“Ông trùm” Khánh “Trắng” che giấu tội lỗi như thế nào?

20/12/2011 07:08
...nhờ một số cán bộ trong các cơ quan nhà Nước, chính quyền địa phương đã thoái hóa, biến chất bao che cho những hành vi phạm tội của hắn.
Để “ôm trùm” Khánh “trắng” có thể tung hoành tới 6 năm, gây ra nhiều tội ác với những cách thức phạm tội hết sức tàn bạo và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, chính là nhờ một số cán bộ trong các cơ quan nhà Nước, chính quyền địa phương đã thoái hóa, biến chất bao che cho những hành vi phạm tội của hắn. Vì thế, có vụ do Khánh “Trắng” và đồng bọn là thủ phạm đã được điều tra, nhưng lại bị đình chỉ, hoặc đã truy tố, xét xử ở nhiều cấp, nhưng lại với tội danh và con người khác, còn chúng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật trong sự đau đớn, uất hận của nạn nhân và sự ngờ vực của nhiều người.



Đây là kết luận của Bộ Công an khi tổng kết chuyên án này.

 Quá trình điều tra vụ Khánh “Trắng”, Ban Chuyên án đã bất ngờ phát hiện 2 cán bộ công an lợi dụng chức vụ và quyền hạn để giúp Khánh “Trắng” và đồng bọn che giấu tội ác. Dù rất đau lòng, nhưng lực lượng công an đã kiên quyết thanh lọc những con sâu mọt trong ngành, góp phần lấy lại niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, một thời gian dài, vì những lý do khách quan, việc tìm hiểu về sự can thiệp của một số kẻ biến chất còn chưa được đi sâu, nên chưa nhiều người biết được sự thực chúng đã tiếp tay cho tội ác của Khánh “Trắng” và đồng bọn như thế nào? Để giúp bạn đọc hiểu thêm về điều này, xin được lật lại những trang hồ sơ về Khánh “Trắng” cách đây 15 năm.

Tại phiên tòa xét xử, Khánh “Trắng” đã bị truy tố về hành vi che giấu, can thiệp vào vụ án giết người ở buồng giam 15A để Nguyễn Tiến Thắng (tức Thắng “trố”), đứa em cùng mẹ khác cha của Khánh “Trắng”, được thoát tội. Tuy nhiên, để Khánh “Trắng” thực hiện được điều này, chính là có sự làm sai lệch hồ sơ của điều tra viên Ngô Duy Ân, người được giao đảm trách điều tra vụ án giết người này.

Vụ án bắt đầu vào 18h ngày 5/10/1994 tại buồng giam 15A, Trại giam Hà Nội. Khi Nguyễn Thanh Hà được đưa vào, bọn đầu gấu trong buồng đã lập tức đánh “dạy luật” khiến Hà bị tử vong. Cái gọi là “dạy luật” này do bọn đầu gấu trong phòng đặt ra, để bắt các tù nhân mới vào phải viết thư về gia đình xin tiền nộp cho chúng, nếu không sẽ bị chúng đánh.

Chính Thắng “trố”, kẻ đã có 5 tiền án tiền sự và Đặng Đức Thắng (tức Thắng “ngựa”) là 2 kẻ chủ mưu và trực tiếp đánh Hà đến chết. Thế nhưng, khi Tòa án nhân dân Hà Nội xử sơ thẩm, chỉ tuyên phạt 3 tên tử hình, còn lại phạt tù từ 15 đến 20 năm, riêng 2 kẻ cầm đầu là Thắng “trố” và Thắng “ngựa” lại bị “bỏ lọt”. Khi Chuyên án Khánh “Trắng” được tiến hành, một số người từng bị giam chung với Thắng “trố” đã cung cấp cho Ban chuyên án thông tin trên và còn cho hay, sau khi vụ án xảy ra, họ đã khai về Thắng “trố”, nhưng điều tra viên gạt đi, không ghi lời khai.

Cơ quan điều tra lập tức cử các điều tra viên đồng loạt đi 6 trại cải tạo, trại giam để ghi lời khai của tất cả các nhân chứng giam cùng buồng với Thắng “trố” hôm xảy ra vụ án, đồng thời, cho 2 tử tù trong vụ án này được cho hoãn thi hành án, để phục vụ công tác điều tra.

Theo lời khai của 2 anh Bùi Thường và Lê Văn là người cùng giam chung với Thắng “trố”, thì sau khi vụ án xảy ra, Thắng “trố” đã tâm sự rằng, anh của hắn là Khánh “Trắng” đã chạy cho hắn thoát khỏi vụ án Nguyễn Thanh Hà hết 300 triệu đồng. Bản thân 2 anh cũng được đọc lá thư do Khánh “Trắng” viết vào cho Thắng “trố” nói đến nội dung trên.

