Nỗi lòng người đàn bà ném 3 con xuống giếng rồi tự vẫn

24/12/2011 07:00
Hồng Anh/Hôn nhân & Pháp luật
Hồ sơ phạm tội giết cùng lúc 3 con ruột chỉ vì "chán sống" của Khuyên, khiến bất cứ ai tiếp xúc với thị cũng khó lòng rũ bỏ cảm giác ghê sợ.
Gần 9 năm thi hành án tại trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng, Nguyễn Thị Khuyên trông vẫn không khác mấy so với thời điểm mới bị bắt vì phạm tội giết người. Đôi mắt to khác thường mà gần như nhìn vào chỉ thấy một màu trắng dã, đôi môi thâm đen lúc nào cũng mím chặt, dáng người gày gò, khô nhẳng… và đặc biệt là hồ sơ phạm tội giết cùng lúc 3 con chỉ vì “chán sống” của Khuyên, khiến bất cứ ai tiếp xúc với thị cũng khó lòng rũ bỏ cảm giác ghê sợ.

Tự tay ném 3 con xuống giếng

Nguyễn Thị Khuyên sinh năm 1970, ở Sơn Cương, Thanh Ba, Phú Thọ. Nhà Khuyên có bốn chị em, nhưng vì nghèo đói nên chị ta chỉ được học hết lớp 4 là phải theo con trâu, cái cày ra đồng làm ruộng.

Nơi Khuyên ném 3 con
Nơi Khuyên ném 3 con


Năm 22 tuổi, Khuyên quen biết với anh Đỗ Văn Thức, người xã bên. Thấy Khuyên hiền lành, Thức một lòng yêu và chỉ sau mấy tháng sau, hai người xin phép gia đình tổ chức đám cưới. Một năm sau, Khuyên sinh con gái đầu lòng đặt tên là Đỗ Thị Mai (SN 1993).

Hai vợ chồng trẻ mua vườn của bố mẹ chồng làm nhà ở riêng. Trong các năm từ 1997-2002, Khuyên sinh thêm một con gái là Đỗ Thị Thanh và hai cậu con trai Đỗ Văn Thuần, Đỗ Văn Khải. Sinh nhiều con, cuộc sống vốn đã khó khăn, vất vả nay lại càng tăng thêm bội phần sự khó khăn. Chẳng có gì lạ khi gia đình Khuyên trở thành hộ nghèo nhất trong xã.

Hồ sơ của Khuyên có ghi rõ, do lười lao động nên khi kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn đã dẫn đến tiêu cực. Một buổi tối, Khuyên bảo các con từ nay sẽ ở nhà, không được đi học nữa. Chiều hôm sau, Khuyên đưa cho chồng là anh Đỗ Văn Thức 40.000 đồng và bảo anh đi mua gạo ở chợ xa cho rẻ.

Khi anh Thức vừa đi khỏi, Khuyên đưa một ít tiền cho cháu Mai bảo đi mua kẹo. Sau khi cháu Mai đi rồi, Khuyên ra vườn, lần lượt ném cháu Thanh 7 tuổi và cháu Thuần 4 tuổi xuống giếng. Đúng lúc anh Thức về đến nhà, Khuyên ôm đứa con út 6 tháng tuổi nhảy nốt xuống giếng.

Hoảng hốt, anh Thức hô hoán hàng xóm đến cứu, nhưng Khuyên một lòng chỉ muốn chết cùng các con. Thị dùng một tay gạt cành cây mà mọi người thả xuống giếng, đồng thời dùng tay kia ấn đứa trẻ xuống nước.

Mọi người đã phải buộc tóc thị vào cây cọc để cứu sống và dùng sọt trục vớt 3 đứa trẻ lên, cấp cứu tại chỗ. Nhưng cả 3 đứa trẻ đều đã tử vong. Khuyên được dẫn giải đến cơ quan công an, sau đó, bị tòa tuyên phạt tù chung thân về tội giết người. Kết thúc quá trình xét xử, Khuyên được đưa đi điều trị tại bệnh viện vì thường xuyên bị những cơn đau đầu dữ dội hành hạ. Gần 3 năm sau, Khuyên mới thi hành án tại đội 13, phân trại số 1, trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng.

“Chồng tôi là người tốt”

Không khỏi rùng mình trước tội ác của Khuyên, nhưng vì muốn cắt nghĩa đến tận cùng nguồn cơn nào khiến người đàn bà vốn hiền lành lại biến thành một kẻ độc ác, nhẫn tâm đến mức giết cả con đẻ của mình, phóng viên đã tìm tới gặp thị.

Trong cuộc gặp, Khuyên đã miễn cưỡng ra phòng khách trại giam. Vừa ngồi xuống ghế, thị nói như “lên đồng”: “Tôi đã bảo cán bộ là tôi không thích gặp nhà báo, vậy mà lần nào cũng đưa tôi ra gặp. Tôi không trả lời câu hỏi của nhà báo đâu. Muốn hỏi gì thì hỏi, tôi chỉ im lặng. Chuyện của tôi chỉ mình tôi biết, không bao giờ nói với ai, tôi sống để bụng chết mang theo”.

Nói một mạch ngần ấy câu xong, Khuyên mím chặt đôi môi thâm đen như để tăng thêm quyết tâm của mình. Im lặng một lúc, tôi nhẹ nhàng bảo Khuyên: “Gần 9 năm trong trại, không có một người thân nào đến thăm nom, chị hãy xem cuộc gặp hôm nay với tôi là một cuộc thăm hỏi, chia sẻ. Còn việc chị không muốn nói thì tôi sẽ không hỏi chị điều gì cả. Ngay bây giờ, chị có thể quay lại phòng giam”.

Tới lúc ấy, Khuyên mới ngước mắt lên nhìn, như thể không tin người đối diện với mình lại dễ dàng “đầu hàng” đến thế. Nhưng rồi Khuyên vẫn ngồi im, không nhúc nhích. Phải mất vài phút, Khuyên mới phá vỡ không gian tĩnh lặng. “Bát nước đã đem hắt xuống đất, còn lấy lại làm sao được. Những gì đã xảy ra rồi, tôi không suy nghĩ, không nhớ, cũng không hối hận nữa. Giờ cứ sống thế này thôi…”  - thị nói.

Rồi thị kể tiếp: “Nhà chồng tôi có mười anh chị em. Cuộc sống bần hàn, đói rách lại còn lắm điều. Chồng thì uống rượu, theo gái, mẹ chồng còn suốt ngày dè bỉu, đay nghiến. Chỉ tôi ở trong cuộc mới hiểu nhưng nói ra cũng chẳng để làm gì, nếu muốn nói tôi đã nói từ phiên tòa ngày ấy. Tôi ôm con nhảy xuống giếng vì chỉ nghĩ nếu tôi chết một mình, các con tôi còn lại trên đời này sẽ khổ, chi bằng tôi đưa chúng nó đi theo mình”.

Khuyên nói đến đây lại ngừng. Hai con mắt chị ta đảo một vòng rồi liếc nhìn, thăm dò người đối diện. Phóng viên bèn chộp lấy cơ hội nói rằng hàng xóm đánh giá chồng Khuyên là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn nuôi vợ con. Trong khi đó, chính Khuyên lại bị cho là lười biếng, từ ngày sinh con không chịu làm việc, thậm chí có lần được xã trợ cấp tiền mua giống chăn nuôi, nhưng chị đã tiêu xài hết.

Nghe thấy thế, Khuyên im lặng, không nói gì. Cho đến khi phóng viên nói: “Chị phạm tội và đang trả giá. Nhưng dù có cải tạo trong trại bao lâu, cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chị không thừa nhận sai lầm, tội lỗi của mình mà lại tìm cách tránh né, đổ lỗi cho người khác. Chị có thể nói với tôi hay bất kì ai rằng chị bị đối xử tệ bạc, bức bách nên mới hành động như thế. Nhưng sự thật thì chỉ có một thôi, đúng không?”. Tới đây, Khuyên lặng lẽ đứng dậy bỏ về phòng giam. Được mấy bước, chị ta quay lại, nói khẽ: “Chị nói đúng, chồng tôi là người tốt”.

