Ông lão “tiêu diệt” bệnh thấp khớp chỉ bằng một cú hà hơi

10/12/2011 07:04
Mai Long/Pháp luật & Thời đại
Tình cờ biết chuyện ông Rầy chuyên chữa trị những ca thấp khớp, trật khớp, giúp phục hồi nhanh xương gãy nên tôi chỉ định tạt ngang xem thực hư thế nào nhưng...
Chịu đựng cơn đau nhức suốt 5 mùa rẫy, chứng đau khớp kinh niên bên chân trái của anh Lý Tân Liệu (ngụ xã Tà Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bất ngờ biến mất chỉ sau… một cú hà hơi của một ông lão ẩn dật nơi miền sơn cước địa phương này.


Cây cúc tần còn có tên khác là cây lức, từ bi, là loại cây bụi, cao 1-2m, cành mảnh, có lông sau nhẵn; lá mọc so le, màu lục xám, mép khía răng, gần như không cuống; hoa tím nhạt, hình đầu. mọc thành ngù ở ngọn; quả nhỏ, có cạnh; toàn cây có lông tơ và mùi thơm. Cây mọc hoang và được trồng làm hàng rào, lá chứa protein, toàn cây có acid chlorogenic, tinh dầu.

Lá cúc tần diệu kỳ

Tình cờ biết chuyện ông Rầy chuyên chữa trị những ca thấp khớp, trật khớp, giúp phục hồi nhanh xương gãy nên tôi chỉ định tạt ngang xem thực hư thế nào nhưng đã bị cuốn hút bởi cách chữa bệnh kì lạ của lang y núi rừng. Ngôi nhà không mấy khang trang nhưng ngăn nắp luôn rộn ràng tiếng người. Cứ nghĩ nhà cụ già đông con nhiều cháu nhưng không phải, đó là bệnh nhân đến nhờ cụ chữa trị.
Chứng kiến ông Rầy chữa bệnh mới thấy cách thức, phương pháp hết sức đơn giản: Cho người bệnh nằm hoặc ngồi lên ghế, sau khi nắn nơi thấp khớp, nắn chỉnh chỗ xương gãy hoặc khớp bị trật, ông dùng tay giữ chặt khoảng 3 phút rồi ngậm rượu phun vào vết thương. Vừa phun, tay ông nhanh nhẹn xát lá cây Từ bi (tên gọi địa phương, tên thông dụng là cây cúc tần) đều đều.

Cuối cùng, ông dùng tay bôi thêm một loại hỗn hợp lá cây tươi giã nát lên vết đau và rửa sạch sau vài câu hỏi chuyện. Canh chừng đồng hồ đích xác, mỗi lần “thổi” thuốc ông Rầy làm mất không quá 10 phút.

Hỏi ông “Sao làm nhanh vậy?” thì được giải thích cặn kẽ: “Nếu một lần không khỏi thì mỗi ngày “thổi” hai lần và liên tục trong ít ngày. Nếu điều trị đứt quãng thì sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc”. Theo lời thầy lang này, ông có thể chữa trị những ca thấp khớp trong thời gian dài ngắn tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ; riêng những ca trật khớp hay xương gãy mới xảy ra ít hơn 30 ngày thuộc dạng “chuyện nhỏ”: “Tùy vào mức độ nặng nhẹ, độ tuổi của người bệnh mà có thể chữa khỏi trong vài ngày, chậm nhất là một tháng”.

Bật mí công thức bài thuốc, ông Rầy cho biết chỉ sử dụng 3 loại lá cây rừng: Lá thuốc Từ bi dùng để xát lên vết thương, hai vị lá còn lại được giã nhuyễn tạo thành hỗn hợp bôi da, ông xin giữ bí mật vì “lý do nghề nghiệp”.

Tuy nhiên thầy lang này cũng hé lộ: Tất cả những loại lá cây trên đều dễ kiếm từ rừng. Chúng phát huy tác dụng cao khi kết hợp với “rượu mạnh” (rượu nặng độ, rượu nguyên chất). Lá cây có thể sử dụng ở dạng tươi nhằm chiết lấy nước hoặc phơi khô đem ngâm rượu. Điểm đặc biệt, tất cả lá thuốc do ông Rầy bào chế dù có mùi thơm nhưng tuyệt đối không thấy ruồi nhặng đến gần.

Có một điều lạ nữa là trong lúc chữa bệnh, miệng ông Rầy bao giờ cũng lẩm nhẩm gì đó. Hỏi thì ông bảo là “đang niệm chú”, niệm hết bài chú tức hoàn thành một lần chữa và mỗi ca bệnh là một bài chú khác nhau. “Bí kíp là ở bài chú này, niệm đúng mới linh nghiệm, bệnh nhanh khỏi”,ông nói. Tuy nhiên, giải thích dưới góc độ khoa học, y sĩ Lê Quang Hiển, Phó Khoa Nội nhi chuyên Y học cổ truyền Bệnh viện Hướng Hóa nhận định: “Có thể đó chỉ là cách ông Rầy che giấu bài thuốc quý gia truyền. Thực chất hiệu nghiệm hay không chính là nhờ các vị lá cây ông xoa bóp lên người bệnh”.

