1 ván cờ của PGĐ sở bằng 2.500.000 "bữa cơm có thịt"

26/12/2011 23:46
Thành Chung
(GDVN) - Chỉ 1 ván cờ kéo dài trung bình khoảng 30 phút của hai "kỳ thủ" Lèo và Tân bằng cả ngàn người dân của một xã khá "đầu tắt mặt tối" trong vòng 1 năm.
Một đời làm 'quan' mới bằng 30 phút "giải trí" của ông Lèo, ông Tân. Câu chuyện về những ván cờ trị giá bạc tỷ của hai “quan” đầu ngành giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng trong những ngày qua vẫn tiếp tục khiến dư luận xôn xao. Không ít câu hỏi nghi vấn tiếp tục được đặt ra xung quanh số tiền hàng vài chục tỷ đồng mà hai “quan” này dùng cá cược với nhau trong các ván cờ đỏ đen. Nhiều người cho rằng, chắc chắn ngoài thu nhập từ lương ra, các “quan” này đều có những khoản thu “đen” nên mới dám cá cược những khoản tiền lớn như vậy?.

"Kỳ thủ" Nguyễn Thanh Lèo (ảnh góc phải) và nhà hàng nơi hai "kỳ thù" Lèo và Tân chọn làm địa điểm thực hiện các ván cờ "đỏ đen" (Ảnh: Tuổi trẻ)
"Kỳ thủ" Nguyễn Thanh Lèo (ảnh góc phải) và nhà hàng nơi hai "kỳ thù" Lèo và Tân chọn làm địa điểm thực hiện các ván cờ "đỏ đen" (Ảnh: Tuổi trẻ)
Theo tính toán của nhiều người, với mức lương của phó giám đốc Sở, tối đa khoảng 10 triệu đồng/ tháng. Phải làm Phó giám đốc Sở trong vòng 42 năm (từ 18 tuổi đến khi đủ 60 tuổi, chỉ làm việc, nhịn ăn uống, sắm sửa…) mới có thể đủ tiền đánh 1 ván cờ 5 tỷ đồng. Một ván cờ kéo dài trung bình khoảng 30 phút là đã hết số tiền một đời làm quan. Nhiều người khác lại cho rằng, 5 tỷ đồng là số tiền thu ngân sách của 1 xã khá trong một năm chứ không phải ít. “Thú vui tao nhã” chỉ kéo dài trong khoảng 30 phút của các “quan” này bằng cả ngàn người dân phải lao động, đầu tắt mặt tối trong vòng 1 năm. Quả thật là những con số không thể tưởng tượng được. Xung quanh chân dung của hai "kỳ thủ" Nguyễn Thanh Lèo (Phó giám đốc Sở GTVT Sóc Trăng) và Trần Văn Tân (Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe hạng 3 tỉnh Sóc Trăng) cũng khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng về những người cán bộ, được đào tạo rèn giũa trong các trường văn hóa chính trị cao cấp, được người dân tín nhiệm bầu giữ chức vụ quan trọng mà lại gây ra những vụ việc "động trời" thế này?"Xin đổi ván cờ 5 tỷ cho các cháu học sinh ăn bữa cơm có thịt" Tỏ thái độ phẫn nộ về vấn đề này, nhà giáo Anh Thơ (nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn ĐH QG Hà Nội) cho rằng, bà cảm thấy rất phẫn nộ và không hiểu tại sao hai quan chức này lại có số tiền lớn như vậy để chơi những trò "đỏ đen"?. "Với mức lương cán bộ hiện nay thì việc đảm bảo cho cuộc sống bình thường hàng ngày còn khó khăn thế mà ở đây họ lại dùng đến hàng tỷ đồng để chơi một ván cờ. Tôi không hiểu ở đâu mà họ lại có số tiền lớn như vậy (?). Tôi đồ rằng chỉ là tiền bất chính hoặc là tham nhũng hoặc là buôn gian, bán lận hoặc làm cái gì đó không đoàng hoàng, thì người ta mới tìm cách 'đốt' tiền như thế?. Với những nhà doanh nghiệp chân chính, họ làm ăn đoàng hoàng, tích cóp cả đời thì may ra còn có nhiều tiền như vậy còn với người cán bộ thì vấn đề tham nhũng là điều bị nghi vấn đầu tiên".

