Nghẹn ngào khi biết con đồng tính

13/12/2011 13:58
"Thôi, em cứ coi như con mình bị ung thư, hay bệnh nan y nào đó, đừng khổ sở quá thế", chồng an ủi khi thấy tôi khóc ròng mấy ngày khi con thừa nhận là gay".
Câu chuyện ấy được chị Hoa Minh kể lại trong hội thảo tư vấn cho những người đồng tính, lưõng tính, chuyển giới và gia đình họ, tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Là người làm về giáo dục, ngay khi con trai học mẫu giáo, chị Hoa Minh (quận 7, TP HCM) đã mơ hồ thấy con có gì đó là lạ so với bạn đồng lứa, vì tính tình dịu dàng, thường dành tình cảm nhiều hơn cho các bạn nam... Nhưng khi đó, chị vẫn nghĩ rồi con sẽ dần thay đổi khi lớn lên.

“Con càng lớn, tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn cái sự ‘lạ’ đó, nhưng lại tự trách do mình cho cháu uống nhiều sữa đậu nành khiến con ‘nữ tính’. Tôi cố gắng cho cháu ăn các thức tăng nam tính, uốn nắn cách dạy dỗ với hy vọng con sẽ lại trở thành chàng trai bình thường”, chị Minh kể lại.

Khi con học lớp 11, chị phải đối mặt với sự thật, và dù đã có sự chuẩn bị trước, chị vẫn choáng váng, thấy mọi thứ như sụp đổ dưới chân. “Nó là con trai đầu lòng của vợ chồng tôi, cũng là đứa cháu đầu của dòng họ. Bao nhiêu kỳ vọng dồn vào con, thì cũng bấy nhiêu thất vọng, mất mát, đớn đau”, chị nghẹn ngào nói.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Chị mất ăn mất ngủ bao ngày đêm, phản ứng quyết liệt với con, khóc lóc, dọa chết, bắt con phải thay đổi... Nhưng sau đó, khi thấy chồng kiên quyết bắt con đến tuổi trưởng thành là phải lấy vợ, sinh con như những người đàn ông khác, chị lại hốt hoảng, sợ như vậy tàn nhẫn quá, sẽ khiến con phải sống cả đời giả tạo, bất hạnh, và một gia đình nhỏ khác cũng đau khổ theo.

Và từ đó, chị bắt đầu tìm đọc các tài liệu về gay, về đồng tính. Chị tìm hiểu về con qua bạn bè cháu.

“12 năm liền cháu đều là học sinh giỏi, luôn hăng hái tham gia các phong trào tại trường, nhưng vì khác biệt trong cách cư xử giới tính, cháu bị một số thầy giáo ghét, rồi hay phạt vô cớ... Càng nghĩ tôi càng thấy mình thật thiếu sót khi để con một mình chống chọi trong những ngày tháng khó khăn ấy. Cháu vốn rất tình cảm, hay thủ thỉ với mẹ, nhưng từ khi thấy tôi phản ứng dữ dội, cháu co mình lại, sợ hãi, phòng thủ. Nhìn con lầm lũi, xa cách, tôi càng xót xa", người mẹ nghẹn lời.

Việc chị dám “ra mặt” tham dự một hội thảo tư vấn cho gia đình người đồng tính... lần này cũng là một cơ hội để hiểu con hơn và cho con thấy mẹ đã đứng về phía con. Chị cũng chỉ mong mọi người đều hiểu và cùng thương yêu những người như con chị để "bọn nhỏ" không phải sống cả đời trong kỳ thị, bất hạnh.

Cũng có mặt trong buổi hội thảo, câu chuyện chia sẻ về cậu con đồng tính của chị Loan, quận Bình Thạnh, TPHCM khiến không ít người rơi nước mắt. Là người mẹ, trải qua những đau đớn, hụt hẫng ban đầu khi phát hiện con "không bình thường", chị càng thấy thương con hơn bao giờ hết và dành sự chăm sóc, động viên cho cháu. Thế nhưng, chị không biết phải làm sao để vượt qua sự phản đối dữ dội của gia đình, họ hàng, cũng như sự kỳ thị họ dành cho con trai mình.

"Nhiều người nói với tôi 'Mày có con mà không biết giữ, để nó sinh 'biến thái' như vậy. Họ bảo tôi phải làm thật quyết liệt, cho cháu về quê, ra nước ngoài hay bán nhà chuyển đi chỗ khác vì 'thay đổi môi trường may ra nó mới khỏi 'bệnh'. Tôi không biết phải làm sao để mọi người có thể hiểu và chấp nhận con tôi như những gì nó có", chị Loan bày tỏ.

