Chuyện hy hữu: Hai ngôi làng hơn 400 năm trai gái tuyệt giao

25/12/2011 07:45
Việt Duy/phunutoday
Một điều lạ xảy ra tại hai ngôi làng Trâu Lỗ và làng Lủ suốt hơn 400 năm nay, người dân hai làng không được có bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào.

Hai ngôi làng cổ Trâu Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) và Kim Lũ Thượng - làng Lủ (Sóc Sơn, Hà Nội) nằm nép mình bên dòng sông Cà Lồ. Trai gái hai làng không bao giờ được trò chuyện và tuyệt đối không được phép kết hôn với nhau. Lệ hai làng đã vậy. Dân hai làng cứ phải răm rắp mà tuân theo. Xưa thế nào, nay vẫn không có gì suy suyển. Về đây, quả thấy phép vua vẫn thua lệ làng.

Lời nguyền kết chạ

Cụ Ngô Văn Xuyên năm nay 97 tuổi. Cụ được dân làng Trâu Lỗ kính trọng gọi là cụ Thượng. Đã thành lệ, chức cụ Thượng dành cho những cụ cao tuổi nhất làng, được dân làng trọng vọng lắm. Ngoài đình, cụ được ngồi chiếu cao nhất, được mặc áo điều, quần đỏ, mang khăn xếp đỏ, giữ trịch chủ trì những công việc trọng đại của làng. Cụ Xuyên khẳng định chắc nịch:

Một cụ kể về câu chuyện của hai ngôi làng
Một cụ kể về câu chuyện của hai ngôi làng

“Hai làng Trâu Lỗ và Lủ từ xa xưa đến nay, trai gái tuyệt đối không bao giờ được phép lấy nhau. Ai vi phạm luật lập tức sẽ bị các cụ đuổi ra khỏi làng. Nay vẫn vậy, không có gì thay đổi hết”. Sống gần thế kỷ, cụ Thượng bảo, dân hai làng thực hiện nghiêm lắm, chưa từng thấy trường hợp nào vi phạm.

Từ nhỏ, nghe các cụ kể lại cũng chưa có bất kỳ ai phạm vào điều cấm kỵ hàng trăm năm này của hai ngôi làng chỉ nằm cách nhau có một con sông.

Đã ăn sâu vào tiềm thức, trai gái hai làng không bao giờ dám bén mảng gần nhau. Không may có việc phải đi qua làng nhau cũng phải lẳng lặng cúi mặt đi cho thật nhanh. Nếu hai người biết nhau thì khi nhìn thấy từ xa, người trong làng đã phải vào nhà, đóng cửa lại để người kia đi khuất mới dám ra ngoài. Lỡ gặp thì đều phải cúi đầu thưa dạ, chào lễ phép:

“Dạ! Lạy anh, lạy chị, em có việc xin được phép đi qua làng của dân anh, dân chị”. Người dân hai làng mà đặc biệt là trai gái không ai được phép lỗ mãng, vô lễ, to tiếng, xấc xược, thậm chí còn không được phép trò chuyện, trao đổi bất kỳ một việc tư nào với nhau.

Mỗi khi hai làng có việc gì thì đều phải mời các cụ ra đình đàng hoàng trò chuyện. Hơn 400 năm nay, dân hai làng không được phép tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi việc cá nhân. Gặp nhau chỉ được cúi đầu chào rồi đi cho nhanh.

Trong làng đã vậy, ở ngoài, lệ này của làng càng chặt. Nếu đã biết là người của hai làng rồi thì phải tránh mặt nhau, tuyệt đối không được làm cùng hoặc trò chuyện đến lần thứ hai. Anh Hà Văn Toàn làm thợ mộc ở làng Trâu Lỗ, anh kể:

“Có lần đi làm gặp một bác thợ nề bên Lủ Thượng, do không biết nên mới trò chuyện. Sau lần đó, chúng tôi phải tránh mặt nhau. Đợi cho bác thợ nề làm xong việc, tôi mới dám vào mộc làm cho nhà người ta.

Lần khác, có một anh đi xe đạp qua Kim Lũ thì bị hỏng xe, bác sửa xe đạp khi nghe thấy bảo là người Trâu Lỗ, bèn cúi đầu: “Dạ thưa anh, em đâu dám nhận tiền công của anh”. Sau, các cụ bên Trâu Lỗ biết chuyện, điều tra anh này giả danh người Trâu Lỗ, cả làng kéo đến bắt sắm lễ mang sang đình Kim Lũ để xin lỗi”.

