5 sự kiện quốc phòng nổi bật nhất của Nga năm 2011

25/12/2011 20:24
Trịnh Xuân Tuân (theo TSAMTO)
(GDVN) - Ra mắt loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-T-50 là một sự kiện “quan trọng nhất” trong 5 sự kiện quân sự nổi bật của Nga trong năm 2011.
Theo TSAMTO đánh giá, việc trình diễn trước công chúng loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK FA Su-T-50 với nhiều hứa hẹn là một trong những sự kiện quốc phòng quan trọng nhất trong năm 2011 đối với việc bảo vệ nước Nga.


1. Ra mắt loại máy bay tiên tiến nhất Su-T-50


Lần đầu tiên hai mẫu thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK FA T-50 số hiệu 51 và 52 đã trình diễn trước công chúng tại Triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2011 tại Zhukovsky, gần thủ đô Moscow.
Có thể nói Su-T-50 là loại máy bay chiến đấu duy nhất của ngành công nghiệp - hàng không Nga chế tạo được sau khi Liên bang Xô viết tan rã. Mẫu thử nghiệm máy bay Su-T-50 đầu tiên đã bay vào ngày 29/1/2010 tại Komsomolsk-on-Amur.

Máy bay chiến đấu tàng hình Su-T-50
Máy bay chiến đấu tàng hình Su-T-50

Tính đến thời điểm hiện tại, công ty Sukhoi đã sản xuất được 3 mẫu thử nghiệm máy bay Su-T-50 và đã thực hiện được hơn 100 chuyến bay thử.
Dự án chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 PAK - FA sẽ tạo ra nền tảng cơ bản cho việc phát triển các loại máy bay tiên tiến trong tương lai, cũng như để có thể sử dụng công nghệ của nó để nâng cấp, cải tiến các chiến đấu cơ đã được sử dụng lâu dài như Su-27S, MiG-29....

Ngoài ra, việc ra mắt máy bay Su-T-50 còn là một sự kiện quan trọng đối với Không quân Ấn Độ, bởi họ đã hợp tác phát triển dự án máy bay này với Nga để có thể có được công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 FGFA cho Không quân của họ.

Dự án PAK - FA sẽ tạo ra sự sáng tạo, sản xuất và thông qua quân đội Nga những máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Các sự kiện:
Với năng lực thiết kế và chế tạo máy bay vượt trội, chương trình PAK-FA đã được ưu tiên cho công ty Sukhoi phát triển và thực hiện các nguyên vật liệu, thành phần và công nghệ cao cho sự đổi mới cho ngành công nghiệp hàng không và nền kinh tế, phát triển các dự án khác, các tổ hợp hàng không phức tạp thế hệ mới trong tương lai.
Chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK-FA được thiết kế, sản xuất và thông qua nhằm cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tăng khả năng chiến đấu cho  Không quân Nga và mang lại cho ngành công nghiệp hàng không nước này dây chuyền sản xuất và công nghệ mới, tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển cho các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.

So với các máy bay thế hệ trước (máy bay thế hệ 4++ và trước nữa), PAK-FA có nhiều tính năng độc đáo, là sự kết hợp giữa một máy bay tấn công và tiêm kích đánh chặn.
Máy bay được trang bị hệ thống điện tử thế hệ thứ 5 hoàn toàn mới, trong đó được tích hợp các thiết bị điện tử hỗ trợ cho phi công, giảm đáng kể các thao tác của phi công và cho phép người lái tập trung vào nhiệm vụ chiến thuật.

Thiết bị điện tử trên khoang của máy bay Su-T-50 có giúp trao đổi dữ liệu trong thời gian thực với các hệ thống kiểm soát trên mặt đất và với các máy bay trong biên đội.

Máy bay có thiết kế khí động học và ứng dụng các giải pháp công nghệ tàng hình tiên tiến (công nghệ tàng hình plasma, ngụy trang điện tử) làm giảm tầm bị phát hiện bằng các phương tiện trinh sát quang học, hồng ngoại và cả khả năng nhìn thấy máy bay bằng mắt thường.

Tất cả những công nghệ trang bị cho Su-T-50 sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả chiến đấu cho máy bay, cả mục tiêu trên không lẫn mục tiêu dưới mặt đất, vào mọi thời điểm, và trong mọi điều kiện thời tiết.

2. Hợp đồng cung cấp các tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral.


Trong năm 2011, Nga đã ký kết với Tập đoàn đóng tàu DCNS của Pháp cho việc cung cấp 4 tàu sân bay chở trực thăng Mistral cho Hải quân, trong đó hai chiếc đầu tiên được đóng tại Pháp và hai chiếc còn lại đóng tại Nga, trong đó bao gồm cả việc chuyển giao các công nghệ "nhạy cảm".

Tàu sân bay trực thăng Mistral
Tàu sân bay trực thăng Mistral

Theo đó, cuối tháng 11 vừa qua, Nga đã chuyển số tiền tạm ứng cho công ty DCNS để bắt đầu đóng chiếc  tàu Mistral đầu tiên trong hai tàu loại này được đóng tại Pháp.

Dự kiến hai chiếc tàu đầu tiên sẽ được Pháp chuyển giao vào năm 2014 và 2015, chúng sẽ được bổ sung cho Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga.

Đầu tháng 12, Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất của Nga và Nhà máy đóng tàu Baltiisky Zavod vào hôm 2.12 đã ký kết bản hợp đồng trị giá 2,5 tỉ rúp (khoảng 80 triệu USD), để tiến hành đóng hai tàu sân bay lớp Mistral thứ ba và thứ tư cho Hải quân Nga.


3. Đưa lực lượng phòng thủ không gian – vũ trụ mới vào trực chiến


Ngày 1/12, Nga đã đưa Lực lượng phòng thủ không gian - vũ trụ vào chế độ trực chiến.

Lực lượng mới này được thành lập dựa trên cơ sở thống nhất chỉ huy vũ trụ, chỉ huy phòng không và phòng thủ tên lửa cùng sân bay vũ trụ Plesetsk ở tỉnh Arkhangelsk. Trong đó, chỉ huy vũ trụ bao gồm các lực lượng và phương tiện thuộc hệ thống kiểm soát không gian vũ trụ, điều khiển nhóm quỹ đạo, cũng như các hệ thống cảnh báo những vụ tấn công tên lửa.

Việc đưa lực lượng này vào trực chiến cho phép nâng cao đáng kể tính hiệu quả của hoạt động sử dụng các phương tiện thông tin, cũng như các phương tiện giáng trả để chống lại những kẻ thù từ không gian vũ trụ.

 Lực lượng này được giao nhiệm vụ cảnh báo mọi cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc các loại vũ khí khác từ bên ngoài, kiểm soát khoảng không vũ trụ, phóng và điều khiển các vệ tinh.


4. Tình thử nghiệm tên lửa Bulava từ tàu ngầm Yuri Dolgoruky


Các vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục đại Bulava từ tàu ngầm nguyên Yuri Dolgoruky đã được Hải quân Nga liên tục thực hiện trong năm 2011 nhằm đánh giá tính hiệu quả, độ chính xác…của tên lửa này để có thể chính thức đưa vào trực chiến.

Tàu ngầm hạt nhân Yuri Dolgoruky
Tàu ngầm hạt nhân Yuri Dolgoruky

Mới đây nhất, hôm 23/12, tàu ngầm Yuri Dolgoruky vừa phóng loạt thành công 2 tên lửa xuyên lục địa Bulava, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga.

Lần phóng thử Bulava trước diễn ra vào tháng 10/2011. Tổng cộng, đến nay Nga đã thực hiện 17 lần phóng, 7 trong số đó bị coi là hỏng.

Tên lửa đường đạn xuyên lục địa Bulava dùng để trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử chiến lược tiên tiến lớp Project Borei, trong số đó có tàu Yuri Dolgoruky.

Tên lửa Bulava có thể mang đến 10 đầu đạn hạt nhân siêu vượt âm, có thể thay đổi đường bay về độ cao và hướng bay. Tên lửa có tầm bắn 8.000 km.
5. Tổ chức cuộc tập trận qui mô lớn mang tên Trung tâm - 2011

Năm 2011, Nga đã tổ chức cuộc tập trận đa quốc gia lớn nhất, mang tên “Trung tâm – 2011”, với sự tham gia của 12.000 binh sỹ, 100 xe tăng, 50 máy bay 10 tàu chiến, và các hệ thống tên lửa, pháo phòng không…

Cuộc tập trận sẽ được tổ chức dưới sự chỉ huy của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, Tướng Nikolai Makarov ở 7 khu vực của các quốc gia thành viên CSTO.

CSTO là một tổ chức an ninh khu vực, bao gồm 7 nước thành viên là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Trịnh Xuân Tuân (theo TSAMTO)