V-League học mô hình ngoại hạng hay toan tính của AVG?

20/12/2011 19:10
Nam Kha (Thể thao 24h)
(GDVN) - Các trận đấu V-League được rải ra 3 ngày cuối tuần theo mô hình Ngoại hạng Anh. Đó có phải toan tính của AVG?
Theo lịch thi đấu được VFF công bố vào ngày 8/9/2011, giai đoạn 1 của V.League 2012 gồm 13 vòng đấu với mỗi vòng sẽ không dồn đá vào Chủ nhật mà rải ra trong 3 ngày là thứ Sáu, thứ Bảy, chủ Nhật (hoặc thứ Hai). Trên lý thuyết V.League đang bắt đầu bước vào mô hình giải Ngoại hạng Anh nhưng thực tế có thể khán giả xem tivi sẽ méo mặt vì… AVG.

Chia trận đấu ra nhiều ngày: giải pháp tốt

Lịch thi đấu V.League 2012 khai mạc vào ngày 31/11/2011 (thứ Bảy) và 1/1/2012 (chủ Nhật). Từ vòng 1 đến vòng 7, các đội đá trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Từ vòng 8 đến vòng 13, các trận đấu đá vào thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hoặc thứ Hai. Giờ thi đấu cũng được mở rộng khi các trận đấu được tiến hành 16h00 hoặc 18h30.
Ông Phạm Nhật Vũ, giám đốc truyền hình AVG.
Ông Phạm Nhật Vũ, giám đốc truyền hình AVG.

Phương án rải đều các trận đấu vào các ngày cuối tuần khá quen thuộc với các khán giả xem bóng đá châu Âu, đặc biệt là giải Ngoại hạng Anh. Điều đó giúp cho khán giả trực tiếp đến sân, khán giả xem tivi có nhiều lựa chọn và lực lượng báo chí có nhiều thời gian để tác nghiệp. Như vậy, V.League sẽ tiếp cận đến người dân ở mức độ cao nhất trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Lịch thi đấu của V.League 2012 công bố vào đầu tháng 9, tức khi cuộc cách mạng VPF chưa nổ ra. Vì vậy lịch thi đấu này được cho là của ông Dương Nghiệp Khôi - phó TTK VFF. Tuy nhiên, việc rải các chương trình ra thành 2-3 ngày thay vì dồn hết vào Chủ nhật có thể được VFF thực hiện dưới tác động của AVG, đơn vị hiện nay đang nắm giữ bản quyền của V.League, hạng Nhất, cúp QG trong vòng 20 năm.

AVG là đơn vị truyền thông tư nhân nên chuyện họ nắm bản quyền V.League và tìm cách đưa các trận đấu đến khán giả càng nhiều càng tốt cũng là điều bình thường của doanh nghiệp. Vấn đề ở chỗ, khác mùa 2011, AVG bán các trận đấu lại cho các Đài TH khác (VTV, VTC, Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương…) để các Đài tự sản xuất chương trình, phát sóng thì ở mùa 2012, AVG tính thầu luôn khâu sản xuất chương trình rồi bán lại cho các Đài theo hình thức “nguyên đai, nguyên kiện”. Bất đồng nảy sinh.

“Nguyên đai, nguyên kiện” của AVG là thế nào?

Khán giả truyền hình đều thấy, một trận đấu của giải Ngoại hạng Anh được phát sóng trực tiếp ra toàn thế giới thì khán giả ở đâu cũng xem diễn biến trận đấu như nhau ở cùng thời điểm. Tương tự là World Cup hay EURO. Có nghĩa là giải Ngoại hạng Anh có một đơn vị truyền thông đến sân lắp đặt thiết bị (máy quay, máy thu âm, xe vệ tinh…) để sản xuất chương trình (trận đấu) và bán chương trình cho những khách hàng muốn mua. Khách hàng thường là công ty kinh doanh truyền thông mua “sỉ” cả giải rồi bán “lẻ” cho các Đài TH.

AVG cũng muốn ôm khâu sản xuất chương trình giống như thế và họ bán chương trình cho các Đài trong nước. Khác biệt ở chỗ, nhà sản xuất chương trình truyền hình của giải Ngoại hạng Anh bán các trận đấu cho khách hàng là sóng sạch, tức là chỉ có hình ảnh và âm thanh trận đấu. Các Đài TH mua lại các trận đấu muốn để logo của Đài mình hay để bình luận viên tường thuật, chạy quảng cáo là quyền của mỗi Đài.

AVG thì ngược lại, họ bán sóng trận đấu cho các nhà đài nhưng lại bán sóng đã có logo AVG, quảng cáo và thậm chí là tiếng nói BLV của AVG và bắt buộc các Đài khác khi mua chương trình phải tiếp sóng “nguyên đai, nguyên kiện” như thế để phục vụ khán giả. Tất nhiên, điều này không bao giờ được các Đài TH lớn là VTV, VTC chấp nhận. Các nhà Đài hiện tại đang yêu cầu AVG phải để tự họ sản xuất chương trình hoặc nếu mua sóng trận đấu thì sóng đó phải là sóng sạch.

Bất đồng nổ ra và đến giờ vẫn chưa có tín hiệu sẽ được giải quyết. Chính vì vậy, khán giả truyền hình có xem được V.League 2012 hay không, còn phải chờ.
Nam Kha (Thể thao 24h)