RBU-6000: “Sát thủ diệt ngầm” của Hải quân Nga

29/12/2011 07:19
Trịnh Tuân (theo Topwar, militaryrussia)
(GDVN) - Việt Nam cũng đã trang bị tổ hợp pháo phản lực RBU-6000 cho các tàu chiến hiện đang phục vụ trong lực lượng Hải quân.

RBU-6000 là một trong những hệ thống phóng bom ngầm phản lực lâu đời nhất, được thiết kế để chống ngầm, chống ngư lôi và tàu biệt kích.

Tổ hợp bom-rocket chống ngầm RBU-6000 (Реактивно Бомбовая Установка, Reaktivno Bombovaja Ustanovka) sử dụng bom chìm RGB-60 được trang bị cho các tàu mặt nước và phục vụ trong Hải quân Liên bang Xô viết từ những năm 1961.

RBU-6000 là tổ hợp bom-rocket chống ngầm tầm ngắn, đã được nghiên cứu sản xuất tại Viện Kỹ thuật nhiệt Moscow dưới sự chỉ đạo của nhà thiết kế V. Mastalygina. Từ cuối năm 1980, nó được sản xuất hàng loạt tại nhà máy cơ khí hạng nặng Ural (UZTM) tại thành phố Sverdlovsk.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, tổ hợp được tiếp nhận trang bị trong lực lượng Hải Quân Nga ngày 26/11/1991.

Để thử nghiệm RBU-6000, người ta đã lắp đặt 4 thiết bị phóng bom phản lực RBU-6000 (mỗi thiết bị gồm 12 ống phóng) trên các tàu đánh cá kiểu Cuồng phong-2/Смерч-2 và Cuồng phong-3/Смерч-3. Bom-rocket đã bắn trúng các mục tiêu giả định là ngư lôi và tàu ngầm ở các cự li và độ sâu khác nhau.

Nhìn từ phía đối diện, RBU-6000 trông giống như một chiếc móng ngựa được tạo nên từ 12 ống phóng tên lửa, mỗi ống phóng có đường kính 21,3 cm. Còn về cấu trúc, mỗi tổ hợp phóng bom ngầm phản lực RBU-6000 bao gồm các thiết bị:

Hệ thống điều khiển bắn

Thiết bị phóng RBU-6000

Băng truyền tải và nạp đạn

Bom chìm phản lực không điều khiển RGB-60 (được sử dụng phổ biến nhất)

Hệ thống điều khiển bắn bao gồm bảng điều khiển, máy tính và dụng cụ truyền dữ liệu vào bệ phóng.

Hệ thống này nhận tín hiệu từ trạm thủy âm trên tàu hoặc từ các nguồn bên ngoài như từ trực thăng cảnh báo sớm hoặc từ các phao thủy âm do trực thăng thả xuống.

Thời gian phản ứng của hệ thống kể từ thời điểm phát hiện các đối tượng dưới nước khoảng 60 đến 120 giây.

Bom-rocket RBU-6000 được bố trí trên boong tàu, gồm 2 thiết bị phóng cách nhau  ở cự li được xác định trước để phát huy tối đa uy lực. Thiết bị phóng RBU-6000 có thể phóng từng quả một hoặc phóng loạt.

Băng truyền tải và nạp đạn bảo đảm tải đạn từ hầm đạn trong khoang tàu lên trên mặt boong và nạp đạn.

Việc này diễn ra mà không có sự tham gia của thủy thủ tàu, tức là hoàn toàn tự động. Sau khi toàn bộ số bom RGB-60 được nạp hết vào các ống phóng, thiết bị phóng RBU-6000 được thiết lập ở chế độ chờ.

Lúc này, các ống phóng của RBU-6000 tạo với mặt boong tàu một góc 90 độ. Đây là góc bắn tối thiểu của tổ hợp bom-rocket này.

Ở chế độ ngắm bắn, các ống phóng có thể xoay quanh trục theo phương thẳng đứng hoặc phương ngang tương ứng với góc hướng bay của bom chìm phản lực không điều khiển RGB-60.

Thiết bị phóng RBU-6000 có góc bắn tối đa theo phương thẳng đứng 60 độ, góc bắn tối đa theo phương ngang là 340 độ. Ở góc bắn 46 độ nó có tầm bắn xa nhất và ở góc bắn 8,5 độ tầm bắn là gần nhất.

46 độ là góc bắn có tầm bắn xa nhất
46 độ là góc bắn có tầm bắn xa nhất

Sức mạnh cũng như khả năng bắn phá, tiêu diệt mục tiêu của hệ thống pháo phản lực RBU-6000 nằm ở bom-rocket RGB-60. Đây là là loại tên lửa không điều khiển sử dụng động cơ nhiên liệu rắn.

RGB-60 có đường kính 21,2 cm, dài 1,832 m và nặng 112,5kg; tầm bắn tối đa lên đến 5.800 m.

Các thông số kỹ thuật cơ bản của pháo phản lực chống ngầm RBU-6000

Góc bắn tối đa theo phương thẳng đứng : 60 độ

Góc bắn nhỏ nhất: 90 độ .

Góc bắn tối đa theo phương ngang : 340 độ

Góc bắn có tầm bắn xa nhất: 46 độ

Góc bắn có tầm bắn gần nhất: 8,5 độ

Đường kính ống phóng: 21,3 cm

Đường kính bom chìm phản lực RGB (реактивная глубинная бомба): 21,2 cm

Trọng lượng thuốc nổ : 23,5kg

Trọng lượng không bom của tổ hợp: 9 tấn

Tầm bắn: 300-5.800 m

Độ sâu phá hủy mục tiêu: 15-500 m

Tốc độ lặn sâu: 11,6 m/s

Tàu tuần tra Fearless được trang bị RBU-6000
Tàu tuần tra Fearless được trang bị RBU-6000

Hệ thống phóng bom ngầm phản lực RBU-6000 được trang bị trên các tàu mặt nước bao gồm: Sarytch, Albatross, Zozulya, Kronstadt, Nikolaev, 1151, Fearless, Frigate, Slava…

Việt Nam cũng đã trang bị tổ hợp pháo phản lực RBU-6000 cho các tàu chiến hiện đang phục vụ trong lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong đó có chiến hạm đầu tiên của Việt Nam - Tàu tuần dương Petya II – III, nhận về sau khi giải phóng miền nam và năm 1978-1979 đã tham chiến trong cuộc chiến với Khmer đỏ.

Petya-III có 2 dàn Rocket RBU-6000 chống ngầm với 12 ống phóng mỗi dàn, sử dụng rocket cỡ 213 mm RGB-60. RBU-6000 còn được trang bị trên các Hộ vệ hạm tên lửa Gepard 3.9 (Project 11661 ) – những khu trục hạm mới được biên chế vào Hải quân nhân dân Việt Nam trong năm nay.

Ngoài Việt Nam, Ấn Độ cũng là một khách hàng lớn của thiết bị phóng bom ngầm phản lực RBU-6000. Năm 2003, Nga cũng đã cung cấp cho Ấn Độ các tổ hợp pháo phản lực này để trang bị cho 3 chiếc khu trục hạm Talwar (Project 1135.6).

Dưới đây là một số hình ảnh về thiết bị phóng bom ngầm phản lực RBU-6000:

Trịnh Tuân (theo Topwar, militaryrussia)