Nghịch lý: Doanh nghiệp làm ăn lỗ, lương cứ cao

27/12/2011 07:53
Lê Nhung/VNN
"Phải giám sát thu nhập bằng cách minh bạch trong hạch toán. Khi trình lương cao thì họ báo lãi, khi xin vốn Nhà nước lại kêu lỗ, thế nào cũng giải thích được".
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội Nguyễn Hữu Dũng nói về bất cập trong mức lương, thưởng cao ngất ngưởng ở các tập đoàn kinh tế, bên lề hội thảo về cải cách lương hôm qua ở Hà Nội.

Không kiểm soát được lỗ lãi của DN


Lương tại các tập đoàn kinh tế nhà nước đều cao gấp nhiều lần so với mức lương bình quân của người lao động, gây ra bất bình đẳng. Lãnh đạo các tập đoàn đều lập luận rằng, hệ số lương đã được Bộ Lao động và Bộ Tài chính chấp thuận. Vậy theo ông có nên duy trì tình trạng này không?

- Khó khăn chính là hiện nay chúng ta chưa tìm ra được cơ chế quản lý hiệu quả. Nhà quản lý mới chỉ nhằm vào quản lý tiền lương trong khi đáng lẽ phải quản lý đồng bộ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Phải giám sát được thu nhập bằng cách minh bạch trong hạch toán, nếu không, DN sẽ có hai sổ.Ảnh: Lê Nhung
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Phải giám sát được thu nhập bằng cách minh bạch trong hạch toán, nếu không, DN sẽ có hai sổ.Ảnh: Lê Nhung
Những DN này đều làm ăn dựa trên cơ sở nguồn vốn Nhà nước giao, và đó đều là những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, sản xuất những sản phẩm có tính chất đặc biệt như khai thác tài nguyên: dầu khí, than… kinh doanh độc quyền. 

Thế là dẫn đến tình trạng không minh bạch, giữa một bên là lợi thế của Nhà nước mang đến cho anh và giá trị gia tăng có được từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì đang nhập nhèm như vậy nên kết quả là sẽ đẩy đơn giá tiền lương tối thiểu lên và các DN trả lương hệ số cao thì lương cũng sẽ cao lên theo.

Vậy là DN trả lương cho lao động là ăn dần vào tài sản nhà nước chứ không phải dựa trên hiệu quả kinh doanh. Dù làm ăn lỗ thì lương vẫn cao.

Tình trạng bất cập này có nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân rõ ràng là do chính sách, cơ chế. Nhà nước không kiểm soát được lỗ lãi của DN.

Do đó, nếu lấy tiền từ phần giá trị gia tăng làm ăn kinh doanh mà ra thì chắc chắn lỗ, lấy đâu ra tiền để trả lương, nói gì đến trả lương cao như vậy.

Đây cũng là lý do để nhiều lãnh đạo DN  tìm cách giải thích về chuyện làm ăn thua lỗ. Họ cho rằng sở dĩ lỗ như vậy là do Nhà nước định giá, không cho DN đi theo cơ chế giá thị trường.

Với các phê phán về kinh doanh ngoài ngành, họ lại biện bạch rằng nguồn vốn đầu tư ra ngoài là vốn của đơn vị chứ không phải lấy tiền từ ngân sách, và hiện đang rút dần về. Tất cả những lý luận đó là không rõ ràng và hoàn toàn ngụy biện.

Do đó, tôi cho rằng phải phân biệt rạch ròi phần lợi thế mang lại do độc quyền, để tách bạch với hiệu quả kinh doanh. 

Giám sát, minh bạch

EVN chỉ công bố lương khi có kết quả kiểm toán. Vậy còn với các DNNN khác cũng hoạt động trong lĩnh vực độc quyền thì nên kiểm tra, giám sát như thế nào?

- Quan trọng nhất là giám sát báo cáo tài chính. Đây là nghiệp vụ mà Bộ Tài chính phải làm. Báo cáo tài chính phải trung thực và được kiểm định.

Thứ hai là hệ thống kiểm toán (kiểm toán nhà nước) và kiểm toán độc lập. Tiếp nữa là điều tiết bằng loại thuế điều tiết đặc biệt. Với những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cần phải đánh vào thuế tài nguyên, ví dụ khai thác than, dầu khí. Hoặc phải tách ra phân biệt rõ đầu tư của nhà nước và giá trị gia tăng do DN làm ăn mà có được.

Phải bằng công cụ thuế và tài chính thì mới làm rõ được. Nếu đạt hiệu quả cao thì mới được hưởng lương cao tương ứng.

Cơ bản nhất là phải nắm được hoạt động sản xuất kinh doanh thì mới điều tiết, giảm sát được. Nếu hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cao thì tiền lương anh cao không vấn đề gì.

Cải cách tiền lương đối với DN đã hoạt động theo cơ chế thị trường thì không vấn đề gì nhưng với DNNN độc quyền thì rất nhiều vấn đề.

Trong chiến lược cải cách tiền lương lần này, cần khắc phục các bất cập trên ra sao thưa ông?

- Cải cách tiền lương trong DNNN gắn liền với giám sát toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt giám sát kết quả đầu ra, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Giám sát lương chỉ chiếm 8% doanh thu còn lại hàng mấy chục phần trăm kia không bao giờ quản được.

Thứ hai, phải thực hiện nguyên tắc rất quan trọng là trả lương theo năng suất lao động và kết quả đầu ra của DN. Kết quả đầu ra không phải là doanh thu mà là giá trị gia tăng, trong đó có vấn đề quản lý lợi nhuận.

Thêm nữa, phải giám sát được thu nhập bằng cách minh bạch trong hạch toán, nếu không DN sẽ có hai sổ. Họ sẽ làm rất nhiều phương án, khi trình lương cao thì họ báo lãi, khi xin vốn Nhà nước lại kêu lỗ, thế nào cũng giải thích được.

Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường:

Tôi cho rằng cùng với đợt cải cách chính sách về tiền lương, những bất hợp lý chắc chắn sẽ được xem xét, điều chỉnh để tạo mặt bằng hợp lý về thu nhập giữa công chức và doanh nghiệp, không thể để tình trạng khoảng cách quá xa như hiện nay.
Tôi biết là đang có những tính toán cải cách cho vấn đề này. Cơ quan chức năng đang nghiên cứu vì còn phải cân đối để phù hợp với lộ trình quản lý hoạt động khối DNNN nói chung.

Lê Nhung/VNN