Quan hệ thương mại Việt Mỹ sau 10 năm tăng 1.200%

09/12/2011 06:51
Nam Phong
(GDVN) - Sau 10 năm Việt – Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ, hiệp định thương mại song phương được ký kết, thương mại hai chiều đã tăng hơn 1.200%.

Nhân kỷ niệm 10 năm Việt – Mỹ bình thường hóa quan hệ và kỷ niệm 10 năm hiệp định thương mại song phương có hiệu lực, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gửi đi thông điệp về mối quan hệ giữa hai bên.

Ngày 13 tháng 7 năm 2000, chỉ năm năm sau khi Tổng thống Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, các nhà đàm phán Mỹ và Việt Nam đã ký kết một hiệp định thương mại song phương (BTA), là hiệp định mà hiện nay đang định rõ các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa hai nước chúng ta.

Trong mười năm kể từ khi BTA có hiệu lực vào ngày 10/12/2001, thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng hơn 1.200%, từ 1,5 tỉ Đô la lên hơn 20 tỉ USD. Ngoài lợi ích về thương mại và đầu tư, Hiệp định còn phục vụ như là một "bàn đạp" cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007.

Đồ thị tăng trưởng thương mại song phương Việt - Mỹ và GDP bình quân đầu người của Việt Nam.
Đồ thị tăng trưởng thương mại song phương Việt - Mỹ và GDP bình quân đầu người của Việt Nam.

"Đây là thời điểm tốt cho Hoa Kỳ và Việt Nam. Hơn 10 năm qua, chúng tôi đã có những bước tiến ấn tượng trong mối quan hệ song phương của chúng ta, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế ", ông Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David B. Shear nói. "Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi với tư cách là Đại sứ."

Hiện nay, Hoa Kỳ và Việt Nam, cùng với bảy nước đối tác khác đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do khu vực Quan Hệ Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), phục vụ như là một nền tảng tiềm năng cho hội nhập kinh tế trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự hội nhập này sẽ thúc đẩy lợi ích kinh tế cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam trong nhiều năm tới, tạo việc làm và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hai nước.

Thu nhập thực tế tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 7,2% mỗi năm, và GDP đầu người đã tăng từ  413 USD năm 2001 lên 1.300 USD vào năm 2011. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 10,6% trong năm 2010.

Nam Phong