Đến nay, tôi đã có 30 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng. Tôi cũng từng sống những tháng ngày mà đồng lương giáo viên khéo thu vén cũng chỉ vừa đủ để ăn. Chính vì thế, khi Luật nhà giáo chính thức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, tôi đã rất vui mừng.
Như phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết quá trình xây dựng, công bố và triển khai thi hành Luật Nhà giáo vào ngày 17/7, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn đối với ngành giáo dục và đào tạo nói riêng và với đất nước nói chung. Luật Nhà giáo là niềm vui không chỉ của hơn 1 triệu nhà giáo mà còn là niềm vui chung của tất cả những người quan tâm đến giáo dục.
Luật quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo; cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo - lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt, đông đảo giáo viên quan tâm đến nội dung luật quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Bổ sung các khoản hỗ trợ vùng khó khăn, thuê nhà, đào tạo, sức khỏe định kỳ, thu hút nhân lực chất lượng cao.

Gian nan một thời làm nghề nhưng không sống nổi bằng lương
Ba mươi năm trước, tôi bước chân vào nghề giáo với tất cả tình yêu và lý tưởng. Lương tôi lúc ấy là 120 ngàn đồng chưa trừ các khoản. Chồng tôi cũng là một nhà giáo có thâm niên đi dạy gần 10 năm nên lương cao hơn một chút là 250 ngàn/tháng. Những kỷ niệm còn lưu lại trong tôi đến tận giờ là việc đồng lương nhận về chưa cầm nóng tay đã hết. Hàng tháng, chúng tôi phải loay hoay phân chia những đồng lương ít ỏi ấy cho bốn miệng ăn trong gia đình.
Mỗi kỳ nhận lương là một cuộc họp khẩn cấp trong căn bếp nhỏ, để cân đối giữa tiền điện nước, học phí cho con, tiền chợ, thuốc men… Đến giữa tháng, những phép toán chi tiêu thường xuyên phá sản. Ngoài giờ lên lớp, chúng tôi còn phải làm thêm đủ nghề từ chăn nuôi, tăng gia trồng trọt, chạy xe ôm, chụp hình…nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Hai con tôi từng tâm sự: “Con thương ba mẹ, nhưng con không dám làm nghề giáo đâu…”. Vì lẽ đó, đã có một thời, nhiều học sinh giỏi không thiết tha theo học ngành sư phạm.
Năm 2024, sau đợt điều chỉnh mức lương tối thiểu, với nhiều sự quan tâm của Nhà nước, lương của chúng tôi (những thầy cô có thâm niên hơn 30 năm trong nghề) cũng được tăng một khoản đáng kể. Tuy nhiên, những giáo viên trẻ, giáo viên mới vào nghề cũng chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, họ cũng khó có thể yên tâm sống được với nghề.
Xếp lương giáo viên cao nhất thang bảng lương hành chính sự nghiệp giúp giáo viên yên tâm làm nghề
Khi Quốc hội thông qua Luật Giáo dục với quy định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, tôi đã rất vui mừng. Tôi vui không phải cho bản thân tôi mà tôi tin đó sẽ là chính sách giúp thu hút được nhiều học sinh giỏi theo đuổi ngành sư phạm, chọn theo nghề giáo. Một người thầy giỏi sẽ là nền tảng cần thiết để có nhiều thế hệ học sinh giỏi giang.
Khi thầy cô không còn phải bươn chải bên ngoài để mưu sinh, khi “chân ngoài” không phải “ dài hơn chân trong”, chuyện cơm áo gạo tiền không còn phải thường trực trong suy nghĩ, thầy cô sẽ toàn tâm, toàn ý dành trọn tâm huyết cho học sinh.
Tôi tin rằng chính sách này sẽ mang đến làn gió mới tích cực cho ngành giáo dục. Nó sẽ khiến người đang đứng lớp yên tâm gắn bó. Nó cũng sẽ mở lối cho những người giỏi, những bạn trẻ tài năng mạnh dạn chọn nghề giáo, không e ngại: “Làm thầy là nghèo”.
Tôi đã đi gần hết quãng đời nghề nghiệp của mình nhưng niềm vui khi đón nhận thông tin trên không vì thế mà giảm đi. Không ai vào nghề giáo để làm giàu nhưng sống được bằng lương là điều cần thiết để giáo viên yên tâm làm nghề, tiếp thêm niềm tin để những nhà giáo tiếp tục dấn thân, tiếp tục gieo yêu thương bằng tất cả trái tim người thầy.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.