Chính Thắng “trố” cũng thừa nhận, sau khi Hà bị đánh chết, Thắng viết thư báo cho Khánh “Trắng” biết và nhiều lần, hắn cũng viết thư cho người yêu là chị Nguyễn Thị Thu Hường, dặn: “Qua 2 chị Hằng, Tuyết gặp ngay anh Khánh, nói gặp anh ngay lập tức, qua thụ lý vụ án này, anh sẽ nói rõ. Nếu không anh sẽ không có ngày về đâu… Cuộc đời anh phụ thuộc vào anh Khánh, cho nên tốt hay xấu, số phận sẽ ra sao phụ thuộc ở cả người anh.”

Khi lật lại hồ sơ, Ban Chuyên án đã tìm hiểu xem nguyên nhân nào khiến Thắng “trố” và Thắng  “ngựa” lại bị “bỏ lọt” trong vụ án này. Việc nghiên cứu tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ mà điều tra viên Ngô Duy Ân thụ lý, cơ quan điều tra đã thấy các chứng cứ đều thể hiện rõ: Giữa Hà và Thắng “trố” có quan hệ với nhau ở ngoài xã hội. Khi mới vào buồng giam 15A, Hà đã không chịu nằm xuống để bị đánh, nên Trần Đức – một tên đầu gấu đã định đánh Hà ngay, nhưng vì Thắng “trố” bảo thôi, nên Đức không đánh nữa. Đức rất vị nể Thắng “trố”, bởi vì Thắng là em trai Khánh “Trắng”.

Sau đó, khi cán bộ quản giáo kiểm buồng xong, Đức lại bắt Hà cởi quần áo để chịu đánh “dạy luật”, Hà không nghe thì Thắng “trố” khuyên Hà “Cứ chấp hành đi, có gì tao xin cho”. Nhưng khi Hà bị đánh, Thắng “trố” đã làm ngơ. Ngày 25/10/1994, Ngô Duy Ân ký sổ cung trích xuất 2 bị can Thắng “trố” và Lưu Xuân Hào ( một kẻ cũng tham gia đánh Nguyễn Thanh Hà).

Trong khi Ân hỏi cung Hào thì Thắng “trố” viết bản tự khai. Trong bản tường trình này, Thắng “trố” đã thừa nhận: sau khi Hà bị đánh, Thắng “trố” có lại gần đá nhẹ vào người Hà mấy cái xem có việc gì không, thế nhưng, tài liệu này đã bị Ân ỉm đi, không đưa vào hồ sơ vụ án.

Như vậy, chỉ căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu mà Ân thu thập được đến tháng 10/1994, đã đủ cơ sở để xác định Thắng “trố” có liên quan trực tiếp đến vụ án, có dấu hiệu đồng phạm với Đức và đồng bọn trong việc đánh chết Hà, nhưng Ân đều bỏ qua các tài liệu này và cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, để bỏ lọt Thắng “trố” ngay từ đầu. Khi Ban chuyên án hỏi cung các nhân chứng, có rất nhiều người khai về việc Thắng “trố” tham gia đánh Hà. Họ cũng cho biết, trước đây, họ đã khai với Ngô Duy Ân, nhưng Ân không ghi vào biên bản, mà còn nói: “Khai bớt được thằng nào hay thằng ấy”.

Thậm chí trong khi hỏi cung, Ân còn cho người nhà gặp Thắng “trố” ngay tại buồng cung, dùng chính Thắng “trố” đe dọa các bị can khác, để họ không dám khai về Thắng “trố”. Không chỉ thế, Ân còn tự ghi nội dung lời khai của một số bị can vào trong bản cung rồi bắt họ ký mà không cho đọc lại, mục đích là để lọt Thắng “trố”. Bởi vậy mới có trường hợp Ân gọi cùng lúc nhiều bị can ra trùng nhau về ngày, giờ làm việc, nhiều bản cung của các bị can trùng nhau về ngày, giờ làm việc. Để đảm bảo tính khách quan, Ban Chuyên án đã thận trọng kiểm tra lại sổ đi cung và thấy đúng là Ân đã ký sổ trích xuất nhiều bị can ra để hỏi cùng một lúc.

