Nga sẽ cấp phép liên doanh sản xuất vũ khí ở Đông Nam Á

11/12/2011 20:13
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)
(GDVN) - Để tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường vũ khí Đông Nam Á, Nga sẽ tiến hành liên doanh sản xuất, tạo dịch vụ hậu mãi tiện lợi…

Tờ “Quan điểm” (Взгляд) Nga cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga tại thị trường Đông Nam Á, Công ty Xuất khẩu Quốc phòng Nga (Rosoboronexport) đang đàm phán xây dựng Trung tâm Dịch vụ Sửa chữa Trang bị Quân đội Nga.

Nhưng, động thái này có thể sẽ không tiếp tục thu hút sự quan tâm nhiều của các nước mua sắm vũ khí Nga nhiều nhất là Ấn Độ và Trung Quốc.

Ấn Độ đang thực hiện đa dạng hóa nguồn nhập khẩu vũ khí, Trung Quốc thì chỉ muốn nhập khẩu trang bị hàng không tiên tiến nhất hoặc những loại vũ khí mà nước này không thể tự sản xuất được.

Máy bay chiến đấu Su-30 được chào đón ở thị trường Đông Nam Á
Máy bay chiến đấu Su-30 được chào đón ở thị trường Đông Nam Á

Báo Nga cho biết, ngày 7/12, tại Triển lãm Vũ khí Quốc tế Malaysia, Phó Tổng Giám đốc Rosoboronexport Victor Komardin tuyên bố, Nga chuẩn bị sử dụng phương thức gồm thành lập cấp phép liên doanh sản xuất và xây dựng Trung tâm Dịch vụ Sửa chữa Hậu mãi Trang  bị, mở rộng hợp tác với các nước Đông Nam Á về mặt cung ứng vũ khí trang bị.

Hiện nay, phía Nga đang tiến hành đàm phán với Sri Lanka về việc thành lập Trung tâm Dịch vụ Sửa chữa Hậu mãi Trang bị. Phía Nga còn có kế hoạch xây dựng Trung tâm Dịch vụ Sửa chữa Vũ khí Trang bị ở Malaysia.

Komardin nhấn mạnh, Rosoboronexport luôn coi các nước Đông Nam Á là một thị trường rất quan trọng, phần lớn vũ khí trang bị do Công ty tiêu thụ đều là do các nước Đông Nam Á mua.

Tên lửa phòng không dùng cho xuất khẩu S-300PMU1 của Nga
Tên lửa phòng không dùng cho xuất khẩu S-300PMU1 của Nga

Komardin nói: “Tuy cạnh tranh đang gia tăng, nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực (Đông Nam Á). Điều này không chỉ liên quan đến xuất khẩu vũ khí trang bị hiện đại. Chúng tôi còn muốn liên kết nghiên cứu phát triển, tổ chức cấp phép sản xuất, xây dựng trung tâm dịch vụ cỡ lớn”.

Báo Nga cho biết, cho đến nay, Rosoboronexport đã cung ứng vũ khí và trang bị quân sự hàng tỷ USD cho các nước Đông Nam Á, trong đó sản phẩm xuất khẩu được hoan nghênh nhất vẫn là máy bay tiêm kích hạng nặng Su-30, hiện đã được quân đội các nước Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc sử dụng.

Tháng 2/2010, Việt Nam và Nga đã ký một hợp đồng cung ứng 12 máy bay chiến đấu Su-30, trị giá khoảng 1 tỷ USD. Một năm trước, nhà cầm quyền Việt Nam còn ký thỏa thuận mua 6 tàu ngầm diesel 636 của Nga, trị giá 1,8 tỷ USD.

MiG-29KUB là máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay do Nga sản xuất.
MiG-29KUB là máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay do Nga sản xuất.

Báo Nga cho biết, năm 2003, Malaysia ký hợp đồng mua máy bay chiến đấu Su-30 đầu tiên, hoàn thành cung ứng vào năm 2009. Cách đây không lâu, Malaysia tuyên bố gọi thầu mua máy bay chiến đấu, Nga có cơ hội thắng thầu tương đối lớn.

Ngày 5/12, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hamidi đã nói rõ là, phía Malaysia cho rằng cơ hội chiến thắng của Nga trong đấu thầu mua 18 máy bay tiêm kích của Không quân Malaysia là rất lớn, nhưng khi đưa ra quyết định mua cuối cùng, nhà cầm quyền Malaysia đặc biệt coi trọng vấn đề bổ sung khoản tiền hợp đồng.

