Chân dung một "Người Hà Nội đặc biệt"

22/12/2011 17:17
BTV Vũ Tuyết Nhung - Đài PT- TH Hà Nội
(GDVN) - Cây si già bên cửa sổ lớp tôi mỗi năm mỗi xùm xoà  những chùm rễ nâu già cỗi. Mái tóc thầy tôi cũng đã bạc trắng tự bao giờ.
Chân dung một "Người Hà Nội đặc biệt" ảnh 1
Nhà giáo, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc
30 năm trước, từ khi mới vào nghề làm báo, cũng như các bạn phóng viên trẻ, tôi đã lần lượt được theo  thầy đi tới rất nhiều đường phố, xóm làng, danh lam thắng tích. 
Biết bao những câu chuyện huyền thoại và những kiến thức thực tế về mảnh đất, con người Hà Nội, qua lời thầy đã đến với chúng tôi, truyền cho chúng tôi một tình yêu mỗi ngày một thêm thắm thiết và niềm tự hào mỗi ngày một thêm sâu sắc về Hà Nội  yêu dấu tuổi ngàn năm.

Song thực ra, trước đó nữa, 40 năm trước, khi còn đang tuổi thiếu nữ, tôi măy mắn đã từng được theo học thầy dưới mái trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt . 

Đoạn đường  nối từ ngôi nhà của thầy tôi ở số 72 phố Ngô Quyền ra đến ngôi trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt trên phố Lý Thường Kiệt, không quá dài. Mỗi bậc hè, mỗi gốc cây đều trở nên quá đỗi thân thiết với từng  bước chân thầy tôi.

Đó là đoạn đường mà  thầy tôi đã trở qua trở lại trong suốt 35 năm dài, trong quãng thời gian từ những năm từ thập niên 60 đến những  năm thuộc thập niên 90 của thế kỷ trước.

Cây si già bên cửa sổ lớp tôi mỗi năm mỗi xùm xoà  những chùm rễ nâu già cỗi. Mái tóc thầy tôi cũng đã bạc trắng tự bao giờ.

Năm Nhâm Thìn 2012, nếu trời thương, thầy tôi sẽ bước sang tuổi 85

Có lẽ đến suốt cuộc đời, tôi và hàng ngàn anh chị em học sinh đồng môn dưới mái trường này cũng không thể nào quên những năm tháng được ngồi bên trong những ô cửa học đường cao rộng kia để lắng nghe như uống từng lời  giảng của thầy  trong lớp học.

Hôm nay, nhân dịp trở lại ngôi trường Lý Thường Kiệt  thân thương, nơi mà từ đó thầy tôi đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú,  thầy trò tôi khó nén được nỗi  xao xuyến bên những vòm cửa che nghiêng bóng bằng lăng, phượng vĩ. 
Lớp học xưa lát đá hoa  ô vuông đen trắng và những chiếc bàn gỗ lim đen bóng tuổi đời bằng nguyên tuổi trăm năm của ngôi trường. Thầy còn chỉ cho chúng tôi dấu vết trong bức tường bong tróc mấy  viên gạch cỡ lớn từ thời Pháp phá thành Hà Nội mà cô Tư Hồng – một me Tây nổi tiếng thời ấy thầu lại đem về xây ngôi trường này.

Các anh chị đồng môn lớp trước của chúng tôi thì có lẽ may mắn hơn chúng tôi, còn được học thầy ở các môn Sử học, Địa lý, Việt Văn và Pháp Văn nữa.

Ngày mà người chị đồng môn lớp trước của chúng tôi Lê Thị Phong Tuyết vừa bảo vệ thành công luận văn tíến sĩ văn học, chị đã chọn một bó hoa đẹp nhất mà người thân và bạn bè đem đến chúc mừng, để tặng lại người thầy kính yêu  thay cho những  lời cảm tạ chân thành. 
Bởi không ai khác, thầy Nguyễn Vinh Phúc chính là người đầu tiên hướng chị đi theo con đường nghiên cứu văn chương đầy chông gai, khó khăn nhưng cũng rất đáng để đam mê suốt một cuộc đời. 
Thầy tôi từng có hàng trăm người học trò giỏi giang thành đạt và có vị trí cao trong xã hội nhưng quan trọng hơn là các anh chị ai ai cũng quý  trọng và yêu mến thầy tôi cho đến tận bây giờ.

Con đường trở thành nhà Hà Nội học

Chân dung một "Người Hà Nội đặc biệt" ảnh 2
Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc  sinh năm Đinh Mão, 1927, trong một gia đình trí thức Hà Nội  quê gốc ở vùng chợ Lưu, huyện Yên Mỹ , tỉnh Hưng Yên. 
Cụ thân sinh ra thầy  vốn là một công chức từng công cán ở nhiều tỉnh thành  Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Hà Nội.
Cuộc đời của thầy tôi theo gia đình đã nhiều lần trở đi trở lại với  mảnh đất Hà Nội. Kể từ khi còn ở tuổi ấu thơ cắp sách đến trường, cho đến giờ, khi đã ở tuổi  già lão hưu trí, tính ra  thì cùng vừa tròn 75 năm.

