Những kẻ phản đồ của các trận cầu 'siêu kinh điển' (Phần 1)

09/12/2011 06:16
C.K
(GDVN) - Từng là thần tượng của Nou Camp/Bernabeu, nhưng họ đã đánh mất tất cả khi sang bên kia chiến tuyến. Người ta gọi đó là những kẻ tội đồ El Clasico.
1. Ronaldo (Barca 1996-1997; Real 2002-2007)

Ở Barca, anh là niềm hy vọng cho tương lai, còn ở Real Madrid, anh là cỗ máy hủy diệt. Ronaldo là một trong số những ngôi sao đầu quân cho cả Barcelona lẫn Real Madrid. Nhưng, giữa 5 năm chuyển giao ấy, anh đã không xuất hiện tại La Liga. Vậy nên các cule cũng đã nguôi ngoai nỗi hận với Người ngoài hành tinh. Cựu tiền đạo này còn được biết đến với một kỳ tích khác là dám khoác áo cả Inter Milan lẫn AC Milan.

2. Saviola (Barca 2001-2007; Real 2007-2009)

Saviola từng được xem là mầm non quý giá của Nou Camp, nhưng qua nhiều mùa giải không lớn thêm được, tiền đạo hiện khoác Benfica đã dần chìm vào quên lãng. Cho đến khi chuyển sang Real, các cule cũng chẳng bận thù hằn anh.

3. Luis Enrique (Real 1991–1996; Barca 1996–2004)

Đây được xem là một trong những cú áp phe thành công nhất của Barca. Tiền vệ đánh chặn này chơi hay tại Real 1 thì sang Barca, anh chơi hay 2. Số bàn thắng của Luis Enrique cho Barca cũng áp đảo (10 bàn/mùa so với 3/mùa ở Real). Chính vì thế, thế hệ sau này nhắc đến Luis Enrique là nhớ về Barca.

4. Gheorghe Hagi (Real 1990–1992; Barca 1994–1996)

Hagi, niềm tự hào của bóng đá Đông Âu có được vinh dự khoác áo cả Barca lẫn Real, nhưng khi chơi cho Real, ông xuất sắc bao nhiêu thì lúc về Barca, ông lại gây thất vọng bấy nhiêu. Một vài pha xử lý ngẫu hứng không đủ giúp các CĐV Barca xóa tan đi nghi ngờ về tài năng này. Chỉ đến khi sang đầu quân cho Galatasaray, Hagi mới thực sự là một ngôi sao đúng nghĩa nhờ vào tài năng của mình thay vì mang danh ngôi sao nhờ vào việc khoác áo Barca.

5. Alfonso Perez Munoz (Real 1989 – 1995); Barca 2000-2002)

Nhà vô địch Olympic 1992 trưởng thành từ lò Castilla và được tạo khá nhiều cơ hội khi lên đội 1. Song, tất cả những gì tiền đạo này làm được chỉ là 1 suất trên băng ghế dự bị. Khi Barca đưa ông về, nhiều người tự hỏi liệu đây có phải hành động trêu tức Real hay không, bởi Alfonso chẳng đóng góp được gì nhiều khi qua 2 mùa, tiền đạo sinh năm 1972 này chỉ ghi nổi 2 bàn)

6. Albert Celades (Barca 1995–1999; Real 2000–2005)

Nếu Alfonso là đòn thù của Barca thì Celades là lời đáp trả của Real. Hai nhân vật này giống nhau ở điểm: Tài năng của họ không xứng với tầm vóc của cả Real lẫn Barca. Họ chỉ như con tốt khiến Barca và Real căm phẫn nhau hơn.
 
7. Fernand Goyvaerts (Barca 1962-1965; Real 1965-1967)

Tiền đạo sinh năm 1938 này không gây ấn tượng gì nhiều ngoài cái danh từng đầu quân cho cả Barcelona lẫn Real Madrid. Chơi ở vị trí tiền đạo, ông đóng góp cho mỗi nơi 1 bàn trước khi lui vào bóng tối.

8. Miquel Soler (Barca 1988–1991, 1992-1993; Real 1995–1996)

Ở Tây Ban Nha, không ai đáng ghét bằng Miquel Soler. Cựu tiền vệ năm nay 42 tuổi gan to đến nỗi không chỉ dám đầu quân cho Barca và Real, ông còn từng khoác áo Espanyol, gã hàng xóm đáng ghét của Barca và Atletico, người láng giềng Real cũng chẳng bao giờ muốn đội trời chung. Ngoài ra, thành tích trên sân cỏ của Miquel Soler cũng không có gì đáng nói ngoài 1 cúp C3 và 2 La Liga cùng Barca.

9. Ricard Zamora (Barca 1919–1922; Real 1930–1936)

Thủ thành sinh năm 1901 này là những người đầu tiên nếm trải đủ cảm giác cay đắng khi khoác áo cho Barca và Real. Nhưng, đây là thời điểm Real đang thống lĩnh nhờ vào tiềm lực của Hoàng gia TBN còn Barca mới ở buổi bình minh nên quyết định ra đi của ông không vấp phải quá nhiều chỉ trích.
Ricard Zamora.
Ricard Zamora.

10. Robert Prosinecki (Real 1991–1994; Barca 1996–1997)

Một trong những tài năng hiếm hoi của bóng đá Croatia có được vinh dự chơi cho cả Barca lẫn Real.  Song, ở Real ông nổi bật hơn hẳn với 1 vị trí chính thức, còn khi sang Barca, cựu tiền vệ này chỉ có thể sắm vai dự bị và chỉ sau 1 năm, ông đã phải hồi hương để đầu quân cho Croatia Zagreb.

11. Daniel Garcia (Real 1992–1998; Barca 1999–2003)

Trường hợp trái ngược với Prosinecki. Daniel Garcia hoàn toàn gây thất vọng ở Bernabeu song lại tỏa sáng rực rỡ ở Barca. Cũng nhờ vậy mà tiền đạo này đã có suất ở ĐT Tây Ban Nha. Nhưng, trớ trêu thay là các danh hiệu ông dành được lại là cùng Real (Champions League 1997/98, VĐQG TBN 1994/95.
 
12. Fernando Munoz (Barca 1990-1992; Real 1994-1996)

Đây là một trong số ít những cái tên tỏa sáng ở cả Barca lẫn Real. Tại Nou Camp, ông có 2 chức VĐQG trong khi về với Real, con số này cũng là 2. Munoz cũng là trung vệ trụ cột khi ông khoác áo ĐT TBN.
C.K