Ngày 7/12, Phó Tổng Giám đốc Rosoboronexport Komardin vội vàng trả lời là, là một phần của chương trình bổ sung, Nga sẽ xây dựng trung tâm bảo trì kỹ thuật máy bay đã cung cấp trước đây, hơn nữa sẽ còn cung cấp thiết bị luyện tập mô phỏng đào tạo phi công.

Ngoài Su-30, Không quân Malaysia còn có 18 máy bay tiêm kích MiG-29N mua năm 1995, chuẩn bị thay thế sau năm 2015.

Xe tăng T-90 của Nga
Xe tăng T-90 của Nga

Báo Nga cho biết, năm 2010, thông qua khoản vay 300 triệu USD của Nga, Sri Lanca bắt đầu mua trang bị quân sự của Nga, chuẩn bị mua tối đa 30 máy bay trực thăng Mi-17. Ngoài ra, Sri Lanca còn xem xét mua 5 máy bay tiêm kích MiG-29SM, để bổ sung cho 4 máy bay tiêm kích cải tiến MiG-27 hiện có.

Cuối tháng 11 có tin cho biết, Bangladesh và Nga đã ký một hợp đồng cung cấp xe tải bọc thép do Nga chế tạo, kim ngạch và cỡ, loại xe bọc thép chưa được tiết lộ.

Báo Nga cho biết, khách hàng mua nhiều nhất trang bị quân sự của Nga ở khu vực châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc. Trung  Quốc và Ấn Độ chủ yếu mua trang bị hàng không (máy bay tiêm kích Su-30), vũ khí phòng không, tàu ngầm, xe tăng và tàu chiến.

Máy bay trực thăng tấn công Mi-28N do Nga sản xuất
Máy bay trực thăng tấn công Mi-28N do Nga sản xuất

Điều cần chỉ ra là, gần đây Ấn Độ đang nỗ lực thực hiện đa dạng hóa nguồn nhập khẩu vũ khí trang bị. Năm nay, quân đội Ấn Độ đã loại máy bay tiêm kích MiG-35 của Nga khỏi cuộc đấu thầu mua 126 máy bay chiến đấu, hơn nữa máy bay trực thăng tấn công Mi-28N của Nga cũng thất bại trong đấu thầu.

Nhưng, tỷ trọng của vũ khí trang bị Nga trong quân đội Ấn Độ vẫn rất lớn. Quân đội đã trang bị trên 700 chiếc xe tăng T-90, mua 22 máy bay tiêm kích MiG-29KUB để trang bị cho tàu sân bay Vikramaditya.

Ngoài ra, Nga hiện còn chế tạo cho Ấn Độ 3 tàu hộ tống lớp Talwar (trước đó đã bàn giao 3 chiếc cho Ấn Độ sử dụng), tàu ngầm diesel lớp Kilo cải tiến. Các cuộc thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân đa năng Seal (mà quân đội Nga có kế hoạch cho Ấn Độ thuê) cũng sắp kết thúc.

Báo Nga cho biết, đối với Trung Quốc, hiện nay chỉ muốn mua trang bị hàng  không tiên tiến nhất của Nga, hoặc các sản phẩm mà hiện nay doanh nghiệp quốc phòng của Trung Quốc tạm thời chưa có khả năng sản xuất.

Tàu hộ tống lớp Talwar
Tàu hộ tống lớp Talwar

Trong mấy năm qua, một hợp đồng quân sự lớn nhất giữa Trung-Nga là cung ứng hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho 15 tiểu đoàn, cuối cùng một lô đã được hoàn tất bàn giao vào tháng 3/2010, tổng kim ngạch không được tiết lộ. Lô hệ thống tên lửa S-300 mà Trung Quốc mua trước đây là vào năm 2004, kim ngạch giao dịch là 900 triệu USD.

Chuyên gia quân sự Nga Shurygin cho rằng, Nga cần thiết phải xây dựng sớm Trung tâm Dịch vụ Sửa chữa Hậu mãi Trang bị quân sự, dây là một vấn đề rất quan trọng.

Sau khi Liên Xô tan rã vào đầu thập niên 1990, các nước nhập khẩu vũ khí trang bị của Nga luôn tích cực tìm kiếm nhà bảo trì kỹ thuật tương ứng, Israel, Ba Lan và các nước Hiệp ước Warsaw trước đây đã giành được thành công một phần thị phần của Nga trong việc bảo trì vũ khí trang bị Liên Xô cũ.

Hiện nay, chỉ có tích cực xây dựng Trung tâm Dịch vụ Sửa chữa Vũ khí trang bị của Nga ở nước ngoài mới có thể cung cấp tốt hơn việc bảo đảm kỹ thuật sau bán hàng, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa quân sự Nga trên thị trường, thúc đẩy xuất khẩu tiêu thụ vũ khí trang bị.

Đông Bình (Theo báo Quang Minh)