5 nỗi thất vọng lớn nhất của bóng đá Việt Nam năm 2011

19/12/2011 06:18
Đỗ Âu
(GDVN) - Giáo dục Việt Nam bầu chọn 5 nỗi thất vọng lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2011.
Nỗi thất vọng 1: Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ Không ai dám dũng cảm ngồi vào ghế chủ tịch VFF sau thất bại của ĐTVN tại Tiger Cup 2004, không ai dám ký quyết định đền bù cả tỷ đồng cho cựu HLV Letard. Cũng chẳng ai dám chỉ đạo tới cùng vụ bán độ năm 2005 của U23 Việt Nam, và thuyết phục được Henrique Calisto ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTVN để làm nên chiến thắng lịch sử tại AFF Cup 2008. Chỉ có ông Hỷ là dám. Nhưng ở một khía cạnh khác, ông Hỷ trở thành đối tượng chỉ trích của dư luận vì dù nắm quyền cao nhất ở VFF, ông lại càng ngày càng để cho tổ chức này bị bôi đen bởi những chuyện đi đêm, xin điểm, xử ép ở V-League. Hớ hênh hơn nữa khi cái câu nói nổi tiếng “Đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông như thế không?” lại là của ông. Và năm 2011 này, đó có lẽ là năm mà người ta có cái nhìn tiêu cực nhất về Nguyễn Trọng Hỷ.
Ông Hỷ trong năm 2011 là người đại diện cho quyền lợi của VFF chứ không đại diện cho quyền lợi của nền bóng đá Việt Nam
Ông Hỷ trong năm 2011 là người đại diện cho quyền lợi của VFF chứ không đại diện cho quyền lợi của nền bóng đá Việt Nam
Ông Hỷ từng khẳng định bóng đá Việt Nam không hề trong sạch trước bàn dân thiên hạ. Đó là một điều dũng cảm. Nhưng cái điều quan trọng là bản thân ông lại gần như không làm gì để thanh lọc những vết cặn nằm sâu trong cốc nước mang tên VFF. V-League 2011 không thiếu chuyện tiêu cực, nhưng ông Hỷ thì vẫn cứ làm như không có điều gì to tát phải sửa chữa. Năm 2011 có lẽ là năm mà công chúng thất vọng với ông Hỷ nhất, bởi ông đã không còn giữ cái hình ảnh là một yếu nhân của bóng đá Việt nữa, mà đã biến thành người đại diện cho một tổ chức bóng đá độc quyền mà đại đa số những người yêu túc cầu nước nhà đều không tin tưởng vào khả năng vực dậy nền bóng đá của nó. Với tư cách đó, những gì ông Hỷ đã làm trong năm nay là nhằm bảo vệ bộ mặt và quyền lợi của VFF, thể hiện qua chuyện VFF tổ chức Đại hội thường niên nhằm giành lại quyền thành lập BTC V-League từ tay các ông bầu muốn ‘ly khai’. VFF quyết giành lại V-League có phải vì muốn tốt cho bóng đá nước nhà đâu? Mà chỉ ngay việc đại hội tổ chức trong lúc SEA Games đang diễn ra cũng đủ thấy ông Hỷ và cả bộ máy VFF đã trở nên ích kỷ thế nào rồi. Và cuối cùng, điều khiến tất cả phải lắc đầu chán nản là cái chuyến đi công tác “bất thình lình” của ông ngay trong lúc mọi người đang quan tâm xem Liên đoàn có cái nhìn như thế nào về thất bại của U23 Việt Nam ở SEA Games 26.Nỗi thất vọng 2: Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn Nhân vật đa năng nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2011 khi vừa “đá” cho Tổng cục TDTT, vừa “khoác áo” VFF, lại vừa là “binh sĩ” của “sư đoàn” AFC (LĐBĐ Châu Á). Và cũng có thể khẳng định ngay, đây chính là quan chức… vô dụng nhất trong lịch sử V-League. Khi ông Tuấn đóng vai trưởng BTC V-League hai năm 2009 và 2010, người ta đã thấy cách làm việc của ông Tổng thư ký này như thế nào. Cứ mỗi khi có chuyện lùm xùm nào xuất hiện, thì người đứng ra lại là cựu trưởng BTC Dương Nghiệp Khôi. Và ông Khôi dù không còn lãnh trách nhiệm này nữa về mặt danh nghĩa nhưng ông vẫn luôn đứng ra giải quyết các vấn đề tiêu cực, trong khi máy điện thoại của ông Tuấn vào những lúc như thế đều ở trong tình trạng “máy bận” hoặc "ngoài vùng phủ sóng".