Có lẽ, hơn ai hết, Nguyễn Thị Khuyên hiểu rõ hành vi ném 3 con xuống giếng của mình là tàn nhẫn, độc ác, không thể dung thứ. Nhưng càng hiểu rõ thì Khuyên càng khó chấp nhận bản thân, chấp nhận hành động giết con nảy sinh do suy nghĩ nông cạn trong lúc quẫn chí.

Ám ảnh thê lương

Chồng Khuyên nổi tiếng là người thương vợ, yêu con. Người dân khu 8, xã Sơn Cương không còn xa lạ gì với hình ảnh anh Thức hàng ngày đạp chiếc xe cà tàng đi làm thuê. Kiếm được đồng nào, anh Thức lại vun vén mang về cho vợ con.

Còn Khuyên, từ ngày về đây làm dâu, không mấy người biết đến bởi sự lầm lì, ít nói. Ngày qua ngày, Khuyên chỉ rong chơi và khi nương rẫy cần người chăm bón, Khuyên vẫn không động tay. Nhiều người đã góp ý, khuyên bảo nhưng đổi lại, Khuyên chỉ tỏ thái độ im lặng, coi thường và bất cần. Thái độ của Khuyên khiến bà con xóm giềng lâu dần xa lánh.

Bản thân anh Thức và gia đình cũng nhiều lần nhắc nhở, góp ý nhưng Khuyên vẫn không chịu thay tâm đổi tính. Sự lười biếng, chểnh mảng, thiếu quan tâm chăm sóc của Khuyên khiến ngôi nhà vợ chồng Khuyên đang ở tàn tạ, xơ xác như nhà hoang, cỏ dại mọc um tùm. Căn nhà ba gian trình tường, lợp lá cọ, nền đất, chẳng có tài sản nào đáng giá. Vật dụng chủ yếu chỉ có chiếc giường tre cũ kĩ, bộ bàn ghế cọc cạch, vài chiếc chén uống nước sứt miệng…

Vậy nhưng, Khuyên chỉ biết than thở “sống như này thì chết đi cho rảnh nợ” chứ chẳng chịu cất nhắc tay chân, lao động để cuộc sống bớt phần cơ cực. Khuyên sống trong nhà vật vờ như một cái bóng, không chịu chung tay giúp đỡ chồng, nhưng không bao giờ bị anh Thức to tiếng mắng chửi hay đánh đập. Ngay cả khi Khuyên lần lượt ném 3 con xuống giếng rồi lao theo tự vẫn, chồng Khuyên cũng chỉ biết ôm đầu hóa đá, chưa một lần chất vấn, truy xét vợ vì sao lại nhẫn tâm đến thế.

Người viết bài này không biết liệu Khuyên có bị ám ảnh hay không bởi cái ngày 26/4/2003, thời điểm 3 đứa con của chị được vớt lên từ dưới lòng giếng, được đặt ngay ngắn trên chiếc chõng tre để ngoài sân với nghi ngút khói hương. Những đứa trẻ nằm như đang ngủ thiếp đi dưới lớp vải niệm màu trắng, bên cạnh là bố và chị gái ôm nhau, lặng lẽ khóc.

Cái hình ảnh ai oán, thê lương ấy bám riết tâm trí bất cứ ai đã chứng kiến. Và với chính người đàn bà đã gây ra thảm cảnh này, chắc còn phải khủng khiếp hơn rất nhiều, nên suốt gần 9 năm qua, chị ta chưa một lần dám đối mặt với sự thật, mà chỉ loanh quanh đi tìm cách lý giải cho hành động ác nghiệt của mình. Nhưng khốn nỗi, càng tìm kiếm, càng đổ lỗi, bản thân chị ta lại càng phải gánh lấy tột cùng sự khổ sở, đớn đau.
Hồng Anh/Hôn nhân & Pháp luật