Vụ nổ xe máy: Honda VN gửi mẫu xe sang Nhật giám định

11/12/2011 11:09
Trong nỗ lực làm rõ nguyên nhân gây ra vụ nổ xe máy ở Bắc Ninh, Công ty Honda VN gửi một chiếc - loại giống xe đã nổ ở Bắc Ninh - sang Nhật Bản để giám định.
Trong nỗ lực làm rõ nguyên nhân gây ra vụ nổ làm một phụ nữ mang thai tại Bắc Ninh thiệt mạng cũng như kiểm tra khả năng gây nổ của xe máy Honda, Công ty Honda Việt Nam gửi một chiếc - loại giống xe đã nổ ở Bắc Ninh - sang Nhật Bản để giám định.

Theo tìm hiểu của PV, hiện phía Honda Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được với chiếc xe máy bị nổ nên không thể đưa ra bất kỳ suy đoán nào. Một chuyên gia kỹ thuật của một đại lý Honda cho rằng, chỉ cần tiếp cận với dấu vết của bình xăng bị lõm vào hay bị vỡ bung từ bên trong cũng có thể có suy đoán vụ nổ do tác động từ bên ngoài hay từ bình xăng ra.

Trong khi đó, đã gần 10 ngày trôi qua kể từ vụ nổ, câu trả lời chính thức về nguyên nhân vụ nổ vẫn bỏ ngỏ, đặc biệt khi kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an cho biết không phát hiện dấu vết thuốc nổ tại hiện trường.
Vẫn còn nhiều nghi vấn về nguyên nhân nổ của xe máy Honda Super Dream.
Vẫn còn nhiều nghi vấn về nguyên nhân nổ của xe máy Honda Super Dream.
Với thông tin của cơ quan công an, vụ nổ do nguyên nhân gài chất nổ vào xe được xem là không còn. Do đó, mọi giả thuyết đang được xoay quay khả năng chập cháy - nổ của chính chiếc xe.

Theo rất nhiều chuyên gia kỹ thuật xe máy cũng như các thợ sửa xe máy lâu năm, khả năng tự phát nổ của chiếc xe gần như không xảy ra bởi nếu có rò rỉ xăng thì chỉ dẫn tới cháy chứ không thể gây nổ. Nếu quả thật nguyên nhân do tự nổ thì đây là vụ tự nổ đầu tiên được ghi nhận trong số khoảng 33 triệu xe môtô, xe gắn máy được đăng ký và đưa vào sử dụng tại Việt Nam từ trước tới nay.

Một trong những giả định mới khá chi tiết vừa được đưa ra là của kỹ sư Lê Văn Tạch, người được biết nhiều đến liên quan tới phát hiện lỗi xe Toyota. Kỹ sư này cho rằng, phần lớn các trường hợp xe máy đang vận hành mà bị cháy nổ thì  nguyên nhân chủ yếu là do chập điện và trong trường hợp của vụ tai nạn này thì  nguyên nhân có lẽ cũng không ngoài khả năng đó.

"Vì trên xe máy có một số dây điện của hệ thống đèn, còi, đồng hồ táp-lô, bu-gi...và thường được bó lại với nhau nên nếu trên một dây nguồn (dây dương) nào đó bị xước vỏ và chạm vào chi tiết kim loại trên xe hoặc lõi của dây nguồn bị chạm vào lõi dây mát trong bó dây điện thì sẽ dẫn đến hiện tượng chập điện. Hiện tượng này làm cho dây điện nóng nên rất nhanh làm cháy vỏ nhựa của dây điện.

Nếu ngọn lửa tiếp cận ống cao su dẫn nhiên liệu từ bình xăng vào bộ chế hòa khí thì sẽ làm cháy ống dẫn xăng làm cho xăng bị bắt lửa. Nếu lượng xăng trong bình còn ít hơn nửa bình và xe bị ngả ra thì sẽ tạo ra lỗ khí thông từ bình xăng ra ngoài. Lỗ này chứa hỗn hợp khí-xăng nên sẽ dẫn lửa từ ngoài vào bình xăng. Khi lửa vào được trong bình xăng làm cháy hỗn hợp không khí-xăng trong bình khiến áp suất trong bình xăng tăng nên nhanh chóng làm nổ bình xăng. Khi đó lượng xăng chưa bị cháy hết trong bình sẽ bị bắn tung ra xung quanh do áp lực của vụ nổ. Cũng do áp lực lớn của vụ nổ nên một phần kim lạo của vỏ bình xăng và một số chi tiết của xe bị bắn ra xung quanh tạo ra hiện trường trên bức tường bị rỗ..." - kỹ sư này chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kỹ thuật cho rằng giả định của kỹ sư Tạch chưa thuyết phục, bởi nếu có chập điện thì thông thường chỉ xảy ra cháy xăng rò rỉ, không đủ phát nổ. Một kỹ thuật viên của một đại lý Honda tại Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi đã đặt ra rất nhiều giả định khác nhau nhưng khả năng nổ của chiếc xe là không có, trừ trường hợp tia lửa điện được dẫn trực tiếp vào trong bình xăng".

Trong khi đó, một kỹ sư của một hãng sản xuất xe máy đề nghị giấu tên lập luận, với bình xăng trên dưới 4 lít thì khả năng công phá khó có thể xảy ra gây sát thương như vậy, chưa kể xe đã được đổ xăng và bắt đầu sử dụng từ trước đó 3-4 ngày . Kỹ sư này cho biết,  vỏ bình xăng thường là tôn, hợp kim nhôm loại mềm, dẻo thì mới có thể ép, dập theo ý muốn, còn nếu là vật liệu dày, cứng thì vừa khó dập, vừa dễ bị nứt. Chính vì thế, ngay cả khi bình xăng có nổ thì khả năng sát thương cũng không cao như các trường hợp vỏ vật liệu dày, cứng như bình gas, mìn...

Vị kỹ sư này cũng loại trừ khả năng phát nổ của xe Honda nói trên và nghi vấn về khả năng nổ của một vật dụng khác có thể được mang trên xe máy như bình xịt muỗi, hay bình gas nhỏ trong các bếp ga mini..., tuy nhiên sức công phá lớn như vậy vẫn là dấu hỏi lớn.

Theo VnMedia