75 năm, quãng thời gian ấy, cũng có thể gọi là trọn một vòng đời.

Những mái nhà, góc phố, con đường Hà Nội,  những con người Hà Nội  những sự kiện lịch sử của Hà Nội bởi  thế, đã trở thành máu thịt cuộc đời thầy tôi.

Như một  cây cổ thụ càng sâu gốc bền rễ thì càng đông  cành lắm lộc,  nhánh tốt quả tươi,  bắt đầu từ nghề dạy học cao quý, bắt đầu từ tình yêu chân thực  và nồng đượm với mảnh đất, con người Hà Nội,  thầy tôi đã bước sang lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hoá Hà Nội như là một lẽ tự nhiên không thể khác.

Trước và sau thầy tôi, cũng từng  có hàng chục nhà nghiên cứu xã hội nhân văn đã từng đề cập đến các đề tài nghiên cứu lịch sử văn hoá Hà Nội. Những tên tuổi các học giả như: Phan Kế Bính, Doãn Kế Thiện, Hoàng Đạo Thuý, Vũ Khiêu, Nguyễn Văn Uẩn , rồi các nhà văn như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Vũ Bằng, Thạch Lam ...  đã từng gắn với những công trình nghiên cứu, những tác phẩm báo chí, những áng văn chương có giá trị và có tiếng tăm vang dội ở Việt Nam. Thế nhưng, cũng có thể nói là chưa ai đã đặt cả cuộc đời vào việc nghiên cứu chuyên sâu về Lịch sử văn hóa Hà Nội với một tính hệ thống xuyên suốt và chặt chẽ như thầy tôi.

Cái danh xưng Hà Nội học từ lâu đã gắn liền với tên tuổi của thầy tôi chính là do giáo sư sử học Trần Quốc Vượng tôn vinh đầu tiên.  Mặc dù hai ông đôi khi không có cùng quan điểm trong một số vấn đề trong khoa học cũng như trong cuộc sống. Điều này đã được xác thực bởi chính một nhà khoa học lịch sử giàu uy tín của nước ta, đồng thời là một người bạn thân thiết của giáo sư Trần Quốc Vượng – Giáo sư Phan Huy Lê.

Trời đất có khi giông gió, thời cuộc lắm lúc đổi thay, lòng người nhiều phen ấm lạnh. Nhưng để lưu giữ  được những người bạn biết mến tài và trọng  tình với thầy tôi như vị giáo sư danh tiếng Lê Văn Lan, thật là đáng quý. 
Dường như tuần nào, các ông cũng có đôi ba lần gặp gỡ, đàm đạo. Những đề tài  khoa học cao sang đan xen với những câu chuyện cơm áo gạo tiền thường nhật. Chuyện đâu đâu thì rồi cũng quay về chuyện Hà Nội.
Nếu như giáo sư Lê Văn Lan được coi là một trong những người bạn đồng nghiệp vong niên thân thiết lớp trẻ của thầy tôi,  bởi vì ông mới vừa bước qua  ngưỡng tuổi Thất thập cổ lai hy dăm năm trước  thì Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu, một cây đại thụ trong làng nghiên cứu được coi là một trong những người bạn vong niên lớp trên của thầy tôi. Bởi vì giáo sư Vũ Khiêu vừa ăn mừng đại hồng thượng thọ 95  tuổi. 
Nhiều năm qua, giáo sư đã cùng  cùng với thầy tôi cho ra đời một số công trình nghiên cứu, trước tác về Hà Nội học nói riêng và Việt Nam học nói chung. Đặc biệt  nhất là bộ sách Danh nhân Hà Nội do giáo sư đứng chủ biên được xuất bản trong dịp kỷ niệm 995 năm Thăng Long Hà Nội
Thầy tôi cùng các vị cộng sự uy tín khác như Trần Huy bá, Vũ Tuấn Sán, Lê Văn Lan... đã cho ra đời hàng chục đầu sách về lĩnh vực Hà Nội học như: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội.   Hà Nội những dòng sông và những con đườngHà Nội cõi đất con người
Đặc biệt nhất là cuốn Hà Nội phố và đường đã qua nhiều lần tái bản. Lần tái bản gần đây nhất vào năm 2010 cập nhật kiến thức trên 600 đường phố Hà Nội cũ và mới. Còn giờ đây, khi đang nằm trên giường bệnh, thầy tôi vẫn khắc khoải từng ngày chờ sự ra đời của cuốn sách mà thầy biết trước sẽ là trái quả cuối cùng trong cuộc đời , cuốn Địa chí vùng Hồ Tây.