Cụ Thượng Ngô Văn Xuyên chỉ về phía con sông Cà Lồ
Cụ Thượng Ngô Văn Xuyên chỉ về phía con sông Cà Lồ

Ngô Văn Dũng, 25 tuổi tâm sự: “Lệ làng nghiêm lắm. Bây giờ vẫn thế. Con trai, con gái hai làng đều không ai dám tiếp xúc với nhau, sợ nảy sinh tình cảm rồi phạm phải luật của làng. Ra ngoài không biết mà gặp nhau một lần, đến khi biết nhau rồi là không bao giờ gặp lại nữa. Bởi thế, đến giờ cũng chưa có ai vi phạm quy định ngặt nghèo này”.

Hơn chục năm trước, bà Thuật ở làng Trâu Lỗ có anh con trai tên Tú đến tuổi lập gia thất, bà có ý định lấy dâu bên Lủ. Dân làng Trâu Lỗ khi đó phản đối ghê lắm. Các cụ trong làng họp nhau lại mới vỡ lẽ ra: Bên Sóc Sơn có đến ba làng cùng mang tên Lủ là Lủ Thượng, Lủ Trung và Lủ Hạ.

Cô gái anh Tú sắp lấy làm vợ đó là người Lủ Hạ. Mà làng Trâu Lỗ lại kết chạ cùng Lủ Thượng. Như vậy cô gái kia không liên quan với các quy định của hai làng.

Sau khi điều tra kỹ lưỡng và khẳng định gốc gác cô gái không liên quan gì tới làng Lủ Thượng , các cụ đồng ý cho đôi trai gái lấy nhau.

Ngoài sự cố trùng hợp tên làng duy nhất đó, đến nay, chưa có bất kỳ ai phạm phải luật lệ đã quy ước của hai làng. Các cụ cũng đã đưa ra giả định, nếu có ai vi phạm sẽ lập tức bị trục xuất ngay ra khỏi làng. Tuy nhiên, đã hơn 400 năm trôi qua, giả định đó chưa bao giờ trở thành sự thật.

Các quan hệ cá nhân giữa các thành viên hai làng cũng không hề có, bởi dường như ai cũng ý thức được hệ quả khi vi phạm truyền thống tổ tiên hai làng đã xây dựng và gìn giữ qua hơn bốn thế kỷ. Từ khi có lệ đến nay, cũng chưa có ai bị bắt vạ ra đình vì vi phạm hay bị các cụ phạt vì không thực hiện theo hương ước của làng.

Căn nguyên lời nguyền kết chạ

Vì sao trai gái hai làng không được phép lấy nhau? Vì sao các thành viên của hai làng tuyệt đối không được có các quan hệ cá nhân, riêng tư với nhau? Tôi lần theo những điều quy định trong bản hương ước đi tìm các cụ cao tuổi trong làng để giải đáp nguyên nhân cội rễ của nó.

Câu chuyện cách nay hơn 400 năm mới được các bô lão hai làng họp với nhau cả tháng trời để thâu tóm, chép lại một cách rõ ràng.

Cụ Nguyễn Đức Ấn năm nay đã 72 tuổi. Cụ có ba lần được xướng đọc những quy định trong bản hương ước của hai làng ở giữa đình dịp các cụ hai làng gặp nhau bàn chuyện đầu xuân. Cụ Ấn kể một cách rành rọt: “Đến nay đúng 417 năm. Tháng 3/1593, sau khi đã đuổi được quân nhà Mạc, Trịnh Tùng cùng các quan văn võ đón vua Lê ra Thăng Long .

Ngày 16/4, vua lên chính điện ban chiếu đại xá thiên hạ và cho nhân dân mở hội ăn mừng chiến thắng. Ngày 11/9-/593, dân Kim Lũ Thượng định giết một con trâu trắng to khỏe nhất làng để làm lễ tế thần linh và mừng chiến thắng. Con trâu cột ở đình bỗng dưng lồng lên quật đứt dây thừng rồi nhằm hướng mặt trời mà chạy.

Trâu vượt qua sông Cà Lồ sang nằm phủ phục trước ngôi đền của làng Trâu Lỗ, nơi thờ Trương Hống và Trương Hát, hai vị anh hùng có công giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương xâm lược. Sáng sớm ngày 12/9, dân làng Trâu Lỗ làm lễ tế thần thì ngạc nhiên khi thấy con trâu trắng rất lạ không biết từ đâu đến, họ cho đó là điềm thiêng, là phúc đức của cả làng.

Dân Kim Lũ biết trâu chạy sang làng người ta nên lo lắng lắm, họp bàn nhau lại, sắm lễ, mang tiền sang xin chuộc.