Cuối cùng, chị đã phải chuyển nhà, không vì hy vọng đến nơi mới con sẽ không đồng tính nữa, mà chỉ đơn giản, để tránh xa những ánh nhìn xoi mói, những câu nói tàn nhẫn hướng về phía con... từ người thân. Chị cũng tham gia các diễn đàn dành cho người thân của người đồng tính, hy vọng có thêm kiến thức, giúp con có thể sống một cuộc đời bình yên, tốt đẹp.

Theo các chuyên gia đến từ các tổ chức xã hội và tâm lý, thì cả hai cậu con đồng tính của hai người mẹ trên đều là những trường hợp may mắn hiếm hoi, khi cuối cùng cũng nhận được sự chia sẻ, đồng hành từ người thân của mình.

Một nghiên cứu gần đây của Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường tại 4 tỉnh thành là Hà Nội, TP HCM, Long An và Nam Định cho thấy có tới hơn một nửa số người được hỏi cho rằng đồng tính là một trào lưu xã hội và một con số tương tự nghĩ đây là một loại bệnh và có thể chữa khỏi.

Cứ 100 người đồng tính thì 15 người cho biết họ bị gia đình mắng mỏ, xúc phạm vì xu hướng tình dục "khác người". Nhiều phụ huynh còn đánh đập hoặc gửi con vào viện tâm thần, thậm chí xích, nhốt con, ép đi trị liệu tâm lý... với hy vọng chỉnh sửa sự "lệch lạc", dẫn tới những tổn thương nặng nề về sức khỏe thể chất, tinh thần và tình dục của con.

Chuyên gia tâm lý Đoàn Hương, Trung tâm tham vấn tâm lý Share (Hà Nội) cho biết, bà từng tiếp nhiều khách hàng là bố mẹ của những người đồng tính nhưng đa số họ chỉ tới với một nguyện vọng: nhờ chỉ cách chữa cho con trở thành "bình thường”.

"Có trường hợp, cả đại gia đình hàng chục người kéo nhau tới cũng chỉ với nhu cầu này. Cũng như nhiều phụ huynh khác, họ đặt cho tư vấn viên một câu hỏi 'chữa được hay không' và nếu được khẳng định 'không' họ sẽ ra về luôn, chẳng cần lắng nghe thêm bất cứ thông tin gì khác", bà Hương kể.

Bác sĩ Quách Thu Trang, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, cho biết, đơn vị mình cũng từng nhận được không ít lời kêu cứu, kiểu như: "Tôi sống tại TP HCM, hiện nay tôi rất đau khổ do mới phát hiện con gái 14 tuổi đang yêu một người bạn nữ quen trên mạng. Cả gia đình tôi đều sốc. Tôi đã cấm cháu và suốt 24 giờ cháu không ngủ được, chỉ viết nhật ký thôi. Tôi cảm thấy bất lực quá, chị cứu gia đình tôi với”...

Bà Trang cho biết, với những phụ huynh này, người làm tư vấn đều phải khẳng định với họ rằng, đồng tính luyến ái là một trong những xu hướng tình dục của con người, cùng với dị tính uyến ái và lưỡng tính luyến ái. Đó không phải là bệnh nên không thể và không cần chữa, đồng thời cũng chẳng có khả năng “lây lan” trong cộng đồng. Và câu trả lời này thường khiến nhiều người thất vọng.

Theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, bất cứ cha mẹ nào khi phát hiện con đồng tính, lưỡng tính hay chuyển giới đều có cảm xúc mạnh: thất vọng, lo sợ, mất mát... Đó là tâm lý thông thường và dễ thông cảm bởi cha mẹ nào cũng nghĩ con là dị tính, lớn lên, lập gia đình, có tương lai thành đạt. Trong khi định kiến xã hội vẫn gắn đồng tính với những điều xấu như HIV, mất hết tương lai... thì các phụ huynh của người đồng tính càng muốn níu kéo, lôi con lại...

Trong tình huống này, bố mẹ sẽ có hai lựa chọn: một là hiểu ra rằng đồng tính không phải là bệnh, đó chỉ là một xu hướng tự nhiên và những người là gay, lesbian, hay lưỡng tính, chuyển giới vẫn có thể thành công trong cuộc sống, từ đó thông cảm, chia sẻ, hỗ trợ con. Hai là, cho đồng tính là giả, có thể thay đổi, tiếp tục cấm đoán, tìm cách thay đổi con.

"Rõ ràng, không bố mẹ nào muốn mất con hay đẩy con vào ngõ cụt, bị tẩy chay, kỳ thị. Vậy thì, hãy chia sẻ, thông cảm, chấp nhận con, giúp con sống tốt, thành công và có ích. Đồng thời, phải trang bị kiến thức để hướng cho con có đời sống tình dục an toàn, sống hạnh phúc, lạc quan trong tình yêu thương của mọi người”, ông Bình nói.

Theo Vnexpress

* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi