Bịt lỗ hổng tuyển phi công

14/12/2011 07:24

Ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đã nhấn mạnh như trên sau vụ sai sót trong việc tuyển phi công của Vietnam Airlines

* Phóng viên: Thưa ông, vì sao phi công Hàn Quốc Kim Tae Hun chưa có đủ thời gian bay tích lũy theo quy định lại qua mặt được các cơ quan kiểm tra, giám sát đầu vào của Vietnam Airlines (VNA) để lái máy bay cho hãng này?

- Ông Lại Xuân Thanh: Vấn đề lớn nhất là Ban An toàn chất lượng và An ninh của VNA đã không tham gia  việc kiểm tra hồ sơ đầu vào của phi công trong trường hợp VNA trực tiếp tuyển. Còn trường hợp của ông Kim là tuyển qua công ty môi giới. VNA giải trình là đã đối chiếu toàn bộ giấy phép, tài liệu với bản gốc trước khi trình Cục Hàng không Việt Nam làm thủ tục cấp giấy phép lái máy bay.

Nhưng các giấy tờ này chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; đồng thời chưa được dịch ra tiếng Việt và lý lịch tự thuật của phi công cũng không đúng theo mẫu chuẩn.

Vì vậy, trước khi tuyển dụng, ông Kim Tae Hun đã được đánh giá năng lực và nhân thân qua cả hai kênh là công ty môi giới và VNA, nhưng tất cả đều đã bị qua mặt. 

* Theo quy định, cơ quan nào chịu trách nhiệm trước việc để phi công không đủ năng lực, tiêu chuẩn tham gia lái máy bay khai thác thương mại?

- Trách nhiệm là của VNA, đơn vị đứng ra ký hợp đồng thuê phi công và quản lý phi công cho đến hết thời hạn hợp đồng. VNA cũng là đơn vị chịu trách nhiệm về tính xác thực của hồ sơ phi công.

* Tai nạn hàng không sẽ  là cực lớn nếu sự cố xuất phát từ lỗi con người, ở đây trực tiếp từ phi công không đủ kỹ năng, kinh nghiệm lái máy bay. Cục Hàng không Việt Nam đánh giá sự việc này thế nào?

- Đối với phi công, không phải có bằng lái máy bay cơ bản là hành nghề được ngay, mà còn phải có thời gian bay tích lũy theo quy định mới được phép làm nhiệm vụ khai thác thương mại. Đây là yêu cầu nghiêm ngặt.

Bịt lỗ hổng tuyển phi công ảnh 2

Theo Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines cần rà soát lại quy trình tuyển dụng phi công. Ảnh: TẤN THẠNH

Trong trường hợp của phi công Kim Tae Hun, VNA bị lừa dối giữa người có kinh nghiệm và không có kinh nghiệm - yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Do thiếu kinh nghiệm bay thực tế đối với loại máy bay A320, phi công Kim Tae Hun đã bộc lộ rõ điểm yếu khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Gimhae – Hàn Quốc. Theo thống kê, có đến 80% vụ tai nạn hàng không xảy ra ở khâu cất/hạ cánh chứ không phải lúc bay bằng.

* Từ sự việc này, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu VNA phải có biện pháp khắc phục ra sao? Cục Hàng không Việt Nam làm gì để không xảy ra trường hợp tương tự?

- Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu VNA rà soát lại quy trình tuyển phi công, nâng cao trách nhiệm của mình trong việc thẩm định hồ sơ, bảo đảm chất lượng phi công thay vì phụ thuộc vào sự kiểm định của nhà cung ứng nhân sự. Quá trình đánh giá đều phải có biên bản.

Về phần mình, bên cạnh kiểm tra trên hồ sơ do hãng hàng không cung cấp, Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ tích cực hơn trong việc liên hệ với nhà chức trách từng nước để thẩm định tính pháp lý trong hồ sơ của từng phi công nước ngoài trước khi làm việc ở Việt Nam. Đây là việc cần thiết để bịt lỗ hổng rất nguy hiểm mà chúng ta vừa phát hiện.

VNA bị qua mặt như thế nào?

Tại giải trình gửi Cục Hàng không Việt Nam, VNA cho biết việc thuê phi công thực hiện theo hai hình thức:  Thuê qua công ty môi giới và tuyển dụng trực tiếp. Trường hợp của ông Kim được VNA thuê qua Công ty Môi giới Direct Personnel International (DPI).

Trước khi trình Cục Hàng không Việt Nam làm thủ tục cấp giấy phép lái máy bay cho ông Kim, VNA đã đối chiếu toàn bộ hồ sơ, giấy phép bay, bằng lái của ông Kim do Cục Hàng không Indonesia cấp và  văn bản xác nhận tổng thời gian bay với tư cách lái phụ trên máy bay A320 trong thời gian công tác tại Hãng Hàng không Batavia do ông Bili Sudamin – giám đốc khai thác - ký… Các hồ sơ, giấy tờ đối chiếu này sau đó được xác nhận đầy đủ. Tuy nhiên, khi có nghi vấn phi công Kim không có đủ giờ bay tích lũy trên loại máy bay A320, VNA đã yêu cầu phi công giải trình.

Phi công Kim Tae Hun đã xin phép về Indonesia để lấy tài liệu chứng minh nhưng không quay lại. Trong khi đó, VNA và cả  DPI liên hệ trở lại với bộ phận khai thác của Hãng Hàng không Batavia thì bị từ chối cung cấp thông tin. Đến khi Cục Hàng không Việt Nam vào cuộc, đại diện hãng hàng không này, ông Elly Simanujuntak, giám đốc quan hệ công chúng, có thư trả lời:  Chưa bao giờ ban hành xác nhận về thời gian bay cho phi công Kim Tae Hun, lái phụ trên máy bay A320. Ông Kim chỉ có một khóa huấn luyện buồng lái giả định A320 tại Batavia; bay lái phụ trên máy bay B737, với số giờ bay gần 200 giờ cho Batavia; chưa bao giờ bay trên máy  bay A320 cho Batavia.

Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam cho biết phi công Kim đã giả mạo giấy tờ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đã không phát hiện được.


Tô Hà/Người lao động