Chức danh chính thức của ông Tuấn là vụ trưởng Tổng cục TDTT, và lẽ ra ông nên ngồi yên với chức vụ đó
Chức danh chính thức của ông Tuấn là vụ trưởng Tổng cục TDTT, và lẽ ra ông nên ngồi yên với chức vụ đó
Người ta thậm chí còn cho rằng ông Nguyễn Hữu Bàng, người kế nhiệm ông Khôi trong 8 vòng đấu cuối mùa giải 2008 làm còn tốt hơn cả ông Tuấn. Ông Bàng chỉ cần xem băng ghi hình xong là đã ban lệnh treo giò hết mùa 4 cầu thủ SLNA vì hành động “nằm” cho HN.ACB thắng 4-1 trên sân Hàng Đẫy ở vòng 22. Năm 2011 chưa chắc đã là năm tồi nhất trong sự nghiệp quan lộ của ông Trần Quốc Tuấn. Cái khó của ông Tuấn là ông đang là quan chức ở Tổng cục TDTT với hàm vụ trưởng và được ngồi vào ghế tổng thư ký VFF qua dạng cán bộ biệt phái. Chính việc chân trong, chân ngoài đấy mà ông buộc phải bóng đá để qua Tổng cục TDTT trong giai đoạn khó khăn mà cả Bộ VHTT&DL lẫn Tổng cục TDTT đều “không ngủ yên” sau thất bại ở SEA Games 26.Nỗi thất vọng 3: Vũ Như Thành Từng lập kỷ lục chuyển nhượng V-League với giá 8,5 tỷ đồng khi chuyển tới V. Ninh Bình năm 2009, nhưng trung vệ này đã sa sút trầm trọng vì những chuyện ngoài chuyên môn mà điển hình trong năm nay là vụ trốn nợ biệt tích một tháng trời. Thực hư chuyện dính vào cờ bạc đỏ đen của cầu thủ này như thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới thực sự biết, nhưng Như Thành đã đi xuống trông thấy trong năm 2011. Vì nợ nần mà anh xin nghỉ 4 vòng cuối cùng của V-League, và trớ trêu thay khi 4 vòng đấu đó Ninh Bình đá tốt hẳn lên và về đích ở vị trí thứ… 4.
Như Thành đã sa sút thảm hại vì chuyện nợ nần cờ bạc.
Như Thành đã sa sút thảm hại vì chuyện nợ nần cờ bạc.
Vì nợ nần mà Như Thành tập luyện hời hợt và đã nhiều lần vi phạm kỷ luật, khiến anh không chỉ “thất sủng” ở Ninh Bình mà còn ở ĐTQG. Trước vòng loại World Cup 2014, quyền HLV trưởng Mai Đức Chung đã thẳng tay loại Như Thành. Dẫu sao thì Như Thành sau khi bị Ninh Bình thanh lý hợp đồng đã được ACB.HN của bầu Kiên đón nhận. Thành “kếu” đang cố gắng tập luyện để cố dành được những vinh quang cuối cùng trong sự nghiệp. 13 phút ra sân ở Vietbank Cup của Thành là dấu hiệu chứng tỏ HLV Nguyễn Thành Vinh và mọi người xung quanh Thành sẵn sàng cho anh cơ hội lấy lại danh hiệu trung vệ số 1 Việt Nam.
