Tân Sơn, Phú Thọ: Cần lắm những tấm lòng thiện nguyện

30/12/2011 06:00
Minh Quý
(GDVN) - Một bát muối trắng, lưng bát lạc được trần vội qua nước sôi cho đỡ hăng, đó là bữa cơm của một trong nhiều gia đình ở Tân Sơn, Phú Thọ.
“Sĩ số của lớp học là 6 – tính cả giáo viên” Xã Vinh Tiền là một trong những xã nghèo nhất cả nước nằm trong tỉnh Phú Thọ. Kinh tế chủ yếu cảu người dân nơi đây là trồng sắn và ít ỏi những cánh ruộng bậc thang lẻ loi chạy trượt theo những khoảng đồi thấp. Vinh Tiền vào vụ thu hoạch sắn. Trên những con đường mòn ngoằn ngoèo quanh núi thấp thoáng bóng dáng những con người lom khom gùi sắn xuống dưới chân núi – người dân nơi đây gọi đó là “Cõng sắn”. Trong số đó có rất nhiều bóng dáng bé nhỏ của những em học sinh đang học tại trường TH & THCS Vinh Tiền.
Tân Sơn, Phú Thọ: Cần lắm những tấm lòng thiện nguyện ảnh 1
Trường nằm lọt thỏm giữa những dãy núi
Trường TH & THCS Vinh Tiền nằm lọt thỏm trong những dãy núi san sát chạy bao quanh. Những con đường lởm chởm, ngoằn ngoèo dẫn tới trường từ các xóm đổ về chốc chốc là tung bụi mù mịt bởi những cơn gió mùa Đông Bắc. Vào giữa mùa đông, những cơn gió mùa tràn về càng dữ dội và buốt hơn. Ấy thế mà từ thôn Đồng Khoai, thôn Đồng Bương, các em nhỏ vẫn không bỏ một buổi học nào. Tờ mờ 5 giờ sáng, đâu đó trong thôn Đồng Bương cách trường khoảng hơn 4 cây số đã í ới tiếng gọi bạn đi học. Toàn xã có 130 em đi học trong trường TH & THCS trong tất cả 9 khối học. Lớp học bình quân có khoảng 8 em theo học, trong đó lớp ít nhất có 5 em và lớp nhiều nhất là 9 em. Cô giáo Đặng Thị Thương – chủ nhiệm lớp 1A chia sẻ một câu chuyện vui về thực trạng ít học sinh trong lớp học như sau : “Lớp ít học sinh quá, ít đến nỗi nếu như cùng một lúc cả 5 em học sinh trong lớp cùng bị rơi bút và cúi xuống nhặt thì lúc đó chỉ còn trơ trọi mình với lớp học”.“Cõng chữ” khó hơn “cõng sắn”
Tân Sơn, Phú Thọ: Cần lắm những tấm lòng thiện nguyện ảnh 2
Dưới chân núi những đống sắn dần cao hơn qua từng ngày. Học sinh ở Vinh Tiền một buổi đi học, một buổi ở nhà phụ giúp bố mẹ. Nhỏ thì đi chăn, trâu lấy rau, lớn hơn chút thì đi “cõng sắn”. Hầu hết trẻ em trên đây đều học hết cấp 2 rồi ở nhà, số ít học lên được cấp 3 và đặc biệt không có ai đậu Đại học. Từ trung tâm xã Vinh Tiền (Trường TH & THCS Vinh Tiền) người dân phải vượt 13 km mới tới được chợ duy nhất của xã. Cộng với việc khó khăn về đời sống kinh tế và điều kiện giao thông, việc đi chợ của người dân trong xã là một việc “xa xỉ” và hiếm hoi. Trong khu trung tâm xã có tất cả 2 quán tạp hóa với lèo tèo mấy gói kẹo và những vật phẩm nhu yếu khác. Ấy thế nhưng 2 quán đó vẫn heo hút khách tới mua hàng và chủ quán vẫn sống chủ yếu bằng nghề trồng sắn. Nằm cách thành phố Việt Trì 80km về phía Tây Bắc, xã Vinh Tiền với hơn 90 % dân số là người dân tộc Dao gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Chính vì thế, trẻ em ở dây có phần nhút nhát hơn so với những bạn bè cùng trang lứa. Để diễn