Giải tắc Hà Nội, lãnh đạo TP trả lời "rối"

09/12/2011 12:17
Ngọc Quang
(GDVN) - "Tăng dân thế này thì làm sao mà không tăng phương tiện được, đó là nguyên nhân dẫn tới tiếp tục ùn tắc giao thông...".

Sáng nay (9/12), ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND thành phố đã trả lời chất vấn trước HĐND thành phố. Vị đại diện UBND thành phố cho hay, đối với vành đai 1 có tổng chiều dài 23,1km và đã thực hiện được 17,8km, đường vành đai 2 có tổng chiều dài 43km đã hoàn thành 13,3km, đường vành đai 3 tổng chiều dài 65km, đã hoàn thành 39,7km. Tình hình đầu tư được tập trung, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân giải phóng mặt bằng là một trong những yếu tố chính.

Về tổng thể, các giải pháp giảm ùn tắc giao thông: Đất dành cho giao thông hiện nay mới 7-8%, mặt cắt đường nhỏ hơn 11m chiếm tới 80%, có tới hơn 3 nghìn nút giao thông và khoảng cách giữa các nút giao thông quá ngắn trong, đèn tín hiệu mới có 181 cụm, chưa có đường sắt đô thị… 

ĐB Nguyễn Hoài Nam – Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố nêu câu hỏi: Theo báo cáo của Ủy ban thành phố thì đã di dời một số nhà máy ra ngoại thành nhưng tại các khu đất này thì lại mọc lên các khu đô thị. Vậy đề nghị làm rõ thông tin quy mô đầu tư xây dựng và quy mô dân số tại một số dự án sau: Một là khu chung cư cao tầng Minh Khai (trước đây là Nhà máy dệt 8.3), hai là Khu Royal City ở chân cầu vượt Ngã Tư Sở, ba là Khu vực nhà máy rượu Hà Nội chuẩn bị phê duyệt và đầu tư tại Minh Khai… Thẩm quyền phê duyệt thuộc Chính phủ hay của thành phố? Tới đây một số Bộ sẽ di dời, vậy trụ sở cũ này có tiếp tục làm các khu đô thị nữa hay không?

ĐB Nguyễn Hoài Nam
ĐB Nguyễn Hoài Nam

Cũng theo ĐB Nguyễn Hoài Nam, trong 10 năm qua thì chúng ta chưa di dời được một trường học, bệnh viện nào ra khỏi nội đô. Trong khi đó, tại khuôn viên trong BV Bạch Mai thì có thêm BV Lão khoa, BV Nhiệt đới, BV Việt Pháp; trong BV Việt Đức thì có thêm BV Răng hàm mặt; tại khu vực BV Việt Nam-Cu Ba thì có thêm BV Mắt… Chúng ta ko di dời đc bệnh viện trường học nào ra ngoại thành, nhưng trong khu BV Bạch Mai… Nếu là trách nhiệm của Chính phủ thì thành phố đã kiến nghị gì với Chính phủ?

Vấn đề thứ hai là thành phố đã phân cấp cho các quận huyện sử dụng hè đường, nhưng tình hình kinh doanh đang tràn lan. Tới đây, thành phố có tiếp tục phân cấp cho các quận huyện nữa hay không? Trách nhiệm của thành phố khi phân cấp thế nào, xin lưu ý là tôi không hỏi xử lý các hộ kinh doanh mà là xử lý trách nhiệm với chính quyền địa phương?

Vấn đề thứ ba là lập lại hè đường trả lại hè đường cho giao thông, tuyến phố đi bộ đã mở vào cuối tuần là nhằm mục đích thương mại chứ không phải giao thông đi bộ. Vậy tới đây, thành phố mở các tuyến phố đi bộ khác là theo hướng nào, có tiếp tục theo hướng thương mại không?

Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Nguyễn Văn Khôi cho hay, về việc di dời các nhà máy sau đó xây dựng chung cư cao tầng, khu đô thị thì việc đó tiến hành theo quy hoạch; hai nữa là để có nguồn vốn đầu tư lại cho chủ cơ sở đó thực hiện lại việc sản xuất tại chỗ mới; di dời một số Bộ ngành trong nội đô thì theo quyết định 1259 sẽ ưu tiên đất đó cho mục đích công cộng, giao thông đô thị, đối với Bệnh viện trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô có hai điểm là di chuyển cơ sở chữa bệnh truyền nhiễm cao và xây dựng các bệnh viện chất lượng cao tại các khu vực ngoài nội thành.

