Hợp tác Việt - Nhật ngày càng mở rộng, SV ngành Ngôn ngữ Nhật tại CMC có lợi thế gì?

20/07/2025 10:19
Yên Đan

GDVN - Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật có cơ hội nghề nghiệp phong phú và đa dạng, cả trong nước lẫn nước ngoài.

Ngành Ngôn ngữ Nhật là một trong những ngành học đang thu hút sự quan tâm lớn với các bạn trẻ, đặc biệt trong bối cảnh hợp tác kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng mở rộng. Với vị thế là một trong những quốc gia đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, Nhật Bản không chỉ mang đến nhiều cơ hội việc làm mà còn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ Việt tiếp cận sâu hơn với nền văn hóa đặc sắc và môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Nắm bắt xu thế đó, Trường Đại học CMC đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Nhật hiện đại, ứng dụng thực tiễn cao, giúp sinh viên không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn có kiến thức văn hóa, kỹ năng giao tiếp và năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong nước và Nhật Bản để tạo cơ hội thực tế cho sinh viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trình Thị Phương Thảo - Giám đốc chương trình Ngôn ngữ Nhật, Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học CMC cho biết, ngành Ngôn ngữ Nhật tại Trường sẽ chuyển hướng đào tạo sang chương trình đào tạo tiếng Nhật thương mại từ tháng 9/2025 với một số đặc trưng và điểm nổi bật mới.

tu-giang-duong-den-doi-thuc-cau-chuyen-cua-ts-trinh-thi-phuong-thao-nguoi-truyen-cam-hung-ket-noi-van-hoa-nhat-trong-ky-nguyen-cong-nghe-tai-truong-dai-hoc-cmc-1.jpg
Cô Trình Thị Phương Thảo - Giám đốc chương trình Ngôn ngữ Nhật, Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học CMC. (Ảnh: website nhà trường)

Thứ nhất, đây là một khoa thành viên của Trường Đại học CMC - một cơ sở giáo dục đại học tuy còn non trẻ nhưng đã được biết đến như một trường tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trong đó, ngành tiếng Nhật thương mại cũng đã tích cực ứng dụng các thành tựu của trí tuệ nhân tạo trong quá trình giảng dạy. Các kỹ năng nghe, nói của sinh viên được hỗ trợ thông qua các trợ lý ảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ triển khai Dự án thực tập ảo tích hợp nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo, giúp sinh viên năm cuối có thể rèn luyện khả năng ứng phó với các tình huống thực tế trong môi trường doanh nghiệp Nhật Bản.

Thứ hai, mặc dù là chương trình đào tạo tiếng Nhật thương mại, song số giờ học Ngôn ngữ Nhật bao gồm cả tiếng Nhật tổng hợp và tiếng Nhật chuyên ngành vẫn được đảm bảo ở mức cao, với tổng thời lượng hơn 900 giờ giảng dạy. Điều này tạo nền tảng tiếng Nhật vững chắc cho sinh viên.

Bên cạnh đó, sinh viên còn được học các môn chuyên ngành thương mại bằng tiếng Việt như: Thương mại điện tử, Nhập môn Logistics, Giao tiếp trong kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Nhập môn tài chính, Nhập môn quản trị dự án… Điều này có nghĩa là chương trình đào tạo tiếng Nhật thương mại cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng về kinh doanh, thương mại bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật, giúp sinh viên không bỡ ngỡ khi bước vào môi trường công sở Nhật Bản.

z6810238676834-bb3d9801d1b49eebd4ae0498fca4f7da.jpg
Sinh viên Trường Đại học CMC tham gia Lễ hội chào đón năm mới. Ảnh: NTCC

Đặc biệt, do môi trường doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng có nhiều nét đặc thù khác biệt so với doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp quốc tế khác, chương trình đào tạo tiếng Nhật tại Trường cũng chú trọng đến các học phần giúp sinh viên trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản để làm việc tại doanh nghiệp Nhật Bản như: Văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản, kỹ năng tìm việc và làm việc tại doanh nghiệp Nhật Bản…

Song song với đó là các hoạt động ngoại khóa thực tiễn như: Tổ chức cho sinh viên tham quan doanh nghiệp Nhật Bản; mời giám đốc các doanh nghiệp Nhật Bản đến trò chuyện, phỏng vấn, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Nhờ vậy, ngay từ năm thứ hai, sinh viên đã có cơ hội trải nghiệm thực tế với “người thật, việc thật” tại doanh nghiệp Nhật Bản, từ đó nâng cao động lực học tập và sớm hình thành định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Thứ ba, công tác hỗ trợ sinh viên trong quá trình tìm kiếm nơi thực tập được thực hiện rất bài bản. Tại Trường Đại học CMC, các đơn vị liên quan cùng khoa phụ trách đào tạo có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên tìm kiếm nơi thực tập phù hợp với năng lực và nguyện vọng của từng người. Do đó, Nhà trường và Khoa Ngôn ngữ luôn khuyến khích sinh viên năm cuối năng động, chủ động trong việc tìm kiếm nơi thực tập, tuy nhiên đối với các trường hợp gặp khó khăn thì cũng sẽ được hỗ trợ tối đa để đảm bảo quá trình thực tập diễn ra thuận lợi.

“Ngoài ra, Trường Đại học CMC đã thiết lập mạng lưới hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Cụ thể, với các chương trình thực tập trong nước, nhà trường đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đa dạng như sản xuất, thương mại, tư vấn, giáo dục và đào tạo. Đối với chương trình thực tập quốc tế, cụ thể là tại Nhật Bản, nhà trường và khoa cũng đang xúc tiến ký kết với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản để tiếp nhận sinh viên thực tập có lương trong thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn. Những chương trình thực tập này rất phong phú, tạo điều kiện cho sinh viên vừa nâng cao trình độ tiếng Nhật, vừa được trải nghiệm trực tiếp phương thức làm việc và văn hóa của doanh nghiệp Nhật Bản một cách hiệu quả.

Với điểm khác biệt trên, tôi kỳ vọng chương trình đào tạo tiếng Nhật thương mại sẽ mang lại lợi thế vượt trội cả về chuyên môn và kỹ năng làm việc cho sinh viên ngành tiếng Nhật thương mại, giúp các em phát triển toàn diện và sẵn sàng gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp”, cô Thảo thông tin.

Theo cô Thảo, ngành Ngôn ngữ Nhật - chương trình đào tạo tiếng Nhật thương mại vẫn bao gồm các môn học về biên - phiên dịch, với nội dung cập nhật những thông tin mới nhất và trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Về mặt kỹ thuật, chương trình đào tạo tiếng Nhật thương mại có tích hợp việc ứng dụng các phần mềm và công cụ trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất trong các tiết học kỹ năng nói, viết, nghe cũng như trong quá trình luyện tập chuẩn bị thực tập và xin việc.

z6810208261575-d86ab254b03f86f0ef4830ec73128016.jpg
Giám đốc doanh nghiệp Nhật Bản tới Trường Đại học CMC giảng dạy và phỏng vấn sinh viên. Ảnh: NTCC

“Trên thực tế, ngành Ngôn ngữ Nhật tại Trường Đại học CMC có điểm tương đồng với nhiều trường đại học khác ở việc có số lượng sinh viên nữ chiếm áp đảo so với sinh viên nam. Tuy vậy, tôi cho rằng không hề có sự khác biệt nào giữa các bạn nam và các bạn nữ trong quá trình học tiếng Nhật.

Nếu có điểm khác biệt thì đó là đặc điểm chung thường thấy ở các bạn nữ thường chăm chỉ hơn các bạn nam, nên về mặt điểm số, các bạn nữ thường đạt kết quả nhỉnh hơn. Tuy nhiên, theo tôi quan sát cũng có rất nhiều sinh viên nam học giỏi, nói tốt, viết tốt, năng động, hoạt bát và có năng lực tiếng Nhật cao. Đặc biệt, tại trường, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện học tập và phát triển cho tất cả sinh viên, bất kể là nam hay nữ.

