Thiếu nữ 15 tuổi cùng "chồng" bán bạn thân vào "tổ quỷ"

24/12/2011 06:15
Bảo Nam/Hôn nhân & Pháp luật
Sau khi sinh con ở tuổi 14, Hạnh cùng "chồng" lang thang dạt nhà, và thường xuyên phạm tội để có tiền tiêu xài. Thậm chí, Hạnh không ngần ngại bán cả bạn thân...
Tuổi thơ dữ dội của thiếu nữ Hà thành

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà thành, nhưng tuổi thơ của Triệu Thị Hạnh (SN 1993, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã không mấy may mắn như những đứa trẻ cùng trang lứa. Lên 6 tuổi, em đã phải chứng kiến cảnh cha mẹ ly tán, mỗi người một nơi. Hạnh theo mẹ về huyện Gia Lâm (Hà Nội) sinh sống, còn cha ít năm sau cũng nhanh chóng đi xây dựng gia đình với người đàn bà khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Cũng vì có gia đình riêng nên cha không mấy khi đoái hoài đến cuộc sống của hai mẹ con Hạnh. Vì vậy, mặc dù được mẹ hết lòng bù đắp, chăm lo cho tuổi thơ, nhưng khi lớn lên, lúc nào Hạnh cũng thấy mình hụt hẫng, thiệt thòi so với chúng bạn. Đã không ít lần đến lớp, Hạnh bị chúng bạn chê cười, bảo rằng em không có cha.
Những suy nghĩ, ước mong nhỏ nhoi được cha đưa đến trường, được khoe cha với chúng bạn và được che chở mỗi khi bị bạn bắt nạt khiến cho trái tim em không còn nguyên vẹn, chẳng còn thơ ngây như cái tuổi của mình. Dần dà, Hạnh trở nên mặc cảm với mọi người xung quanh. Nỗi u buồn cứ đeo bám em suốt tuổi thơ. Thế rồi để giải khuây, Hạnh đã lang thang lên mạng chat chit tìm nguồn vui. Trong những lần lên mạng chat, em đã gặp Đạt – người bạn trai hơn mình 2 tuổi. Khi trò chuyện với nhau, Hạnh thấy Đạt có hoàn cảnh na ná giống mình nên cả hai nhanh chóng kết thân.

Nhà Đạt ở khu vực huyện Từ Liêm, Hà Nội nên đôi bên cũng dễ gặp nhau. Một đứa trẻ còn non nớt, lại bị hoàn cảnh xô đẩy khiến cho Hạnh gặp Đạt như “chết đuối vớ phải cọc”, hai đứa lúc nào cũng sát cánh bên nhau. Thi thoảng, chúng còn bỏ nhà đi chơi xa.

Mẹ Hạnh biết chuyện đã đi tìm và kéo em về. Nhưng sau này, có lần em bỏ học luôn cả tuần rồi theo Đạt đi tụ tập cùng chúng bạn. Rồi nhưng lần bên nhau ấy, hai đứa trẻ yêu nhau không có người bảo ban, định hướng, uốn nắn, khiến cho chúng mau chóng đi quá giới hạn. Rồi Hạnh miễn cưỡng làm mẹ ở cái tuổi 14 và em cũng nghỉ học luôn từ đó.

Khi biết Hạnh có thai, gia đình Đạt không từ chối đứa cháu nội mà rộng lòng tha thứ, sang tận nhà thăm nuôi, đón nhận. Nhưng khi con mới tròn đầy tháng, Hạnh đã bỏ đứa trẻ cho bà ngoại săn sóc, rồi lại theo Đạt lang thang tụ tập cùng với gần chục đứa bạn xấu. Ban ngày, Hạnh cùng “chồng” và nhóm bạn ngủ chung. Ban đêm, em lại cùng chúng bạn đi lang thang. Bãi đáp của nhóm Hạnh là những nhà nghỉ ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội. Để có tiền tiêu xài, những “đại ca” trong nhóm của Hạnh không nề hà làm bất cứ việc gì, kể cả đi cướp. Hết đi cướp, nhóm của Hạnh lại bàn nhau đưa người sang bên kia biên giới bán vào “tổ quỷ”. Nhưng Hạnh và đồng bọn không ngờ vẫn có nạn nhân của chúng tìm về Việt Nam để tố giác tội ác của cả nhóm.

