Báo chí Học viện hay báo chí Nhân văn?

Kỳ 1: Tôi chọn báo chí, đơn giản vì…

07/12/2011 12:00
Thu Hòe
(GDVN) - Tại sao SV chọn học báo chí ở HV BC&TT chứ không phải là Khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH KHXH&NV và ngược lại? Họ nói  gì về sự lựa chọn này của mình?

LTS: Trước tình hình phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thông tin, truyền thông cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động báo chí - truyền thông ngày càng đòi hỏi cao hơn. Bên cạnh các ngành học đang “hot” ở khối các trường Kinh tế, Tài chính, Ngoại thương, Thương mại,… báo chí cũng đang là tâm điểm, là sự lựa chọn số 1 của giới trẻ hiện nay.

Tuy nhiên, cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông nào tốt nhất? Học báo chí – truyền thông ở đâu đảm bảo có chất lượng cao nhất? Sinh viên báo chí tốt nghiệp ở cơ sở đào tạo nào dễ xin việc nhất? Sinh viên báo chí trường nào được các nhà tuyển dụng đánh giá cao nhất? Cơ sở nào có nhiều sinh viên là nhà báo thành đạt nhất?... là những câu hỏi vẫn, đã và đang làm đau đầu biết bao thế hệ học sinh trước ngưỡng cửa thi ĐH, các bạn trẻ có đam mê với báo chí nhưng chưa biết chọn lựa thi, học ở cơ sở đào tạo báo chí nào.

Khu vực phía Bắc có hai cơ sở đào tạo báo chí – truyền thông nổi tiếng là: Học viện Báo chí và tuyên truyềnKhoa Báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, (ĐHQGHN). Đây được coi là những địa chỉ đào tạo báo chí – truyền thông tốt nhất ở khu vực miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, mỗi trường lại có những ưu khuyết điểm khác nhau, những thế mạnh và hạn chế khác nhau trong đào tạo. Nhằm cung cấp cho bạn đọc nhất là các bạn học sinh trước ngưỡng cửa thi ĐH, những người đã, đang và sẽ đam mê,  theo học báo chí – truyền thông một cái nhìn, một sự đánh giá toàn diện về hai cơ sở đào tạo này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến quý bạn đọc loạt bài viết nhiều kỳ xoay quanh nội dung: Báo chí học viện hay báo chí Nhân văn?

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có những ghi nhận, tổng hợp ý kiến, quan điểm cũng như những tâm tư, tình cảm của sinh viên báo chí (SVBC) ở cả hai cơ sở đào tạo về lý do tại sao họ chọn...

Chúng tôi chọn báo chí Nhân văn vì…

Những niềm vui, niềm tự hào và cả những nỗi niềm băn khoăn, trăn trở của các thế hệ SV đã và đang theo học ở Khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH KHXH & NV, ĐHQGHN. Họ nói gì về sự lựa chọn của mình?

Nhà báo Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập báo Hải quan (cựu sinh viên K36)

Nhà báo Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập báo Hải quan, (cựu sinh viên K 36, khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH KHXH & NV, ĐH QGHN) (Ảnh Thu Hòe)
Nhà báo Vũ  Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập báo Hải quan, (cựu sinh viên K 36, khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH KHXH  & NV, ĐH QGHN) (Ảnh Thu Hòe)

Cùng lúc thi đỗ vào ba trường ĐH danh tiếng, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm ngoại ngữ và khoa Báo chí, trường ĐH Tổng Hợp Hà Nội nhưng, nhà báo Vũ Thị Ánh hồng đã chọn Khoa Báo chí, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội nay là Khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH KHXH & NV, ĐHQGHN, trở thành thể hệ sinh viên đầu tiên của khoa.

