Tỉ lệ trẻ đội mũ bảo hiểm của Hà Nội thấp nhất cả nước

13/12/2011 14:25
Xuân Trung
(GDVN) - Theo Đề án nghiên cứu việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tham gia giao thông của ĐH QGHN cho thấy, tỉ lệ trẻ em Hà Nội đội mũ bảo hiểm thấp nhất cả nước. 
Nghiên cứu của các tác giả GS, TS Trịnh Thị Minh Đức, Ths Lê Thái Thị Băng Tâm, Ths Lê Thị Lan Phương, Ths Lê Thị Thanh Thủy về “Ý kiến cộng đồng đối với việc đội mũ bảo hiểm của trẻ em” cho thấy, tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm trẻ em tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, mặc dù Nghị định 34 (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) có quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Cụ thể, trong nghiên cứu, các tác giả có chỉ ra những nguyên nhân khiến tỉ lệ trẻ ít khi dội mũ bảo hiểm, trong đó có nguyên nhân đại đa số cha mẹ học sinh không biết tuổi chính xác trẻ em phải đội mũ bảo hiểm quy định tại Nghị định 34.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân trẻ ít khi đội  mũ khi ra đường và tham gia giao thông cùng bố mẹ là do tâm lý trẻ sợ bị cô độc, chế giễu từ bạn bè khi đội mũ tới trường. Các lý do phổ biến hơn cho việc không đội mũ bảo hiểm bao gồm: Bất tiện, chi phí cao, ảnh hưởng tới hình thức bên ngoài. 
Theo nhóm nghiên cứu, trẻ em càng nhỏ thì càng ít đội mũ bảo hiểm, học sinh tại các trường ở phố lớn đội mũ nhiều hơn các phố nhỏ hay các nút giao thông lớn có nhiều trẻ em đội mũ hơn nút nhỏ. Ảnh minh họa Internet
Theo nhóm nghiên cứu, trẻ em càng nhỏ thì càng ít đội mũ bảo hiểm, học sinh tại các trường ở phố lớn đội mũ nhiều hơn các phố nhỏ hay các nút giao thông lớn có nhiều trẻ em đội mũ hơn nút nhỏ. Ảnh minh họa Internet
Theo kết quả nghiên cứu ở khu vực trường học, tỷ lệ trung bình học sinh đội mũ bảo hiểm ở 9 điểm trường học là 36.9% (mỗi địa điểm nghiên cứu ở 3 trường học khác nhau). Tỷ lệ trung bình học sinh đội mũ bảo hiểm ở Hà Nội (tại tại một trường tiểu học, một trường THCS và THPT)  là 16.7%.

Tương tự ở Đà Nẵng là 46.6%. Ở TP. Hồ Chí Minh là 40.1%.  Tại các điểm nút giao thông, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm quan sát được tại 2 nút giao thông tại Hà Nội: 23.2%.  Tương tự tại Đà Nẵng: 47.3%. Ở TP. Hồ Chí Minh: 32.4%.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ, tỷ lệ trẻ em dưới 7 tuổi đội mũ bảo hiểm đạt từ 15-53%, trẻ em từ 7-14 tuổi đạt 38-53%. Về tổng thể Đà Nẵng có tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm cao nhất với 47,5%, TP. Hồ Chí Minh là 44,8%, đặc biệt Hà Nội có tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm thấp nhất, chỉ với 16,2%.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng khi chứng kiến con số này cũng phải thốt lên rằng, “Có thể khẳng định rằng cơ sở pháp lý và điều kiện để thực hiện việc đội mũ cho trẻ em là đã đầy đủ, vấn đề đặt ra là trách nhiệm của người lớn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc thực hiện các quy định này và ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là phụ huynh”. 
Theo ông Hùng, nguyên nhân  tai nạn giao thông cho trẻ em do không được người lớn cho đội mũ bảo hiểm khi chở trên mô tô, xe gắn máy xẩy ra va chạm giao thông bị chấn thương, dẫn đến tử vong hiện chiếm một phần không nhỏ, với tỷ lệ nghiên cứu ở ba thành phố lớn trên cho thấy, đây là hành vi vi phạm vẫn chưa được phát hiện và xử lý nghiêm khắc và chưa thực sự bị dư luận lên án. 
Nhận định về hiện tượng này, Thượng tá Trần Sơn, (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt – Bộ Công an) cho biết, mặc dù tỉ lệ tai nạn giao thông ngày một tăng không ngừng, đặc biệt 10 tháng đầu năm 2011 toàn quốc xảy ra 11.403 vụ tai nạn giao thông đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên, làm chết 8.903 người, bị thương 8.055 người.

Nhưng, “Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm nói chung, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy nói riêng có phần lơi lỏng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và ở khu vực ngoại thành các đô thị, vào ban đêm, nếu không tăng cường công tác tuyên truyền và cưỡng chế thi hành các quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm thì kết quả chúng ta đã đạt được sẽ không bền vững” Thượng tá Sơn cho biết.
Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam, bà Lotta Sylwander lấy làm tiếc khi mỗi ngày chúng ta thấy trẻ em, học sinh đội mũ bảo hiểm khi đi cùng bố mẹ trên xe gắn mày ngày càng ít đi, điều này thực sự lo lắng vì ở Việt Nam xe máy là phương tiện giao thông chính. 
“Trong năm 2009, gần 1.900 trẻ em và vị thành niên tuổi dưới 19 đã tử vong do chấn thương tai nạn giao thông, và con số này tương đương với 27% số tử vong do tai nạn  thương tích ở lứa tuổi này. Thảm kịch đằng sau con số này không bao giờ được bỏ qua” bà Lotta Sylwander nhấn mạnh.
Theo bà Lotta Sylwander, nâng cao nhận thức và cưỡng chế thực thi pháp luật là hai lĩnh vực quan trọng để tăng cường việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. 
Mỗi năm mất 11.000 tỷ đồng chi phí do tai nạn thương tích ở trẻ em.
Theo BS.Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em  - Bộ LĐTB&XH, cho biết, ước tính tổng chi phí cho các dịch vụ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, mất khả năng lao động, tử vong do tai nạn thương tích (TNTT) gây ra khoảng 30.000 tỷ đồng một năm trong giai đoạn 2005-2007; Chi phí ước tính cho một trường hợp TNTT khoảng hơn 31triệu đồng và một trường hợp tử vong là hơn 319 triệu đồng(Theo nghiên cứu của ĐH Y Tế Công Cộng năm  2009), trong đó chi phí ước tính chi tiêu quốc gia cho TNTT trẻ em và tử vong trẻ em do TNTT hàng năm khoảng 11.000 tỷ đồng.
BS Nguyễn Trọng An cũng cho biết, các Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm 2/3 tỷ lệ trẻ tử vong vào năm 2015 có thể sẽ không đạt được nếu Việt Nam không giảm được số trẻ tử vong do tai nạn thương tích. “Tai nạn giao thông là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong sau chết đuối ở lứa tuổi 0-19 tuổi và là Nguyên nhân hàng đầu gây thương tích trẻ em” BS An chia sẻ.
Theo thống kê của UB An toàn giao thông quốc gia từ 2005-2010,  mỗi năm trung bình có khoảng 12.000-14.000 người chết và trên 20.000 người bi thương do tai nan giao thông, trong đó trẻ em chiếm khoảng 35%.
Xuân Trung