Những nhà lãnh đạo nổi tiếng qua đời ở TUỔI 69

20/12/2011 09:37
Nguyễn Hường (tổng hợp)
(GDVN) - Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il, Đại tá Muammar Gaddafi, cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussien là những nhà lãnh đạo nổi tiếng đã qua đời ở tuổi 69.
1. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il (16/2/1942 - 17/12/2011)

Chủ tịch Triều Tiên KIm Jong Il đã qua đời ngày 17/12 trên một chuyến tàu hỏa ở Bình Nhưỡng do bệnh tim. Ông đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 69 vào hồi 8h30 theo giờ địa phương

Ông Kim Jong-il lên nắm quyền ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên năm 1994, sau khi người cha của ông là Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) qua đời.

Kim Jong-il thường được nhắc đến ở Triều Tiên với danh xưng "nhà lãnh đạo kính mến" và được coi là chỉ huy đội quân thường trực có số lượng đứng thứ tư trên thế giới.

Chủ tịch Kim được cho là yêu thích xem phim, kể cả phim Hollywood, và có bộ sưu tập hàng chục nghìn bộ phim. Mỗi khi công du, ông thường dùng tàu hỏa.

Theo công bố chính thức của chính quyền Bình Nhưỡng, Chủ tịch Kim sinh ngày 16/2/1942 tại một doanh trại quân sự bí mật ở núi Baekdu, miền bắc Triều Tiên. Các nhà viết sử Triều Tiên tuyên bố rằng sự ra đời của Chủ tịch Kim đã được báo trước bởi một con chim nhạn và sự xuất hiện của một cầu vồng đôi bắc qua ngọn núi nơi ông chào đời và đã có một ngôi sao mới xuất hiện trên bầu trời trước ngày ông chào đời.

Tuy nhiên, các tài liệu của Liên bang Xô Viết lại cho thấy ông Kim Jong Il sinh tại vùng Vyatskoye, gần Khabarovsk, nước Nga vào năm 1941, nơi cha ông, Kim Il Sung đang chỉ huy Tiểu đoàn số 1 thuộc Lữ đoàn 88 Xô viết gồm những người Trung Quốc và Triều Tiên lưu vong.

Tháng 9/1945, khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc và Triều Tiên giành độc lập từ Nhật Bản, nhà lãnh đạo Kim Il Sung mới trở về nước và Chủ tịch Kim trở về sau ông 1 tháng bằng một con tàu của Liên bang Xô viết.

2. Đại tá Muammar Gaddafi (7/6/1942 - 20/10/2011)


Muammar Abu Minyar al-Gaddafi hay được gọi đơn giản là Đại tá Gaddafi sinh ngày 7/6/1942 đã là lãnh đạo trên thực tế của Libya từ một cuộc đảo chính lật đổ vua Libya năm 1969 đến khi chính ông bị lật đổ vào năm 2011.

Khi còn sống, Gaddafi còn tự gọi mình là "Vua của các vị vua châu Phi" và "lãnh tụ của chủ nghĩa Hồi giáo".
Gaddafi là con út trong một gia đình nông dân. Cha ông là Mohammed Abdul Salam bin Hamed bin Mohammed Al-Gaddafi, còn gọi là Abu Meniar (mất năm 1985). Tuy nhiên, tờ The Times từng đăng tải một bài báo cho rằng khả năng cha thực của ông là một sĩ quan Pháp.

Đại tá Gaddafi lớn lên tại vùng sa mạc Sirte, nơi ông được tếp thu một nền giáo dục tiểu học tôn giáo truyền thống.

Tuy không giữ chức vụ chính thức nào, nhưng quyền lực thực sự thuộc một "nhóm cách mạng" gồm Gaddafi và một số cố vấn thân cận. Và nói chung, mọi người hiểu rằng Gaddafi nắm quyền gần như tuyệt đối với chính phủ.

