Kỳ Duyên dạy con sau 2 lần đổ vỡ

11/04/2011 15:59

“Sự đổ vỡ của hôn nhân không khiến tôi đau khổ nếu nỗi đau khổ đó không dính đến con cái” - Sau hai lần đổ vỡ, gương mặt dẫn chương trình nổi tiếng của trung tâm Thúy Nga - Nguyễn Cao Kỳ Duyên lại tiếp tục số phận làm "single mom" (mẹ đơn thân).

Bỏ nghề luật vì muốn có thời gian chăm con

Tốt nghiệp xuất sắc ngành luật tại một trường ĐH ở Mỹ, Kỳ Duyên theo nghề luật sư, nghề danh giá số một tại Mỹ. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, cô quyết định bỏ nghề vì hạnh phúc gia đình mình. “Nghề luật ở nước Mỹ muốn thành công, một tuần phải bỏ ra ít nhất 70-80 tiếng”.

"Đó không phải là cuộc sống mà tôi muốn. Tôi muốn mình đi làm về chơi với con, cảm thấy vui vẻ. Điều buồn cười nhất là khi tôi nói không muốn làm luật nữa, ông chủ của tôi đã tuyên bố: Đây là người luật sư thông minh nhất vì cô ấy dám bỏ nghề lúc cô ấy còn trẻ".

Chia tay nhưng không nói điều gì để các con buồn

Kỳ Duyên hầu như không nhắc tới lý do chia tay với người chồng đầu tiên, bác sĩ người Việt ở Mỹ - Nguyễn Quang Li: "tôi không muốn nhắc đến vì dù sao người đó vẫn là bố của các con tôi và tôi chỉ muốn nói tốt về bố tụi nhỏ với chúng. Đó không phải là giữ tiếng đẹp gì cho bố chúng mà là giữ cho chúng. Đứa con nào cũng muốn được hãnh diện về bố mẹ nó nên khi mình nói xấu chồng hoặc vợ với con là vô hình chung mình đã làm tổn thương chúng, gây cho chúng một sự mặc cảm, nhất là khi các con còn bé. Cứ để tự nhiên lớn lên nó sẽ hiểu mọi chuyện."

Cuộc chia tay với người chồng thứ hai, Trịnh Hội đã khiến Kỳ Duyên sợ hôn nhân. Tiếc nuối duy nhất từ cuộc hôn nhân này là không được cùng nhau chăm sóc con cái (hai đứa con riêng của Kỳ Duyên và hai con do cô và Trịnh Hội nhận nuôi từ các chuyến đi từ thiện).

"Ai mà có con rồi sẽ hiểu, không bao giờ dám tự tử vì tình nữa (cười). Bây giờ tôi là single mum, tôi phải là người mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con."

"Mỗi lần buồn vì người yêu có thể khóc một chút rồi thôi nhưng buồn vì con thì thật khủng khiếp. Có một hôm, con gái tôi bị bệnh. Lúc đó tôi chưa biết cháu bị quai bị. Nghe cháu kêu đau tôi liền chở con đi khám khắp nơi, qua bác sỹ chuyên khoa rồi bệnh viện nhi đồng… Khi mới nghe bác sỹ nói cháu có thể bị “viêm cơ” là chân tay tôi đã đã rụng rời. Chưa bao giờ trong đời tôi cảm thấy khủng khiếp đến như vậy."

"Hôm đó tôi về nhà đóng cửa lại mà không dám hét to, tôi phải lấy tay bịt miệng mình rồi mới dám hét lên trong nước mắt. Ngay thời điểm đó, chỉ có một suy nghĩ duy nhất đó là nếu mình có thể chết được để con hết bệnh thì mình sẽ chết ngay lập tức, không ân hận, không tiếc nuối bất kỳ một điều gì. Cảm giác đó ngoài con ra thì chưa yêu thương ai được như vậy."

Không muốn con gái quá Á Đông hay quá Tây

Kỳ Duyên có hai người con gái và "không muốn các con quá Á Đông vì như thế người đàn bà thua thiệt người đàn ông nhiều quá. Nhưng ngược lại, tôi cũng không muốn các con quá Tây phương bởi nó quá hiện đại. Cho nên, đến bây giờ tôi vẫn dạy con cầm chừng…", Kỳ Duyên tâm sự về cách dạy con của mình trên một tờ báo.

