Công nghệ chip vi xử lý sẽ bùng nổ ra sao năm 2012?

29/12/2011 16:54
Theo Genk
Những hãng sản xuất lớn như Intel, AMD, Nvidia sẽ tung ra những công nghệ gì đặc biệt trên các loại CPU mới?
Được ví như bộ não của con người, các loại chip vi xử lý chính là thành phần cốt lõi không thể thiếu của các loại thiết bị thông minh xuất hiện thường nhật trong cuộc sống của chúng ta như máy tính để bàn, laptop, tablet, smartphone… CPU đảm nhiệm vai trò trung tâm, là bộ phận tính toán dữ liệu, xử lý thông tin. Chip này càng mạnh thì thiết bị hoạt động càng nhanh.
Theo thời gian, các chi tiết trên mảnh silicon dùng để làm CPU ngày càng nhỏ bé đi, điều đó khiến cho những con chip này ngày một tiêu thụ điện ít đi nhưng lại mạnh mẽ hơn nhiều lần. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem trong năm 2012 sắp tới, những hãng sản xuất lớn như Intel, AMD, Nvidia sẽ tung ra những công nghệ gì đặc biệt trên các loại CPU mới.
Thế hệ chip tiếp theo Sandy Bridge của Intel
Intel là một cái tên không thể không nhắc đến khi nói tới bộ vi xử lý, đơn giản bởi đây chính là hãng sản xuất CPU hàng đầu thế giới cho các sản phẩm máy tính để bàn và xách tay.
Các loại chip của Intel thường được phát triển theo chu kỳ “tick – tock”. Trong đó, “tick” là việc sử dụng thiết kế cũ trên nền công nghệ mới. Còn “tock” là bước tiến lớn với kiến trúc CPU mới hoàn toàn nhằm đạt hiệu năng cao nhất có thể. Trong năm 2010, Intel đưa ra dòng sản phẩm Clarkdale vốn là sự sao chép của Nehalem trên nền công nghệ 32 nm mới, đó là “tick”. Tới năm 2011, thế hệ CPU Sandy Bridge mạnh mẽ chính là “tock”. Vậy năm 2012 sắp tới Intel sẽ quay lại “tick” với kiến trúc cũ của Sandy Bridge và công nghệ 22 nm với tên gọi Ivy Bridge.
Với công nghệ 22 nm, kích thước của các bóng bán dẫn sẽ được giảm đi đáng kể, do đó Ivy Bridge có thể đạt được hiệu năng của Sandy dễ dàng với mức năng lượng thấp hơn, toả ít nhiệt hơn. Thời lượng pin của các thiết bị di động như laptop, tablet có thể tăng nên đáng kể và máy tính để bàn cũng sẽ ngốn ít điện hơn, giúp bạn tiết kiệm được chút ít tiền điện và góp phần giúp trái đất nóng lên chậm đi đôi chút.
Được biết thế hệ chip Ivy Bridge vẫn sẽ sử dụng socket LGA 1155 nên người dùng có thể dễ dàng nâng cấp CPU mà không cần thay cả mainboard. Tuy vậy, vẫn có một socket mới là LGA 2011 dành cho những con chip siêu khủng. Ngoài ra, các bộ vi xử lý Ivy Bridge cũng sẽ hỗ trợ các chuẩn giao tiếp mới là USB 3.0 và Thunderbolt tốt hơn nữa.
Liệu AMD có thể vùng lên?
Tiếp đến là đối thủ chính của gã khổng lồ Intel trên thị trường chip vi xử lý, đó chính là AMD. Năm vừa qua AMD đã nổ lực rất nhiều trong việc ghép CPU và GPU trên một mảnh silicon đơn nhất, công nghệ này được họ gọi là Fusion APU. Cùng với đó là kiến trúc mới có tên Bulldozer – máy ủi nhằm so tài với Sandy Bridge – cầu cát của Intel.
Thực sự thì kiến trúc Bulldozer đã khiến nhiều người thất vọng khi AMD tung ra một sản phẩm có hiệu năng không cao, chỉ ngang tầm các CPU tầm trung của Intel mà lại ra mắt chậm hơn khá lâu. Máy ủi đã bị cầu cát đè bẹp hoàn toàn.
Gần đây AMD cũng đã giới thiệu kiến trúc mới của mình có tên là Piledriver. Được biết đây là sự cải tiến của Bulldozer, các kỹ sư của hãng cố gắng nâng cao hiệu suất của chip với mức năng lượng tiêu thụ thấp hơn. AMD vẫn sử dụng công nghệ 32 nm cho kiến trúc Piledriver, chưa có thông tin gì về việc tiếp cận công nghệ 22 nm được tiết lộ.
Hiện tại cả hai mảng CPU và GPU của hãng này đều có dấu hiệu chững lại, mảng CPU đang thua Intel một khoảng cách khá xa. Về phía GPU, sau dòng sản phẩm HD 5000 rất thành công thì HD 6000 không gây được nhiều ấn tượng khi so sánh với GeForce 500 và 600. Rất nhiều người đang trông chờ vào một bước tiến lớn của CPU AMD trước Intel giống như AMD64 trước đây cũng như sự lấn át của “quân đoàn đỏ” ở mảng GPU.
Nvidia với những nỗ lực thống trị mảng di động
Như các bạn đều đã rõ, vài năm gần đây người khổng lồ xanh gặp rất nhiều khó khăn thử thách trên mọi mặt trận khi những đối tác lâu năm đột ngột quay lưng hất cẳng công ty này khỏi các thị trường quen thuộc đem lại lợi nhuận chính cho hãng.

