BÁO QUANG MINH, TRUNG QUỐC:

Sự hoài nghi về lính thủy đánh bộ - biểu tượng sức mạnh Mỹ

08/12/2011 08:42
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)
(GDVN) - Vai trò của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ trong thời gian gần đây dường như giảm xuống, nhất là trong điều kiện "tác chiến hợp nhất không-hải quân".

Gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố kế hoạch đóng quân vĩnh viễn ở Australia của quân đội Mỹ. Bắt đầu từ giữa năm 2012, quân Mỹ sẽ triển khai 200-250 binh sĩ lính thủy đánh bộ tới Australia, đồng thời có kế hoạch tăng lên đến 2.500 quân trong vòng 5 năm tới.

Mỹ-Australia sẽ còn mở rộng hoạt động quân sự, triển khai huấn luyện và tập trận chung giữa quân đội hai nước.

Obama cho biết, Mỹ quyết định triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ ở Australia đã phản ánh cam kết của Mỹ đối với toàn bộ châu Á-Thái Bình Dương.

Lần trước, Australia đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai quân sự của Mỹ là vào giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi đó MacArthur coi cảng Darwin – Australia là căn cứ quân sự tấn công quân Nhật, giành lại Thái Bình Dương.

Điều có thể khẳng định là, cùng với việc đẩy nhanh các bước quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, vai trò “người tiên phong” của lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ ngày càng nổi bật.

Trong lịch sử, chiến dịch Iwo Jima là chiến dịch gian khổ nhất và thảm khốc nhất của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ
Trong lịch sử, chiến dịch Iwo Jima là chiến dịch gian khổ nhất và thảm khốc nhất của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ

Từ khi bắt đầu chiến tranh giành độc lập của Mỹ, lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ (thoát thai từ “lính thuỷ đánh bộ thực dân”) đã bắt đầu trở thành một quân chủng độc lập tham gia vào các cuộc chiến tranh.

Nhìn vào phạm vi thế giới, lực lượng lính thuỷ đánh bộ thường chịu sự quản lý của hải quân hoặc hạm đội hải quân. Là một binh chủng hải quân có thể thực hiện các nhiệm vụ tác chiến đổ bộ, nó vừa có đặc điểm của hải quân, vừa đặc trưng truyền thống của lục quân.

Nhưng, trong hàng ngũ chiến đấu của quân đội Mỹ, lực lượng lính thuỷ đánh bộ đã không còn là một binh chủng của hải quân, mà là quân chủng lớn thứ tư, ngang hàng với lục, hải, không quân.

Đồng thời, để thích ứng với nhu cầu chiến lược toàn cầu, những năm gần đây, lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ không ngừng cải tiến trang bị, điều chỉnh biên chế, cơ chế, nâng cao toàn diện khả năng sẵn sàng chiến đấu, đột kích nhanh chóng, cơ động cao và tác chiến tổng thể.

Xe tấn công bọc thép đổ bộ của lính thủy đánh bộ Mỹ
Xe tấn công bọc thép đổ bộ của lính thủy đánh bộ Mỹ

Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ là lực lượng vũ trang duy nhất trong các lực lượng vũ trang của Mỹ không cần được Quốc hội phê chuẩn, Tổng thống có thể trực tiếp sử dụng. Cho nên, đối với Mỹ, bất kỳ khu vực nào trên thế giới, một khi có vấn đề, việc điều động trước tiên là lực lượng lính thuỷ đánh bộ giỏi tác chiến đổ bộ.

Chỉ cần có bất cứ xung đột gì với lợi ích của Mỹ, thì có thể nhìn thấy phù hiệu lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ (mỏ neo của tàu thuyền, quả địa cầu, đại bàng trắng), nó hầu như đã trở thành biểu tượng của sức mạnh Mỹ.

Sự phát triển của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ có thể nhìn ngược trở lại thời kỳ chiến tranh giành độc lập của Mỹ, sớm nhất là “lực lượng lính thủy đánh bộ thực dân” được thành lập ở Philadelphia.

Ngày 10/11/1775, Quốc hội Mỹ ban hành pháp lệnh, chính thức thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ và biên chế vào lực lượng vũ trang Mỹ.

Trải qua hơn 200 năm thử thách khỏi lửa chiến tranh, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã tham gia hầu hết các cuộc chiến tranh và viễn chinh của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ngay từ rất sớm đã trở thành “mẫu” tinh nhuệ của quân đội Mỹ.

Máy bay trực thăng CH-46E của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ
Máy bay trực thăng CH-46E của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, là quân tiên phong ở chiến trường Thái Bình Dương, lực lượng lính thuỷ đánh bộ càng quen với mọi người hơn. Sau khi trải qua một loạt chiến dịch ở đảo Iwo Jima, đảo Okinawa, quy mô của lực lượng lính thuỷ đánh bộ đã mở rộng đến gần 500.000 quân.

Từ năm 1945, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ trở thành lực lượng đổ bộ - phản ứng nhanh có thể được điều động bất cứ thế nào.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các đại sứ quán Mỹ đóng ở các nơi trên thế giới có nhu cầu cấp bách bảo vệ hiệu quả. Năm 1954, hưởng ứng lời đề nghị của Bộ Ngoại giao Mỹ, trường cảnh vệ của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ chính thức thành lập.

