4 cái chết oan uổng năm 2011

25/12/2011 15:40
Theo VTC
Năm 2011, liên tục xảy ra nhiều cái chết oan nghiệt của những bệnh nhân xấu số, có nguyên nhân thật lãng nhách, từ sự tắc trách của bác sĩ.

1. Người chết bác sĩ mới biết nguyên nhân


Sáng ngày 28/6, người dân phát hiện nạn nhân Dương Thị Thu Hiền nằm bất tỉnh bên vệ đường với thân hình đầy máu. Ngay lập tức cháu được đưa vào bệnh viện đa khoa Năm Căn (Cà Mau).

Êkip chịu trách nhiệm ca bệnh không xác định được nguyên nhân bệnh, thậm chí kíp bác sĩ trực đã khám và hội chẩn kết luận bình thường, không có gì nguy cấp. Đến sáng 29/6, bệnh nhân Hiền đã trút hơi thở cuối cùng.

Những bệnh nhân chết oan ức năm 2011
Cảnh người dân đập phá nhà bác sĩ và bệnh viện Năm Căn trong cái chết của bé Hiền. (Ảnh: Dân trí) 

Sau khi khám nghiệm tử thi, Đại tá Lê Thanh Sơn, Trưởng công an huyện Năm Căn cho biết, nguyên nhân cái chết của bé là do chấn thương sọ não.

Điều này khiến người nhà bức xúc với thái độ điều trị của y bác sĩ bệnh viện Năm Căn, đã kéo nhau đến đập phá bệnh viện. Sự việc trên làm “đau đầu” với cơ quan chức năng và gây xôn xao dư luận trên cả nước.

2. Bé gái 10 tuổi chết tại bệnh viện vì ... viêm họng

Chiều ngày 8/11, cháu Huỳnh Thị Thanh Hằng (10 tuổi) đã qua đời tại trung tâm y tế (huyện Phù Mỹ, Bình Định) cũng chỉ vì sự thờ ơ, chậm trễ của đội ngũ y bác sĩ.

Sáng ngày 8/11 bé Hằng đau họng, sốt nên gia đình đưa bé đến y tá địa phương khám và mua thuốc cho cháu uống. Qua theo dõi bệnh không hề giảm, bé được chuyển lên trung tâm y tế huyện. Khi đến bệnh viện, bệnh của bé ngày càng nặng. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm họng và cho uống thuốc cảm bình thường.

Những bệnh nhân chết oan ức năm 2011
Người mẹ đau xót trước cái chết oan uổng của bé Hằng.  

Tuy nhiên, diễn biến bệnh của bé liên tục có dấu hiệu xấu, và đến trưa ngày 8/11, bé Hằng tử vong. Nguyên nhân tử vong được pháp y tỉnh Bình Định cho biết là do bé Hằng bị phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi, màng tim, chứ không phải bị viêm họng như chẩn đoán của bác sĩ.

3. Chết vì sốc thuốc tại phòng khám tư nhân

Chiều ngày 28/9, sau khi một ngày đi làm thợ hồ về, ông Lê Văn Vân, 74 tuổi, thấy mệt nên đến khám tại phòng mạch tư của BS Lê Thanh Linh, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Tiền Giang.

Tại đây, sau khi siêu âm, đo điện tim, bác sĩ  Bạch Nui Tư, trưởng khoa chuẩn đoán chỉnh hình bệnh viện đa khoa khu vực, làm việc tại phòng khám này, chỉ định tiêm cho ông Vân một liều kháng viêm và giảm đau Piloxicam vì chẩn đoán ông Vân bị viêm thần kinh liên sườn.

Vừa dứt mũi kim, bệnh nhân tím tái rồi tắt thở. Nhưng bác sĩ vẫn không tìm ra nguyên nhân cái chết của ông Vân là gì.

Theo Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, phòng khám của bác sĩ phó giám đốc Sở đã hoạt động nhiều năm nay với quy trình khám chữa bệnh hoàn toàn đúng "nguyên tắc".

4. Bác sĩ ... bỏ quên gạc, bệnh nhân chết

Ngày 20/9, ông Nguyễn Văn Đông bị huyết áp tăng và hôn mê, ông được người nhà đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cấp cứu. Chỉ trong vòng 24 giờ, bệnh nhân đã chịu mổ đến ba lần. Trong lần mổ thứ hai, bác sĩ đã bỏ quên gạc trong đầu bệnh nhân. Sau khi chụp CT scaner phát hiện hai miếng gạc trong đầu bệnh nhân, kíp mổ thực hiện giải phẫu lần thứ ba. Sau đó ông Đông tử vong và người nhà không hề hay biết sự cố quên gạc.

Theo kết luận của hội đồng chuyên môn: Nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Nguyễn Văn Đông là do tăng huyết áp, xuất huyết não với bệnh lý rất nặng. Riêng hai miếng gạc bỏ quên trong đầu bệnh nhân và lần phẫu thuật thứ ba để khắc phục sai sót không thể dẫn đến chết người.

Khi tìm hiểu về sự việc trên, một lãnh đạo tại bệnh viện cho biết, với bệnh nhân bị đột quỵ, hôn mê sâu như trường hợp bệnh nhân Đông thường không chỉ định phẫu thuật vì mổ hay không bệnh nhân cũng sẽ tử vong. Nên kíp trực đã mổ theo phương châm “còn nước còn tát”.
Theo VTC