Dù chọn ngành nào hay trường nào, thí sinh cần có trách nhiệm với quyết định của mình

19/07/2025 15:51
Ngọc Huyền

GDVN - Sáng ngày 19/7, Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 diễn ra tại khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sáng 19/7, tại Hà Nội, Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ngày hội nằm trong chuỗi Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Báo Tuổi Trẻ cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp thực hiện, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. Tại đây, thí sinh sẽ được giải đáp những băn khoăn về lựa chọn nguyện vọng, lựa chọn thứ tự ưu tiên nguyện vọng vào các ngành, trường đại học khác nhau, đồng thời tiếp cận những thông tin tin cậy, chính xác và thiết thực cho giai đoạn quan trọng này.

Tham dự sự kiện có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và sự góp mặt của các thầy cô trong ban tư vấn đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng và các cơ sở giáo dục uy tín.

Phát biểu tại sự kiện, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh, sự kiện là dịp quan trọng để đồng hành, hỗ trợ các thí sinh trong việc xác định con đường học tập tiếp theo một cách hiệu quả và phù hợp. Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học chia sẻ, bên cạnh việc cung cấp thông tin, tư vấn chọn ngành, chọn trường, ngày hội còn là không gian để phụ huynh, học sinh lắng nghe, động viên và thấu hiểu nhau.

vu-truong-vu-gd.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát biểu tại ngày hội. Ảnh: Xuân Quý/Báo Đại biểu Nhân dân

“Chúng ta hãy cùng chia sẻ, động viên và chấp nhận nếu các con chưa đạt kỳ vọng. Quan trọng hơn là thắp lên ngọn nến hy vọng giúp các con sống chân thực, sáng suốt và mạnh mẽ hơn trong lựa chọn tương lai,” Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo bày tỏ.

Cũng theo Vụ trưởng, các thầy cô trong ban tư vấn sẽ đóng vai trò là “chất xúc tác”, hỗ trợ thí sinh và phụ huynh đưa ra những lựa chọn phù hợp, sát với năng lực và điều kiện thực tế.

Gửi thông điệp tới các thí sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh: "Một nước cờ đẹp không phải là đích đến cuối cùng mà là sự khởi đầu. Không có ngành nghề nào dễ dàng nếu thiếu nỗ lực bằng cả trái tim và khối óc. Không có nghề nào thành công mà không có mồ hôi, nước mắt và không có cánh cửa nào mở ra nếu chúng ta không sẵn sàng đón nhận những cái mới.

Điều quan trọng nhất với mỗi bạn trẻ là hiểu rõ chính mình, dám ước mơ và đủ bản lĩnh để theo đuổi ước mơ đó đến cùng. Dù lựa chọn ngành học hay ngôi trường nào, các bạn cũng cần có trách nhiệm với quyết định của mình, vì đó là bước đi đầu tiên trên con đường trưởng thành".

Lưu ý khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống

Trao đổi tại phiên tư vấn về những quy định tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo lưu ý thí sinh không nên chủ quan trong quá trình đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển.

Tóm lược lại một số chú ý và những lỗi thường mắc, ông Nguyễn Tiến Thảo cho biết, thứ nhất, thí sinh phải ghi nhớ lịch đăng ký để tránh việc quá thời hạn, hệ thống sẽ đóng vào 17h ngày 28/7 nên sau khi điền đầy đủ thông tin, thí sinh cần ấn nút "nộp" để hệ thống lưu trữ.

Thứ hai, thí sinh kiểm tra lại các thông tin, cập nhật dữ liệu sử dụng cho việc xét tuyển như chứng chỉ ngoại ngữ,… để không bỏ sót điểm cộng theo quy định.

Thứ ba, thí sinh cần kiểm tra lại điểm học bạ, khu vực thi, điểm ưu tiên để đảm bảo không xảy ra sai sót, mất quyền lợi của thí sinh.

Sau đó, hệ thống sẽ mở cho thí sinh nộp lệ phí xét tuyển. Nếu thí sinh không nhớ nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống sẽ không công nhận nguyện vọng thí sinh đã đăng ký.

gdvn-toancanh.jpg
Ban tư vấn tham gia Ngày hội lựa chọn nguyện vọng 2025. Ảnh: Ngọc Huyền

Phụ huynh có con học Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) hỏi cách đặt nguyện vọng theo thứ tự ở trường và ở hệ thống của Bộ có buộc phải giống nhau không? Thí sinh có được đăng ký thêm/bớt nguyện vọng (so với đã đăng ký với trường) trên hệ thống của Bộ không?

Giải đáp băn khoăn trên, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo cho biết, việc đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và đào tạo là bắt buộc và là quyết định cuối cùng của thí sinh trong mùa xét tuyển năm nay.

"Trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng so với thứ tự khi đăng ký ở trường, có thể thêm, bớt số nguyện vọng. Trường hợp thí sinh được xét tuyển thẳng (do quyết định của một trường), nhưng thí sinh muốn ưu tiên các nguyện vọng khác thì có thể xếp nguyện vọng mình yêu thích trước nguyện vọng được tuyển thẳng. Trường hợp không đỗ các nguyện vọng yêu thích thì cơ hội tuyển thẳng vẫn còn hiệu lực", Vụ trưởng tư vấn.

gdvn-vt.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo giải đáp các thắc mắc của phụ huynh tại phiên tư vấn. Ảnh: Ngọc Huyền

Tham gia ngày hội lựa chọn nguyện vọng, một phụ huynh băn khoăn nếu đăng ký cùng một ngành có thể đăng ký nhiều tổ hợp được không?".

Trả lời câu hỏi trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải, Trưởng ban tuyển sinh - hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thí sinh chỉ cần "ba cú kích chuột". Thứ nhất là sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức độ yêu thích, mong muốn của mình. Thứ hai là chọn trường và thứ ba là chọn ngành (với mỗi nguyện vọng).

Thí sinh không cần phải đăng ký từng tổ hợp xét tuyển, hay phương thức xét tuyển cụ thể vì hệ thống sẽ tự động lựa chọn tổ hợp/phương thức có lợi nhất cho thí sinh. Điều này nhằm đảm bảo không thí sinh nào vô tình lựa chọn phải tổ hợp mà mình thấp điểm nhất để xét tuyển.

Thầy Hải cũng cho biết hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ hiển thị những dữ liệu chung, còn những dữ liệu phục vụ việc xét tuyển của riêng mỗi trường thì các trường sẽ tự xử lý sau khi thí sinh cập nhật đầy đủ dữ liệu lên hệ thống.

vu-duy-hai.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải chia sẻ về cách đăng ký nguyện vọng. Ảnh: Ảnh: Xuân Quý

Khối ngành quân đội sẽ có "độ lệch điểm" giữa các tổ hợp xét tuyển

Đại tá Đỗ Thành Tâm - Thư ký Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng cho biết năm 2025, bên cạnh hệ quân sự, có 10 học viện/trường quân đội tuyển sinh đào tạo hệ dân sự với khoảng 3.500 chỉ tiêu.

Trong quá trình tuyển sinh, cả hệ quân sự và dân sự đều tuân thủ theo đúng quy định, quy trình tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với hệ quân sự, các trường quân đội chỉ tuyển thí sinh đã đủ điều kiện sơ tuyển, được một trường quân đội thông báo đủ điều kiện sơ tuyển và phải đặt nguyện vọng 1 khi xét tuyển vào trường đã đủ điều kiện sơ tuyển. Với hệ dân sự, thí sinh không phải qua sơ tuyển, không giới hạn nguyện vọng. Thí sinh lưu ý, tránh ghi nguyện vọng vào hệ quân sự mà đăng ký nhầm vào hệ dân sự, khiến từ đỗ thành trượt.

gdvn-dai-ta.jpg
Đại tá Đỗ Thành Tâm - Thư ký Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng cung cấp thông tin tại buổi tư vấn. Ảnh: Ngọc Huyền

Thông tin về chỉ tiêu và dự kiến mức điểm chuẩn của các tổ hợp xét tuyển của khối các trường quân đội, Đại tá Đỗ Thành Tâm chia sẻ, thực hiện theo quy chế tuyển sinh năm 2025, các trường không được chia riêng chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển.

Do đó, khi thực hiện xét tuyển, nếu một trường sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau, các trường quân đội có thể xác định độ lệch điểm giữa các tổ hợp để đảm công bằng khi thí sinh có mức điểm trúng tuyển tương đương.

Tuy nhiên, do các trường quân đội hầu hết sử dụng các tổ hợp xét tuyển có hai môn chung, nên từ năm 2024 trở về trước các trường đều công bố một mức điểm chuẩn cho tất cả các tổ hợp xét tuyển.

Dự kiến năm 2025, một trường quân đội nếu có sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển nhưng trong các tổ hợp có hai môn chung sẽ sử dụng một mức điểm chuẩn chung cho tất cả các tổ hợp.

"Ngoại trừ 3 trường trong quân đội dự kiến có độ lệch điểm, gồm Học viện Biên phòng (giữa C00, A01), Trường Sĩ quan Chính trị (giữa A00 và C00, D01), Trường cao đẳng Kỹ thuật mật mã (giữa A00, A01 và D01), 17 trường quân đội còn lại hầu hết sẽ chỉ sử dụng một điểm chuẩn chung", Đại tá Đỗ Thành Tâm thông tin.

