ĐBQH Dương Trung Quốc: EVN bị xã hội phản ứng vì "nghịch lý"

23/12/2011 02:38
Thành Chung
(GDVN) - 'Những câu chuyện thua lỗ, lương cao, tăng giá điện của EVN nên được đặt trong một cái tổng thể chung chứ không thể bình luận hay giải quyết riêng lẻ'.
Đó là những nhận định của đại biểu Quốc hội khóa XIII Dương Trung Quốc xung quanh những vấn đề của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong thời gian vừa qua. Liên quan đến việc Bộ công thương vừa có quyết định cho Tập đoàn điện lực (EVN) tăng giá điện thêm 5% bắt đầu từ ngày 20/12 với lý do: Việc điều chỉnh giá điện trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất, kinh doanh điện thực tế, đồng thời bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá điện.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc: "nên nhìn nhận các vấn đề của EVN trên cái nhìn tổng thể, căn cơ hơn". (Ảnh minh họa. Ảnh: Vnexpress).
Theo đại biểu Dương Trung Quốc: "nên nhìn nhận các vấn đề của EVN trên cái nhìn tổng thể,
căn cơ hơn". (Ảnh minh họa. Ảnh: Vnexpress).

Trao đổi với PV báo điện tử GDVN vào chiều ngày 22/12, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Đồng Nai) cho rằng, việc tăng giá điện vào dịp cuối năm này đã tạo ra những phản ứng nhất định cho người dân, doanh nghiệp và sẽ có nhiều người lợi dụng chuyện đó để tăng giá. "Tăng giá điện này thì thực ra hiệu ứng bước sang năm 2012, nhưng dẫu sao nữa vào thời điểm Tết nhất thế này nó cũng tạo ra những phản ứng cho người dân cũng như các doanh nghiệp sử dụng điện. Và từ trước đến này yếu tố tâm lý cực kỳ quan trọng. Không phải khi giá điện lên thì mọi thứ nó sẽ lên theo đúng qui luật kinh tế của nó mà sẽ có rất nhiều người lợi dụng chuyện đó để tăng giá, làm mất ổn định tình hình thị trường", ông Quốc cho hay. Cũng theo ông Quốc, việc xây dựng một lộ trình để bảo đảm hạch toán kinh doanh của EVN là cần thiết. Nhưng trên phương diện thu nhập quá cao của cán bộ trong lúc EVN thua lỗ thì lại đang gây mất lòng tin cho người dân. Và có thể thấy rõ ở đây đang tồn tại một nghịch lý mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra và khó có thể chấp nhận được điều này: Trong khi EVN liên tục báo thua lỗ trong các năm gần đây thì các cán bộ, quan chức của tập đoàn này lại được hưởng một mức lương "khủng" mà nếu như không có kết luận của đơn vị kiểm toán thì chắc rằng rất ít người dân có thể tưởng tượng ra mứng lương cao ngất ngưởng đó? "Rõ ràng giờ phía EVN vẫn đưa ra hiện trạng, giá thành vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, cho nên việc xây dựng một lộ trình để bảo đảm hạch toán kinh doanh của EVN là cần thiết. Nhưng cái mặt thứ hai của vấn đề đang gây bức xúc xã hội là EVN thua lỗ trong khi lương bổng của các cán bộ EVN quá cao thì trên phương diện thu nhập đó thì nó không hạch toán tý nào cả. Và việc đó là cho người dân mất lòng tin.  Cho nên theo tôi, muốn tạo ra lòng tin của người dân trong lĩnh vực này cũng là tạo thuận lợi cho EVN phát triển lâu bền thì chúng ta phải điều chính cả hai phía. Một phía là người dân cũng phải chấp nhận là kinh doanh thì phải đúng giá của nó. Cái thứ hai là về phía Tập đoàn là phải vận hành theo đúng qui luật của thị trường", ông Quốc đánh giá. Nhìn nhận về giá thành điện cao của EVN, ông Quốc cũng cho rằng: "Giá thành cao có nhiều lý do nhưng một trong những lý do cũng được nói đến là sự lãng phí, thất thoát điện quá lớn. Thất thoát do quản lý, thất thoát do hạ tầng kỹ thuật kém thì cái điều đó phải khắc phục để tạo ra một giá thành thực. Việc đưa ra con số như thế nào để bảo đảm hoạt động, hạch toán doanh nghiệp, phục vụ cho đời sống xã hội phải được sòng phẳng tất cả mọi cái. Từ đó việc tăng giá hay không tăng giá nó mới hợp lý hay không hợp lý được". Xung quanh các kết quả Kiểm toán cho thấy mức lương bình quân của cán bộ EVN năm 2010 rất cao, ông Quốc cũng nhấn mạnh thêm: "Vấn đề là phải nhìn thẳng vào hoạt động của EVN, tại sao lại có nghịch lý làm ăn thua lỗ trong khi thu nhập lại quá cao?". Đánh giá lại tổng thể các vấn đề của EVN trong thời gian vừa qua, đại biểu Quốc khẳng định: "Tôi thì tôi muốn bàn về một cách nhìn nhận nó tổng thể, căn cơ hơn. Chứ nhìn vào hiện tượng chỗ này thì đánh giá thì sản xuất thua lỗ, chỗ kia lại thấy thu nhập quá cao, chỗ nọ lại thấy là tăng giá một cách không hợp lý. Những chuyện đó anh phải đặt trong một tổng thể chung chứ không thể chỉ bình luận hay giải quyết ở một khía cạnh riêng lẻ".
Thành Chung