Predator C Avenger: “Kẻ báo thù” của không quân Hoa Kỳ

28/12/2011 15:57
Trịnh Tuân (theo Topwar)
(GDVN) - General Atomics đã ký hợp đồng với Không quân Hoa Kỳ để cung cấp các UAV tàng hình Predator C/Avenger "Kẻ báo thù"

General Atomics đã xây dựng hai nguyên mẫu UAV Predator, và có kế hoạch xây dựng thêm hai nguyên mẫu nữa. Hiện việc sản xuất của một trong số các mẫu UAV trên đang được tài trợ bởi chính phủ Mỹ.

Theo tổng biên tập quân sự tuần báo Aviation Week & Space Technology David A. Fulghum, biến thể mới Predator C/Avenger “Kẻ báo thù” mạnh hơn và có tải trọng lớn hơn nhiều so với hai nguyên mẫu được sản xuất vào năm 2009.

UAV “Kẻ báo thù” Avenger
UAV “Kẻ báo thù” Avenger

Avenger đã thực hiện chuyến bay thử lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2010. Chính phủ Hoa Kỳ đã cấp cho Không quân nước này hơn 15 triệu đôla để có được chiếc UAVAvenger đầu tiên, tuy nhiên theo dự kiến chi phí của chương trình có thể sẽ lớn hơn con số này rất nhiều.

Theo BBC, trong trường hợp Không quân hoặc các tổ chức chính phủ khác đặt hàng UAV Predator C/Avenger, General Atomics sẵn sàng dốc hết sức để sản xuất một cách nhanh chóng các loại UAV này. Việc thu mua đặt dưới sự kiểm soát của chương trình Big Safari của không quân Hoa Kỳ.

Big Safari là chương trình cung cấp quản lý, chỉ đạo và kiểm soát việc thu mua, kiểm tra, sửa đổi, và hỗ trợ hậu cần kỹ thuật cho các hệ thống vũ khí đặc biệt.

Nó có trụ sở chính tại Greenville, Texas và có các cơ sở tại Hanscom AFB và Wright-Patterson AFB. Chương trình đã đi vào hoạt động kể từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước và được gọi là "lực lượng mua sắm nhanh" của Không quân Hoa Kỳ.

Không quân Hoa Kỳ có kế hoạch gửi các máy bay không người lái này đến Afghanistan để đánh giá "khả năng hoạt động của các thiết bị cảm biến, hệ thống vũ khí, và các phương pháp kỹ chiến thuật cho việc sử dụng các UAV".

Nhờ đó mà lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan có thể nâng cao khả năng theo dõi và kiểm soát trên một diện tích rộng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mỹ cũng thường xuyên kiểm tra thiết bị quân sự mới ở Afghanistan. Đặc biệt, họ đang sử dụng ở đất nước này các loại máy bay không người lái như MQ-8B Fire Scout, Switchblade, K-MAX và A160 Hummingbird.

“Kẻ báo thù”Avenger được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ bí mật như do thám, giám sát và trinh sát, và tiến hành các cuộc tấn công chính xác các mụ tiêu mặt đất hoặc mặt nước.

Nó có thể mang nhiều loại vũ khí khác nhau bao gồm bom thông minh JDAM (Joint Direct Attack Munition), cảm biến quang - điện hồng ngoại, radar thời tiết GA-ASI Lynx và radar đa năng để phát hiện các mục tiêu di động.

Avenger sử dụng công nghệ tàng hình tiên tiến, được trang bị 1 động cơ phản lực cánh quạt và có khả năng bay với tốc độ trên 740 km/h và có thể bay ở độ cao tối đa 18.200 m.

General Atomics còn cho biết rằng hệ thống trinh sát của UAV dựa trên thiết bị nhìn đêm hiện đang được dùng thử nghiệm trên siêu tiêm kích thế hệ năm F-35 của tổng công ty Lockheed Martin và các cảm biến video, hình ảnh được thiết kế riêng cho “Kẻ báo thù”.

Predator là một trong những vũ khí thành công nhất được CIA sử dụng để chống lại các lực lượng khủng bố quốc tế ở Châu Á, Trung Đông và Châu Phi.

Việc cho ra đời biến thể tiên tiến và hiện đại của Predator, với sức mạnh vượt trội có thể mang nhiều vũ khí, và đặc biệt là khả năng tiêu diệt mục tiêu cực kỳ chính xác, sẽ giúp cho lực lượng vũ trang Hoa Kỳ mở rộng khả năng tác chiến khi tiến hành các hoạt động trong không phận đối phương.

Theo David A. Fulghum, Predator C /Avenger có thể sẽ là nền tảng vũ khí của tình báo Mỹ trong tương lai.

Quyết định mua các UAV Predator C được công bố vài ngày sau khi máy bay không người lái tàng hình RQ-170 Sentinel của Mỹ bị Iran bắn hạ. Không quân Hoa Kỳ đã lên kế hoạch ký kết hợp đồng với General Atomics trong tháng 11 năm 2011, tuy nhiên do chi phí quá lớn đã khiến cả hai bên chưa đạt được thỏa thuận.

Predator là một trong số các máy bay không người lái được sử dụng nhiều hiện nay. Chiếc Predator đầu tiên bay thử nghiệm vào năm 1994 và bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 1997. Nó được đưa vào sử dụng trong Không quân Mỹ và Cục Tình báo trung ương CIA.

RQ-1 Predator
RQ-1 Predator

RQ-1 là phiên bản đầu của Predator, có khả năng bay ở độ cao 7.600 m với tầm hoạt động 740 km. Được sử dụng trong hoạt động giám sát và do thám, RQ-1 có radar, máy quay chống rung tự động với hai chế độ quan sát ngày và ban đêm (dùng sóng hồng ngoại), máy quay ở mũi và các loại thiết bị cảm biến.

MQ-1 Predator
MQ-1 Predator

MQ-1 Predator là phiên bản nâng cấp từ RQ-1 nên đa năng hơn. Chúng được sản xuất từ năm 2002. Ngoài giám sát, do thám MQ-1 còn có khả năng chiến đấu. Chúng có thể mang theo hai tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire và nhiều loại đạn khác. Thời gian hoạt động liên tục của MQ-1 cũng tăng lên 40 giờ, gần gấp ba lần so với RQ-1.

Trịnh Tuân (theo Topwar)