Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến góp ý.
Đáng chú ý, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện toàn bộ việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, tiếp nhận, điều động, biệt phái, thuyên chuyển, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP.
Trước đây, đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các nhiệm vụ này do Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Theo lãnh đạo các trường học, để công tác tuyển dụng được nhanh chóng, đúng người, đúng việc, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với Sở Giáo dục và Đào tạo.
Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Bích Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (xã Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, việc giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh là một chủ trương hợp lý.
Cách làm này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục, đặc biệt trong việc tuyển dụng, phát triển đội ngũ giáo viên một cách đồng bộ và thống nhất, qua đó đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của quá trình đổi mới giáo dục hiện nay.
Thứ nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý về mặt chuyên môn, do đó, các cán bộ ở sở sẽ tiến hành tuyển dụng một cách chuẩn chỉ, nâng cao chất lượng giáo viên từ phía đầu vào. Đồng thời, việc giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm giúp thông tin được cập nhật đầy đủ, sát thực tế hơn thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra trực tiếp.
Sau khi tuyển dụng, sở có thể chủ động phân công giáo viên về các trường theo nhu cầu thực tế, đây là một bước đi giúp tăng tính đồng bộ và hiệu quả trong công tác quản lý đội ngũ.
Thứ hai, khi công tác tuyển dụng do Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp thực hiện, việc đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của giáo viên cũng sẽ sát thực hơn, đảm bảo lựa chọn đúng người, đúng việc, phù hợp với yêu cầu chuyên môn của từng bậc học, cấp học,góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn tỉnh.
Cuối cùng, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có cái nhìn bao quát nhất về chỗ thừa, thiếu giáo viên để tuyển dụng, điều động, nhằm tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên đang xảy ra ở như một số địa phương hiện nay.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (phường Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, đây là một bước đi đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, tránh chồng chéo, đồng thời đảm bảo công tác nhân sự diễn ra minh bạch, hiệu quả hơn.
Trước hết, việc này sẽ tạo tính thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh, thành phố, tránh tình trạng chênh lệch giữa các phường, xã. Công tác quản lý sẽ hiệu quả hơn cũng như tạo sự công bằng trong phân bổ nguồn nhân lực giáo dục.
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn, có hiểu biết nhất về ngành, về đội ngũ và thực tế của các cơ sở giáo dục, với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản về quản trị nhân lực và chuyên môn giáo dục, nên việc lựa chọn, đánh giá, bổ nhiệm giáo viên sẽ khách quan, chính xác và phù hợp hơn.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có cái nhìn tổng quan về tình hình nhân sự tại các đơn vị, từ đó thực hiện việc sắp xếp, điều động giáo viên phù hợp. Điều này không chỉ giúp cân đối nguồn lực giáo viên mà còn đảm bảo chất lượng giảng dạy được duy trì đồng đều giữa các khu vực.
Đồng thời, khi việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, nhà giáo được thực hiện thống nhất còn tạo điều kiện để xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một cách bài bản và đồng bộ. Qua đó, nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên, góp phần cải thiện chất lượng dạy học trên địa bàn.
Tuy nhiên, cô Hồng cũng nhìn nhận, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý ở quy mô toàn thành phố, với phạm vi rộng và số lượng cơ sở giáo dục nhiều hơn, có thể dẫn tới một số thách thức trong giai đoạn đầu triển khai như số lượng công việc của sở giáo dục và đào tạo sẽ nhiều hơn.
Ngoài ra, hiện không còn Phòng Giáo dục và Đào tạo làm trung gian như trước, nên tiếng nói, phản ánh từ cơ sở giáo dục đến Sở Giáo dục và Đào tạo có thể bị chậm, gây khó khăn cho việc nắm bắt tình hình thực tế và đánh giá hai chiều giữa cơ sở và Sở.
Cùng bàn về vấn đề này, theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa, khi không còn cấp huyện, bớt một cấp trung gian, việc điều chuyển giáo viên từ xã này sang xã khác đối với giáo viên các bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cũng trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng khi quy mô quản lý mở rộng sau sắp xếp tỉnh/thành phố, việc nắm bắt đầy đủ thông tin để đưa ra các quyết định điều động hợp lý có thể là một thách thức lớn.
Về vấn đề điều động, biệt phái, thuyên chuyển, theo cô Hạnh, trước đây, chỉ trong phạm vi một huyện, việc điều động, luân chuyển, tiếp nhận giáo viên cũng đã gặp khó khăn, nay với quy mô lớn hơn, việc điều tiết, cân đối giáo viên sẽ càng đối mặt nhiều thách thức. Đối với Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa, là trường ở trung tâm nên không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, tuy nhiên trên thực tế, tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn ở các trường thuộc vùng khó. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể dẫn đến những bất cập.
