Câu chuyện 'miếng bánh' bản quyền truyền hình ở Anh và Italy

29/12/2011 23:35
Theo VnExpress
LĐBĐ QG không can thiệp vào việc đàm phán bán bản quyền truyền hình bóng đá chuyên nghiệp. Thay vào đó, ban tổ chức giải Ngoại hạng (Anh) và Serie A (Italy) chủ động tìm đối tác và bán trọn gói.

Truyền hình đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử giải Ngoại hạng Anh. Tiền bản quyền truyền hình có vai trò sống còn trong việc tạo nên sự vượt trội cho giải đấu cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Quyết định của ban tổ chức giải Ngoại hạng bán trọn gói bản quyền truyền hình cho BSkyB năm 1992, vào thời điểm đó, bị chỉ trích là cực đoan, nhưng về sau lại được xem là một nước cờ táo bạo và đi trước thời đại. Khi đó, truyền hình trả tiền ở Anh chỉ gói gọn trong khái niệm các CĐV phải bỏ tiền ra để xem bóng đá trực tiếp. Tuy nhiên, sự kiến hợp giữa chiến lược của Sky, chất lượng bóng đá ở giải Ngoại hạng và sự quan tâm từ dư luận tới giải đấu đã khiến giá trị bản quyền truyền hình của giải tăng phi mã.

Ban tổ chức giải Ngoại hạng dựa trên nguyên tắc tập thể khi bán bản quyền truyền hình giải đấu. Đây là cách làm mới mẻ, khác hẳn với nhiều giải vô địch quốc gia khác ở châu Âu thời điểm đó, chẳng hạn như La Liga, nơi mỗi CLB tự đàm phán bản quyền truyền hình một cách riêng rẻ và dẫn tới tình trạng mất công bằng khi một số ít đội bóng lớn, nổi tiếng luôn giành được miếng bánh to hơn.

Tiền bản quyền ở giải Ngoại hạng Anh được chia làm ba phần. 50% được chia đều cho mọi CLB dự giải. 25% được chia theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp căn cứ vào vị trí của từng đội trên bảng xếp hạng vào cuối mùa (đồng nghĩa với việc nhà vô địch sẽ kiếm nhiều gấp 20 lần đội chót bảng). 25% còn lại được dùng cho các chi phí đảm bảo hạ tầng các trận đấu được phát sóng trên truyền hình. Nhưng nguồn thu khác từ việc bản bản quyền truyền hình ra nước ngoài thì được phân chia bình đẳng cho cả 20 đội dự giải.

Nhờ độc lập trong việc đàm phán và làm việc trên nguyên tắc tập thể, các CLB ngoại hạng Anh được hưởng lợi lớn từ miếng bánh truyền hình.
Nhờ độc lập trong việc đàm phán và làm việc trên nguyên tắc tập thể, các CLB ngoại hạng Anh được hưởng lợi lớn từ miếng bánh truyền hình.

Vào thời điểm 1992, hợp đồng với BSkyB đem lại cho giải Ngoại hạng 304 triệu bảng trong năm mùa giải. Sang hợp đồng tiếp theo, có hiệu lực từ mùa 1997-1998, con số này tăng lên thành 670 triệu bảng cho bốn năm. Khi hai bên ký bản hợp đồng thứ ba có thời hạn ba năm (2001-2004), số tiền mà giải Ngoại hạng thu được đã vượt mốc 1 tỷ bảng (1.024 tỷ). Trong giai đoạn 2004-2007, Ngoại hạng Anh còn kiếm thêm 320 triệu bảng từ việc bản bàn quyền truyền hình quốc tế, theo từng khu vực.

Tới tháng 6/2006, số tiền mà ban tổ chức giải Ngoại hạng kiếm được từ bản quyền còn lớn hơn nữa khi Ủy ban châu Âu (EC) vào cuộc với phán quyết không chấp nhận sự độc quyền của Sky, buộc hãng này phải chia sẻ bản quyền với Setanta Sport, để đối tác được phát sóng trên lãnh thổ Vương quốc Anh hai trong sáu gói bản quyền các trận đấu tại Ngoại hạng Anh. Tổng cộng, BSkyBSetanta phải trả cho ban tổ chức giải Ngoại hạng 1,7 tỷ bảng. Ngoài ra, BBC cũng phải trả 171,6 triệu cho ba năm phát các chương trình highlight (điểm nhấn của vòng đấu). Sky và BT thì đồng ý trả thêm 84,3 triệu bảng để phát chậm 242 trận (cả trên truyền hình lẫn internet)

Cộng mọi nguồn thu từ truyền hình, số tiền mà giải Ngoại hạng Anh thu về lên tới 2,7 tỷ bảng trong giai giai đoạn 2007-2010, đem lại cho các CLB dự giải mỗi năm khoảng 40 triệu bảng. Nguồn thu này không thay đổi, ngay cả khi Setanta gặp khó khăn về tài chính và không thể thanh toán đúng hạn 30 triệu bảng hồi tháng 6/2009, bởi ESPN được chọn làm đối tác thay thế.

Ở Serie A, bản quyền truyền hình của giải đấu cũng do các CLB và ban tổ chức tự quyết định chọn đối tác bán, chứ không thông qua Liên đoàn bóng đá quốc gia, ở đây là LBĐB Italy (FIGC). Trước kia, cũng như La Liga, các CLB dự Serie A tự thỏa thuận và bán bản quyền truyền hình cho ba đối tác gồm truyền hình vệ tinh SKY Italia cùng hai hãng truyền hình mặt đất là Mediaset Premium và Dahlia TV (hai hãng này phát trên hệ thống truyền hình trả tiền của họ). Ngoài ra, RAI được quyền phát sóng các chương trình highlight (điểm nhấn của vòng đấu).

Nhưng trong các mùa 2010-2011 và 2011-2012, các CLB dự Serie A đã chuyển sang đàm phán bán bản quyền truyền hình trọn gói của cả giải đấu. SKY Italia đã thắng gói thầu này với việc bỏ ra 1,149 tỷ euro để đổi lấy quyền phát sóng độc quyền giải đấu trong hai mùa.

Tương tự giải Ngoại hạng, các đội dự Serie A cũng thống nhất chia khoản tiền thu được từ bản quyền truyền hình thành ba phần: 40% chia đều cho các đội dự giải, 30% chia theo thành tích các đội và 30% chia theo lượng CĐV mỗi đội. Nhưng mỗi đội sẽ phải trích 10% từ nguồn thu này cho chính phủ Italy để hỗ trợ thể thao quần chúng.

Khoản 30% dành để chia theo thành tích của các đội bóng sẽ được tính theo phương thức: 5% trong số này được chia theo thành tích của đội trong mùa giải trước đó (đội vô địch có 20 điểm và lần lượt đội cuối bảng 1 điểm), 15% chia theo thành tích đội trong 5 mùa giải trước đó và 10% dựa trên bề dày truyền thống của đội (số lần vô địch).

Theo VnExpress