Binh sĩ lực lượng lính thuỷ đánh bộ tự nguyện tiếp nhận huấn luyện bảo vệ chính khách trong 6 tuần, trở thành lực lượng cảnh vệ đánh bộ chính thức và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sứ quán trong thời gian 30 tháng.

Hành động này cũng làm cho Mỹ trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới đưa quân đến sứ quán đóng tại nước ngoài để bảo vệ (bấm vào đây để xem hình ảnh binh sỹ thuỷ quân lục chiến Mỹ đang phục vụ tại sứ quán Mỹ ở Hà Nội).

Lực lượng lính thủy đánh bộ điều động lực lượng
Lực lượng lính thủy đánh bộ điều động lực lượng

Ngoài ra, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ còn có tiêu chuẩn tuyển quân và hệ thống chỉ huy, tác chiến, trang bị và hậu cần độc lập với các quân chủng khác của Mỹ. Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, giống như các quân chủng khác của Mỹ, được tuyển tân binh từ cộng đồng, nhưng huấn luyện và trang bị đều khác với lực lượng lục, hải quân Mỹ thông thường, có thể nói là huấn luyện nghiêm ngặt hơn, trang bị tốt hơn.

Vì vậy, công chúng phổ biến cho rằng, sức chiến đấu của lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ mạnh hơn lực lượng lục quân Mỹ thông thường.

Cũng chính vì như vậy, dù là Li Băng năm 1958 hay Dominicana năm 1965, đều có bóng dáng của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Trong chiến tranh Triều Tiên, lực lượng lính thuỷ đánh bộ là một lực lượng được Mỹ đưa vào chiến đấu sớm nhất.

Năm 1965, lực lượng lính thuỷ đánh bộ lại được điều động đầu tiên tới chiến trường Việt Nam. Năm 1968, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân, lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ đã gia sức phòng thủ Thừa Thiên-Huế, cuộc chiến này càng tô thêm màu sắc truyền kỳ cho họ.

Những năm gần đây, phần lớn các chiến dịch tác chiến của Mỹ đều hoàn thành dựa vào lực lượng hải, không quân, hiệu quả tác chiến của lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ do đó bị hoài nghi.

Quân chủng là một bộ phận chủ yếu của quân đội, có chức năng, nhiệm vụ riêng. Sự xuất hiện, phát triển của các quân chủng có liên quan chặt chẽ với lịch sử chiến tranh của loài người.

Từ ngày thành lập đến nay, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã là lực lượng chủ lực tác chiến đổ bộ, cũng đã thiết lập được hệ thống phương pháp tác chiến đổ bộ, huấn luyện, biên chế và trang bị hoàn chỉnh trong chiến tranh.

Có thể nói, sự kiên cường lớn nhất của lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ chính là tiến hành tác chiến đổ bộ khi đứng trước sự phòng ngự của kẻ địch mạnh.

Cũng chính vì có lực lượng thiết giáp độc lập, khả năng không vận, khả năng trên biển, máy bay tác chiến cánh cố định trên biển…, phiên bản thu nhỏ “lục, hải, không quân” này (lực lượng lính thủy đánh bộ) đã trở thành nắm đấm của tác chiến đổ bộ, trở thành quân chủng độc lập hơn hẳn các quân chủng khác.

Nhưng vấn đề là trong chiến tranh thông tin hoá, một quân chủng đơn độc cho dù mạnh hơn thì khả năng độc lập hoàn thành nhiệm vụ tác chiến ngày càng nhỏ, đặc biệt là trong chiến tranh vũ trang tương lai có sự truyền tải thông tin di động, nhanh chóng, hợp lý, việc lực lượng lính thủy đánh bộ thực hiện nhiệm vụ tác chiến đổ bộ quy mô lớn bất cứ lúc nào sẽ ngày càng ít.

Tập trận chung chống khủng bố
Tập trận chung chống khủng bố

Trên thực tế, do nhiệm vụ tác chiến những năm gần đây của Mỹ phần lớn được hoàn thành dựa vào hải, không quân, hiệu quả tác chiến của lực lượng lính thủy đánh bộ đã bị hoài nghi, thậm chí có dấu hiệu mất đi quân chủng độc lập.

Thực ra, tổng quan lịch sử phát triển của các quân chủng, lực lượng tác chiến mới phát triển ban đầu luôn phụ thuộc vào một quân chủng nhất định, đợi đến sau khi từng bước phát triển lớn mạnh và hoàn thiện, lại lột xác từ quân chủng “ký sinh”, từ đó trở thành quân chủng mới.

Còn sự biến mất của một quân chủng, chắc chắn là nó không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của chiến tranh tương lai. Hơn nữa, hiện nay chức năng tác chiến của lực lượng lính thủy đánh bộ và lục quân Mỹ ít nhiều có sự chồng chéo nhất định, về khách quan, nó giúp cho quan điểm về “ưu hoá quân chủng” phát triển.
Chuck Mawhinney là xạ thủ bắn tỉa giỏi nhất trong Chiến tranh Việt Nam của lính thủy đánh bộ Mỹ
Chuck Mawhinney là xạ thủ bắn tỉa giỏi nhất trong Chiến tranh Việt Nam của lính thủy đánh bộ Mỹ
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)