Do đó, để việc điều động, biệt phái giáo viên được kịp thời, hiệu quả, cần triển khai sớm, chủ động rà soát, đề xuất cụ thể nhu cầu nhân sự của từng cơ sở giáo dục.
Đồng thời, sở cần nắm bắt rõ số lượng giáo viên thừa, thiếu ở từng xã, từng trường học, đồng thời xem xét yếu tố vị trí địa lý để có phương án điều động, biệt phái giáo viên phù hợp, công bằng, tránh việc giáo viên công tác quá lâu ở vùng sâu, vùng xa.
Việc điều động này không chỉ đáp ứng yêu cầu điều tiết chung của ngành giáo dục, mà còn phải đảm bảo quyền lợi, sự ổn định tâm lý cho giáo viên khi nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường
Việc giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng nhà giáo là lựa chọn tốt nhất. Nhưng để đạt được hiệu quả, sở cần tăng cường làm việc sâu sát hơn với địa phương, các trường để đảm bảo mọi nhiệm vụ được triển khai nhanh chóng.
Theo thầy Nguyễn Xuân Thịnh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Xá (xã Nhật Tiến, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, khi sở được giao nhiệm vụ thực hiện toàn bộ việc tuyển dụng sẽ đảm bảo tính đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục, bổ sung giáo viên cũng được nhanh chóng, kịp thời. Cách làm này không chỉ giúp tinh gọn quy trình quản lý mà còn tăng tính nhất quán, rõ ràng trong điều hành hệ thống giáo dục.
Mặt khác, do phạm vi quản lý rộng, số lượng trường nhiều, khối lượng công việc của sở sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, vẫn cần cơ chế phối hợp với các địa phương, cấp xã, nhằm đảm bảo hiểu rõ nhu cầu thực tế và kịp thời hỗ trợ trường học trong công tác nhân sự.
Dù vậy, nếu bố trí nhân sự hợp lý, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, thì áp lực sẽ được giảm bớt, rút gọn các thủ tục hành chính mà hiệu quả vẫn có thể được đảm bảo.
Ngoài ra, để công tác tuyển dụng được nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu thực tế, thầy Thịnh cũng mong muốn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và sở trong việc xác định nhu cầu tuyển dụng, trong đó, nhà trường cần chủ động nắm bắt được số lượng, vị trí còn thiếu, từ đó đề xuất nhu cầu tuyển dụng với sở.

Còn theo cô Hồng, để Sở Giáo dục và Đào tạo có cái nhìn toàn diện, bao quát, sát sao hơn với từng cơ sở giáo dục, cần xây dựng cơ chế phản hồi hai chiều giữa cơ sở giáo dục và sở, thông qua họp định kỳ với hiệu trưởng các trường, khảo sát định kỳ giáo viên, hoặc sử dụng các kênh công nghệ thông tin để tiếp nhận nhanh phản ánh từ cơ sở.
Đồng thời tăng cường cơ chế lắng nghe, tiếp nhận ý kiến từ cơ sở, đảm bảo thông tin được cập nhật liên tục, kịp thời để công tác quản lý giáo dục vừa bám sát thực tiễn, vừa đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình mới.
Còn theo cô Hạnh, để đảm bảo sự thông suốt, thuận lợi, cần xây dựng một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa trường và sở. Khi công tác quản lý gần dân hơn, quá trình xử lý thủ tục, bố trí nhân sự hay triển khai các chính sách giáo dục cũng sẽ linh hoạt và kịp thời hơn. Từ đó, môi trường giáo dục sẽ được củng cố vững chắc từ nền tảng cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần chủ động rà soát, xác định rõ nhu cầu về số lượng, cơ cấu giáo viên theo từng môn học, từng cấp học, báo cáo đề xuất kịp thời để sở nắm bắt, xây dựng kế hoạch tuyển dụng phù hợp, sát với thực tế của từng địa phương.
Ngoài ra, quy trình tuyển dụng từ trước đến nay đã đảm bảo khách quan, minh bạch, tuy nhiên, cô Hạnh mong muốn cần đồng bộ về cơ cấu giáo viên giữa các bộ môn, cấp học.
Thực tế hiện nay, ở một số nơi vẫn còn tình trạng môn thừa, môn thiếu ở bậc trung học cơ sở, hoặc bậc mầm non, nhiều địa phương còn giáo viên chưa được vào biên chế. Việc nhiều giáo viên hợp đồng chưa được tuyển dụng chính thức làm việc trong thời gian dài với mức lương thấp, không được hưởng đầy đủ quyền lợi, dẫn đến tâm lý thiệt thòi, thiếu gắn bó lâu dài với nghề.
Do đó, các cơ sở giáo dục mong muốn công tác tuyển dụng được thực hiện sao cho đảm bảo đủ viên chức, đúng cơ cấu, giúp các trường thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và quản lý, từ đó đội ngũ giáo viên cũng ổn định công việc, yên tâm gắn bó lâu dài