Dân làng Trâu Lỗ hết sức nhã nhặn: "Dạ thưa anh, người là vàng, của là ngãi, chúng em đâu dám nhận tiền chuộc". Cảm kích trước hành động của dân làng Trâu Lỗ, dân làng Kim Thượng xin được kết chạ và nhận nhau làm anh em.

Và cũng từ đó những quy ước ngặt nghèo ra đời mà mãi 400 năm sau hai làng vẫn theo lệ gặp nhau khi có việc chung. Một quy ước chẳng khác nào một lời nguyền. Lời nguyền khiến trai gái hai làng không thể nào đến được với nhau.

Cụ Ấn trầm ngâm, nghĩ hồi lâu rồi đọc 5 điều quy định của hai dân: “ Điều thứ nhất, nam từ 15 tuổi trở lên mới được tham dự việc của hai dân. Điều thứ  hai, hai làng chỉ giao dịch việc công, không giao dịch việc tư, việc cá nhân.

Điều thứ ba, dân hai làng không được kết hôn với nhau. Điều thứ tư, hai làng giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn trên tình nghĩa vô tư, không suy bì thiệt hơn, không hoàn lại. Và cuối cùng, người đến cư trú từ ba đời trở lên phải được dân đồng ý mới được gánh góp việc của hai làng”.

Từ hơn 400 năm nay, dân hai làng gắn bó tình nghĩa sâu nặng với nhau, hễ bên nào có việc đều giúp đỡ nhau nhiệt tình, chẳng tính toán thiệt hơn bao giờ. Đến nay, tình cảm của dân hai làng vẫn cứ thắm thiết, nguyên vẹn như xưa. Con đường liên thôn Trâu Lỗ khi bắt đầu khởi công, các cụ bên Kim Lũ Thượng mang sang cả trăm triệu đồng kính cẩn:

“Dạ lạy anh! Nghe tin bên anh làm đường, thân em có chút tiền mọn gọi là góp công góp của để hỗ trợ anh cùng nhau ta xây dựng”. Bây giờ con đường mang tên Kim Trâu, hai chữ đầu của Trâu Lỗ và Kim Lũ. Ngày Trâu Lỗ sửa đình, Kim Lũ cử 10 thợ giỏi sang giúp Trâu Lỗ cả tháng trời, không lấy một đồng tiền công.

Cụ Ấn kể lại một câu chuyện cảm động về tình cảm sâu nặng của hai dân: “Có một năm, cả hai làng đều bị thiên tai mất mùa. Bên nào cũng nghĩ bên kia đang khốn khó nhưng vì hoàn cảnh như nhau nên họ phải âm thầm đi vay mượn về cứu tế anh em kết nghĩa của mình.

Nửa đêm thuyền chở lương thực làng này gặp làng kia đang đôn đáo chở sang phía làng mình ngay ở trên sông, chẳng ai nói với ai lời nào, họ cứ ôm nhau mà khóc”.

Tình cảm sâu nặng là thế nhưng theo quy định đã thành lệ không thể thay đổi, tuyệt nhiên, dân hai làng không được phép có bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào, trai gái không được phép kết hôn thậm chí không được phép trao đổi, nói chuyện với nhau. Khi đặt câu hỏi tại sao như vậy, cụ Ấn lý giải:

“Dân hai làng đều kính trọng gọi là dân anh, cả hai đều là anh, không có ai là em cả. Mỗi khi có việc hệ trọng, chỉ có các cụ và những người được cử sang nhau để họp mặt và bàn bạc những việc chung của hai làng. Gặp bất kỳ ai, kể cả là đứa trẻ, ông lão 70, 80 cũng cứ cúi đầu lễ phép: “Dạ chào anh, chào chị””.

Điều đó thể hiện sự tôn trọng tình cảm thiêng liêng giữa hai làng. Việc trong bản quy ước của hai làng có hai điều cấm trai gái hai làng lấy nhau bởi hai làng đã kết nghĩa và coi nhau như anh em trong nhà. Việc cấm các mối quan hệ cá nhân là nhằm bảo vệ tình cảm cộng đồng thiêng liêng sâu nặng của hai làng hàng trăm năm nay.

Các cụ từ xưa đã sợ rằng, các mối quan hệ cá nhân, những xích mích cá nhân sẽ làm ảnh hưởng đến tình cảm tốt đẹp của hai làng. Bởi mục đích chung tốt đẹp đó mà đã bao đời nay, người dân hai làng Trâu Lỗ và Kim Lũ đã vun đắp, bảo vệ với tất cả ý thức và trách nhiệm của mình.
 

Việt Duy/phunutoday