Chị cho biết: “Tôi quyết định chọn học khoa Báo chí, Đại học Tổng Hợp Hà Nội là do sở thích. Từ nhỏ tôi đã có cái sở thích muốn  được đi đây đi đó, muốn được tiếp xúc  gặp gỡ với nhiều người, muốn được đặt chân lên những vùng đất mới lạ,  đặc biệt là muốn có cơ hội học hỏi mở mang kiến thức… Những điều này nghề làm báo hoàn toàn có thể mang lại một cách hiệu quả nhất cho tôi. Thú thực lúc đó cũng chưa có một định hướng nghề nghiệp cụ thể nào từ phía gia đình hay bản thân tôi…Tôi lựa chọn vì niềm yêu thích của bản thân và đến nay tôi thấy đó là sự lựa chọn đúng đắn…”

Nhà báo Dương Minh Việt – Tổng GĐ Cty Cổ phần tích hợp dữ liệu Nextcom (cựu sinh viên K42)

“Trước tiên là niềm yêu thích và đam mê với hai từ “báo chí” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nghề báo luôn là một nghề thu hút những người trẻ năng động.

Nhà báo Dương Minh Việt (cựu sinh viên K42) (Ảnh Thu Hòe)
Nhà báo Dương Minh Việt (cựu sinh viên K42) (Ảnh Thu Hòe)

Không những thế, thời điểm K42 (khóa 1997 - 2001) của chúng tôi ngành báo chí - truyền thông Việt Nam đang có sự chuyển mình khá mạnh mẽ từ một ngành nặng về tuyên truyền sang một cấp độ truyền thông mới năng động hơn, đa chiều hơn để đáp ứng những thay đổi của xã hội. Đó cũng là giai đoạn các anh chị sinh viên lứa đầu tiên (K36, 37) của khoa Báo chí trường Đại học Tổng Hợp ra trường và bắt đầu có những thành công, có nhiều tiếng vang trong nghề báo.

Là sinh viên báo chí của ĐHQG, chúng tôi vô cùng tự hào về ngành mình, về Khoa mình, Trường mình. Tôi tin rằng niềm tự hào đấy vẫn còn trong rất nhiều sinh viên lứa chúng tôi đến tận bây giờ…”

Nhà báo Nguyễn Phong Cầm, phóng viên kinh tế, báo Tiền Phong (cựu sinh viên K 43)

“Học báo chí ở khoa Báo chí nay là khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH KHXH & NV, ĐH QGHN, chúng tôi được trang bị một nền tảng kiến thức nền khá vững. Đây là điều vô cùng cần thiết với một nhà báo, bởi bên cạnh kiến thức chuyên ngành, nhà báo cần có sự hiểu biết sâu rộng về các vấn đề của xã hội. Bạn đọc sẽ “soi” tầm của nhà báo qua chính bài báo mà anh ta viết ra.

Nhà báo Nguyễn Phong Cầm, phóng viên kinh tế, báo Tiền Phong (Ảnh Thu Hòe)
Nhà báo Nguyễn Phong Cầm, phóng viên kinh tế, báo Tiền Phong (Ảnh Thu Hòe)

Từ trước đến nay, điểm đầu vào của Khoa Báo chí & Truyền thông đều thuộc top cao nhất của cả trường. Thời kỳ của chúng tôi, khối C không được 22 – 23 điểm chưa dám mơ vào được khoa Báo chí. Do đó, tôi luôn tự hào vì mình là sinh viên khoa Báo chí của trường ĐH KHXH &NV, ĐHQGHN.”

Hoài Thương (K 54)

“Mình luôn tự hào là sinh viên của khoa “năng động và sôi nổi nhất trường”. Học ở khoa Báo chí & Truyền thông, chúng mình vừa được học, vừa được thực hành. Nhiều bạn lớp mình, ngay từ những năm đầu đã viết bài cộng tác với các báo, có thu nhập hằng tháng, không phải bố mẹ trợ cấp nữa rồi. Đó là điều mà không phải khoa nào trong trường cũng làm được.

Mỗi năm, khoa Báo chí & Truyền thông cung cấp hằng trăm cử nhân báo chí cho các cơ quan báo chí thông tấn, công ty truyền thông trên cả nước. (Ảnh Thu Hòe)
Mỗi năm, khoa Báo chí & Truyền thông cung cấp hằng trăm cử nhân báo chí cho các cơ quan báo chí thông tấn, công ty truyền thông trên cả nước. (Ảnh Thu Hòe)

Mình hy vọng, sắp tới bọn mình sẽ có nhiều buổi đi thực tế hơn, những buổi tọa đàm về kỹ năng làm báo để sau này bọn mình không phải bỡ ngỡ trước môi trướng làm báo thực tế…”

Phương Ly (K55)