Đối với các tuyến đi bộ như trong đề án báo cáo mở rộng ban đầu là nhằm bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể, kết hợp với kinh doanh thương mại, nhưng phải gìn giữ được nét đẹp văn hóa đặc trưng Thủ đô. Với vấn đề giao cho các địa phương tự quản lý và đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đại diện UBND thành phố cho hay: “Đã thành lập các đoàn kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm, nhưng chưa xử lý đối với các chính quyền địa phương đã được trao quyền nhưng lại để xảy ra tình trạng này”.

Nhiều đại biểu không đồng tình với phát biểu của vị đại diện UBND thành phố, cho rằng trả lời chưa rõ ràng và khá chung chung. ĐB Lê Văn Hoạt – Phó Chủ tịch HĐND thành phố đồng quan điểm với ĐB Nguyễn Văn Nam và cho rằng, di chuyển nhà máy ra ngoại thành nhưng lại bố trí chung cư cao tầng, nhưng vừa rồi lại bố trí chung cư cao tầng là chưa hợp lý.

“Thành phố bảo là bố trí vốn, nhưng trước đây thông tin thì nói là ưu tiên cho công trình công cộng. Thành phố đã có ý kiến thế nào với trung ương về vấn đề này cũng chưa được làm rõ. Trách nhiệm vỉa hè, lòng đường thì xử lý trách nhiệm vi phạm và trách nhiệm địa phương? Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề cần phải giải quyết, cần phải có thái độ không chỉ với người vi phạm mà cả địa phương, nếu không thì chúng ta phân cấp rồi lại thả nổi, sẽ không quản lý được”, ông Hoạt nói.

Sau “truy vấn” của ĐB Lê Văn Hoạt, đại diện UBND thành phố đã trả lời: “Về xử lý chính quyền thì chưa, còn các tổ chức cá nhân vi phạm thì đã xử lý rồi, với hơn 4 nghìn trường hợp”.

ĐB Lê Văn Hoạt
ĐB Lê Văn Hoạt

ĐB Nguyễn Hoài Nam tiếp tục "truy": các nhà máy đã được di dời để xây dựng khu đô thị đều nằm ở nút vào nội thành và sẽ thu hút một lượng dân số vô cùng đông đúc với hàng nghìn người sống tại đó, thí dụ đã xây dựng là khu Nhà máy dệt 8.3 và khu Royal City tại chân cầu vượt Ngã Tư Sở, còn với khu vực Nhà máy rượu Hà Nội thì cũng chuẩn bị phê duyệt. Đây là lỗi của người làm quy hoạch đã để tăng dân số đột biến về cơ học, trong khi đó các Nghị quyết của Chính phủ thì đều nói là cố gắng không tăng cơ học dân số.

ĐB Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh: “Như phát biểu của tôi chiều qua, tăng dân thế này thì làm sao mà không tăng phương tiện được, đó là nguyên nhân dẫn tới tiếp tục ùn tắc, chứ không phải ở chuyện phải hạn chế xe ô tô cá nhân, vì chẳng ai đi hai cái ô tô hay đi cùng lúc hai cái xe máy ra đường cả. Theo thông tin tôi biết dù chưa chính xác, tới đây một số cơ quan chuyển ra khỏi nội thành thì trụ sở cũ vẫn được phê duyệt xây dựng khu đô thị, vậy thì lại tiếp tục thu hút dân số rất lớn. Như đồng chí Khôi đã nói thì đó là cách để có nguồn vốn xây dựng trụ sở mới. Vậy thì bài toán giảm ùn tắc giao thông trách nhiệm thuộc Chính phủ ra sao, Hà Nội ra sao? Bởi nếu cứ như thế này thì dân số đông lên, không thể chống ùn tắc được”.

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường vành đai, bởi với tốc độ như hiện nay là hoàn thành nhiều vào 2015-2016 thì quá chậm, trong khi những tuyến đường này rất quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông.

Theo ông Lâm: “Giải pháp nào tối ưu để giảm ùn tắc thì chưa nói đến mà chỉ nêu các giải pháp khá chung chung, các tiến bộ khoa học cũng chưa đề cập. Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật đã trình với thành phố một phần mềm và đặt ở tất cả các ngã tư, có thể kiểm soát chụp lại hình của tất cả các phương tiện dừng đỗ đi sai quy định thì cũng chưa thấy đề cập, mà theo tôi thì kỹ thuật khoa học là yếu tố quan trọng trong giảm ùn tắc”.

Ngọc Quang