Những chuỗi ngày tội lỗi

Một ngày cuối tháng 8/2008, Ngọc (14 tuổi, nhà ở thôn Đào Xuyên, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) bàng hoàng khi phát hiện thấy mình “bỗng dưng” bị nhốt vào trong một “tổ quỷ” ở bên kia biên giới Việt – Trung. Những “tú ông, tú bà” mặt mày bặm trợn luôn đi lại canh gác, rồi bắt các cô gái bị nhốt cùng Ngọc đi “tiếp khách”. Thậm chí, có những cô gái bị chúng ép bán trinh cho khách làng chơi. Lúc ấy, Ngọc mới lờ mờ hiểu ra rằng mình cũng là một nạn nhân và bị lừa bán như họ. Ngày thứ ba bên đất khách, một người đàn bà tên Nhi vào phòng vừa dọa, vừa khuyên Ngọc nên ngoan ngoãn phục vụ khách. Sau bà Nhi, đến lượt một gã đàn ông vào “dằn mặt” Ngọc: “Mày không về được đâu. Sang bên này, chỉ có việc ăn và tiếp khách hàng ngày. Nếu ngoan ngoãn, mày muốn thứ gì được thứ đó và chỉ cần làm việc trong 5 tháng sẽ được về Việt Nam”. Cô bé mạnh mồm đáp trả gã này: “Có chết tôi cũng không bán dâm”. Ngay đêm hôm đó, chờ mọi người ngủ hết, Ngọc vào phòng ăn lấy dao nhọn rạch tấm chăn đắp thành những đoạn dài rồi nối vào nhau. Cô bé lên kế hoạch cho một cuộc chạy trốn ngay trong đêm vì có thể hôm sau, Ngọc sẽ phải tiếp người khách đầu tiên.

Buộc đoạn chăn vào người, Ngọc nhảy từ tầng hai xuống rồi chạy thốc tháo ra ngoài đường nhựa. Được một lúc, trời gần sáng, Ngọc đã men theo đường sắt đi qua những đoạn đường khá xa. Đói lả người, cô bé dùng con dao mang theo lấy chuối, ổi mọc hoang ven đường ăn tạm cầm hơi. Rồi Ngọc gặp được một người Trung Quốc biết tiếng Việt nên đã tìm đến được nhà ga có đoàn tàu liên vận từ Lào Cai sang. Hai ngày sau, người thân Ngọc đã lên Lào Cai đón cô bé từ cơ quan công an về Hà Nội. Cũng từ đó, chân dung những kẻ bán Ngọc dần lộ diện. Theo lời Ngọc, cô bé đã bị nhóm của “vợ chồng” Triệu Thị Hạnh lập mưu bán sang biên giới.

Trong nhóm, có một kẻ tên Thắng, quê ở Nam Định, không có nghề nghiệp và sống lang thang ở Hà Nội. Những lần lên mạng chat chit, Thắng đã quen với “vợ chồng” Hạnh cùng các đối tượng Trần Văn Mùi (19 tuổi, Nam Định), Nguyễn Văn Phi (20 tuổi, Vĩnh Phúc), Nguyễn Xuân Nam (21 tuổi, Từ Liêm), và Bùi Thị Hương Giang (19 tuổi, Phú Thọ).

Sau khi tụ tập thành nhóm, chúng thường tới nhà nghỉ sống bầy đàn với nhau. Để có tiền, chúng đã làm chuyện phi pháp. Khoảng 21h ngày 11/8/2008, Thắng, Nam, Đạt thuê taxi chạy đến khu đô thị Trung Yên để cướp. Bọn chúng giả vờ mượn điện thoại để gọi điện cho bạn rồi bất ngờ xịt hơi cay vào tài xế để cướp chiếc điện thoại Nokia. Sau đó, chúng đã dùng chiếc điện thoại để gán nợ vì không có tiền trả tiền phòng.

Một tuần sau, ngày 18/8, trại một nhà nghỉ trên đường Trần Duy Hưng, “vợ chồng” Hạnh đã bàn bạc với cả nhóm lừa bán các cô gái trẻ nhẹ dạ để lấy tiền ăn tiêu. Trong nhóm, Thắng có mối mua người ở bên Trung Quốc, cũng là chị họ của Mùi. Hạnh chợt nhớ ra cô bạn “ngô nghê” tên Ngọc ở cùng thôn Đa Tốn, bằng tuổi và từng là bạn thân một thời. Vậy là cả nhóm đã lên kế hoạch lừa bán Ngọc. Theo đó, chúng phân công Thắng và Phi có nhiệm vụ đưa nạn nhân đi qua cửa khẩu còn Hạnh và Đạt lừa rủ Ngọc đi chơi và đưa lên tàu trong khi Nam và Giang lo tiền mua vé tàu để lên Lào Cai.

