Tôi ủng hộ CSGT Thanh Hóa!

Không chỉ gây xôn xao dư luận trong nước mà gần đây, báo chí phương Tây cũng ồ ạt đưa những thông tin về sự kiện này. Tờ Telegraph của Anh ngày 2/12 đưa tin, “Cảnh sát ở Việt Nam đã dùng lưới đánh cá để bắt những tay đua xe”. Tờ báo điện tử lớn nhất Italia, La Repubbica thì nhận định, ý tưởng này của cảnh sát Thành phố Thanh Hoá được cho là một giải pháp cho hàng loạt vụ tai nạn giao thông do người chạy quá tốc độ gây ra”. Tờ báo này cũng cho rằng, “Cảnh sát Thanh Hóa không hề đùa cợt khi họ đứng trước một trường hợp vi phạm và trong tay họ luôn sẵn lưới đánh cá”. Còn tờ báo Stuttgarter Zeitung của Đức chạy dòng tít: "Anh nào phóng nhanh, lao ngay vào lưới".

Tiến Nguyễn