Tuyên vụ Tân Hoàng Phát: Bị cáo sướng rơn, bị hại thẫn thờ

13/12/2011 07:22
Tố Trâm/Người lao động

Từ 93 người bị hại, HĐXX cấp phúc thẩm xác định chỉ còn… 1.

Cũng vì vậy, ông chủ Tân Hoàng Phát được giảm đến 7 năm tù

Sau 2 ngày xét xử (8 và 9-12), sáng 12-12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên án vụ bắt, giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại “tập đoàn” massage Tân Hoàng Phát. Với những diễn biến xảy ra trong phiên tòa những ngày trước, có thể dự đoán được bản án phúc thẩm sẽ có nhiều thay đổi. Dẫu vậy, sau khi bản án được tuyên với mức hình phạt giảm đến “chóng mặt” cho các bị cáo, người dự khán đã không tránh khỏi ngỡ ngàng.  

Nêu sai sót để…rút kinh nghiệm

Theo nhận định của HĐXX cấp phúc thẩm, về mặt tố tụng, kháng cáo của 2 người bị hại xin giảm nhẹ cho các bị cáo không phù hợp với pháp luật. Cáo trạng của VKSND TPHCM và bản án sơ thẩm của TAND TPHCM có nhiều sai sót nghiêm trọng.

Xác định có 93 người bị hại là không đúng, không chính xác vì trong bản án lúc cho rằng các bị cáo bắt giữ trái pháp luật 65 người, lúc lại là 64 người (những người được Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TPHCM giải thoát khi bất ngờ đột kích cơ sở massage Tân Hoàng Phát vào ngày 6-12-2008- PV); cộng thêm 29 người sau khi vụ án xảy ra đã đến cơ quan công an tố cáo nhưng tòa đếm lại trong danh sách là 30 người tố cáo, trong đó có tên một người bị trùng lắp 2 lần.

Tuyên vụ Tân Hoàng Phát: Bị cáo sướng rơn, bị hại thẫn thờ ảnh 1
Phan Cao Trí (bên phải) và đồng phạm ra xe về trại giam

Án sơ thẩm có sai sót trong việc phân tích hành vi, mức độ phạm tội của từng bị cáo đối với từng bị hại; không xác định ai là chủ mưu trong từng vụ cưỡng đoạt, hậu quả như thế nào; không đề cập từng vụ cưỡng đoạt, theo đó cưỡng đoạt của ai, bao nhiêu tiền, hành vi cụ thể như thế nào…

Cũng theo HĐXX, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND Tối cao cũng không xem xét số người bị hại là 93 hay 94 (sau khi cộng thêm 29 người), chỉ khẳng định chung chung. Trong khi các bị cáo kêu oan, VKSND là người truy tố thì phải chính xác, kết luận đúng các bị cáo phạm tội với người nào, ở đâu, lúc nào...?

Những sai sót trên là nghiêm trọng, tuy nhiên vụ án xảy ra đã lâu, sai sót đó không ảnh hưởng nhiều đến việc xem xét lại tội danh, mức hình phạt của các bị cáo nên không cần thiết phải hủy án. HĐXX nêu ra để cấp sơ thẩm… rút kinh nghiệm. 

Từ 93 còn 1 người bị hại

Theo HĐXX cấp phúc thẩm, chỉ có cơ sở xác định số người bị hại gồm có 9 người nhưng trong đó các bị cáo không thừa nhận bị hại N.T.T.T vì đã bỏ về từ lâu, nghe bạn bè nói mới làm đơn tố cáo. Cần phải xem xét lại N.T.T.T có phải là người bị hại không? Những người còn lại (mà án sơ thẩm kết luận) không phải là người bị hại mà là nhân chứng.

Xét tính chất vụ án là nghiêm trọng, các bị cáo đã có hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, cụ thể là bắt giữ chị T.N.T. Trong vụ án này, bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Hoài Nhanh đều có tham gia. Mặc dù các bị cáo không báo cho Trí biết chị T.N.T trốn khỏi bệnh viện nhưng về sau Trí có biết, đồng ý giữ chị T.N.T lại ở khu tập thể và buộc phải nộp tiền mới cho về.

Cấp sơ thẩm cho rằng có 93 người bị hại trong vụ bắt, giữ người trái pháp luật, nay HĐXX xác định chỉ có một trường hợp bắt giữ người trái pháp luật. Vì vậy, phải xem xét lại mức án cho phù hợp.

Về tội cưỡng đoạt tài sản, trong 9 trường hợp VKSND truy tố, HĐXX xem xét loại bỏ trường hợp N.T.T.T do N.T.T.T có lời khai trong hồ sơ nhưng không được đối chất với các bị cáo, các bị cáo không thừa nhận. N.T.T.T cũng không phải là người được giải thoát trong số 65 người và lại vắng mặt tại 2 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Vì vậy, N.T.T.T không phải là người bị hại trong vụ cưỡng đoạt tài sản. Số người bị hại trong vụ cưỡng đoạt tài sản cũng cần xem xét cụ thể từng vụ việc, không thể đổ lỗi bị cáo Trí chỉ đạo toàn bộ mà có một số vụ bị cáo chỉ liên đới chịu trách nhiệm. Cụ thể, Trí tham gia trực tiếp 3 vụ, còn lại là các bị cáo khác.

Bị cáo Yến thừa nhận toàn bộ số tiền các bị cáo khác cưỡng đoạt giao cho Yến giữ. Thủ quỹ tất nhiên phải biết tiền ở đâu ra, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo. Tuy nhiên, Yến lệ thuộc chồng; trong vụ án này chồng và em trai cùng bị truy tố, xét xử; bị cáo có 3 con nhỏ và 3 lần đều sinh mổ; bị cáo đã bồi thường cho 21 người, 7 người bị hại đã bồi thường xong; gia đình bị cáo có công với cách mạng; bị cáo thật thà khai báo.

Với nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trí từ 12 năm tù xuống còn 5 năm tù, Hậu từ 10 năm tù xuống còn 4 năm 6 tháng, Cường từ 9 năm tù xuống còn 4 năm cùng về 2 tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản, Phương từ 3 năm tù xuống còn 1 năm 6 tháng, Nhanh từ 2 năm tù xuống còn 1 năm tù cùng về tội bắt giữ người trái pháp luật, Yến từ 6 năm tù xuống còn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội cưỡng đoạt tài sản.

Trao đổi với chúng tôi sau phiên tòa, ông Hồ Xuân Hoàng, công tố viên VKSND Tối cao, cho biết nhận định của tòa trái quan điểm của VKS quá nhiều. Vì vậy, VKS có quyền báo cáo giám đốc thẩm vụ án.

Bất công quá!

Trong khi các bị cáo nhẹ nhàng cất bước ra về, nhiều cô gái là những nhân viên massage của Tân Hoàng Phát - được cấp phúc thẩm xác định là nhân chứng - ngồi thẫn thờ trước dãy ghế bên hiên phòng xử án. Họ hoang mang không chỉ vì số tiền Yến - Trí còn nợ không biết đến bao giờ họ mới được trả mà còn vì tòa phúc thẩm xác định họ không phải là những người bị hại trong vụ án.

“Tôi đã trình bày rõ ràng trước tòa có việc bị bắt giữ, đánh đập không cho ra ngoài cũng như phải nộp tiền thế thân khi muốn nghỉ phép. Vậy mà cuối cùng tòa nói chúng tôi không phải là bị hại, xử giảm án cho họ. Sao bất công quá vậy?’’ - chị N.T.K.X nói.

Tố Trâm/Người lao động