Trong kỷ nguyên số, lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh hiện đại. Cùng với đó, ngành Thương mại điện tử trang bị cho sinh viên kiến thức về kinh doanh trực tuyến, quản lý website, marketing số, thanh toán điện tử, logistics và phân tích dữ liệu khách hàng.
Với sự phát triển của các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội và xu hướng tiêu dùng trực tuyến, sinh viên ngành Thương mại điện tử có nhiều cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, khởi nghiệp hoặc tự vận hành cửa hàng kinh doanh. Đây là lựa chọn phù hợp cho những bạn trẻ yêu thích công nghệ và mong muốn khẳng định mình trong nền kinh tế số.
Nhằm giúp thí sinh và phụ huynh có thêm thông tin tham khảo, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu và tổng hợp phương thức tuyển sinh, điểm chuẩn, học phí ngành Thương mại điện tử tại một số cơ sở giáo dục đại học.
Tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), nhà trường dự kiến tuyển tổng 3.650 chỉ tiêu trong năm 2025, trong đó có ngành Thương mại điện tử. Điểm chuẩn ngành này theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 21.7 điểm (thang điểm 30).
Bên cạnh đó, nhà trường đào tạo thêm chuyên ngành Marketing số thuộc ngành Thương mại điện tử với mức điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 21.5 điểm (thang điểm 30).
Các phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển theo kết quả học bạ trung học phổ thông; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển theo kết quả thi V-SAT của Đại học Thái Nguyên.
Theo Quyết định ban hành mức thu học phí năm học 2024-2025, nhà trường có mức học phí ngành Thương mại điện tử hệ đại trà thuộc khối ngành III là 1,41 triệu đồng/tháng, tương đương với 14,1 triệu đồng/năm. Hiện nhà trường chưa công bố đề án tuyển sinh năm 2025 nên mức học phí năm học 2025-2026 chưa được xác định.

Tại Trường Đại học Hải Phòng, điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 19 điểm (thang điểm 30).
Về phương thức tuyển sinh, năm 2025, nhà trường xét tuyển theo các phương thức gồm:
Phương thức 1: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Phương thức 2: Xét tuyển kết quả học tập bậc trung học phổ thông.
Phương thức 3: Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc kết quả học tập cấp trung học phổ thông (năm lớp 11 và năm lớp 12).
Phương thức 4: Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy năm 2025 do Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.
Phương thức 5: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiện nhà trường chưa công bố đề án tuyển sinh năm 2025 nên mức học phí năm học 2025-2026 vẫn chưa được xác định. Đối với năm học 2024-2025, nhà trường quy định mức học phí ngành Thương mại điện tử hệ đại trà là 15,5 triệu đồng/năm.
Theo đề án tuyển sinh năm 2025 của Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà trường tuyển sinh ngành Thương mại điện tử theo 3 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp.
Đối với phương thức xét tuyển kết hợp, nhà trường áp dụng đối với 3 đối tượng sau:
Đối tượng 1: Thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT từ 1200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên được các tổ chức quốc tế cấp từ ngày 01/6/2023 đến thời điểm kết thúc nộp hồ sơ xét tuyển kết hợp vào đại học chính quy năm 2025.
Đối tượng 2: Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) từ 85 điểm trở lên hoặc đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (APT) từ 700 điểm trở lên hoặc có điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA) từ 60 điểm trở lên hoặc thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 hoặc TOEFL iBT từ 46 hoặcTOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 &W 150) trở lên kết hợp với một trong các điểm thi HSA/APT/TSA nêu trên.
Đối tượng 3: Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 hoặc TOEFL iBT từ 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 &W 150) trở lên kết hợp với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 của môn Toán và 01 môn khác môn tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển.
Điểm chuẩn ngành này theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 28,02 điểm (thang điểm 30).
Học phí năm học 2024-2025 và năm học 2025-2026, ngành Thương mại điện tử hệ đại trà dao động khoảng 16-22 triệu đồng/năm. Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm và thực hiện theo Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ.
Còn tại Trường Đại học Thương mại, theo đề án tuyển sinh năm 2025, nhà trường quy định mức học phí năm học 2025-2026 đối với các chương trình đào tạo chuẩn dao động từ 2,4-2,79 triệu đồng/tháng, tương đương với 24-27,9 triệu đồng/năm. Trước đó, ở năm học 2024-2025, học phí đối với các chương trình đào tạo chuẩn dao động từ 24-26 triệu đồng/tháng.
Ngành Thương mại điện tử của nhà trường gồm 2 chương trình đào tạo là Quản trị thương mại điện tử và Kinh doanh số. Điểm chuẩn 2 chương trình đào tạo này theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 lần lượt là 27 điểm và 26,2 điểm (thang điểm 30).
Về phương thức tuyển sinh, năm 2025, nhà trường xét tuyển theo các phương thức: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ khảo thí quốc tế; Xét tuyển kết hợp giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố.