“Trước khi thi vào khoa Báo, mình đã lên website trường tìm hiểu rất kỹ thông tin về khoa và mình thực sự ấn tượng, đặc biệt là thành tích, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm. Không khí học tập, làm việc năng động của khoa Báo chí & Truyền thông  thực sự có thể biến ước mơ trở thành nhà báo của mình thành hiện thực. Mình tin sự lựa chọn khi đăng ký thi vào khoa Báo chí & Truyền thông của mình và các bạn trong lớp là hoàn toàn đúng đắn, chính xác…”

Báo chí Học viện ơi! Tôi chọn bạn vì…

Khổng Thị Chiêm (K29, Báo in)

“Mình chọn nghề báo vì không còn trường khối C nào có tương lai hơn nó. Mình không phù hợp với sư phạm, trường ĐH KHXH & NV cũng có ngành Báo chí nhưng mình không thực sự thích. Mình muốn học báo chí ở một trường chuyên sâu về báo chí như Học viện.

Sinh viên báo chí Học viện Báo chí & Tuyên truyền tác nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. (Ảnh NQ)
Sinh viên báo chí Học viện Báo chí & Tuyên truyền tác nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. (Ảnh NQ)

Học viện Báo chí và tuyên truyền là trường đào tạo báo chí chuyên sâu, chuyên nghiệp, lâu năm, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tế, không những thế quy mô trường lớp lớn và được đầu tư về mọi mặt đảm bảo tốt cho việc học, tác nghiệp của sinh viên. Trong khi đó, khoa Báo chí & Truyền thông, trường ĐH KHXH & NV, ĐH QGHN chỉ có 1 khoa, đào tạo chung, không chia chuyên ngành…

Nếu cho mình lựa chọn lại một lần nữa, mình vẫn chọn ngành báo chí và vẫn chọn học báo chí ở Học viện Báo chí & Tuyên truyền để học vì mình có thể tìm thấy nhiều cơ hội khác sau khi ra trường. Học báo không có nghĩa là sẽ chỉ làm báo, có thể làm truyền thông, PR, quảng cáo…”

Đỗ Hoàng Oanh, (K29, Báo mạng)

“Nghề báo là nghề được đi nhiều, được biết nhiều điều và khám phá được nhiều thứ mới lạ. Đây là nghề không bị bó buộc bởi thời gian và không nhàm chán, được tự do thể hiện cá tính.

Học viện Báo chí & Tuyên truyền là trường đào tạo chính thống về báo chí, có nhiều chuyên ngành báo khác nhau để lựa chọn…”

Phạm Đăng Đức (K29, báo in)

“Đào tạo báo chí ở Học viện Báo chí & Tuyên truyền có độ chuyên sâu đúng lĩnh vực nghề nghiệp mà mình mong muốn. Mình đang theo học ở 1 khoa, 1 trường tương đối danh tiếng của khối xã hội (C,D). Đầu ra tương đối sáng sủa vì sự phát triển của mạng lưới báo chí & truyền thông hiện đại đang đòi hỏi nhiều nhân lực.

Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho tôi môi trường học tập lý tưởng và sự chuyên sâu trong đào tạo (Ảnh NQ)
Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho tôi môi trường học tập lý tưởng và sự chuyên sâu trong đào tạo (Ảnh NQ)

Theo mình biết, chương trình đào tạo báo chí ở Học viện Báo chí & Tuyên truyền đào tạo chuyên sâu và chú trọng vào từng lĩnh vực nghề nghiệp báo chí và truyền thông cụ thể (VD: báo in, báo mạng, PT, TH, PR, quảng cáo,…). Nó khác hẳn chương trình đào tạo báo chỉ ở Khoa Báo chí & Truyền thông của ĐH KHXH & NV, ĐHQGHN đào tạo theo kiểu bao trùm, tổng quát, mỗi chuyên ngành BC học 1 ít, không tập trung chuyên sâu vào từng lĩnh vực.

Mình muốn được đào tạo chính quy chuyên ngành báo in để sau này khi ra trường sẽ có đc nền tảng BC tốt khi làm việc trg cơ quan BC, tránh bỡ ngỡ và khó khăn khi đổi từ nghề khác sang nghề báo”.

Còn bạn thì sao? Xin hãy chia sẻ quan điểm của bạn ở phần comment cuối bài nhé!

Thu Hòe