Tổ chức tác chiến và sử dụng lực lượng phòng không sáng tạo

25/12/2011 09:20
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân
Tổ chức tác chiến và sử dụng lực lượng phòng không sáng tạo, linh hoạt
Trước âm mưu và hành động của địch, ngày 25/11/1972, Quân ủy Trung ương nhận định: Sắp tới chúng ta cần đề phòng địch có thể hành động phiêu lưu mới. Chúng có thể ném bom bắn phá trở lại từ vĩ tuyến 20 trở ra với mức độ ác liệt hơn trước.

Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B-52 đánh phá ồ ạt mang tính chất hủy diệt miền Bắc, trong đó trọng điểm là thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Không quân tiếp tục nghiên cứu và triển khai cách đánh máy bay B-52, bảo vệ Thủ đô.
Bộ đội tên lửa và pháo cao xạ hiệp đồng tiêu diệt máy bay B-52 của không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu.
Bộ đội tên lửa và pháo cao xạ hiệp đồng tiêu diệt máy bay B-52 của không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, bố trí lại thế trận, chuẩn bị các phương án đánh địch, trong đó xác định khu vực đánh phá chủ yếu của địch là Hà Nội, Hải Phòng, trọng điểm là Hà Nội; đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm, huấn luyện cho cán bộ và chiến sĩ đánh các loại máy bay địch, đặc biệt là tìm cách đánh máy bay B-52.

Trong chiến dịch phòng không lần này, đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B-52. Lực lượng sử dụng để tiêu diệt máy bay B-52 là tên lửa và không quân. Trên cơ sở đó, ta xác định cách bố trí lực lượng và hướng đánh.

Các trung đoàn tên lửa ở Hà Nội, bố trí trận địa hình thành từng khu vực có trọng điểm, trên từng hướng trọng điểm tạo được chiều sâu hỏa lực đánh máy bay B-52 là chủ yếu, đồng thời đánh cả máy bay cường kích.

Hướng tác chiến chủ yếu từ Tây-Tây Bắc, Tây Nam, Đông-Đông Nam, Bắc-Đông Bắc Hà Nội; tổ chức thế đánh cả vòng trong và vòng ngoài, trong đó chủ yếu là vòng ngoài, dãn rộng đội hình tập trung đánh bên sườn, phía sau (đánh đuổi) máy bay địch; đồng thời bố trí một bộ phận tên lửa phục kích đánh địch từ xa.

Cách đánh của bộ đội tên lửa là sử dụng phương pháp bắn trong dải nhiễu không thấy mục tiêu, hoặc nhanh chóng điều khiển tên lửa tiêu diệt mục tiêu khi phát hiện thấy mục tiêu trong nhiễu nhằm đạt hiệu quả bắn cao nhất.

Đối với các trung đoàn không quân bố trí ở các sân bay dã chiến vòng ngoài Hà Nội khi được lệnh bí mật cất cánh đánh máy bay B-52, máy bay cường kích địch từ xa ngoài tầm bắn của tên lửa trên các hướng tây bắc, tây nam là chủ yếu kể cả ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết.

Các trung đoàn pháo cao xạ và lực lượng phòng không dân quân, tự vệ là lực lượng chủ yếu đánh máy bay chiến thuật được bố trí rộng, nhưng có trọng điểm bảo vệ một số mục tiêu trọng yếu, thời cơ bắn hiệu quả khi máy bay địch bổ nhào bay thấp.

Riêng pháo phòng không 100mm bố trí ở một số khu vực, sẵn sàng đánh máy bay B-52. Tiểu đoàn ra-đa 8 khi phát hiện máy bay B-52, máy bay bay thấp, nhanh chóng thông báo cho các lực lượng kịp thời đánh địch, không để chúng nghi binh đánh lừa ta và hướng dẫn chu đáo cho máy bay ta cất cánh tập trung đánh máy bay B-52.

Trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn hoạt động của địch, các lực lượng bộ đội phòng không, không quân, tên lửa, ra-đa và dân quân tự vệ được giao nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ thủ đô Hà Nội đều đã xây dựng quyết tâm, xác định kế hoạch tác chiến, sẵn sàng đối phó với cuộc tập kích chiến lược ồ ạt bằng không quân của địch, bảo vệ vững chắc Thủ đô thân yêu của cả nước.

Với bản chất hiếu chiến, ngày 18-12-1972, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, huy động lực lượng không quân chiến lược và chiến thuật tập kích bằng đường không vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận hòng làm suy giảm ý chí chiến đấu và phá hoại tiềm lực kinh tế, quân sự của miền Bắc Việt Nam, thực hiện ý đồ thương lượng trên thế mạnh; bước leo thang cao nhất của không quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta.

Kiên quyết trừng trị đích đáng hành động xâm lược của địch, quân và dân Hà Nội cùng quân dân miền Bắc kiên trì chiến đấu. Quá trình đánh trả quyết liệt hành động ném bom, bắn phá dữ dội của địch, nghệ thuật tổ chức và sử dụng các lực lượng phòng không bảo vệ thủ đô Hà Nội được vận dụng sáng tạo, linh hoạt, từng bước phát huy hiệu quả qua hai đợt.

Đợt 1, khi địch bắt đầu triển khai đội hình mở đầu cuộc đánh phá vào Hà Nội, các đơn vị bộ đội ra-đa, tên lửa, không quân, phòng không và dân quân tự vệ nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu trực tiếp bảo vệ các mục tiêu, tạo thành hệ thống hỏa lực phòng không dày đặc, nhiều tầng, đánh trả quyết liệt địch, trong đó bộ đội tên lửa, bộ đội không quân là lực lượng chủ yếu đánh máy bay B-52.

Đợt 2, từ đêm 26-12-1972, khi địch huy động hơn 100 lần máy bay B-52, có máy bay chiến thuật yểm trợ hình thành 4 mũi đánh vào Hà Nội theo 4 hướng, bộ đội ta thực hiện cách đánh tập trung hiệp đồng giữa các đơn vị, vận dụng các phương pháp điều khiển linh hoạt, liên tiếp bắn rơi 5 máy bay B-52. Phát huy thắng lợi, các lực lượng phòng không Hà Nội tiếp tục chiến đấu anh dũng, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” chôn vùi uy thế không lực Hoa Kỳ.

Thắng lợi của 12 ngày đêm chiến đấu quyết liệt bảo vệ thủ đô Hà Nội đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng phòng không của quân đội ta.

Trước đối tượng là lực lượng không quân Mỹ, trang bị hiện đại, sức cơ động cao, sức hủy diệt lớn, bên cạnh việc chuẩn bị tốt bản lĩnh chính trị kiên cường, ta đã sớm chủ động tổ chức nghiên cứu, dự đoán đúng âm mưu, thủ đoạn hoạt động các loại máy bay của địch cả về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật.

Đặc biệt là ta xác định đúng đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B-52 (lực lượng răn đe chiến lược) để nghiên cứu, tìm ra cách đánh chúng và giao nhiệm vụ cho các đơn vị tập trung tiêu diệt. Đây là quyết định hết sức sáng suốt, táo bạo, chính xác, phù hợp với khả năng tác chiến của các lực lượng phòng không ta.

Bài học về xây dựng, tổ chức lực lượng phòng không ba thứ quân làm nên thắng lợi của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, bảo vệ thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu trọng điểm trên miền Bắc còn được nghiên cứu, phát triển vận dụng trong điều kiện tác chiến phòng không chiến tranh công nghệ cao.

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân