Người thầy nằm... dạy học

19/05/2011 06:36
Ở nơi góc nhà nhỏ hẹp, trên chiếc giường con, người thầy ấy lại góp chút sức tàn, giúp đám trẻ nhỏ trong xóm mở rộng thêm cánh cửa vào đời.

Nếu như những người thầy khác đều đứng trên bục giảng, hoặc ít nhất là ngồi trên những chiếc xe lăn, thì người thầy trong ký ức ấu thơ của Phạm Hoa Quỳnh (đại học Văn hoá Hà Nội) là người luôn... nằm để dạy học.

Lớp học bên bờ sông Chu

Quỳnh viết rằng: “Thầy giáo của tôi là một người rất đặc biệt. Cũng bởi vì thế mà tôi và tất cả những ai được ngồi lớp của thầy đều rất quý trọng và khâm phục thầy. Thầy tên là Nguyễn Trung Nghĩa, xóm Quyết Thắng 1, Xuân Bái, Thọ Xuân, Thanh Hoá. Thầy Nghĩa đã dạy tôi khi tôi còn học lớp 2, khi ấy cứ mỗi ngày theo mẹ đi kiếm củi ven bên tả sông Chu, tôi không quên đem theo sách vở để ngồi lớp do thầy “nằm lớp”.

Nói thầy Nghĩa nằm lớp dạy học, bởi năm 14 tuổi thầy bị căn bệnh thoái hoá toàn xương làm cho bại liệt nửa người…” Chính những tình cảm rất chân thành mà chúng tôi nhận được từ Hoa Quỳnh đã đưa những người thực hiện chương trình Tiếp sức người thầy tìm về bên tả ngạn sông Chu để gặp người thầy nằm lớp ấy.

Đến thăm lớp, từ ngoài sân đã nghe tiếng đám trẻ nhỏ đọc thuộc lòng một bài thơ lớp 2. Thấy có đoàn khách từ phương Nam tìm đến thăm thầy, bà con hàng xóm cũng tò mò han hỏi. Kể ra rồi mới biết, con cái của họ, gần như ai cũng học thầy. Có người giờ đã là giáo viên, có người học đại học rồi nhận công tác xa. Chuyện thầy Nghĩa nằm lớp dạy học chẳng biết từ bao giờ đã trở thành niềm tự hào của bà con lối xóm.
 

 

Một buổi chiều cách đây hơn 40 năm, khi còn đang học lớp 4, thầy Nghĩa từ trường trở về nhà với cơn sốt nhẹ kéo dài và cơ thể cứ thế yếu dần đi. Đến năm học lớp 7 thì thầy đã không còn lấy củi, bắt cá và rong chơi cùng các bạn bên bờ sông Chu được nữa. Việc học hành, vì vậy, cũng khép lại với thầy. Khoảng trời trong xanh bên ngoài từ đó cũng bị bó hẹp qua những song cửa sổ.

Được chẩn đoán là thoái hoá xương, gần 20 năm chạy chữa khắp nơi vẫn không khỏi, người mẹ già đành chấp nhận sự thật rằng con trai mình không thể tự bước đi, và chàng thanh niên Nguyễn Trung Nghĩa khi ấy mới thấm nỗi buồn khi phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều cần có người trợ giúp.

Công việc dạy học đến với thầy Nghĩa cũng giản đơn. Thầy kể rằng trong những tháng ngày nằm một mình trên giường bệnh, khi thấy những đứa cháu nhỏ con của anh chị mình không làm được bài tập về nhà, thầy đã giúp cháu giải những bài toán khó. Từ đấy, hễ có gì khó hiểu, các cháu lại hỏi thầy, trẻ con trong xóm thấy vậy cũng đến nhờ thầy giải toán.

Lớp học đặc biệt của thầy vì thế được hình thành và kéo dài cho đến ngày nay. Hỏi niềm vui là gì, thầy với tay lên đầu giường, lấy xấp thư có đến vài chục chiếc; có thư viết từ những năm 90, cũng có thư còn mới toanh mùi keo dán, thầy bảo rằng của học trò cũ gửi cho thầy rồi cười hiền lành, đưa cánh tay trái ra vuốt từng chiếc phẳng phiu.

Tuổi 60 của ông giáo

Đã hơn 20 năm trôi qua, ngôi nhà của thầy Nghĩa bây giờ đã được những nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng tươm tất. Dẫu sức khoẻ càng ngày càng yếu đi nhiều nhưng nghiệp trồng người thầy vẫn chưa buông. Khoảng 300 em học trò mà thầy Nghĩa góp công dạy chữ giờ đã trưởng thành, con cái họ lớn lên lại đến nhà, xin được học ông Nghĩa.

Học trò bây giờ không gọi ông giáo Nghĩa là thầy mà chúng gọi thầy bằng ông. Tay chân và cổ của ông bây giờ đều co cứng lại, chỉ còn cánh tay trái là có thể cử động được. Cha qua đời đã lâu, các anh chị đều thành gia lập thất và ra ở riêng, nhà chỉ còn mỗi mình thầy với một mẹ già. Bà cụ đã ở tuổi 90. Vậy nên, chuyện cơm nước cho mẹ, chuyện dạy học, thầy phải nhờ hết vào cánh tay trái của mình.

Cuộc sống của thầy, dẫu đã nhận được nhiều trợ giúp nhưng vẫn đạm bạc, giản đơn. Hàng tháng, một khiếm khuyết, một đã quá già xoay xở chi tiêu trong số tiền chính sách 600.000 đồng cùng gần 200.000 đồng tiền lãi từ quyển sổ tiết kiệm được gửi tặng bởi những nhà hảo tâm.

Có nhìn thấy thầy khó nhọc loay hoay vo gạo, nhóm lửa, nấu cơm chỉ bằng cánh tay còn lại bên chiếc giường nhỏ của mình mới cảm nhận hết được nghị lực phi thường của người thầy tật nguyền. Cứ vậy, hàng ngày, ở nơi góc nhà nhỏ hẹp, trên chiếc giường con, người thầy ấy lại góp chút sức tàn, giúp đám trẻ nhỏ trong xóm mở rộng thêm cánh cửa vào đời mà không nghĩ rằng mình đã làm nên việc có ý nghĩa lớn.

Theo SGTT