Nhật ký Lớp học Hy vọng:

"Ba chàng lính ngự lâm" ở Lớp học Hy vọng

21/12/2011 06:00
Kim Ngân
(GDVN) - Mặc dù mắc bệnh ung thư máu, nhưng “bộ ba chàng trai” Đức, Tuấn, Tiến Anh nổi tiếng hài hước, nói nhiều, mạnh dạn nhất Lớp học Hy vọng.

Nhắc đến bộ ba “đầu trọc” – bộ ba từ cao xuống thấp trong lớp học Hy vọng, ai cũng biết đó là Đức, Tuấn và Tiến Anh. Quen nhau trong khoa Ung Bướu, dần trở thành thân thiết, đi đâu cũng có nhau nên bộ ba trở nên mạnh dạn, vui vẻ, nghịch ngợm và hiểu nhau “rõ một một”.

Ấn tượng của mọi người đối với bộ ba thú vị đó chính là cười nhiều, nói nhiều, hăng hái phát biểu và là một trong số học sinh “đầu tiên” của lớp học Hy vọng.

Quen nhau trong bệnh viện

Bộ ba Đức, Tiến Anh, Tuấn nhanh chóng trở thành bạn thân của nhau kể từ ngày nhập viện chữa căn bệnh ung thư máu gần một năm nay. Khoa Ung Bướu, bệnh viện Nhi Trung ương đã từ lâu trở thành ngôi nhà chung của bộ ba này. Dù đến từ những vùng miền khác nhau, điều kiện sống không giống nhau với lứa tuổi và tính cách khác nhau, nhưng vẫn có nhiều điểm chung chẳng giống ai.
"Ba chàng lính ngự lâm" ở Lớp học Hy vọng ảnh 1

Tuấn và Đức được khen là có "đầu đẹp nhất lớp học Hy vọng" cười nhiều, nói nhiều nhất lớp Hy vọng

Người anh cả Nguyễn Trung Đức (14 tuổi) đến từ huyện Duy Tiên, Hà Nam. Khi đang học lớp 7, Đức mắc bệnh ung thư máu, lên viện từ tháng 11/2010. Khi hỏi biệt danh của Đức, Tiến Anh nhanh nhảu trả lời “Đức tham ăn vì suốt ngày anh ấy ăn kẹo, cái gì anh cũng ăn. Nên giờ anh ấy mới cao kều nhất lớp”.

Người anh thứ hai là Tiến Anh. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, beo béo của Tiến Anh tôi không nghĩ em 11 tuổi. Tiến Anh là người ở xa nhất, tận Lâm Đồng. Khi hỏi về quê của em, Tiến Anh nói giọng trầm buồn: “Con sinh ra ở Nam Định. Nhưng từ nhỏ theo mẹ vào quê nội ở Lâm Đồng để sống. Con xa quê hơn một năm nay rồi, giờ không có nhà mà về nữa. Mẹ con bán hết nhà để chữa bệnh cho con rồi”.

Đang học dở lớp 4 trường tiểu học Nguyễn Khuyến, Tiến Anh phải cùng mẹ ra ngoài bắc để chữa căn bệnh ung thư máu. Nhắc đến bố, Tiến Anh tắt nụ cười nói rằng: “Bố con bỏ con từ khi con còn nhỏ. Mẹ không có gì để chạy chữa bệnh cho con nên bán nhà cửa và ra ngoài nhà bà Sinh (đầu cổng viện) để ở”.
"Ba chàng lính ngự lâm" ở Lớp học Hy vọng ảnh 2

Tiến Anh (trái) và Tuấn hồn nhiên, vui tính nghịch ngợm con hạc gấp được trong giờ học thủ công

Tiến Anh là người trầm, ít nói nhất và có giọng dễ thương đặc biệt nhất lớp Hy vọng. Nhìn dáng đi của Tiến Anh, ai cũng phải phì cười. Mới có 11 tuổi, nhưng mỗi lần kể về gia đình, Tiến Anh tỏ ra như người từng trải: “Nếu chữa ngon nghẻ 3 đỏ 8 xi nữa thì Tết có thể về Lâm Đồng ở nhờ nhà ông nội mấy bữa. Lúc đi học thì ghét mấy đứa, giờ ra đây mới thấy nhớ, giờ không biết tụi nó ra sao nữa”, Tiến Anh thở dài nói.