Kiêng thực 3 năm mới được theo nghề

Nối nghiệp cha từ lúc lên 10 tuổi, ông Rầy đã có hơn nửa đời gắn bó với nghiệp lang y. Nói về chuyện chọn người nối nghiệp, ông Rầy mỉm cười mãn nguyện bởi đã có cô con gái út đam mê nghề thuốc.

“Thần y” này cũng bật mí rằng “tiêu chuẩn” để có thể học nghề là phải “kiêng thực” trong vòng 3 năm. Có nghĩa trong từng ấy thời gian tuyệt đối không được ăn thức ăn gì chế biến từ huyết (máu) hoặc xương. Nghi lễ cần thiết nhất để bậc hậu duệ có thể hành nghề là lễ “trao phép”. “Làm con gà, nải chuối và chai rượu khấn Giàng (Trời). Dù có thuộc thần chú nhưng phải chính thức được “trao phép” mới linh nghiệm được”, lời ông lão nói không hiểu có phải để giấu công thức thuốc mình đang sở hữu?

Điều đáng quý ở lang y Hồ Văn Rầy khiến xóm làng kính nể là ông không bao giờ đòi hỏi tiền công chữa bệnh. Tùy vào hoàn cảnh mỗi người, ai nghèo khó biếu ông chai rượu, gói thuốc lá cũng xong. Những bệnh nhân có gia cảnh khó khăn được ông chữa miễn phí hoàn toàn.

Một chuyện thật như bịa về tài nghệ của ông Rầy khiến người ta phục lăn: Nối liền ngón tay đã lìa khỏi bàn tay. Chuyện xảy ra cách đây hơn ít năm, người được ông nối ngón tay là anh Hồ Văn Cực, ngụ cùng xóm. “Hồi đó mình đang chặt củi thì bị đứt ngón tay, máu chảy nhiều lắm. Thấy vậy ông vội cầm máu rồi lắp ngón tay bị đứt vào chỗ cũ. Sau khi bôi thuốc ông lấy nẹp tre cố định vị trí và gần tháng sau đã nhúc nhắc, bây giờ ngón tay đã cử động bình thường, chỉ còn vết sẹo”, anh Cực hồ hởi kể lại.

Thông tin trên được những người trong xóm xác nhận là có thật, thậm chí chỉ cần hỏi “ông Rầy chữa gãy xương” là người ta nhắc ngay đến “sự tích” này như một niềm tự hào về người có biệt tài cực dị của xóm làng

Tài chữa trị của ông Rầy nổi tiếng đến mức đã thành “thương hiệu” chốn sơn cước Khe Sanh. Bài thuốc của ông còn “đặc trị” những ca trật, gãy xương chậu. Bệnh nhân NguyễnThị Hiệp (quê xã Vĩnh Chấp, huyện  Vĩnh Linh, Quảng Trị) là một ví dụ. Chị Hiệp bị gãy xương chậu, điều trị nhiều này tại bệnh viện nhưng không mấy khả quan, phải xuất viện trong tình trạng “mang bệnh về nhà”. Được người quen mách nước, ngừoi nhà chị Hiệp tìm đến đây và sau 18 ngày dùng thuốc, chị đã bình phục hơn 90%, đã có thể cử động gần như bình thường.

Bà Trương Thị Vui (ngụ khóm 1, thị trấn Khe Sanh) hiện đang điều trị tại đây cũng là bệnh nhân bị trật xương chậu. Điều trị Tây y tốn kém mà không hiệu quả, khi nhà đã hết tiền thì con cái bà quyết định chuyển sang chữa bằng thuốc lá rừng của ông lão này. Bà mỉm cười thuật lại: “Tui đi rẫy sơ ý bị sẩy chân, phần xương mông cứ đau ê ẩm không thể đứng ngồi được, đi chụp phim mới hay trật xương chậu. Nhờ lá thuốc rừng miễn phí mà ngay tui đã đi lại nhúc nhắc được rồi”.

Dân bản quý ông Rầy đến mức người ta thường gọi ông bằng cái tên trìu mến “bố Rầy”. Đến nhà “bố Rầy” mới thấy hết tình cảm chân thành của lang y tuổi 66 này: Người bệnh cùng ăn, ngủ lại ngay tại nhà thầy lang, nếu có tiền thì đóng góp, không có tiền thì ông vẫn tiếp đãi nồng hậu. “Tôi làm phúc là chính, con cái lớn khôn hết rồi, tiền bạc nhiều chết cũng không mang theo được. Sống ở đời cốt để đức huệ cho con cháu đời sau”, ông bộc bạch.

Ông Lê Quang Hiển, Phó Khoa Nội nhi chuyên Y học cổ truyền Bệnh viện Hướng Hóa cho biết, bài thuốc của ông Rầy ngoài cúc tần có thể gồm những loại cây khác “công” tính năng lên tạo thành loại thuốc “đặc trị” những bệnh về xương khớp.

“Trong dân gian, ngày xưa các cụ đã biết cúc tần có công dụng tán phong hàn, lợi tiểu, tiêu độc, tiêu ứ, tiêu đờm, sát trùng, làm ăn ngon miệng, giúp tiêu hóa… thường dùng chữa cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, thấp khớp, đau lưng, nhức xương, chấn thương. Có thể bài thuốc của ông Rầy đã lợi dụng được tính năng này khiến cây phát huy hết tác dụng”, ông Hiển nhận định.
Mai Long/Pháp luật & Thời đại