Ông Phạm Ngọc Viễn không phải là... Steve Jobs

15/12/2011 13:56
Song An (Thể thao 24h)
Dự kiến, CEO của VPF - ông Phạm Ngọc Viễn sẽ nhận lương 40 triệu/tháng. Thế là ít hay nhiều?
Cách đây không lâu, có cuộc tranh cãi khá lớn về khoản lương của sinh viên sau khi ra trường khi một tân sinh viên  Ngoại thương tuyên bố rằng, với các "mác Ngoại thương" thì ra trường lương khởi điểm dưới 1000 USD không làm. Thực tế đây chỉ là một bình luận trên diễn đàn của nhà trường ở thời điểm có nhà tuyển dụng đưa ra mức 3.3 triệu đồng/tháng.

Câu chuyện khép lại sau một thời gian dài tranh luận và người ta phát hiện ra rằng trong số 3000 sinh viên Ngoại thương ra trường chỉ có vài người có khả năng kiếm 1000 USD/tháng.
Bóng đá Việt Nam kiếm đâu ra những con người như Steve Jobs?
Bóng đá Việt Nam kiếm đâu ra những con người như Steve Jobs?

Vấn đề nằm ở đâu ? Không phải là mức lương cao hay thấp mà chính là người được tuyển dụng sẽ làm được gì. Lời bình luận hay nhất trong chủ đề này là: "Nếu bạn kiếm được 10.000 USD/tháng cho công ty, công ty sẵn sàng trả bạn 1000 USD/tháng".

Nhân nói về chuyện lương, người ta hay nhắc tới Steve Jobs- cựu CEO của Apple mới qua đời vì ung thư- đã có thời điểm tự nguyện nhận lương chỉ 1 USD/năm để hưởng ứng lời kêu gọi giới lãnh đạo giảm bớt lương thưởng trong thời buổi kinh tế khó khăn. Hiển nhiên, đóng góp của Steve Jobs cho Apple khỏi phải bàn cãi và mang về lợi nhuận cho công ty hàng chục tỷ USD. Nhưng Steve Jobs không nghèo, sự đóng góp ấy, với lợi nhuận ấy khiến giá trị của hơn 5 triệu cổ phiếu Apple thăng tiến như bão.

Phần cứng mà bạn nhận được chưa chắc phản ánh được giá trị mà bạn mang lại.

VPF hôm qua Đại hội cổ đông, tìm ra người đứng đầu và bộ khung điều hành. Câu chuyện cũng đi vào hướng vậy thì mỗi cá nhân đó sẽ nhận bao nhiêu để đảm bảo là sẽ làm tốt công việc?

VPF không phải là Apple. Tất nhiên. Những người ngồi ghế điều hành cũng không phải là sinh viên ra trường. Thông tin cho rằng, dự kiến mức lương của GĐĐH Phạm Ngọc Viễn hay như người ta vẫn nói - CEO của VPF sẽ nhận lương 40 triệu/tháng. Thế là ít hay nhiều?

Là rất nhiều nếu nhận lương ấy chỉ để ngồi cho ấm chỗ, hoặc đóng góp chỉ là con số 0. Nhưng là rất ít nếu vị trí CEO đảm bảo mang lại lợi nhuận tính theo triệu USD cho VPF hay bóng đá Việt Nam.

Ở đây có khái niệm 40 triệu chỉ là phần cứng còn... phần mềm.  Đối với những người chuyên nghiệp thì phần mềm (đôi khi là màu mè, hoa hồng...) càng lớn thì sự chuyên nghiệp trong công việc càng nhỏ. Không ai cân đo đong đếm mức lương nếu gói lương là công khai, không khuất tất và không cào bằng. Nghĩa là sẽ có giám sát và quản lý thu nhập.

Bóng đá Việt thiếu CEO giỏi và muốn đóng góp không phải là ở mức lương định sẵn mà chính là các hành lang công khai minh bạch vẫn là điều khó nói trong môi trường bóng đá. Từ chuyện cầu thủ lót tay, đi đêm vối những khoản thu nhập bị đặt dấu hỏi của không tí cộm cán ở VPF cho thấy để tạo ra một môi trường mới ngay lập tức, không dễ.

Khi đã là công ty, VPF phải kinh doanh và mặt hàng của nó là những trận đấu. Là chuyện lỗ lãi thật sự chứ không phải cuối giải ngồi vỗ tay "thành công tốt đẹp" còn trong đầu nhẩm tính những phần cứng, phần mềm.
Song An (Thể thao 24h)