"Ở Mỹ, nhà tôi gần một ngôi trường lớn, ngôi trường đó toàn con em các gia đình giàu có của Mỹ theo học. Nhưng tôi thấy con nít Mỹ trong trường đó hư sớm quá. Mới ít tuổi đã xài đồ hiệu, bố mẹ giàu có nhưng thường phải đi làm ăn xa chúng tha hồ quậy phá... Tôi buộc lòng phải lấy địa chỉ giả để cho các con đi học ở khu Việt Nam.", chị nói.

"Khu Việt Nam có một trường điểm rất giỏi, có 80% người Việt theo học. Trường dạy bằng tiếng Việt và các cháu quen với kiểu học này hơn.

Phụ huynh của bạn bè hai con đến nhà tôi chơi, thấy họ dạy con đặc sệt chất Việt tôi rất thích nhưng cũng rất khó để dạy các con tôi như thế. 10 giờ tối là phải lên giường ngủ, những ngày cuối tuần tự động chúng đi vô chùa tham gia các hoạt động… rất là truyền thống.

Tuy vậy, tôi cũng không muốn các con quá Việt Nam vì như thế người phụ nữ chỉ được nhìn nhận giá trị bằng những tiêu chí nhẫn nhịn, chịu đựng. Tôi muốn các con ứng xử linh hoạt bằng đầu óc của nó. Mai mốt, nếu các con có yêu một người đàn ông Việt Nam thì tôi vẫn khuyến khích các con nhưng sẽ vẫn dạy con rằng: người chồng trong gia đình không phải là người tối cao nhất."

Khác với những người phụ nữ Việt truyền thống, chị không dạy con phải răm rắp nghe lời cha mẹ mà dạy con phải có chính kiến, phải biết phân biệt đúng sai, biết phản biện, biết bảo vệ quan điểm của mình. Mong muốn áp đặt duy nhất của Kỳ Duyên đối với các con là: phải tốt nghiệp đại học.
 

Sự đổ vỡ của hôn nhân không khiến tôi đau khổ nếu nỗi đau khổ đó không dính đến con cái”
Sự đổ vỡ của hôn nhân không khiến tôi đau khổ nếu nỗi đau khổ đó không dính đến con cái”

Trẻ con có quyền vặn lại người lớn

Kỳ Duyên cho biết: Ngày xưa, các cụ dạy là trẻ con cấm được hỏi vặn lại người lớn, như thế là hỗn. Còn bây giờ, tôi dạy con tôi “các con có quyền hỏi lại bất kỳ điều gì, nếu mẹ muốn các con như thế thì mẹ phải cắt nghĩa tại sao. Và tại sao mẹ nói một đằng mà mẹ lại làm một nẻo..v.v.”

Khi phạt con cũng vậy, tôi ngồi xuống nói chuyện với nó. Tôi hỏi và cho con nó cơ hội cắt nghĩa lý do của nó. Rồi hai mẹ con cùng đi đến một hình phạt chung mà hai người đều tôn trọng. Ví dụ, vừa rồi bé học bị một điểm thấp, tôi hỏi bé “Tại sao?”. Bé nhận là vì chơi computer (máy tính) nhiều quá. Tôi hỏi bé “Bây giờ mẹ phải làm sao?”. Tôi để bé suy nghĩ và đưa ra giải pháp vì như vậy bé sẽ thấy đó là sự quyết định của mình chứ không phải bị bắt buộc. Bé sẽ suy ngẫm và chịu tránh nghiệm hơn. Bé đưa đề nghị “Mỗi ngày đi học về mẹ lấy laptop của con đi khi nào làm xong bài cho mẹ thấy thì mẹ đưa lại laptop cho con?” - Tôi đồng ý. Quả nhiên phương cách này rất hiệu quả, một tuần sau bé khoe bài thi đươc 92 điểm trong lớp đó! (cười hạnh phúc).

Hạnh phúc giờ lại mỉm cười với Kỳ Duyên, khi người tình mới của cô được các con rất ủng hộ: "Con tôi bây giờ cũng làm phiền tôi lắm đó. Chuyện của tôi với bạn trai chúng cứ chọc “Sao mẹ không lấy chú ấy đi. Khi nào mẹ mới lấy?”.

(Theo Vietnamnet)