Nỗi thất vọng 4: Đội tuyển U23 Việt Nam
Dẫn đầu bởi Falko Goetz và đội trưởng Phạm Thành Lương, U23 Việt Nam đến với SEA Games 26 với kỳ vọng hàng năm của khán giả là đoạt huy chương Vàng Đông Nam Á. Tuy nhiên tất cả đã sớm thất vọng. Thất vọng bởi vì U23 Việt Nam đã thi đấu quá chật vật trong bảng đấu mà sau khi các đội nằm cùng bảng được công bố, các cầu thủ trẻ của chúng ta đã sướng rú lên trong phòng thay đồ mà người duy nhất giữ được sự bình tĩnh chính là “thầy Gớt”. Thất vọng vì chúng ta không thể vượt qua sức ép của đội chủ nhà và gần 100.000 khán giả Indonesia ở trận bán kết. Và thất vọng vì U23 Việt Nam bị đánh bại trong trận tranh HCĐ trước một đối thủ mà họ 1 tháng trước đã chiến thắng ở VFF Cup. Dư luận đã đòi hỏi một lời giải trình từ những người có trách nhiệm, nhưng thực sự là có giải trình gì thì cũng đâu có làm xoa dịu được thất bại cay đắng đó? Thế nên không rõ nghi án bán độ từ đâu lại xuất hiện sau SEA Games, và cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra bất cứ chứng cớ nào xác thực ngoài việc bình luận về hành động “lạy trời lạy Phật” của Văn Quyết. Tất cả chỉ nhằm an ủi.
U23 Việt Nam là một tập thể yếu kém, và không có lý do nào đơn giản hơn để giải thích cho thất bại
U23 Việt Nam là một tập thể yếu kém, và không có lý do nào đơn giản hơn để giải thích cho thất bại
Sự thực là sau thất bại này, công chúng đã nghiệm ra nhiều điều, và cũng có những điều đã được phần nào sáng tỏ nhưng họ lại không hiểu. U23 Việt Nam mang tới Singapore một đội hình quá kém so với những năm trước, các cầu thủ được lên tuyển chơi chỉ ở mức trung bình khá. Thể lực, kỹ thuật và chiến thuật thua xa các đội bạn, phải dựa rất nhiều vào những cá nhân đã không còn ở độ tuổi Olympic. Nhiều người đổ lỗi cho Falko Goetz vì thất bại này, nhưng xét cho cùng thì đến bây giờ ông thầy người Đức vẫn chứng tỏ với dư luận mình là một người chuyên nghiệp. Chúng ta cần giải trình? Ông giải trình trước VFF. Chúng ta cần ông giải thích với giới báo chí? Ông cũng chiều lòng tất cả các phóng viên. Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, Falko Goetz cũng có đặt mục tiêu đoạt HCV SEA Games đâu mà coi là không hoàn thành mục tiêu? Xét cho cùng, chúng ta nên có cái nhìn khách quan về nền bóng đá nước nhà. Những cầu thủ U23 kia được đào tạo trong một môi trường bóng đá mà không phải bóng đá, mỗi cầu thủ là một tấm biển quảng cáo cho các doanh nghiệp. Giá trị chuyển nhượng thì cao chót vót tỷ lệ nghịch với tài năng. VFF thì càng ngày càng trì trệ trong hoạt động, chưa kể chuyện họ thường xuyên bắt các đội tuyển phải đá 1,2 giải giao hữu trước khi đi thi đấu chính thức… Nói tóm lại, U23 Việt Nam là một nỗi thất vọng, vì chúng ta đã quá ảo tưởng mà kỳ vọng vào nó.Nỗi thất vọng 5: Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF đã làm thất vọng người hâm mộ 10 năm nay, nhưng chỉ cần 4 tháng cuối năm là bộ mặt thật sự của tổ chức này mới lòi hết ra. Phải 10 năm người ta mới được chứng kiến một cuộc họp tổng kết V-League hấp dẫn, thú vị và… gay cấn đến thế. Nó bắt đầu từ những cái bản báo cáo dường như được lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, trao thưởng cho các cá nhân và tập thể xuất sắc mà chẳng mấy ai quan tâm, để rồi bất ngờ bùng nổ khi ông bầu Nguyễn Đức Kiên bước lên phát biểu và gần như là xổ toẹt ra hết những gì ông nghĩ về VFF. Chúng ta sẽ khoan bàn tới chuyện VFF có đúng như những gì bầu Kiên mô tả trong bài phát biểu kéo dài 30 phút của mình, mà hãy xem xem VFF đã phản ứng như thế nào với sự kiện đó. Trước khi bầu Kiên phát biểu, ông đã một mực yêu cầu phải cho cánh phóng viên vào trong hội trường. Điều 1: VFF không dám cho phóng viên dự cuộc họp tổng kết. Ai cũng đã rõ ông Kiên nói gì ở Hội nghị tổng kết hôm đó và thực sự nó đã làm những người có mặt trong khán phòng phải sốc. Riêng bộ máy điều hành giải đấu và bóng đá Việt Nam phải đỏ mặt cúi xuống. Vài ngày sau, dư luận ầm ĩ về một cuộc “đảo chính” do ông Kiên lãnh đạo nhằm vào VFF. Và các quan chức của VFF “kháng cự” lại với chiêu bài cực cũ: bịt tai. Đó là điều 2: Im lặng khi bị chỉ trích.
Điều đáng xấu hổ nhất về VFF là việc họ quyết đoạt lại miếng bánh V-League trong lúc SEA Games đang diễn ra
Điều đáng xấu hổ nhất về VFF là việc họ quyết đoạt lại miếng bánh V-League trong lúc SEA Games đang diễn ra
Bầu Kiên không chỉ dám đứng ra chỉ trích VFF mà còn khiến cả dư luận đồng tình theo. Các phương tiện truyền thông đại chúng hầu hết đều có những bài viết phơi bày những gì đáng chê nhất về VFF. Và để đáp trả lại, VFF đưa ra công văn số 713 để phản ánh về bài viết ngày 9/9/2011 của báo Thể thao 24h, với lý do tác giả bài viết đã viết “thực trạng thối nát của BĐVN”. Trong công văn có gọi ông Kiên là “anh Nguyễn Đức Kiên”. Một công văn nghiêm túc sao lại tùy tiện gọi tên riêng người khác như thế? Điều 3: VFF - làm bóng đá thì chậm - truy cứu ngôn từ báo chí thì nhanh nhảu. Ý đồ gạt ra ngoài đề xuất Hội nghị bất thường BCH VFF thất bại, các quan chức Liên đoàn liền xoay sang tìm cách loan tin ra ngoài mô hình TNHH của VPF, tức VPF sẽ chỉ là một tổ chức thành viên của VFF chứ không được đứng độc lập. Nhưng đúng trong Đại hội thường niên của VFF, nhóm các ông bầu đã gây bất ngờ khi công bố VPF sẽ là công ty cổ phần, và dư luận hoàn toàn ngả theo hướng đề xuất của bầu Kiên. Điều 4: Quyết chơi khăm VPF để giữ lại miếng bánh V-League. Thời điểm tổ chức Đại hội thường niên cũng là lúc đội U23 Việt Nam đang thi đấu ở Indonesia. Thế cho nên mới có chuyện các tuyển thủ của chúng ta vừa tập luyện vừa chăm chú theo dõi báo chí để xem các chú các bác ở quê nhà đấu đá tranh giành V-League ra sao, bởi chuyện đó có can hệ tới nồi cơm của họ ở CLB. Điều 5: “Tranh ăn” trong lúc cả nước đang dõi theo bước chân của đoàn thể thao ở SEA Games 26. Còn gì nữa để nói về nỗi thất vọng này?
Đỗ Âu