Lại cũng có thể nói, riêng trong lĩnh vực Hà Nội học, trước và sau thầy tôi, chưa ai có được vị thế với thành phố như vậy.  Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc  là một trong những tên tuổi luôn hiện hữu trong danh sách các vị khách mời tại các kỳ hội thảo khoa học về Hà Nội, trong các buổi gặp gỡ xin ý kiến tư vấn của chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng cho các vấn đề văn hoá lịch sử thiết yếu của thủ đô. 

Vị thế chuyên môn và uy tín xã hội của thầy tôi ở thủ đô Hà Nội còn được khẳng định qua những chức trách mà thầy đã từng đảm nhiệm trong nhiều năm. Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Phó chủ tịch Hội sử học Hà Nội, Phó chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, Phó chủ tịch hội hữu nghị Việt Pháp thành phố Hà Nội.

Hàng chục năm qua, đã có rất nhiều bài báo trong và ngoài nước viết về sự đóng góp của Thầy Nguyễn Vinh Phúc  trong lĩnh vực nghiên cứu Hà Nội học. Dịp cuối năm 2005 và giữa  năm 2006, viện tiểu sử Hoa kỳ đã từng gửi thư mời ông làm hồ sơ để xếp vào danh sách 500 nhân vật  có ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật trên thế giới,   hay là danh hiệu Kỷ lục vàng về những thành công hoặc danh hiệu cố vấn nghiên cứu...  Nhưng thầy tôi đều lần lượt từ chối.

Có lẽ lý do là bởi, trong sâu thẳm  tâm can, thầy tôi là chỉ mong muốn cho những công trình nghiên cứu trước tác  tâm huyết một đời của ông sẽ đem đem lại sự hữu ích thiết thực cho thành phố Hà Nội, đồng  thời sẽ nhận được sự trân trọng của chính con người và mảnh đất thân thương này. Như thế kể đã  quá đủ đầy. 
Có lẽ bởi vậy, ông đã rất vui lòng khi được chính quyền thành  phố Hà Nội phong tặng danh hiệu công dân ưu tú đợt đầu tiên, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội vào mùa thu năm 2010.

Với thầy, tài sản quý giá nhất là những cuốn sách trên kệ

Chân dung một "Người Hà Nội đặc biệt" ảnh 3

Ngôi nhà của thầy tôi cùng gia đình sinh sống ở số nhà 72 Ngô Quyền nhỏ và hẹp lắm. Nhưng nhà thầy luôn  có khách lui tới. Đông nhất là các lứa học trò. Nhất là vào các dịp lễ tết và ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Biết bao kỷ niệm  ùa về trong những câu chuyện, những bài ca thấm đẫm tình thầy trò. Những lúc ấy, nom thầy tôi như trẻ lại như khi còn lên lớp giảng bài mấy chục năm trước.

Rồi rất nhiều  những vị khách là các nhà khoa học đến trao đổi học thuật, các cán bộ bảo tồn bảo tàng đến tìm tư liệu, các vị bô lão ở các địa phương lên nhờ đọc văn bia đình chùa, các sinh viên, nghiên cứu sinh đến học hỏi kiến thức, các phóng viên báo chí đến ghi hình, phỏng vấn.  Hay thậm chí chỉ là những độc giả hay khán thính giả phát thanh - truyền hình giàu lòng mến mộ.

Người xưa đã có câu:

 Môn đa khách đáo thiên tài đáo

 Gia hữu nhân lai vạn vật lai

Có lẽ tôi là một trong những người học trò may mắn  trong các lớp học trò của thầy tôi,  vì công việc của tôi  khiến tôi luôn được gặp Thầy để nghe những lời chỉ dẫn quý báu  về những vấn đề văn hoá lịch sử Hà Nội . Nhất là vào thời kỳ thành phố  gấp rút bước vào chương trình kỷ niệm 990 năm và 1000 năm Thăng Long Hà Nội. 
Biết bao kiến thức mà tôi lĩnh hội thêm được bên ngòai nhà trường, bên ngoài những trang sách, chính là từ ngôi nhà nhỏ của thầy tôi số 72 phố Ngô Quyền này đây. Tôi đã được tận mắt xem ngắm những tấm bản đồ Hà Nội cổ độc bản, những cuốn sách tiếng Pháp ố vàng với những tấm ảnh Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 còn vẫn sắc nét.

