Khám phá sức mạnh “Dũng sĩ diệt phi cơ” Spyder của Irsael

17/12/2011 11:53
Trịnh Xuân Tuân (Theo vpk, paritet)
(GDVN) - Spyder là hệ thống phòng không cơ động sử dụng các tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung hiện đang được rất nhiều nước sử dụng

Hệ thống tên lửa chống máy bay, tầm ngắn Spyder - SR và tầm trung Spyder – MR được công ty thiết bị quốc phòng Rafael của Irsael thiết kế và chế tạo.

Hệ thống được thiết kế để bảo vệ các cơ sở quân sự quan trọng và đối phó với các mối đe dọa từ không trung, chẳng hạn như các cuộc tấn công bằng máy bay tấn công, tên lửa hành trình và UAV… trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết.

Spyder có khả năng quan sát và tiến hành đánh chặn mục tiêu trong khu vực rẻ quạt 360 độ. Sau khi được bắn đi từ bệ phóng, động cơ tên lửa được khởi động trong vòng 2 giây và lao thẳng tới mục tiêu đã được xác định trước nhờ thiết bị dò hồng ngoại.

Hệ thống tên lửa Spyder sử dụng các chế độ ngắm bắn mục tiêu LOBL - khóa mục tiêu trước khi phóng và LOAL - khóa mục tiêu sau khi phóng.

Khóa mục tiêu trước khi phóng (LOBL) là chế độ mà đầu dò laser của tên lửa khóa mục tiêu trước khi phóng. Trong trường hợp này, mục tiêu chắc chắn đã bị khóa do đó giảm thiểu rủi ro tên lửa bay lạc.

Khóa mục tiêu sau khi phóng (LOAL) bao gồm khóa mục tiêu sau khi phóng - trực tiếp (LOAL-DIR), khóa mục tiêu sau khi phóng - cao (LOAL-HI) và khóa mục tiêu sau khi phóng - thấp (LOAL-LOW).

Trong chế độ khóa mục tiêu sau khi phóng - trực tiếp (LOAL-DIR), tên lửa bắn đi trước rồi mục tiêu mới được khóa bằng hệ thống chỉ thị laser. Do độ trễ từ hệ thống chỉ thị laser, độ cao bay tối đa của tên lửa có thể sẽ giảm đi.

Với chế độ LOAL-HI, tên lửa được phóng khỏi bệ khi chưa có khóa mục tiêu, bay lên một độ cao lớn hơn rồi lao xuống.

Còn trong chế độ khóa mục tiêu sau khi phóng - thấp (LOAL-LOW) tên lửa phóng đi khi chưa có khóa mục tiêu và bay ở độ cao thấp.

Trong các chế độ này, tên lửa được “bắn và quên”. Tức là hệ thống bệ phóng chỉ việc nhấn nút cho tên lửa bay ra, sau đó tên lửa tự tìm và lao vào mục tiêu. Trong toàn bộ hành trình bay của tên lửa không có bất cứ một mối liên hệ nào với tổ hợp tên lửa.

Khả năng chiến đấu của Spider-MR nằm ở đạn tên lửa tầm trung dẫn đường bằng radar Derby, có chiều dài 3,6m, nặng 121,4kg, và tầm bắn tối đa 65 km. Spider-MR có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao lên tới 16 km. Tên lửa Spider-MR sử dụng chế độ khóa mục tiêu LOAL.

Tên lửa Spider-SR sử dụng đạn tên lửa tầm ngắn Python-5 có chiều dài 3,2m, nặng 105kg, và tầm bắn tối đa 15km.

Nhờ thiết bị quan sát quang điện TOPLITE  và radar ba chiều EL/M-2106 ATAR, Spider-SR có thể theo dõi cùng lúc tới hàng chục mục tiêu trong phạm vi hơn 30 km. Spider-SR sử dụng cả 2 chế độ khóa mục tiêu LOBL và LOAL, có thể bắn trúng mục tiêu cao nhất 9.000m và mục tiêu thấp nhất 20m.

Tên lửa Derby được các chuyên gia quân sự đánh giá là có nhiều tính năng vượt trội so với tên lửa Python như khối lượng chất nổ lớn hơn và được trang bị hệ thống điều khiển riêng qua radar.

Mỗi hệ thống Spyder có 4 xe tải chở các ống phóng tên lửa, 1 xe radar và 1 chiếc xe tải mang tên lửa để nạp vào ống phóng. Tổng giá trị của mỗi hệ thống ước tính khoảng 11 triệu đôla.

Ngoài các lực lượng Quốc phòng Israel, các hệ thống Spyder còn được phục vụ trong quân đội Georgia (với SAM Python 4), Singapore (Spyder - MR / SR) và Ấn Độ (Spyder - SR).
Trịnh Xuân Tuân (Theo vpk, paritet)