Còn Tuấn là em út và cũng là người vô tư nhất trong 3 anh em. Nguyễn Quốc Tuấn (9 tuổi), khi đang học lớp 4c trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên, Nghệ An) thì phải chuyển lên viện điều trị bệnh ung thư máu đã 1 năm rưỡi. Chị Nguyễn Thị Thủy (mẹ của Tuấn) cho biết: “Từ ngày khai giảng là chưa học được buổi nào. Đợt này điều trị lâu quá, đã hơn 1 tháng rưỡi rồi chưa được về nhà”.

Ước mơ làm bác sỹ

Nói về sở thích của mình, Đức khoe: thích ăn cua, chim bồ câu, thích học tiếng Anh và Vật Lý. Còn Tiến Anh thì thích chơi cờ vua, thích ăn thịt bò, lươn bởi “ăn nhiều thịt bò để có máu, lươn để tăng tiêu cầu lên”. Tiến Anh khoe rằng được bố mua cho bàn cờ vùa, chị gái dạy chơi nên lúc nào Tiến Anh cũng mang nó theo mình.

Tự tìm ra điểm chung của mình, bộ ba cùng đồng thanh nói: “cười nhiều nhất lớp, vui tính hài hước nhất lớp và là bộ ba từ cao xuống thấp”. Đức ghét sự dối trá còn Tuấn và Tiến Anh đều ghét bị bạn bè trêu chọc. Tiến Anh nhớ lại lúc đi học vì mình nhỏ bé nên toàn bị bắt nạt, trêu chọc nhiều , nhưng Tiến Anh không sợ. Còn Tuấn nói: “Con đi học trở lại bị bạn trêu là thằng trọc đầu, nên con ngại và không muốn đến trường nữa”.

Theo chân Đức tôi về đến nhà trọ bà Sinh ở ngỏ nhỏ đầu cổng. Nhà bà Sinh là “ngôi nhà chung” thứ hai của ba anh em. Ở đó, tôi thấy chúng cười nhiều hơn, vui vẻ hơn, thân thiết với nhau như anh em ruột thịt. Mỗi đứa có một biệt danh rất đáng yêu như “Đức tham ăn, Tuấn đầu to, Bờm Tiến Anh”. Sở thích chung duy nhất của bộ ba là đến lớp học Hy vọng để học và chơi với thầy cô, bạn bè. 

Khu nhà trọ của bộ ba nổi tiếng trong lớp học là ngôi nhà thứ 2 gắn kết họ với nhau

Nhận xét về lớp học, Đức nói: “Lớp học Hy vọng rất vui vẻ, rất nhiều bạn bè, thầy cô vui tính. Đi học thấy thoải mái, học được nhiều điều bổ ích, chơi nhiều trò chơi rất thú vị với thầy cô, được gặp người nước ngoài, người nổi tiếng…”

Khi hỏi về mong muốn bây giờ, cả Đức, Tuấn và Tiến Anh đều nói được khỏi bệnh để về nhà đi học tiếp. Đức và Tuấn đều có chung ước mơ làm bác sỹ chữa bệnh cho mọi người. Còn Tiến Anh muốn làm tổng giám đốc một công ty xây dựng để có thật nhiều tiền cho mẹ đỡ khổ, để không phải bán đất, bán nhà để chữa bệnh cho mình.

Mỗi người một tính cách, đang hàng ngày chữa trị trong bệnh viện nhưng đều có ước muốn được khỏi bệnh đến trường

“Thầy Huy vui tính dạy là phải có ước mơ để là động lực khỏi bệnh. Thầy dạy phải cười thật nhiều, luôn nghĩ và nhìn đến điều tích cực, lạc quan trong cuộc sống để chống trọi với bệnh tật. Mỗi ngày thức dạy phải cười thật nhiều”, Tuấn nói.

Chia tay với bộ ba “từ cao xuống thấp” hài hước, thú vị, tôi vẫn thấy nụ cười trong veo, tràn trề nghị lực sống, ước mơ ánh lên trong đôi mắt ấy. Dù đến từ những vùng miền khác nhau của đất nước, người Lâm Đồng, người Nghệ An, người Hà Nam, nhưng trên viện, trong lớp học Hy vọng các em là những người bạn thân thiết, cùng chung một ước muốn – được khỏi bệnh, đến trường.

Theo sự thống nhất giữa Bệnh viện Nhi Trung ương và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, toàn bộ nguồn ủng hộ cho Lớp học Hy vọng sẽ do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam quản lý.

Mọi sự ủng hộ Lớp học Hy vọng xin gửi về:

- Quỹ Tấm lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Kim Ngân