"Kỳ thủ" Trần Văn Tân hiện đang sở hữu nhiều nhà hàng lớn ở Sóc Trăng. (Ảnh: Người lao động).
"Kỳ thủ" Trần Văn Tân hiện đang sở hữu nhiều nhà hàng lớn ở Sóc Trăng. (Ảnh: Người lao động).
So sánh những ván cờ tiền tỷ của hai "quan" Sóc Trăng với cuộc sống của những học sinh ở Kim Bon, Suối Giàng, Nậm Mười (nơi bà từng đến làm từ thiện cùng đoàn của báo điện tử GDVN - PV), chỉ cần 2.000đ/ cháu/ ngày là có được một miếng thịt mỡ, nhà giáo Anh Thơ không khỏi chua xót: "Trong khi hai cán bộ dùng đến tiền tỷ để chơi một ván cờ thì ở Kim Bon, Đất Đỏ nơi tôi từng đến, các em học sinh không có khu nội trú, không có lớp học rồi ở các chỗ, chỗ nào các em cũng nghèo đói, rét mướt mà quần áo không có. Nếu mà số tiền chơi 1 ván cờ 5 tỷ của hai cán bộ đó nếu được đầu tư vào đấy thì hàng bao nhiêu các em sẽ được sung sướng và xã hội cũng tốt đẹp hơn vì các em được khỏe mạnh, ăn uống, mặc ấm. Các em được khỏe mạnh sẽ tiếp thu tốt tri thức và trở thành những con người sẽ giúp ích cho đất nước và quê hương mình...Tôi xin đổi ván cờ 5 tỷ của hai ông "quan" ở Sóc Trăng cho các cháu học sinh miền núi, những nơi còn khó khăn, vất vả ăn bữa cơm hàng ngày có thịt!". Nhà giáo Anh Thơ cũng cho rằng: "Trong sự việc này, hai ông "quan" ở Sóc Trăng, họ lại là Đảng viên, thế mà họ lại sống quá là tầm thường, bê tha, vô cùng ích kỷ... Và cách hành xử của họ, sau đấy còn thuê cả 'dân anh chị' đi đòi nợ thì họ chẳng khác nào chính là những tên "xã hội đen". Tôi rất coi thường những cán bộ như thế. Những người như thế làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước". Đồng quan điểm đó, nhà giáo, "người đương thời Đỗ Việt Khoa cũng cho rằng, với mức lương hiện nay thì việc tích góp số tiền lớn như vậy đối với quan chức là rất khó. "Ở nước ta vẫn còn rất nhiều nơi còn nghèo khó, bà còn phải chắt chiu từng xu một để sống, để giữ yên bình biên cương, các thầy cô giáo ở Hà Giang phải đến tận nơi, đưa đón học sinh, thậm chí phải bỏ cả đồng lương ít ỏi để đong gạo, mua thực phẩm cho các cháu thì hai quan chức lại ăn chơi, phè phỡn đến mức độ "nướng tiền" đến như vậy. Đó là điều không thể chấp nhận được. Đề nghị cơ quan công an vào cuộc xác minh xem số tiền đó từ đâu ra mà có", nhà giáo Đỗ Việt Khoa bức xúc nói.
Một số tay chơi có tiếng ở phường Xuân Khánh, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ  cho đến bây giờ ít nhiều còn nhớ chuyện ông Tân chạy xe hạng sang đến nhậu tại một quán nhậu ở phường Xuân Khánh với vẻ bề ngoài hết sức giàu có.

Trong lúc thưởng thức cảnh “thần tiên” của sự giàu sang, ông Tân phát hiện hai con vích của quán đang bơi dưới hồ nên hỏi mua với giá 40 triệu đồng về nuôi làm kiểng tại nhà hàng của mình ở TP Sóc Trăng. Nuôi vài ngày thấy không ưng ý, tay đại gia này mang ra biển “phóng sinh” để tích đức.


Ngoài công việc chính của mình là Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe loại 3 ở TP Sóc Trăng, ông Tân còn nổi tiếng với các ngành nghề kiếm ra bạc tỷ. Ông là chủ một trang trại nuôi bò, nuôi cá, lò giết mổ gia súc… đều tập trung ở phường 5, TP Sóc Trăng. Thời gian gần đây ông Tân còn đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng nhà hàng Cánh Buồm và quán cafe Cánh Buồm Xanh.


Còn phần ông Lèo, trước khi về làm Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, ông Lèo là Giám đốc Công ty GTVT TP Sóc Trăng, Trưởng ban quản lý dự án công trình xây dựng TP Sóc Trăng, rồi làm Bí thư phường 6 (TP Sóc Trăng). Nhưng có một điều khiến người dân ở Sóc Trăng đặc biệt lưu ý đối với ông Lèo là ông làm việc ở đâu thì ở đó người dân lại đội đơn đi khiếu nại...
Thành Chung