'Cậu ấm' nhà Gaddafi: Cầu thủ giàu nhất lịch sử bóng đá

07/12/2011 09:52
Theo Bóng đá & Cuộc sống
Trong giới cầu thủ chuyên nghiệp không ai giàu có và nhiều quyền lực như Al-Saadi Gaddafi. Đó là con trai thứ ba của nhà cựu lãnh đạo Lybia, Muammar Gaddafi.
Al-Saadi Gaddafi.
Al-Saadi Gaddafi.

Sẽ khó lòng tưởng tượng rằng ở bất kỳ nơi đâu khác trên thế giới, nếu không phải là Lybia, một con người có thể đảm nhận tất cả các cương vị sau: cầu thủ chuyên nghiệp cho một CLB quốc nội, đội trưởng ĐTQG, chủ tịch LĐBĐ, cổ đông lớn và giám đốc của Juventus, thương nhân và… lãnh đạo Lực lượng đặc nhiệm quốc gia. Nhưng Al-Saadi Gaddafi làm tất cả. Anh ta có rất nhiều quyền lực, và không thể rời xa quyền lực bởi chế độ gia đình trị của nhà Gaddafi ở Lybia, nhưng anh ta lại yêu bóng đá tha thiết và vẫn sẵn sàng làm tất cả chỉ để được ra sân vài phút tại Serie A.

Saadi, chỉ có một Saadi

Ở Lybia, dưới sự lãnh đạo của Muammar Gaddafi, có một luật bất thành văn: không một cầu thủ nào mang tên Saadi, ngoại trừ một người, được phát thanh viên xướng lên trong các trận đấu bóng đá. Điều đó đảm bảo rằng người dân sẽ chỉ biết đến một Saadi duy nhất. Đó Al-Saadi Gaddafi, cậu quý tử của người đang lãnh đạo đất nước.

Saadi vô cùng ham thích đá bóng, và dễ dàng tìm được một suất đá chính ở CLB giàu truyền thống nhất Lybia, Al-Ahly Tripoli. Với quyền lực của mình, Saadi biến nền bóng đá Lybia thành sân chơi riêng. Không cần bàn đến CLB mà “ông chủ tịch” khoác áo, bởi họ sẽ luôn nhận được sự ưu ái của các trọng tài. Ngay cả những đội bóng mà Saadi có chút thiện cảm, ví dụ như một đội bóng đến từ thành phố Al-Baydah, quê mẹ của “cậu ấm” cũng sẽ được ưu tiên.

Trong những ngày ấy, Al-Ahly Benghazi nổi lên như một CLB chống đối quyết liệt sự độc tài của Saadi đối với bóng đá Lybia. Ở quốc gia này, sân bóng và các đền thờ là nơi duy nhất người dân có quyền được giải tỏa những bức bối, và họ sẵn lòng làm việc đó ngay cả khi trên sân là con trai của nhà độc tài. Những trận đấu luôn có màu sắc của những cuộc đấu tranh chính trị nhiều hơn là thể thao.

Họ la hét, họ chửi bới và mang cả những con lừa có mặc áo thi đấu của Alahy Tripoli lên khán đài, hòng làm ê mặt Saadi trước các vị khách. “Cậu ấm” không thể để yên. “Tao sẽ hủy diệt CLB của mày! Tao sẽ biến nó thành cái tổ cú” - chủ tịch của Benghazi, Khalifa Binsraiti kể rằng Saadi đã gào vào mặt ông sau khi bị làm nhục trước quan khách quốc tế trong một trận chung kết Cúp QG.

Binsraiti sau đó bị bỏ tù, còn Benghazi bị tống xuống giải hạng Nhì nhờ tiếng còi méo của trọng tài. Trong trận đấu quyết định suất trụ hạng của Benghazi mùa giải năm đó, trọng tài đã thổi một quả penalty tưởng tượng. Cầu thủ và CĐV Benghazi bao vây trọng tài đòi làm cho ra nhẽ, nhưng không biết từ đâu ra, quân đội ập vào SVĐ, và số phận của đội bóng ngỗ ngược được quyết định.

Sau trận đấu đó, CĐV Benghazi tràn xuống đường biểu tình, đốt hình nộm của Muammar Gaddafi, đập phá trụ sở LĐBĐ Lybia, đòi sự công bằng. Đòn trừng phạt tiếp tục được giáng xuống: 80 người bị bắt, 30 người ra trước tòa vì tội phá hoại, và 3 người bị tuyên án tử hình.

10 phút ở Serie A

Cũng như nhiều anh chị em, Saadi được cha giao cho quản lý một phần quỹ đầu tư quốc gia Lybia. Anh ta ném ngay vào bóng đá, với việc mua 7,5% cổ phần của Juventus và có một ghế trong BLĐ Bà đầm già.
Del Piero (trái) tranh bóng cùng Saadi Gaddafi.
Del Piero (trái) tranh bóng cùng Saadi Gaddafi.