Chương trình Hà Nội của chúng ta phát trên sóng truyền hình Hà Nội từ năm 1986 đến nay luôn ghi tên thầy tôi là vị cố vấn chuyên môn sáng giá nhất. Đặc biệt trong những tiểu mục như Hà Nội phố, Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Tôi mãi mãi nhớ ghi hình ảnh MC Hà Thành mắt trong veo, áo dài tha thướt, ngồi  bên chiêc tràng kỷ gỗ chạm hoa dây  lắng nghe thầy tôi tóc bạc phơ, áo comple tề chỉnh dẫn dắt  thế nào là sự khác nhau giữa một chiếc bát đàn, đĩa  đàn với một chiếc bát sứ, đĩa sứ , để Hà Thành có thể viết  được những lời dẫn chính xác về phố Bát Đàn và phố Bát sứ trong khu phố cổ Hà Nội cho tiểu mục Hà Nội phố.

Cứ mỗi khi chương trình có thêm phóng viên mới, tôi lại đem các đồng nghiệp trẻ đến thăm thầy và nhờ thầy hướng dẫn, tư vấn thêm kiến thức Hà Nội học cũng như cung cấp thêm cho các em những tư liệu quý không dễ kiếm tìm  trong thư viện hay trên mạng điện tử hiện đại. Có lần thầy tôi nói vui: Khi nào thầy mất, sẽ để lại cho con những cuốn sách quý về Hà Nội. Nhớ giữ gìn cẩn thận con ạ.

Tôi mừng lắm nhưng vẫn nói tránh  đi: Thầy còn sống lâu, sống lâu trăm tuổi

Nhưng cuối năm rồi, thầy tôi không may ngã bệnh hiểm nghèo phải nằm một chỗ đã mấy tháng trời. Con cháu, bằng hữu, đồng nghiệp, học trò đến thăm không ngớt.
Song,  các lớp học trò thì người gần người xa, sao có thể sớm hôm phụng dưỡng cho thầy như là các anh các chị con cái trong gia đình. Gia cảnh thầy tôi xưa nay cũng vốn rất thanh bạch. Chỉ giàu cách Tứ bích quải thư -  Bốn bề treo đầy sách. 
Song có lẽ nhờ nguồn của cải  đặc biệt ấy  mà các anh chị chúng tôi đều đã phương trưởng qua con đường học hành thi cử, trở thành các nhà  trí thức trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn như luật học, y khoa, ngoại ngữ...

Điều kiện cần và đủ để trở thành một nhà Hà Nội học

Có lần tôi đã mạo muội hỏi thầy rằng : Thưa thầy, làm thế nào để có thể trở  thành một nhà Hà Nội học
Thầy tôi lặng lẽ suy gẫm một chút rồi nói rằng: Muốn trở thành một nhà Hà Nội học, thì trước nhất phải yêu Hà Nội, cả cái Hà Nội sang trọng lẫn cái Hà Nội lầm than. Đó là về phần hồn cốt. Còn về phần kỹ nghệ, thì dứt khoát phải âm hiểu chữ Hán, chữ nôm và chữ Pháp. 
Tôi thực sự ngạc nhiên về điều này. Nhưng sau rồi mới biết. Đa phần những tài liệu viết về Hà Nội từ những thời kỳ trước đều được lưu trữ dưới dạng văn bản chữ Hán, chữ Nôm, và chữ Pháp.

Nếu ai đó muốn đi sâu nghiên cứu lĩnh vực này, mà chỉ trông cậy vào nguồn tài liệu chữ quốc ngữ, thì chẳng qua cũng là xào xáo vay mượn những kiến thức đôi khi đã sai lạc của những người đi trước thiếu trách nhiệm. Và như vậy thì  nguy hại biết chừng nào!

Có  lúc ngồi ngẫm nghĩ,  tôi thảng thốt giật mình tự hỏi, không biết khi thầy tôi trăm tuổi về với cõi người hiền, thì ai sẽ là người được  tôn vinh là nhà Hà Nội học mới , và có thể kế tiếp được sự nghiệp của thầy tôi ở  thành phố chúng ta?

Bây giờ thầy tôi đang nằm đó. Bốn bề vẫn là sách và sách. Tấm thân gầy guộc lặng lẽ dưới tấm chăn vải chéo hoa cũ kỹ. Gương mặt tím bầm bởi hậu quả của hàng chục kỳ tia xạ điều trị bệnh ung thư. Giọng nói hụt hơi thều thào.  
Lần đến thăm thầy gần đây nhất, lúc tôi ra về. Thầy bảo với tôi: Con có cần quyển sách nào thì cứ đem về  trước đi. Tôi buộc lòng vâng ạ  và bước vội  xuống thang gác để giấu đi những giọt nước mắt xót xa.

Ngoài kia một một xuân mới đang về giữa đất trời Hà Nội. Tôi bây giờ không dám ước chuyện xã xôi, chỉ mong thầy được ở lại cõi dương gian thêm vài ba tháng nữa , để  vui Tết Nhâm Thìn  cùng con cháu .  

Qua Tết, thầy tôi sẽ bước sang tuổi 85.

BTV Vũ Tuyết Nhung - Đài PT- TH Hà Nội