Do đó, sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật sau khi tốt nghiệp có cơ hội nghề nghiệp phong phú và đa dạng, cả trong nước lẫn nước ngoài. Cụ thể, sinh viên có thể làm việc trong các vị trí hỗ trợ tư vấn trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại tại các tập đoàn đa quốc gia có yếu tố Nhật Bản hoặc đảm nhận các công việc liên quan đến kinh doanh, thương mại tại các doanh nghiệp có quan hệ hợp tác với Nhật Bản. Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể làm trợ lý đối ngoại, điều phối dự án tại các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, tại Nhật Bản hoặc tại các công ty có yếu tố Nhật Bản.

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp còn có thể làm việc tại các cơ quan ngoại giao như Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cũng như tại các tổ chức quốc tế của Nhật Bản tại Việt Nam hoặc của Việt Nam tại Nhật Bản. Một hướng đi khác là đảm nhận các công việc liên quan đến biên dịch, phiên dịch tiếng Nhật trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch, báo chí, xuất bản, dịch thuật, giáo dục… hoặc các vị trí tương đương khác trong lĩnh vực ngôn ngữ Nhật chuyên ngành tiếng Nhật trong kinh doanh. Đối với những sinh viên có nguyện vọng giảng dạy, nếu theo học thêm chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm, sau khi hoàn thành chương trình đại học ngành Ngôn ngữ Nhật, các em có thể tham gia giảng dạy tiếng Nhật tại các cơ sở đào tạo ngôn ngữ.

Song song với đó, Trường đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ sinh viên trong định hướng và tìm kiếm việc làm. Nhà trường đã ký kết các bản ghi nhớ hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn CMC cũng như các doanh nghiệp và đối tác bên ngoài, cả trong nước và tại Nhật Bản, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật trong việc tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm sau tốt nghiệp. Để sinh viên có sự chuẩn bị tốt hơn cho quá trình này, Nhà trường và khoa chuyên môn đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong nước và tại Nhật Bản, tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm thực tập thực tế tại các đơn vị này. Nhờ đó, sinh viên có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế”, cô Thảo nêu quan điểm.

Chú trọng tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kiến thức cho giảng viên

Hiện nay, một số học phần quan trọng trong chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Nhật tại Nhà trường có thể kể đến như Ngữ pháp và từ vựng tiếng Nhật các cấp độ, Hán tự, biên-phiên dịch, giao tiếp chuyên nghiệp, văn hóa-xã hội Nhật Bản, kỹ năng làm việc trong môi trường Nhật, Công nghệ hỗ trợ giảng dạy và học tập tiếng Nhật… Do đó, việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm hết sức cần thiết.

dsc-7262-8.jpg
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật được tăng cường thực hành trong quá trình học. Ảnh: NTCC

Cô Thảo cho hay, chiến lược của Nhà trường trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng, mời giảng viên bản ngữ và thúc đẩy hợp tác quốc tế được triển khai theo hướng rất cởi mở, năng động và tận dụng mọi cơ hội. Theo đó, Nhà trường khuyến khích và tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên trong nước có cơ hội học hỏi từ các giảng viên nước ngoài thông qua các chương trình hợp tác học thuật, trao đổi giảng viên, hội thảo chuyên đề và các hoạt động học thuật quốc tế khác.

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kiến thức cho giảng viên, đặc biệt là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục, và các kỹ thuật giảng dạy hiện đại. Những khóa học này giúp giảng viên nâng cao năng lực chuyên môn và có thể ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào công tác đào tạo ở tất cả các ngành, trong đó có ngành Ngôn ngữ Nhật.