Lên kế hoạch hoàn hảo xong, chiều ngày 19/8, Hạnh, Đạt, Thắng, Phi đi xe buýt về thôn Đa Tốn. Lúc đó, Ngọc đi làm ở bên Bát Tràng nên cả nhóm vào quán nét chơi game. Khoảng 18h cùng ngày, Hạnh rủ được cô bạn đi uống nước và vào trung tâm thành phố chơi cùng nhóm của Thắng. Sau khi lừa được Ngọc lên tàu, Hạnh và Đạt ở lại, nhiệm vụ đưa nạn nhân bán sang Trung Quốc do Thắng và Phi đảm nhận. Không nghi ngờ gì về hành vi của những kẻ buôn người, Ngọc đi theo sang tận bên kia biên giới. Đến 2h sáng ngày 22/8, Ngọc biết mình đã bị lừa bán sau khi những kẻ lạ mặt bắt ép bán dâm. Có lẽ, Hạnh không thể ngờ cô bạn “ngô nghê” đã có hành động táo bạo khi cắt chăn làm dây thừng và bỏ trốn thành công.

Những kẻ đưa Ngọc sang Trung Quốc bị bắt giữ ngay sau đó. Ngày gây án, Hạnh mới tròn 14 tuổi 4 tháng. Sau đó một thời gian, nhóm của Hạnh cùng đồng bọn đã được đưa ra xét xử tại TAND TP. Hà Nội. Trong nhóm, Thắng, Nam, Đạt phải đối diện với tội danh mua bán trẻ em và cướp tài sản; Phi và Giang bị xử về hành vi mua bán trẻ em và không tố giác tội phạm, riêng Hạnh và Mùi phạm vào hành vi mua bán trẻ em. Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Thắng 27 năm tù, Mùi 20 năm 6 tháng, Nam 16 năm, Đạt 9 năm, Phi 10 năm 6 tháng, Giang 6 năm 3 tháng, còn Triệu Thị Hạnh nhận mức án gần 4 năm tù giam.

Những điều may mắn còn đọng lại

Phóng viên được gặp Hạnh trong Trại giam số 5 – Bộ Công an sau giờ lao động buổi chiều. Cuối giờ lao động mà Hạnh có vẻ không hề mệt mỏi, vẫn cười rất tươi trước ống kính máy ảnh. Hạnh chia sẻ rằng cô được lao động trong xưởng sản xuất mây tre đan của Phân trại số 4, có lẽ do trẻ nhất nên cũng được các bạn tù lớn tuổi giúp đỡ nhiều, từ khâu sinh hoạt đến lúc đi lao động.

Khuôn mặt bầu bĩnh, Hạnh luôn nở nụ cười khi tiếp xúc với phóng viên. Khi biết tôi có ý định viết về em, Hạnh nhoẻn miệng cười và bật ra thành tiếng: “Cháu lại được lên báo à? Cháu trẻ tuổi nhưng nổi tiếng lắm rồi cô ạ! Ngày bị bắt vì tội mua bán trẻ em, cháu còn được lên cả tivi nữa đấy”. Sự hồn nhiên của em khiến tôi cũng yên tâm phần nào, bởi trước khi gặp Hạnh, tôi đã được nghe qua cán bộ của trại giam chia sẻ riêng về cuộc đời sóng gió của em.

Nhưng nhiều đêm, Hạnh cũng cảm thấy cô đơn, nhớ nhà, nhớ con da diết. Những lúc như thế, Hạnh vẫn thấy cuộc sống của mình còn nhiều may mắn. “Nếu như ngày ấy, em không cùng “chồng” bị bắt thì không biết cả bọn sẽ còn trượt dài trên đường đời bao lâu nữa” – cô bé tâm sự. Và điều may mắn còn đọng lại trong cuộc sống của Hạnh là suốt trong quãng thời gian cả hai “vợ chồng” đi thi hành án, gia đình nhà “chồng” đã tha thứ cho họ. Họ đã bỏ qua mọi lỗi lầm mà em cùng “chồng” mắc phải và hằng tháng vẫn đến thăm nuôi đều đặn. Những lúc như thế, Hạnh càng thấy mình có lỗi nhiều hơn. Hạnh bảo rằng: “Giờ đây đứa bé là động lực để em phấn đấu, cải tạo. Ngày về đang đến rất gần và em cũng mong rằng Tết này sẽ sớm được đoàn tụ cùng con…”.
Bảo Nam/Hôn nhân & Pháp luật