Năm 2003, Perugia trao cho Saadi một cơ hội ký hợp đồng. Không chần chừ, chàng trai nghiện đá bóng từ bỏ ngay lợi ích kinh tế ở Juve để có thể khoác áo CLB này.

“Cậu ấm” chơi bóng cũng phải đẳng cấp hơn người. Saadi thuê Diego Maradona làm HLV kỹ thuật, thuê nhà vô địch điền kinh Canada Ben Johnson làm HLV thể lực. Theo lời tường thuật của tiền đạo Jay Bothroyd (hiện đang thi đấu cho QPR), người từng là đồng đội của Saadi trong thời gian đó, anh này tỏ ra khá nhã nhặn và không đòi hỏi một sự đối xử đặc biệt nào ở Perugia. “Anh ấy còn tới dự lễ cưới của tôi” - Bothroyd tâm sự - “Có vệ sỹ ở quanh, nhưng lúc nào Saadi cũng thân thiện. Anh ấy đi tập đều đặn và mong có cơ hội ra sân, một cách công bằng”.

Bất chấp có đội ngũ “gia sư” đắt tiền, Saadi chỉ được ra sân có một trận ở Serie A, đá 10 phút, trước khi bị phát hiện dùng doping. Có lẽ mong muốn được tỏa sáng ở đấu trường đỉnh cao của “cậu ấm” quá lớn. Với ảnh hưởng của mình, anh tiếp tục tìm cơ hội ở Udinese và Sampdoria, nhưng không xuất hiện một lần nào ở Serie A nữa. Sau đó, quá chán nản với sự phí phạm thời gian của ông con, Muammar Gaddafi đã phải ra lệnh cho Saadi sớm giải nghệ.

Tay chơi vô địch

Cũng may là Saadi không thực sự thành công trong sự nghiệp cầu thủ ở châu Âu, nếu không, làng bóng đá vốn đã nổi tiếng vì những tay chơi này sẽ có thêm một gã bất hảo vô địch nữa.

Trong một bức điện ngoại giao của Mỹ năm 2009 được trang Wikileaks tiết lộ, giới quan sát Mỹ ở Lybia coi Saadi là “cừu đen” của nhà Gaddafi. Nghiện rượu, nghiện ma túy, thường xuyên tổ chức những bữa tiệc xa hoa và quan hệ cả với đàn ông lẫn đàn bà. Theo bức điện này, chính việc Saadi là người lưỡng tính đã khiến gia đình anh ta phải dàn xếp một lễ cưới với con gái của người thống lĩnh quân đội Lybia. Khi chính quyền Gaddafi sụp đổ và biệt thự của Saadi bị đốt phá, người ta đã tìm thấy ở đây rất nhiều ấn phẩm khiêu dâm đồng tính nam.

Tình yêu bóng đá trong Saadi hẳn phải vô cùng lớn để anh ta cư xử nhã nhặn tại Serie A. Bởi ở bất cứ nơi nào khác, “con giời” này cũng sẵn sàng quậy tưng bừng bất chấp luật pháp của nước sở tại. Đã hơn một lần cảnh sát châu Âu bập còng số 8 vào tay Saadi vì sự bất hảo (những chuyện này hầu như được ỉm đi với báo chí).

Với tổng tài sản của ông bố lên đến 37 tỷ USD, và có quyền thọc tay vào ngân khố quốc gia để tiêu xài, du thuyền và siêu xe với Saadi chỉ là chuyện vặt. Để phục vụ cho sở thích săn bắn, Saadi từng mua nguyên một khách sạn ở gần khu bảo tồn Maasai Mara của Kenya, và điều một chiếc máy bay đầy vũ khí đến đây, đòi đem súng vào rừng săn bắn. Khi được thông báo rằng việc săn bắn ở Kenya đã bị cấm từ 3 thập kỷ nay, Saadi đã gào thét chửi bới như điên vào mặt các nhân viên nước sở tại.

Ngoài bóng đá, Saadi còn là một fan cuồng của điện ảnh, và cũng ra sức dùng quyền lực hòng mua được chỗ đứng trong ngành nghệ thuật này. Năm 2004, “cậu ấm” rút từ tập đoàn dầu mỏ Lybia 100 triệu USD để… mở công ty phim. Vài năm sau đó, ngoài việc đổ hàng chục triệu USD hòng tạo ra một siêu phẩm điện ảnh cho Lybia, Saadi còn lân la khắp Hollywood, làm quen với những nhân vật có ảnh hưởng nhất ở đây, hòng mơ về một ngày, điện ảnh Mỹ sẽ có một bộ phim làm riêng về anh ta với tư cách… anh hùng sa mạc.
Hiện là một trong những thành viên hiếm hoi của gia đình Gaddafi còn sống sau cuộc nội chiến, Saadi đang sống lưu vong tại Niger và được Interpol phát lệnh truy nã cấp cao nhất.

Không biết, Del Piero có ấn tượng gì về việc anh đã từng tranh bóng với một trong những tội phạm nổi tiếng nhất thế giới không?
Theo Bóng đá & Cuộc sống