Trường Đại học Mở Hà Nội năm 2025 có nhiều phương thức xét tuyển để thí sinh lựa chọn, bao gồm: Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét học bạ; Xét kết quả bài thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội; Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 24,91 (thang điểm 30).
Theo đề án tuyển sinh năm 2025, học phí ngành Thương mại điện tử hệ đại trà năm học 2025-2026 là 21,681 triệu đồng/năm. Ở năm học 2024-2025, học phí ngành này hệ đại trà là 19,791 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) thông báo tuyển sinh ngành Thương mại điện tử hệ đại học chính quy năm 2025 với 220 chỉ tiêu. Nhà trường xét tuyển theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Xét tuyển sử dụng kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 với chứng chỉ ngoại ngữ.
Năm học 2024-2025, ngành Thương mại điện tử có mức học phí là 620.000 đồng/tín chỉ, tương đương 19,1 triệu đồng/năm. Hiện nhà trường chưa công bố đề án tuyển sinh năm 2025 nên mức học phí năm học 2025-2026 chưa được xác định.

Điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 21 điểm (thang điểm 30).
Còn tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 26 điểm (thang điểm 30).
Theo thông tin tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2025, nhà trường xét tuyển theo 5 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển theo phương án tuyển sinh riêng của trường; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ); Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Năm học 2024-2025, ngành Thương mại điện tử hệ đại trà có mức học phí là 25,5 triệu đồng/năm. Dự kiến học phí năm học 2025-2026 của ngành này là 27,5 triệu đồng/năm.
Theo thông tin tuyển sinh hệ đại học chính quy, năm 2025, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tuyển sinh ngành Thương mại điện tử với 60 chỉ tiêu trên tổng số 4.590 chỉ tiêu.
5 phương thức tuyển sinh của nhà trường gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển tổng hợp của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (xét tuyển kết quả học tập và thành tích bậc trung học phổ thông); Xét tuyển dựa vào kết quả điểm thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính V-SAT; Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Học phí chương trình đại học chính quy của nhà trường được quy định mức chung cho tất cả các ngành. Học phí dự kiến ngành Thương mại điện tử chương trình chuẩn năm học 2025-2026 là 11,605 triệu đồng/học kỳ, tương đương với 23,21 triệu đồng/năm.
Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, mức học phí ngành Thương mại điện tử hệ đại trà năm học 2024-2025 là 44 triệu đồng/năm. Hiện nhà trường chưa công bố đề án tuyển sinh năm 2025 nên học phí năm học 2025-2026 chưa được xác định.
Theo thông tin tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2025, nhà trường phân bố chỉ tiêu theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 40% chỉ tiêu; Xét tuyển học bạ chiếm 40% chỉ tiêu; Xét tuyển kết quả bài thi đánh giá năng lực và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển chiếm 20% chỉ tiêu.
Điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 15 điểm (thang điểm 30).