tả sắc nét hơn về đời sống ở nơi đây, thầy giáo Dương Hà Thắng (giáo viên dạy Mĩ Thuật) đã chia sẻ: “ Tôi về trường công tác từ năm 2007, khi đó con đường kéo từ huyện Thanh Sơn chưa làm tới trường này. Bụi mù mịt, mỗi khi mùa mưa tới thì coi như đang sống giữa đảo, không có cách nào mà qua được. Dạo đó, tôi đã phải ăn cá khô ròng rã 2 tháng trời vì không tài nào đi chợ được, khi đó người rộc hẳn đi. Các em nhỏ ở đây thì không cần kể cũng biết, khổ và thiệt thòi quá nhiều. Những các em nơi đây học một buổi, buổi còn lại thì đi cõng sắn hoặc lên rừng kiếm măng, kiếm lá dong về bán hoặc làm đồ ăn cho gia đình”.Cần hơn nữa sự quan tâm của những tổ chức và cá nhân có tấm lòng thiện nguyện Khó khăn về đời sống vật chất, về điều kiện đi lại và cái giá rét của thời tiết không cản trở các em tìm đến con chữ. Cô giáo Đặng Thị Thương cho biết : “Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống như các em rất có tinh thần học tập, vẫn đến lớp đầy đủ cho dù nhiệt độ ngoài trời có thể xuống tới 10 độ C vào đầu buổi sáng. Nhìn các em chăm chỉ, ngoan ngoãn tới lớp học bài tôi vừa vui vừa thương các em. Nhưng sức mình có hạn, chỉ biết tận tâm dạy dỗ các em, hi vọng mai này cuộc đời các em sẽ tốt hơn”. Ông Hà Quang Sĩ – Hiệu trưởng trường TH & THCS Vinh Tiền tâm sự : “Các em thiệt thòi quá nhiều, mặc dù nhà trường đã tìm mọi cách để bù đắp những thiếu thốn của các em nhưng như muối bỏ biển cả, nhìn đâu cũng thấy thiếu. Toàn xã có 130 em đang theo học thì nhà trường đã phải chia thành 3 cụm để cho các em đi học đỡ vất vả hơn. Nhìn cảnh các em lọ mọ dạy đi học lúc 5 giờ sáng dưới tiết trời rét buốt mà những người làm sư phạm như chúng tôi cảm thấy tê tái”.
Tân Sơn, Phú Thọ: Cần lắm những tấm lòng thiện nguyện ảnh 3

Nơi đây cần lắm những tấm lòng thiện nguyện
“Rất may là từ đầu mùa đông tới giờ đã có 2 đoàn tình nguyện tới giúp đỡ các em kịp thời, hỗ trợ các em chống chọi lại cái lạnh giá của mùa đông. Vào đầu tháng 12 vừ qua nhà trường đã vinh hạnh tiếp đón đoàn tình nguyện của Hội đồng hương Phú Thọ của trường Đại học Ngoại thương và mới đây là chương trình “Hơi ấm mùa đông” được tổ chức bởi 3 CLB tình nguyện là CLB kết nối trẻ, CLB Love for life và CLB Sống để yêu thương. Thầy trò chúng tôi rất cảm ơn các cá nhân, tổ chức đã dành sự quan tâm dặc biệt cho các em nhỏ nơi đây” Ông Sĩ chia sẻ thêm. Sau đợt tổng kết cho hoạt động khám và phát thuốc miễn phí (nằm trong chương trình “Hơi ấm mùa đông”) cho các em học sinh tại đây, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết : “Trên tổng số 169 trẻ được chúng tôi khám thì có tới 110 trẻ bị còi cọc suy dinh dưỡng, có 97 trẻ bị viêm họng, amidan và những bênh khác do thời tiết. Đặc biệt trong số 169 trẻ đó có tới 4 trường hợp bị chẩn đoán bị bệnh thấp tim và tim bẩm sinh. Số lượng thuốc mà chương trình mang lại chỉ mang tính cứu chữa tạm thời. Tôi nghĩ là các em cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa”.
Minh Quý