Khi còn sống, Đại tá Gaddafi tỏ ra là một người rất nóng nảy, cứng rắn. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Đại tá Gaddafi đó là: "Những kẻ nào không yêu tôi thì đều không đáng sống". Ông cũng từng xé một bản sao Hiến chương Liên Hợp Quốc, nói Hội đồng Bảo an là một cơ quan khủng bố giống như Al-Qaeda, yêu cầu các nước đế quốc từng xâm lược châu Phi bồi thường 7,7 nghìn tỷ USD cho các nước thuộc địa cũ.

Ngoài ra, Đại tá Gaddafi luôn mang theo bên mình đội "nữ vệ sĩ đồng trinh" xinh đẹp. Các cô vệ sĩ này được huấn luyện cực kỳ gắt gao, có sức khỏe tốt, biết sử dụng thành thạo tất cả các loại vũ khí hiện đại, và luôn mang theo súng trường tự động Kalashnikov. Họ nổi bật bởi những trang phục thời trang, màu móng tay sơn cùng màu với báng súng, đi giày cao gót

Gaddafi bị chính thức lật đổ vào cuối tháng 8 năm 2011, sau 42 năm cầm quyền ở Libya. Ông bị giết vào ngày 20/10 sau khi bị lực lượng cách mạng bắt ở thành phố quê hương Sirte. Thi thể của ông đã được chôn tại một địa điểm bí mật trong sa mạc.

3. Saddam Hussein (28/4/1937 - 20/12/2006)

Cựu Tổng thống Iraq từ năm 1979 đến năm 2003, bị Mỹ tấn công lật đổ chính quyền và bị bắt với lý do "tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt".

Tháng 11 năm 2005 ông bị đem ra tòa án xét xử. Dư luận trong nước Iraq và quốc tế có nhiều người phản đối vì họ cho rằng tòa án không hợp hiến và không tuân thủ các hiệp ước quốc tế.
Tuy nhiên, một Tòa án của Iraq và sau đó là Tòa kháng án đã kết luận ông phạm tội "chống lại loài người" vì vụ thảm sát hơn 150 người tại thị trấn Dujail phía Bắc Iraq trong thập niên 1980. Vào lúc 6h05 ngày 30/12/2006 (giờ địa phương), ông đã bị thi hành án tử hình bằng treo cổ tại Bagdad, Iraq.

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, Saddam Hussein đã tham gia đảng Baath có chủ trương thế tục khi còn ở tuổi thiếu niên. Không lâu sau khi giữ chức tổng thống vào năm 1979 ở tuổi 42, Saddam Hussein nhanh chóng củng cố quyền hành bằng cách xử tử hàng trăm sĩ quan cao cấp và những chính khách bị nghi thuộc phe chống đối.

Saddam Hussein là người Ả Rập theo hệ phái Sunni và đã đưa rất nhiều bà con trong dòng tộc ở Tikrit vào nắm những chức vụ quan trọng trong chính phủ. Với những biện pháp tàn bạo, ông đã gieo rắc sợ hãi trong dân chúng, đặc biệt là đối với khối người Hồi giáo Shia chiếm đa số và khối người Kurd.

Sau khi nắm được quyền lực vào năm 1979 sau một cuộc đảo chính, Saddam đã tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài nhằm xâm lăng nước láng giềng Iran suốt 8 năm (1980-1988) làm hàng triệu người chết và tàn phế của cả hai bên. Điều này đã khiến Liên Hiệp Quốc phải thông qua một nghị quyết cấm vận Iraq.

Năm 1990 ông tiếp tục phát động Chiến tranh vùng Vịnh nhằm xâm lăng quốc gia nhỏ bé Kuwait. Do sự can thiệp của Hoa Kỳ và các nước, Saddam phải chịu thất bại và rút quân.

Saddam Hussein bị bắt vào ngày 14/12/2003 khi đang ngủ trong hầm trong thị trấn al-Dawr, cách Tikrit 15km về phía Nam.
Nguyễn Hường (tổng hợp)