“Trường Đại học CMC đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và gia tăng sức hút đối với ngành Ngôn ngữ Nhật, nhất là trong bối cảnh ngành học này tại nhiều trường đại học khác đang gặp phải không ít thách thức. Nhà trường đã đầu tư tập trung nguồn lực cho công tác tuyển sinh và truyền thông nhằm quảng bá cho ngành Ngôn ngữ Nhật, đồng thời tích cực triển khai các chương trình liên kết quốc tế và trao đổi sinh viên với các trường đại học tại Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hiện nay, Nhà trường đang triển khai chương trình Công nghệ thông tin Việt - Nhật, mở rộng cơ hội học song ngành cho sinh viên ngành Công nghệ thông tin. Đồng thời, Trường cũng xây dựng các chương trình thực tập tại Nhật Bản dành cho sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Hậu cần - Vận tải và các ngành khác. Trong thời gian tới, nhà trường có kế hoạch tiếp tục đa dạng hóa nội dung đào tạo, đặc biệt chú trọng phát triển các chương trình đào tạo liên ngành giữa khối ngành Ngoại ngữ với các khoa và ngành khác có khả năng kết hợp, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sinh viên trên thị trường lao động trong nước và quốc tế”, cô Thảo cho biết.

Chia sẻ về ngành Ngôn ngữ Nhật, Nguyễn Kim Châu - sinh viên năm 3 ngành ngôn ngữ Nhật, Trường Đại học CMC cho biết, trước khi vào đại học, bản thân đã theo học lớp song ngữ tiếng Nhật tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (phường Bồ Đề, Hà Nội). Do đó, Minh Châu đã có nền tảng tiếng Nhật từ khá sớm.

z6814780220272-89bc3d08f32a9f649baa080ef86fa470-9062.jpg
Nguyễn Kim Châu - sinh viên năm 3 ngành ngôn ngữ Nhật, Trường Đại học CMC. Ảnh: NVCC

“Trong quá trình học, tôi dần cảm thấy yêu thích ngôn ngữ này và quyết định theo đuổi ngành Ngôn ngữ Nhật. Đến nay, tôi nhận thấy tiếng Nhật là một ngôn ngữ thú vị nhưng cũng đầy thử thách. Một trong những khó khăn lớn nhất khi học tiếng Nhật là ngữ pháp bởi cách sắp xếp câu tiếng Nhật có sự khác biệt đáng kể với tiếng Việt, nên tôi mất khá nhiều thời gian để làm quen. Ngoài ra, tốc độ nói của người Nhật cũng nhanh, khiến tôi gặp khó khăn trong việc nghe hiểu thời gian đầu.

Bên cạnh việc học trên trường, tôi cũng từng làm thêm công việc gia sư tiếng Nhật cho học sinh tiểu học, chủ yếu hướng dẫn các bạn nhận biết mặt chữ Hán, nắm được ngữ pháp cơ bản và luyện kỹ năng viết. Khi dạy, tôi phải ôn lại kiến thức liên tục để đảm bảo truyền đạt cho học sinh một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra, tôi còn tham gia Câu lạc bộ Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản tại trường với vai trò là đồng sáng lập và phó chủ nhiệm nhiệm kỳ đầu tiên. Theo đó, những hoạt động trong câu lạc bộ đã giúp tôi mở rộng thêm hiểu biết về văn hóa Nhật, đồng thời có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Nhật trong thực tế”, Minh Châu chia sẻ.

Minh Châu thông tin, hiện tại bản thân đã có chứng chỉ JLPT N2 và BJT J3 (tiếng Nhật thương mại). Sau khi tốt nghiệp, Châu dự định sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có thể là công ty Nhật Bản hoặc doanh nghiệp có đối tác Nhật.

“Theo tôi, để có thể theo đuổi và phát triển với tiếng Nhật, đặc biệt là với những người mới bắt đầu, kỹ năng quan trọng nhất là khả năng hệ thống hóa kiến thức. Bởi tiếng Nhật có tới bốn bảng chữ cái khác nhau, nếu không có phương pháp học logic và bài bản thì rất dễ bị rối, mất phương hướng và chán nản”, Minh Châu bày tỏ.

Yên Đan