Khi bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, Ân còn cố tình che giấu mối quan hệ với Khánh “Trắng”, vì biết đó sẽ là khởi đầu của việc bị phanh phui tội lỗi. Nhưng mặc dù Ân phủ nhận việc quen biết với Khánh “Trắng”, thì chính Khánh “Trắng” và một số tên đồng bọn thân tín của Khánh “Trắng” lại thừa nhận giữa Ân và Khánh “Trắng” có mối quan hệ với nhau.

Ân còn từng nhờ Khánh “Trắng” trông giữ đất đai cho gia đình Ân. Trong cuốn sổ tay của Ân mà cơ quan điều tra thu được, có một số điện thoại Ân ghi nhưng đã bị xóa đi. Cơ quan điều tra đã tiến hành giám định và kết quả cho biết, đó chính là số điện thoại của Khánh “Trắng”. Rõ ràng là, khi công an bắt đầu điều tra các vụ án có liên quan đến Khánh “Trắng”, Ân đã thấy động nên nghĩ đến việc xóa các dấu vết về việc quan hệ với Khánh “Trắng”, nhằm che giấu hành vi tội lỗi của mình.

Vì liên quan đến sinh mạng chính trị của một cán bộ, nên việc điều tra, xác minh về việc làm của Ngô Duy Ân được Ban chuyên án tiến hành tỉ mỉ và cực kỳ cẩn trọng. Tất cả những chứng cứ thu thập được, đã cho cơ quan điều tra đủ cơ sở đển kết luận rằng, Ngô Duy Ân đã chính là người đã cố tình có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, để “bỏ lọt” 2 tên tội phạm nguy hiểm trong vụ giết người tại phòng giam 15A.

Trong quá trình điều tra, lực lượng công an đã thực hiện khám xét nha riêng của Ngô Duy Ân tại số 3 Dã Tượng, và đã thu được một khẩu súng K54 và một băng tiếp đạn có 8 viên đạn của súng K54.

Ban Chuyên án đã tập trung xác minh nguồn gốc khẩu súng trên và kết quả cho thấy: từ trước đến nay, các đơn vị của Công an Hà Nội đều xác định không quản lý khẩu súng đó, công an các địa phương, Viện Khoa học kỹ thuật hình sự - Bộ Công an cũng xác định khẩu súng trên không thuộc diện quản lý hoặc đã giám định. Còn Ngô Duy Ân vẫn khăng khăng đổ lỗi cho Nguyễn Ngọc Minh là người đã cho Ân mượn khẩu súng đó trước ngày Ân bị bắt.

Nhưng tại cơ quan điều tra và trước tòa, Nguyễn Ngọc Minh đều không thừa nhận việc có súng cho Ân mượn. Vì thế, Ân còn phạm thêm tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Với 2 tội danh làm sai lệch hồ sơ và tàng trữ trái phép vũ khí, Ngô Duy Ân đã bị tòa tuyên phạt 8 năm tù.

Với việc lật lại vụ án giết người ở buồng giam 15A, Trại giam Hà Nội, Ban Chuyên án cũng phát hiện, trong hồ sơ tố tụng, đặc biệt là tịa bút ký của 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử Trần Đức và đồng bọn giết người, đã có một số bị cáo khai báo về sự liên quan của Thắng “trố” và tố cáo chính Thắng “trố” là kẻ tích cực tham gia trong vụ án đánh chết Hà. Nhưng rất tiếc, đã không được các cơ quan chức năng xem xét đến. Một câu hỏi được đặt ra nhức nhối: phải chăng, những cán bộ đã trực tiếp giải quyết vụ án trên còn non kém về nghiệp vụ, hay cố tình làm ngơ, bỏ qua các tình tiết rất dễ phát hiện? Hành vi của Ân chỉ là một phần nhỏ của câu trả lời…

Khi tội ác được bao che bởi chính một số người trong bộ máy chính quyền, thì hậu quả của nó thật nặng nề. Nó không chỉ tạo điều kiện cho băng nhóm của Khánh “Trắng” lộng hành nhiều năm, gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng như giết người, cướp của, khiến nhiều người dân phải chịu oan ức, mà còn làm mất đi lòng tin của người dân với các cơ quan pháp luật, với chính quyền, khiến một thời gian dài, người dân không dám hợp tác với Ban Chuyên án, gây khó khăn cho việc lật lại hồ sơ các vụ án mà băng nhóm Khánh “Trắng” đã gây ra.

Vì thế, khi vụ án được đưa ra xét xử đúng người đúng tội, đã tạo được khí thế đấu tranh với tội phạm trong quần chúng nhân dân và đặc biệt là tìm lại được lòng tin của người dân với chính quyền.

Thái Hoàng/ Pháp luật & Cuộc sống