Cụ thể hơn Nvidia bị Intel và AMD đá bay khỏi mảng chipset khi không cấp phép làm chip hỗ trợ các dòng CPU mới nữa. Từng có thời gã khổng lồ xanh có hàng loạt mainboard các loại với nhiều chipset hỗ trợ những bộ vi xử lý khác nhau nhưng giờ đây gần như chỉ còn mỗi ION là còn sống.
Ở mảng đồ hoạ - vốn là thế mạnh của Nvidia nhưng họ cũng tỏ ra yếu thế đi nhiều trong thời gian gần đây khi để cho “phe đỏ” AMD (ATI) chiếm mất kha khá thị trường. Ngay cả Apple cũng đã chuyển sang dùng GPU của AMD cho dòng sản phẩm máy tính sử dụng hệ điều hành Mac OS sau một thời gian dài gắn bó với gã khổng lồ xanh.
Thị trường di động chính là cứu cánh cho Nvidia trong tình cảnh khó khăn hiện nay. Cùng với ARM, hãng này đã tung ra nền tảng Terga 2 sở hữu sức mạnh vượt trội đến từ lõi kép của CPU Cortex A9 và GPU GeForce. Sản phẩm này hiện đang được sử dụng trên rất nhiều điện thoại và máy tính bảng chạy hệ điều hành Android.

Gần đây, Nvidia cũng đã công bố thế hệ tiếp theo là Tegra 3 với CPU 4 nhân đầu tiên dành cho nền tảng di động, cùng với đó là các tính năng mới ưu việt hơn và khả năng hỗ trợ hệ điều hành Window 8 của ông lớn Microsoft.
Hiện nay các thiết bị di động đang phát triển một các mạnh mẽ, ngày càng có nhiều sản phẩm máy tính bảng và smartphone ra mắt thị trường. Có thể nói quyết định tập trung cho mảng này của Nvidia là một bước đi đúng hướng.

Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu gã khổng lồ xanh danh tiếng ở mảng đồ hoạ liệu có thể tạo ra những bất ngờ gì khi bước sang thị trường di động nhiều tiềm năng với CPU di động 4 nhân đầu tiên kết hợp với GPU GeForce được quảng cáo là “có sức mạnh vượt trội”.
Theo Genk