Nhiều doanh nghiệp đang rất "khát" nhân lực cao đẳng

Đặc biệt, tại phiên tư vấn, nhiều phụ huynh, thí sinh đặt các câu hỏi liên quan tới hệ cao đẳng. Với câu hỏi "học cao đẳng có những ưu đãi nào, liệu có thất nghiệp khi nhiều nơi chỉ tuyển dụng người có bằng đại học", Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội bày tỏ học đại học là bậc học danh giá, còn học cao đẳng là sự lựa chọn.

gdvn-ts-dvn.jpg
Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội tại phiên tư vấn. Ảnh: Ngọc Huyền

“Thành công không nằm ở bằng cấp, mà ở năng lực và khả năng phát triển của mỗi người", thầy Ngọc nhấn mạnh.

Thầy Ngọc cho biết, chương trình cao đẳng thường kéo dài 3 năm, với thời lượng thực hành chiếm trên 70%. Một số ngành sử dụng chương trình đào tạo quốc tế có thể học 3,5 năm. Trong lĩnh vực chip bán dẫn, đại học đào tạo “nhân lực nghĩ”, còn cao đẳng đào tạo “nhân lực làm” - tức là những người trực tiếp vận hành, sản xuất.

Hiện nay, nhiều ngành như cơ khí, ô tô, điện - điện lạnh được nhà nước hỗ trợ tới 70% học phí; tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, doanh nghiệp hỗ trợ thêm 30%, sinh viên gần như được miễn học phí hoàn toàn.

“Cơ hội việc làm cho trình độ cao đẳng hiện rất lớn, miễn là người học có năng lực và mục tiêu rõ ràng. Không nhất thiết phải học đại học mới thành công", thầy Ngọc khẳng định.

Phụ huynh nên tìm kiếm thông tin qua kênh chính thống

Một phụ huynh quan tâm đến ngành y cho biết, khi tìm hiểu các cơ sở đào tạo, gia đình có quan tâm tới phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hoá. Nữ phụ huynh cho biết, bản thân nghe thông tin rằng trong một vài năm nữa, phân hiệu này sẽ tách ra thành trường riêng. Vậy nếu thí sinh trúng tuyển và nhập học, bằng tốt nghiệp của các em sẽ do Trường Đại học Y Hà Nội cấp hay do trường sau khi đã tách ra cấp?

Trả lời câu hỏi này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết thông tin: "Trường Đại học Y Hà Nội tuyển sinh 14 ngành đào tạo với 16 chương trình, tổ chức tại 2 cơ sở gồm Trường Đại học Y Hà Nội và phân hiệu tại Thanh Hoá. Có thể tới đây, tên chính thức sẽ không còn từ "phân hiệu" nữa mà sẽ là "cơ sở đào tạo tại Thanh Hoá".

Điều này không đồng nghĩa với việc cơ sở này tách thành trường riêng. Do đó, bằng tốt nghiệp vẫn sẽ do Trường Đại học Y Hà Nội cấp. Phụ huynh hết sức yên tâm, chương trình đào tạo tại các cơ sở là như nhau, giảng viên vẫn là giảng viên của Trường Đại học Y Hà Nội".

gdvn-ldt.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Ngọc Huyền

Tại ngày hội, Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng viện đào tạo báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhắn nhủ, phụ huynh không nên "nghe nói" mà chỉ nên nắm thông tin chính xác của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thông tin đăng trên website chính thức của các cơ sở đào tạo.

"Phụ huynh và thí sinh cứ bám sát các quy định, hướng dẫn. Các phương thức xét tuyển và điều kiện xét tuyển đều đã có trên cổng thông tin điện tử của các trường. Không có chuyện các trường đột nhiên bổ sung hay thay đổi phương thức mà không thông báo", thầy Kiền nói.

Tiến sĩ Phan Văn Kiền cũng chia sẻ thêm một chính sách "mềm", tạo điều kiện cho thí sinh muốn vào ngành báo chí, truyền thông nhưng e ngại không đủ điểm đỗ. Thầy cho biết, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có hệ thống bằng kép. Thí sinh có để đặt nguyện vọng vào các ngành có điểm chuẩn thấp hơn ngành mong muốn. Sau khi vào trường học, đảm bảo yêu cầu học tập, thí sinh có thể đăng ký học ngành kép để được học thêm ngành mà mình mơ ước.

Một số hình ảnh tại buổi tư vấn:

gdvn-5.jpg
gdvn-4.jpg
gdvn-3-441.jpg
gdvn-02.jpg
gdvn-01.jpg
Ngọc Huyền